Hiện thực hoá sứ vụ truyền giáo

0
3529

Robert P. Maloney, C.M.

Tu hội Truyền giáo là danh xưng của chúng ta. Thánh Vinh Sơn nói rằng cách sử dụng phổ biến này phản ánh sự Quan Phòng của Thiên Chúa trên chúng ta.[1] Danh xưng ấy làm cho ơn gọi của chúng ta được rõ ràng: chúng ta là những nhà truyền giáo.

Điều quan trọng cần lưu ý từ đầu rằng danh xưng của chúng ta không phải là “Tu hội của các cuộc đại phúc.” Nói cách khác “truyền giáo” không được đồng nhất hóa với “các cuộc đại phúc”. Trong khi Thánh Vinh luôn nhấn mạnh vai trò của các cuộc đại phúc,[2] thì cũng nói rõ rằng “truyền giáo” có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau.[3]

Về cơ bản thánh Vinh Sơn xác tín rằng ơn gọi sâu xa nhất của Tu hội là để tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu. Đối với thánh Vinh Sơn, Chúa Kitô – Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo – là nền tảng cho việc chúng ta là ai, chúng ta làm gì và làm như thế nào. Câu Lời Chúa được thánh Vinh Sơn lặp đi lặp lại trên môi miệng ngài là “Ngài sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”:[4]

“Vì cùng đích của sứ mạng đó mà Thiên Chúa đã trở nên người phàm, chúng ta không phải là người hạnh phúc nhất khi được tham dự vào sứ mạng đó sao? Và nếu một nhà truyền giáo được hỏi đó không phải là một vinh dự lớn lao cho ngài khi có thể nói với Chúa rằng: “Ngài đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo’. Này con đây ở trên trần gian này để dạy giáo lý, hướng dẫn, giải tội và giúp đỡ người nghèo”.[5]

Ở một nơi khác, Thánh Vinh Sơn nói với Tu hội: “Hạnh phúc thay cho những ai vào lúc lâm chung có thể nói những lời tốt đẹp này của Chúa chúng ta ‘Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo’![6]

Gần đây, tôi đã viết một bài dài về đề tài Để Trở Thành Một Nhà Truyền Giáo Cho Ngày Hôm Nay.”[7] Trong bài viết này, tôi muốn tập trung vào chính sứ vụ truyền giáo ngày nay. Tôi sẽ tiếp tục nói đến ba điểm: 1) đặc tính của sứ vụ truyền giáo, 2) một số cách thức hiện thực hóa sứ vụ truyền giáo ngày này, 3) một số hệ quả trong cuộc đời của nhà truyền giáo.

I. Những đặc tính của Sứ vụ truyền giáo

Tôi xin đưa ra ở đây bốn đặc tính, mặc dầu tôi rất ý thức rằng có nhiều đặc tính khác. Tôi chọn bốn đặc tính này không những chỉ vì chúng có nền tảng về phương diện lịch sử, mà theo tôi chúng dường như còn có tính cách khẩn cấp đặc biệt trong bối cảnh của chúng ta ngày hôm nay.

1. Lưu động

Hầu như không đâu rõ ràng hơn trong Tân Ước. Đức Giê-su đến từ Chúa Cha và trở về với Chúa Cha,[8] là nguồn mạch của mọi sứ vụ truyền giáo. Ngài dấn thân trong một sứ vụ lưu động. Ngài ban cho các môn đệ lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”[9] Truyền giáo là một phần căn tính của Đức Giêsu và là căn tính của Giáo Hội.

Thánh Vinh Sơn đã nói rất hùng hồn về sự cần thiết của việc truyền giáo di động: “Hãy tưởng tượng như Người đang nói với chúng ta: ‘Hãy lên đường, hỡi các nhà truyền giáo, hãy lên đường. Sao các cha còn ở đây? Hãy nhìn những linh hồn đáng thương đang mong đợi các cha, có lẽ phần rỗi của họ tùy thuộc vào lời rao giảng và việc dạy giáo lý của các cha’!”[10] Ngài nêu lên trước toàn Tu hội tấm gương các nhà truyền giáo vĩ đại của các hội dòng khác đã đi sang Ấn Độ, Nhật Bản, Canada “để hoàn tất công việc mà Đức Giê-su Ki-tô đã khởi sự trên thế gian và không bao giờ bỏ cuộc kể từ lúc được kêu gọi.”[11]

Dĩ nhiên, thánh Vinh Sơn ý thức được rằng có một số điều sẽ kìm hãm các nhà truyền giáo, đặc biệt là ước muốn có của cải vật chất, niềm vui, danh dự.[12] Vì lý do đó, Ngài đã xem các lời khấn như là một sức mạnh giải phóng cuộc đời của nhà truyền giáo. Những ai hiến dâng cả cuộc đời để phục vụ người nghèo trong khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục thì đều thực sự tự do! Họ hoàn toàn lưu động!

“Những ai không dính bén với của cải thế gian, không khao khát khoái lạckhông mong muốn làm theo ý riêng thì đều trở nên cái của Thiên Chúa. Họ tận hưởng tự do hoàn toàn. Vì chỉ trong tình yêu của Thiên Chúa, người ta mới tìm thấy tự do đích thực. Họ là những người được giải phóng, thưa anh em, họ là những người không biết đến lề luật, họ rảo bước nhẹ nhàng, họ bước đi bên trái và bên phải, họ vẫn rảo bước nhanh hơn. Không ai có thể giữ họ lại. Họ không bao giờ làm nô lệ cho ma quỷ hay cho các đam mê của chính họ. Ôi, sự tự do của con cái Chúa thật hạnh phúc biết bao![13]

2. Toàn cầu

Như thần học gia Karl Rahner đã thường chỉ ra, chỉ trong thế kỷ 20, Giáo Hội Công Giáo mới thực sự trở thành một Giáo hội mang tầm thế giới.[14] Sống ở Roma, tôi cảm nhận điều này một cách độc đáo, bởi vì chúng tôi có được sự liên lạc nhanh chóng với hầu hết các tỉnh dòng trên khắp thế giới. Người ta thấy sự khác biệt ấn tượng và “những khuôn mặt” khác nhau trong Tu hội quốc tế này; ví dụ: số lượng ơn gọi linh mục giảm dần ở Tây Âu và Hoa Kỳ; số lượng ơn gọi ngày càng tăng ở Đông Âu, Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Đồng thời, với việc mở ra những vùng truyền giáo mới ở những vùng sâu vùng xa như Tanzania, Quần đảo Salomon, Albania, cao nguyên Bolivia, Mozambique, Trung Hoa, Khariv thuộc Ukraine và Siberia, Tu hội của chúng ta đang dần trở nên quốc tế hoá.

Trong thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, người ta nhấn mạnh đáng kể đến căn tính, quản trị và các quy tắc của tỉnh dòng. Ngày nay, ý thức về bản chất truyền giáo toàn cầu của chúng ta đang hồi sinh. Đây là cách thức thánh Vinh Sơn đã hình dung ra Tu hội. Trong một thời đại mà việc đi lại là rất khó khăn và hầu hết mọi người đều chết trong vòng một vài dặm từ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ngài đã gửi các nhà truyền giáo đến Ba Lan, Ý, Algeria, Madagascar, Ai-len, Scotland, Hebrides, và Orkneys. Bản thân ngài khi về già cũng khao khát được lên đường đến Ấn Độ.[15]

3. Loan báo Tin Mừng

Cốt lõi việc truyền giáo của chúng ta là loan báo Tin Mừng, mà truyền thống trong Giáo Hội Công Giáo, nó luôn là ý niệm rộng lớn, bao quát.[16]  Như Đức Phaolô VI đã chỉ ra: “Việc phúc âm hóa là  là một tiến trình phức hợp được cấu tạo nên bởi nhiều yếu tố khác nhau, đó là việc canh tân nhân loại, làm chứng tá, rao giảng rõ ràng, khăng khít trong lòng, gia nhập cộng đồng, đón nhận những dấu chỉ, sáng kiến tông đồ. Những yếu tố này có có thể mâu thuẫn nhau, đúng hơn là loại trừ nhau. Thật ra, chúng bổ túc lẫn nhau và làm cho nhau nên phong phú. Mỗi một yếu tố phải luôn luôn được thấy ở trong mối liên hệ với nhau.[17]

Thánh Vinh Sơn nói với chúng ta rằng phải làm trước và sau đó mới dạy. Rao giảng Tin Mừng bao gồm “cả lời nói và việc làm.” Do đó, hết lần này đến lần khác, ngài mời gọi các nhà truyền giáo và các Nữ tử Bác ái phục vụ người nghèo “cả về tinh thần lẫn thể xác.” Khi nói chuyện với các thành viên của Tu hội, ngài đã nhắc nhở chúng ta:[18]

Nếu có ai trong chúng ta nghĩ rằng mình ở trong Tu hội Truyền giáo để chỉ loan báo Tin Mừng cho người nghèo chứ không phải để nâng đỡ họ; để chỉ lo những nhu cầu thiêng liêng của họ chứ không phải những nhu cầu thể xác, thì tôi xin trả lời rằng: chúng ta phải trợ giúp họ bằng mọi cách bởi chúng ta hoặc bởi người khác… Làm như thế tức là rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và việc làm.

Theo cách thức ấy, nhưng từ một chỉ dẫn khác, thánh Vinh Sơn đã nói đi nói lại với các Nữ tử Bác ái rằng công việc của họ phải được đi kèm với những lời đức tin.[19]

Làm trước, nói sau. Đó là quy tắc của thánh Vinh Sơn để rao giảng Tin Mừng “hiệu quả”. Nói cách khác, thánh Vinh Sơn coi việc thăng tiến con người và rao giảng Tin Mừng bổ sung cho nhau và là một phần không thể thiếu trong tiến trình truyền giáo.

Dưới ánh sáng lời giảng dạy của thánh Vinh Sơn, công việc truyền giáo của chúng ta sẽ hoàn toàn sống động khi chúng ta loan báo Tin Mừng:

a) bằng ngôn ngữ của hành động:[20] được thực hiện thông qua các việc công bằng và thương xót như là dấu chỉ của Nước Trời đang ngự trị sống động giữa chúng ta: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tìm kiếm căn nguyên sự nghèo đói của họ và phương thế giảm trừ sự nghèo đói ấy.

b) bằng ngôn ngữ của lời nói: rao truyền với xác tín sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa, tình thương của Ngài, ơn ban tha thứ của Ngài dành cho mọi người.

c) bằng ngôn ngữ của những mối tương quan: hiện diện với người nghèo, làm việc với họ, kiến tạo một cộng đoàn biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người.

4. Tham gia vào việc tổ chức và huấn luyện người khác phục vụ người nghèo

Thánh Vinh Sơn đã rất kiên quyết trong việc này. Các nhà truyền giáo phải thành lập Hội Bác Ái ở bất cứ nơi nào họ đi qua.[21] Ít có vị thánh nào cụ thể như thánh Vinh Sơn Phaolô. Ngài nhận thấy để việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo được hữu hiệu, đòi hỏi phải có tổ chức. Để đạt được mục tiêu này, thánh Vinh Sơn đã thành lập hai Tu hội và tổ chức nhiều nhóm giáo dân.

Ngài đã đưa các kỹ năng tổ chức vào việc đào tạo hàng giáo sĩ, điều được thánh Vinh Sơn đôi khi xem như là “tương đương”[22] hoặc “gần tương đương”[23] với sứ vụ truyền giáo. Ngài thấy rằng người nghèo chỉ có thể được phục vụ tốt khi có những linh mục tốt lành coi sóc họ, và cuối cùng, ngoài việc thành lập 20 chủng viện, ngài còn tổ chức những cuộc tĩnh tâm cho các tiến chức và các linh mục cũng như những buổi Hội Thảo Ngày Thứ Ba.

Không dừng lại ở đó, ngài còn đưa tất cả mọi nguồn lực mà Ngài có thể tìm thấy vào việc phục vụ người nghèo: Giáo sĩ và giáo dân, giới trẻ và người già, nam cũng như nữ, người giàu và người nghèo. Những hạt giống của thiên tài tổ chức của ngài tiếp tục nảy nở sau khi ngài qua đời.

Một nghiên cứu gần đây[24] chỉ ra rằng: trên 165 nhóm chia sẻ đặc sủng Vinh Sơn. Hiện tại có 250,000 thành viên của AIC (Các Bà Bác Ái), 900,000 thành viên các chi hội thánh Vinh Sơn Phaolô, 200,000 thành viên nhóm Giới Trẻ Con Đức Mẹ Vinh Sơn, với 46,000 riêng ở Tây Ban Nha và 7,000 ở Mexico.

II. Hiện thực hóa sứ vụ truyền giáo ngày nay

Sứ mạng của bất kỳ nhóm nào đều phải được “hiện tại hóa” vào mỗi thời kỳ;[25] nếu không, nhóm sẽ giữ trạng thái tĩnh, cuối cùng suy yếu và tan rã.[26]

Việc thay đổi hoàn cảnh xã hội khiến Giáo hội cần phải điều chỉnh nhãn quan truyền giáo và thực hành liên tục. Các Giáo Hoàng gần đây, đặc biệt là Đức Phaolô VI trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) và Đức Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc (Redeemoris Missio), đã nhắc nhở chúng ta về những thách đố mới đối với những ai tham gia vào sứ vụ truyền giáo. Các ngài nói về:

    • “Các areopagi mới”;[27] nghĩa là các lĩnh vực mới trong đó Tin Mừng phải được công bố – chẳng hạn như thế giới truyền thông, khoa học và các mối tương quan quốc tế – nhất là khi Giáo hội tìm cách thúc đẩy hòa bình, thăng tiến con người và giải phóng các dân tộc.[28]
    • Các phương tiện truyền thông mới trợ giúp các nhà truyền giáo trong việc dạy giáo lý, rao giảng và giáo hoá, nhưng chúng cũng là một phần của “văn hóa thông tin” mới mà tự nó cũng rất cần được Phúc Âm hoá.[29]
    • Các hình thức nghèo đói mới, không giống các hình thức nghèo khổ ở các thời kỳ khác, đang thách đố các nhà truyền giáo khi họ cố gắng thực hiện sự chọn lựa ưu tiên của Giáo hội dành cho người nghèo.[30]
    • Một cuộc Tân Phúc Âm hóa: mới trong sự nhiệt thành, trong các phương pháp và trong cách diễn đạt.[31]

Chính thánh Vinh Sơn đưa ra cho chúng ta chìa khóa để hiện thực hóa sứ mệnh của chính chúng ta. Thực ra, ngài đã lặp đi lặp lại nhiều lần: Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.[32] Hiến pháp của chúng ta nêu lên cùng một nguyên tắc nền tảng, trong một cách thế hoàn toàn rõ ràng: “Mục đích của Tu hội Truyền giáo là bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.”[33] Bất cứ điều gì chúng ta làm phải được làm trong ánh sáng này. Mọi công tác hiện thực hóa, trực tiếp hoặc gián tiếp đều phải biểu lộ nguyên tắc nền tảng đó.

Điều 12 trong Hiến pháp của chúng ta, “Những đường hướng hành động của Tổng Đại hội năm 1986 và tài liệu “Các Giám tỉnh trong việc theo đuổi sứ vụ” (số 16), đã đề xuất với chúng ta một phương pháp mục vụ rất khắt khe khi chúng ta rao giảng Tin Mừng cho người nghèo:

    • làm việc trong thế giới của người nghèo, chứ không chỉ với những cá nhân riêng rẽ (Những đường hướng hành động, 4 và 11);
    • làm việc ở cấp độ cơ cấu, chứ không chỉ trong việc ứng phó với các tình huống cụ thể (Những đường hướng hành động, 6 và 11);
    • làm việc để đương đầu với sự bất công, chứ không chỉ để đáp ứng nhu cầu cá nhân của người nghèo (Những đường hướng hành động, 4 và 11);
    • làm việc với các nhóm (cộng đồng nhỏ), để người nghèo là chủ thể, chứ không chỉ là một đối tượng của việc truyền giáo.[34]

Hãy cho phép tôi suy tư ngắn gọn về một số cách thức chính để hiện thực hóa sứ vụ ngày nay.

1. Tổ chức các cuộc đại phúc

Như đã chỉ ra ở trên, ngay cả khi cần phải tránh những lầm lẫn về căn tính “truyền giáo” với “các cuộc đại phúc”, thánh Vinh Sơn vẫn coi công tác đại phúc như là nhiệm vụ chính yếu và quan trọng nhất trong các sứ vụ của chúng ta đối với dân chúng.[35] Ngày nay, ở một số quốc gia, các cuộc đại phúc có ít sức hấp dẫn hơn và dường như ít hiệu quả hơn so với những thời trước. Tuy nhiên ở nhiều nơi trên thế giới, chúng vẫn là công cụ truyền giáo hiệu quả. Do đó, điều quan trọng là công việc này phải được canh tân trong Tu hội. Đã có một số nỗ lực rất sáng tạo về vấn đề này trong Tu hội.[36] Những kỳ đại phúc đã được đổi mới này có một số đặc điểm khác biệt:

a) thời gian chuẩn bị đáng kể (tiền đại phúc),

b) tổ chức và đào tạo một nhóm đại phúc, thường có sự tham gia của nhiều linh mục, phó tế, nữ tu, tu huynh và giáo dân nam nữ.

c) có một khoảng thời gian kéo dài trong khu vực làm đại phúc (thời gian thay đổi)

d) dạy giáo lý và suy niệm Lời Chúa trong các nhóm nhỏ

e) có sự tham gia của hàng giáo sĩ địa phương và giáo dân trong cuộc đại phúc

f) tổ chức các công việc bác ái trong khu vực đại phúc

g) củng cố (hậu đại phúc).

2. Đào tạo hàng giáo sĩ

Thánh Vinh Sơn đã nhận thấy rõ ràng đây là một phần sứ vụ truyền giáo của chúng ta. Ngài nói với các an em vào ngày 6 tháng 12 năm 1658: Ngay từ đầu, Tu hội chỉ bận rộn với chính mình và người nghèo, nhưng vào thời điểm thích hợp, Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta góp phần vào việc đào tạo các linh mục tốt lành …”[37]

Trong những năm gần đây, với hoàn cảnh thay đổi và số lượng ơn gọi giảm dần ở Tây Âu và Hoa Kỳ, công việc đại phúc đã bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khả thể gắn liền với nó như:

a) trợ giúp các chủng viện giáo phận ở nước mình,

b) thành lập các đội ngũ “quốc gia” cung cấp nhân sự cho các chủng viện giáo phận tại các quốc gia khác,

c) thành lập các đội ngũ “quốc tế” cung cấp nhân sự cho các chủng viện giáo phận tại các quốc gia khác,

d) cung cấp các linh hướng và các giáo sư cho các chủng viện hoặc các giáo phận,

e) tĩnh tâm cho chủng sinh và các linh mục,

f) đưa ra các chương trình thường huấn cho các linh mục,

g) bày tỏ lòng hiếu khách.

3. Dấn thân vào sứ vụ truyền giáo nước ngoài

Có vài đề tài được thánh Vinh Sơn đề cập đến một cách hùng hồn hơn. Ngài nói với các thành viên của Tu hội Truyền giáo: Chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho Tu hội tinh thần này, quả tim này, một quả tim khiến chúng ta ra đi khắp nơi, quả tim của Con Thiên Chúa, quả tim của Chúa chúng ta, quả tim của Chúa chúng ta, quả tim của Chúa chúng ta...[38]

Ngày nay, trong Tu hội, nhiều tỉnh dòng đã đảm nhận một vùng truyền giáo nước ngoài hoặc chia sẻ trách nhiệm đó với các tỉnh dòng khác.[39] Cũng có sự hồi sinh quan tâm đến sứ vụ truyền giáo nước ngoài, với nhiều thành viên tình nguyện tham gia các vùng truyền giáo quốc tế mới.

Một trong những thách đố lớn ở các vùng truyền giáo Ad Gentes ngày nay là sự hội nhập văn hoá. Đó là chủ đề mà Tu hội Nữ tử Bác ái đã chọn cho Tổng Đại hội của họ. Các nhà truyền giáo phải tìm cách thúc đẩy việc hội nhập văn hoá vào Tin Mừng cách trọn vẹn hơn, để Kitô giáo và các nền văn hóa địa phương tương tác với nhau ở mức độ sâu sắc hơn, vừa làm phong phú vừa thanh tẩy lẫn nhau. Điều này đòi hỏi nhà truyền giáo khả năng lắng nghe và đối thoại khi trong ngài cố gắng biện phân các giá trị tiềm ẩn trong các nền văn hóa khác nhau, cũng như những khuynh hướng văn hóa chống lại việc thăng tiến con người toàn diện.

Hội nhập văn hoá cũng sẽ tạo nên những vấn đề quan trọng trong các chương trình đào tạo riêng của chúng ta. Trong các vùng truyền giáo quốc tế mà chúng ta đảm nhận, thường có đông đảo ơn gọi, những người chịu trách nhiệm đào luyện phải biết cách cụ thể hoá nhân đức đơn sơ, khiêm nhường, dịu hiền, hãm mình và nhiệt thành trong các nền văn hoá địa phương, đang khi đối thoại với các Kitô hữu trưởng thành thuộc nền văn hoá đó. Các chương trình đào luyện cũng phải đạt tới sự am hiểu về các phương thế mà nhờ đó chúng ta có thể bày tỏ và sống các lời khấn của mình trong các nền văn hoá địa phương.

4. Trợ giúp các Nữ tử Bác ái

Thánh Vinh Sơn đã rất xác tín đây là một phần sứ vụ của chúng ta: “Phải chăng Con Thiên Chúa đã không đến để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, để cắt đặt các linh mục..? Phải chăng Người đã không ưng thuận cho người nữ cộng tác vào công việc của Người? Phải chăng Người đã không hướng họ đến sự trọn lành và trợ giúp người nghèo? Vậy thì, nếu Chúa chúng ta đã làm mọi sự để dạy dỗ chúng ta thì tại sao chúng ta lại không được nghĩ rằng bắt chước Người là điều đúng đắn?”

Tu hội thực hiện tác vụ này cách đặc biệt qua việc gửi đến cho các Nữ tử Bác ái những vị linh hướng và Đại diện tỉnh tốt lành.[40] Chúng ta cũng thường được mời gọi giảng tĩnh tâm cho họ. Sự trợ giúp chúng ta dành cho các Nữ tử Bác ái sẽ đem lại nhiều hoa trái lớn lao bởi lẽ các Nữ tử Bác ái là một lực lượng hùng hậu trong việc phục vụ những người bị bỏ rơi nhất. Được xem là gián tiếp phục vụ người nghèo, việc trợ giúp đào luyện các Nữ tử Bác ái (cũng như các nhóm khác đang phục vụ những người bị bỏ rơi nhất) có thể là một phương thế hữu hiệu để gia tăng và làm giàu nghị lực cho những ai đang trực tiếp đáp ứng các nhu cầu tâm linh và thể lý của người nghèo.

5. Tổ chức các nhóm, đặc biệt là giới trẻ, để phục vụ người nghèo

Như đã nói ở trên, thánh Vinh Sơn có những kỹ năng tổ chức tuyệt vời. Tôi đề nghị Tu hội học cách tổ chức giống như ngài.

Ngày nay, tác vụ dành cho người trẻ vô cùng quan trọng. Người trẻ là tương lai của Giáo Hội. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng người trẻ tìm kiếm:[41]

    • những mục tiêu tôn giáo rõ ràng
    • đời sống chung và sự liên đới mạnh mẽ
    • việc phục vụ mang tính phổ quát và minh bạch dành cho những người nghèo khổ nhất.

Tôi muốn khích lệ các thành viên Tu hội Truyền giáo trên khắp thế giới quy tụ người trẻ lại để chia sẻ sứ vụ truyền giáo Vinh Sơn của chúng ta trong việc phục vụ người nghèo. Việc này có thể mang hình thức của các nhóm Giới trẻ Con Đức Mẹ hoặc các nhóm nào khác tuỳ theo văn hoá địa phương và tiềm năng có sẵn. Tuy nhiên, tôi đề nghị tất cả anh em biến điều này thành một trong những hoạt động nhằm hiện tại hoá sứ vụ truyền giáo hiện nay của chúng ta. Cũng như “các tổ chức bác ái” đã lan rộng khắp nước Pháp vào thời thánh Vinh Sơn, chúng ta hãy làm cho các nhóm Giới trẻ Vinh Sơn, dù dưới hình thức nào, phát triển ở bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của các thành viên Tu hội Truyền giáo và Nữ tử Bác ái.

Cũng vậy, chúng ta phải nằm trong số những người tiên phong trong việc thiết lập các hội đoàn địa phương của Hiệp Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô và Hiệp Hội Bác Ái Quốc Tế ở những nơi chúng ta hiện diện, và trợ giúp họ trong việc đào luyện cũng như đồng hành thiêng liêng.

6. Thành lập các cộng đoàn Kitô hữu cơ bản giữa những người nghèo

Thánh Vinh Sơn đã nhận thức được tầm quan trọng của các cộng đoàn đức tin. Đối với các nhóm khác nhau được ngài thành lập, ngài đều cẩn thận đưa ra cho một quy luật, một lối sống định hướng cho các công việc của họ.

Ngày nay, các cộng đoàn cơ bản giữ vị trí đặc biệt trong hoạt động loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, như đã được minh chứng từ thời điểm Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng,[42] và thậm chí trước đó.[43] Họ vừa là những người được loan báo Tin Mừng vừa là những người loan báo Tin Mừng. Các cộng đoàn như thế là địa điểm chính để lắng nghe và suy ngẫm Lời Chúa cũng như để thiết lập các phương tiện bác ái thiết thực. Những phương tiện này sẽ hữu ích khi đương đầu với các nhu cầu của người nghèo.

7. Các giáo xứ truyền giáo – một vài vấn nạn

Tôi tin rằng độc giả sẽ tha thứ cho tôi vì đã đề cập đến những vấn nạn nổi bật trong một công tác mà rất nhiều anh em đang dấn thân vào.

Tôi không nghi ngờ là trong Tu hội, có những giáo xứ thực sự là truyền giáo. Những giáo xứ này đúng là một sự hiện thực hoá của “cuộc đại phúc”. Tuy nhiên, Quy chế số 10 đặt ra nhiều điều kiện để thẩm định xem một giáo xứ có thực sự được kể vào số những hoạt động tông đồ của chúng ta hay không: a) công việc tông đồ được các thành viên thực hiện tại đó phù hợp với mục đích và bản chất của Tu hội, b) số lượng mục tử ít ỏi trong vùng đòi hỏi điều đó, c) các giáo xứ này bao gồm phần lớn những người nghèo thực sự, d) các giáo xứ này được gắn kết với những chủng viện là nơi mà các thành viên làm công tác đào tạo mục vụ.

Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ đã đưa ra quan sát sau: “Việc đưa các thành viên của các dòng tu vào các vị trí thuộc giáo phận hoặc địa phương ngày càng lan rộng, đến mức các dấn thân đó được ưu tiên hơn các dấn thân trong đời sống của hội dòng của họ. Đó là một hiện tượng đang gia tăng ở Mỹ. Xu hướng được xem như là đồng hoá này có một tác động sâu sắc lên hầu hết các dòng tu… Điều này có thể dẫn đến sự thoả hiệp trong vai trò ngôn sứ của các thành viên sống đời sống tu trì.”[44]

Hiện tượng này không chỉ giới hạn trong nước Mỹ. Số liệu thống kê gần đây nhất của chúng ta cho thấy rằng có 1074 thành viên đang dấn thân vào tác vụ giáo xứ, chiếm một tỉ lệ phầm trăm rất cao (31%) trong tổng số các thành viên của chúng ta. So với con số đó, số lượng thành viên Vinh Sơn tham gia vào các công tác nền tảng của Tu hội như đại phúc và chủng viện chỉ chiếm phần nhỏ.

Điều này dẫn tôi tới một thắc mắc: Việc Tu hội Truyền giáo dấn thân quá nhiều vào tác vụ giáo xứ như thế có chính đáng không? Và số lượng đáng kể các giáo xứ của chúng ta có thực sự đạt được tiêu chuẩn mà Quy chế số 10 đã đề ra hay không?

Tôi đề nghị những đặc tính sau như là một cơ sở để đánh giá xem một giáo xứ có thực sự mang tính “truyền giáo” và “Vinh Sơn” hay không:

    1. Giáo xứ đó thực sự ở giữa những người nghèo
    2. Hàng giáo sĩ giáo phận thiếu nhân sự coi sóc giáo xứ đó
    3. Dấn thân của chúng ta có hạn định (lý tưởng là một hợp đồng rõ ràng)
    4. Chúng ta có mục tiêu truyền giáo rõ ràng trong khung thời gian đó
    5. Có sự chuẩn bị cho việc chăm sóc mục vụ lâu dài trong tương lai, nhất là qua việc huấn luyện các người lãnh đạo trong các tác vụ khác nhau
    6. Các công trình bác ái thiết thực hoạt động trong giáo xứ nhắm đến phục vụ người nghèo.
    7. Thành lập các nhóm giáo dân Vinh Sơn (Giới trẻ Con Đức Mẹ, Hiệp Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô, Hiệp Hội Bác Ái Quốc Tế, Hiệp Hội Ảnh Phép Lạ…)
    8. Hướng dẫn một cách có hệ thống về giáo huấn xã hội của Giáo Hội
    9. “Phong cách” thi hành tác vụ đơn sơ và khiếm tốn
    10. Đó là một giáo xứ truyền giáo, với sự nhấn mạnh vào Lời Chúa.

III. Những gợi ý cho nhà truyền giáo

Thánh Vinh Sơn nói rằng sứ vụ của chúng ta giống với sứ vụ của Đức Giêsu. Chính Người đã mô tả về mình như “Đấng loan báo Tin Mừng cho người nghèo”[45]. Điều này bao hàm một linh đạo toàn diện mà trong đó, người rao giảng là kẻ được rao giảng trước hết.[46] Trong phần giới thiệu Luật Chung, ngài đã nói: “Suy nghĩ của tôi đó là: những ai được kêu gọi tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô, mà chủ yếu là đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, đều phải xem xét theo quan điểm của Người, và muốn những gì Người đã muốn. Họ phải thấm nhuần tinh thần của Người, và bước theo chân Người.[47] Nói cách khác, ngài muốn chúng ta có tâm tình và tinh thần của Đức Kitô.

Trong một lá thư, thánh Vinh Sơn viết rằng tâm tình và tinh thần của Đức Giêsu được hiểu theo hai hướng: “tình yêu Người dành cho Chúa Cha và tình thương Người dành cho kẻ khác”.[48] Gần đây, tôi rất ấn tượng khi đọc một nghiên cứu Kitô học đương đại. Tác giả nói rằng: “Chúng ta đã thấy mối tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha là trung tâm hiện hữu của Người. Không gì sánh được với lòng trung thành của Người. Điều có thể so bì gần nhất với tình yêu Người dành cho Thiên Chúa là mối bận tâm cứu giúp loài người, nhất là những ai đang đau khổ”.[49] Đây đúng là sự thấu hiểu của thánh Vinh Sơn về Tin Mừng. Tôi đề nghị những điều sau phải là định hướng trong cuộc đời nhà truyền giáo.

1. Tình con thảo với Thiên Chúa

Thánh Vinh Sơn đã nhắc đi nhắc lại với các thành viên Vinh Sơn cũng như với các Nữ tử Bác ái rằng: “Chúng ta hãy trao hiến bản thân cho Thiên Chúa”.[50] Ngài tin tưởng sâu sắc vào Thiên Chúa tình yêu, ngài đặt để bản thân và các công trình của mình trong tay Người. Cuốn nhật ký của Jean Gicquel kể lại việc thánh Vinh Sơn đã nhắn nhủ các cha Alméras, Berthe, and Gicquel như thế nào, vào ngày 07/07/1660, chỉ vài tháng trước khi ngài qua đời: “Hãy tiêu hao vì Chúa, đừng giữ của cải hay quyền lực nếu không phải vì mục đich phụng sự Thiên Chúa. Đó là những gì Đấng Cứu Độ chúng ta đã làm, Người đã bị tiêu hao vì tình yêu Chúa Cha”.[51]

Thánh Vinh Sơn muốn tình yêu Chúa phải là toàn diện. Ngài viết cho Pierre Escart: “Tôi rất mong chúng ta có thể lột bỏ khỏi bản thân mọi tình cảm dành cho những gì không phải là Chúa. Hãy gắn với những gì chỉ thuộc về Chúa và tuỳ theo Chúa, và mong sao chúng ta có thể tìm kiếm và thiết lập Vương quốc của người trước hết nơi chúng ta, rồi sau đó nơi người khác. Đó là những gì tôi xin cha khẩn nài Thiên Chúa cho tôi…”[52]

Tình con thảo với Thiên Chúa của nhà truyền giáo được biểu lộ đặc biệt trong hai cách thức sau:

a) Sùng kính sự quan phòng

Theo thánh Vinh Sơn, Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, chẳng khác gì người cha và người mẹ.[53] Người không ngừng thể hiện sự quan phòng nơi cuộc đời chúng ta. Trong lá thư gửi cho Bernard Codoing, thánh Vinh Sơn đã nhấn mạnh cần phải buông bỏ bản thân để cho Thiên Chúa hành động trong cuộc đời mình: “Sự gì đến sẽ đến. Ân sủng có thời điểm của ân sủng. Chúng ta hãy buông mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa và phải rất cẩn thận để không đi trước Chúa Quan Phòng. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải cố gắng bước theo sự quan phòng của Người trong mọi sự…”[54] Cũng thế, ngài đã viết cho thánh Saint Louise de Marillac: “Ôi lạy Chúa, thưa cô, có những kho báu thật lớn ẩn giấu nơi Đấng Quan Phòng và điều huyền diệu là Chúa chúng ta được tôn vinh bởi những người đi theo chứ không phải bởi những ai tìm cách đi trước Chúa Quan Phòng.”[55]

Trong đời sống nhà truyền giáo, lòng tín thác vào sự quan phòng được biểu lộ trong khả năng nhìn thấy đàng sau những biến cố đặc thù một khung cảnh rộng lớn hơn, với một sự chờ đợi bền bỉ, nhẫn nại. Tuy nhiên, như thánh Vinh Sơn đã chỉ ra,[56] Chúa Quan Phòng cũng được tôn vinh qua việc sử dụng những phương tiện mà Chúa đã đặt ra để hoàn thành mục tiêu của Người. Nếu một nhà truyền giáo cố giải thích lời dạy của thánh Vinh Sơn về sự quan phòng theo nghĩa bị động, thì ngài hãy nhớ lại lời của Đấng Sáng Lập nói với Edme Jolly: “Cha là một trong số ít người biết tôn vinh Quan Phòng của Chúa rất nhiều qua việc chuẩn bị những phương thế chống lại những điều dữ có thể xảy đến. Tôi rất cám ơn cha về điều này và cầu xin Chúa chúng ta tiếp tục soi sáng cho cha mỗi ngày một hơn để ánh sáng ấy được lan toả khắp Tu hội.”[57] Vào năm 1652, Ngài đã nói với Marc Coglée rằng Ngài muốn đi theo châm ngôn “mọi phương thế khả dĩ và phù hợp phải được thực hiện để làm vinh danh Thiên Chúa, như thể Người đã không trợ giúp gì cho chúng ta, miễn là chúng ta trông cậy mọi sự từ Đấng Quan Phòng như thể chúng ta không có một phương thế nhân loại nào”[58]

b) Trung thành cầu nguyện

Thánh Vinh Sơn cũng kêu gọi những ai theo ngài phải không ngừng hiện diện trước Chúa trong kinh nguyện. Đối với ngài, cầu nguyện là nguồn gốc của mọi việc tốt lành mà các nhà truyền giáo thực hiện: “Hãy cho tôi một người cầu nguyện, người đó có thể làm được mọi sự.”[59] Thánh Vinh Sơn nhận thấy rằng ngay tâm điểm của hoạt động sứ vụ, Đức Giêsu luôn kết hợp với Chúa Cha,[60] Đấng là tác giả của mọi việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện.[61] Đức Giêsu không ngừng tìm kiếm thánh ý Chúa Cha.

Dưới ánh sáng đó, thánh Vinh Sơn nói với các Nữ tử Bác ái: “…Trên tất cả, Chúa chúng ta là một con người cầu nguyện.[62] Trong Quy Luật dành cho các nhà truyền giáo, ngài nói: “Tuy chúng ta không thể hoàn toàn bắt chước Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng hằng thức thâu đêm để cầu nguyện ngoài những giờ cầu nguyện ban ngày, nhưng chúng ta sẽ cố gắng làm bao nhiêu có thể với khả năng bé nhỏ của mình.”[63]

Thánh Vinh Sơn hoàn toàn tin chắc vào tầm quan trọng của việc kết hợp giữa chiêm niệm và hành động mà ngài đã khám phá thấy nơi Đức Kitô. Ngài quả quyết với những ai theo ngài rằng sự bền đỗ trong ơn gọi và sức sống lâu dài của các công việc họ làm tuỳ thuộc vào việc cầu nguyện.[64] Vì thế, tinh thần truyền giáo phải bao hàm việc “chiêm niệm trong hành động và tông đồ trong cầu nguyện”, theo như lời Hiến Pháp và gương mẫu của thánh Vinh Sơn.[65] Theo thánh Vinh Sơn, đây là con đường duy nhất mang lại hiệu quả tông đồ: “Hãy trao hiến trọn vẹn bản thân cho việc cầu nguyện, bởi vì nhờ cầu nguyện mà mọi sự tốt lành sẽ đến với chúng ta. Nhờ cầu nguyện mà ta giữ được ơn gọi. Nhờ cầu nguyện mà ta gặt hái được thành công trong việc mình làm. Nhờ cầu nguyện mà ta không bị sa vào tội lỗi. Và nếu chúng ta còn ở lại trong đức ái, nếu chúng ta được cứu chuộc thì tất cả là nhờ Chúa và nhờ cầu nguyện.”[66]

2. Tình yêu dành cho tha nhân

Tình yêu của các nhà truyền giáo phải “vừa cảm tính vừa thiết thực”.[67] Họ phục vụ người nghèo cả về “tinh thần lẫn thể xác”.[68] Nhãn quan của thánh Vinh Sơn về hoạt động rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu rất rộng lớn.[69] Điều này được thể hiện rõ trong các chỉ thị của thánh Vinh Sơn trao cho các nhóm khác nhau được ngài thành lập: Hội Bác Ái, Tu hội Truyền giáo, Tu hội Nữ tử Bác ái. Ngày nay, sự thống nhất giữa rao giảng Tin Mừng và thăng tiến con người, vốn chiếm phần lớn trong linh đạo của thánh Vinh Sơn, là một trong những điểm then chốt trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội.[70]

Tuy nhiên, cách thức yêu mến của các thành viên Vinh Sơn cũng có những đặc tính riêng. Trong việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến người nghèo, các nhà truyền giáo biểu lộ các giáo huấn của thánh Vinh Sơn qua năm nhân đức: đơn sơ, khiêm nhường, dịu hiền, hãm mình và nhiệt thành.[71]

Trong bài nói chuyện ngày 22/08/1659, thánh Vinh Sơn đã quả quyết với các thành viên Tu hội Truyền giáo rằng năm nhân đức này là “cơ năng của linh hồn của toàn thể Tu hội.”[72] Cũng vậy, trong các bài nói chuyện với các Nữ tử Bác ái, ngài đã tập trung vào đức đơn sơ và khiêm nhường, cộng thêm bác ái nữa. Các nhân đức truyền giáo này quá quan trọng đến nỗi phải mất cả một đề tài cho mỗi nhân đức.[73] Ở đây, tôi sẽ chỉ tiếp cận cách ngắn gọn các nhân đức này, như thánh Vinh Sơn đã khám phá chúng nơi Đức Kitô và như ngài đã đề ra cho những ai đang dâng trao đời sống cho Thiên Chúa trong việc phục vụ người nghèo.

a) Đơn sơ

Đức Giêsu, Đấng loan báo Tin Mừng của Chúa Cha, là người hoàn toàn đơn sơ.[74] Người nói sự thật.[75] Người nói về mọi sự như chúng là,[76] mà không che đậy hay giấu giếm điều gì.[77] Người quy gán mọi sự cho một mình Thiên Chúa.[78] Thánh Vinh Sơn rất xác tín về tầm quan trọng của đức đơn sơ, bởi vì ngài tìm thấy nhân đức này nơi Đức Giêsu. Ngài gọi đó là “Tin Mừng của tôi”,[79] “nhân đức tôi ưa thích nhất”.[80] Ngài đặt câu hỏi “Anh em có biết Chúa chúng ta hiện diện ở nơi nào không?, và ngài trả lời “Ở giữa những người đơn sơ.”[81]

Thời nay cũng như thời thánh Vinh Sơn, đơn sơ có nghĩa là nói sự thật. Đó là một phẩm chất vô cùng quan trọng đối với một nhà truyền giáo. Đó cũng là một kỷ luật gay go, nhất là khi lợi ích của chúng ta bị đe doạ hoặc khi sự thật khiến chúng ta phải xấu hổ. Tuy nhiên, sự chân thật và trong suốt ấy vẫn hấp dẫn đối với con người hiện đại, là những người nam nữ mà chúng ta được kêu gọi phục vụ.

Đơn sơ cũng có nhiều ý nghĩa liên hệ. Nó có nghĩa là làm chứng cho sự thật hoặc thẩm quyền riêng khiến cho đời sống của nhà truyền giáo đi đôi với lời họ rao giảng. Nó bao gồm việc tìm kiếm chân lý – thứ chân lý mà ta phải song hành hơn là sở hữu như “chủ nhân”. Cũng như trong thời thánh Vinh Sơn, đơn sơ cũng mang nghĩa là suy nghĩ trong sáng, thực thi chân lý ngang qua các hoạt động công bằng và bác ái, thúc đẩy một lối sống giản dị, và sử dụng ngôn từ đơn giản, nhất là trong lúc giảng dạy.

b) Khiêm nhường

Đức Giêsu, Đấng loan báo Tin Mừng của Chúa Cha, dạy cho chúng ta về đức khiêm nhường[82] “bằng cả lời nói và việc làm”.[83] Khiêm nhường đòi chúng ta phải chân nhận rằng mọi điều thiện hảo đều phát xuất từ Thiên Chúa.[84] Nó bao hàm việc nhận biết sự yếu đuối và lầm lỗi của chúng ta,[85] cùng với sự tin tưởng mạnh mẽ vào Thiên Chúa.[86] Thánh Vinh Sơn thúc giục các nhà truyền giáo chiêm ngắm “mẫu gương khiêm nhường đáng phục của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”[87] Ngài lấy làm kinh ngạc về cách thức Con Thiên Chúa “đã huỷ mình ra không” (Pl 2,7).[88]

Cũng như thời thánh Vinh Sơn, thời nay, khiêm nhường có nghĩa là chân nhận công trình tạo dựng và cứu chuộc chúng ta đều là hồng ân của Thiên Chúa tình yêu. Khiêm nhường được biểu lộ nơi thái độ của chúng ta trước các ơn ban, khi nhìn mọi sự đều là ân sủng. Khiêm nhường được cụ thể hoá trong “thái độ người tôi tớ” của nhà truyền giáo, sẵn sàng đảm nhận những công tác thấp kém khi phục vụ người nghèo. Nó cũng biểu lộ nơi chúng ta trong việc sẵn sàng để người nghèo Phúc Âm hoá mình. Thánh Vinh Sơn đã gọi họ là “thầy và chủ” của chúng ta.

c) Dịu hiền

Thánh Vinh Sơn viết: chính Đức Giêsu bảo chúng ta rằng Người là Đấng hiền lành.[89] Theo thánh Vinh Sơn, dịu hiền là khả năng điều khiển cơn nóng giận,[90] bằng cách kiềm chế nó và biểu lộ nó ra dưới những phương thế phù hợp,[91] trong cử chỉ yêu thương.[92]

Như thời thánh Vinh Sơn, đức dịu hiền thời nay đem lại cho nhà truyền giáo khả năng điều khiển sự nóng giận theo hướng tích cực. Bởi vì nóng giận là năng lực tự nhiên xuất hiện trong chúng ta khi chúng ta nhận thức điều gì xấu xa. Sự nóng giận có thể được sử dụng theo hướng tốt hoặc xấu. Những ai hiến thân phục vụ Tin Mừng đều trải nghiệm sức mạnh khó hiểu của sự nóng giận như mọi người nam nữ khác. Tuy nhiên, thánh Vinh Sơn đảm bảo với chúng ta rằng sự nóng giận có thể được biến đổi và biểu lộ một cách tốt đẹp. Sự bất bình của ngài trước cảnh ngộ của người nghèo đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngài thành lập các Hội Bác Ái, Tu hội Truyền giáo và Nữ tử Bác ái.

Thánh Vinh Sơn tin chắc rằng người dịu hiền là người nhã nhặn và dễ tiếp xúc.[93] Họ biết cách phối hợp tình thương và sự kiên quyết.[94] Vào ngày 01/11/1637, ngài viết cho thánh Louise de Marillac: “Nếu sự dịu hiền nơi tinh thần của cô cần một chút giấm thì hãy mượn nó nơi tinh thần của Chúa chúng ta. Ôi thưa cô, cần phải biết làm sao vừa cương nghị lại vừa dịu hiền cho đúng lúc.”[95]

Tấm gương của thánh Vinh Sơn cũng cho thấy rằng nhà truyền giáo có thể làm gia tăng đức dịu hiền và tính dễ mến. Ngài thú nhận rằng cá tính của ngài có khuynh hướng u sầu, nhưng “tôi đã hướng về Chúa và tha thiết xin Người thay đổi khuynh hướng cau có, cáu kỉnh này của tôi, và ban cho tôi một tâm hồn ôn hoà, thân ái. Và với ân sủng Chúa, qua việc chú ý kìm hãm các xung lực hỗn loạn nơi bản tính của tôi, tôi đã chữa được phần nào tính khí u sầu ấy.”[96]

d) Hãm mình

Đức Giêsu là tấm gương cho các nhà truyền giáo về sự hãm mình. “Chúng ta phải luôn dõi theo sự hãm mình của Chúa chúng ta, bởi vì muốn đi theo Người, chúng ta phải hãm mình theo gương Người.”[97] Thánh Vinh Sơn định nghĩa khổ chế hay hãm mình là việc lý trí chinh phục đam mê.[98] Vấn đề này chiếm vị trí nổi bật trong các bài nói chuyện của ngài, ở đó, ngài mô tả nhân đức này một cách rất chi tiết.[99] Ngài đã trích dẫn nhiều câu Tin Mừng để thúc đẩy các nhà truyền giáo sắm lấy nhân đức này.[100]

Ngày nay, sự khổ chế có khuynh hướng bị hiểu sai, và hệ quả là ít được phổ biến. Có lẽ vì sự méo mó trong cách diễn đạt của một số văn sĩ tôn giáo. Tuy nhiên, khổ chế lại có giá trị quan trọng đối với nhà truyền giáo. Ngày nay “chức năng khổ hạnh”[101] nhấn mạnh rằng khổ chế là sự từ bỏ một điều thoải mái vì lợi ích của người khác. Nó bao gồm việc xác định các mục tiêu truyền giáo của chúng ta cũng như hướng những năng lực giới hạn của chúng ta vào các mục tiêu ấy. Một cách cụ thể, hãm mình bao hàm những việc như: đáp trả cách mau chóng các lời kêu gọi của cộng đoàn, nhất là khi đón nhận một sứ vụ; trung thành với các đòi hỏi của sứ vụ và ưu tiên chọn lựa chúng khi chúng xung khắc với những mục tiêu hấp dẫn hơn; chăm chỉ làm việc phục vụ người nghèo; thức dậy nhanh chóng vào ban sáng để khích lệ cộng đoàn cầu nguyện; dè sẻn trong việc thu góp và đón nhận của cải vật chất; tiết chế trong chuyện ăn uống; có một tinh thần phê phán trong việc sử dụng vô tuyến, đài báo, phim ảnh và các phương tiện truyền thông khác; tìm đến với những người ít dễ chịu cũng như với những người hấp dẫn hơn; trao ban thời giờ một cách hào phóng để tham dự vào các tiến trình ra quyết định.

e) Nhiệt thành

Lòng nhiệt thành là tình yêu sứ vụ cháy bỏng trong tâm hồn Đức Giêsu. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho Tu hội tinh thần này, quả tim này, một quả tim khiến chúng ta ra đi khắp nơi, quả tim của Con Thiên Chúa, quả tim của Chúa chúng ta, quả tim của Chúa chúng ta, quả tim của Chúa chúng ta…[102] Ngọn lửa tình yêu này khiến các nhà truyền giáo ra đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì.[103] “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi”[104] là khẩu hiệu của Tu hội Nữ tử Bác ái.

Nhiệt thành là đức tính của hoạt động truyền giáo. “Nếu tình yêu Thiên Chúa là lửa thì lòng nhiệt thành là ngọn lửa. Nếu tình yêu Thiên Chúa là mặt trời thì lòng nhiệt thành là tia sáng.”[105] Lòng nhiệt thành hướng đến việc “mở mang Nước Thiên Chúa”[106] Đó là tình yêu thực tiễn. Thánh Vinh Sơn đã kêu gào các nhà truyền giáo: “Hãy yêu mến Thiên Chúa, hỡi anh em, nhưng phải yêu mến Người bằng sức mạnh của đôi cánh tay và mồ hôi trán. Vì thường có nhiều hành động yêu mến Chúa, nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Người, và tỏ lòng nhân từ; những tâm tình và thói quen như thế, tuy rất tốt đẹp và đáng ao ước, chúng vẫn đáng ngờ nếu như chúng không đạt đến việc thực thi tình yêu thiết thực.”[107]

Ngày nay, lòng nhiệt thành truyền giáo được thể hiện trong việc sẵn sàng ra đi bất cứ nơi đâu để phục vụ Tin Mừng. Đó là “tình yêu sáng tạo đến vô tận”,[108] và vì thế, sáng tạo, kiên nhẫn, và trung thành. Nhờ đó, nhà truyền giáo nhiệt thành  sẵn sàng dấn thân vào việc đào tạo trường kỳ để thích nghi với các công việc mới hoặc các tình huống mới hay các “giai đoạn” mới trong đời sống (giống như “sự nghiệp thứ hai” hoặc “nghỉ hưu”), đặc biệt trong thời đại biến đổi mau chóng này. Vì lòng nhiệt thành có tính lây lan và trải rộng nên nó cũng được biểu lộ trong việc hăm hở tìm kiếm những người thợ khác cho mùa gặt.

Cuối cùng, nếu như sứ vụ truyền giáo vẫn còn sống động thì sứ vụ ấy một mặt phải bén rễ vững chắc trong truyền thống Vinh Sơn, mặt khác, nó cũng phải không ngừng canh tân và hội nhập văn hoá vào trong từng thời kỳ lịch sử. Những hình thức cụ thể – hiện thận của sứ vụ truyền giáo – có thể và đôi khi phải thay đổi đáng kể qua mỗi thời kỳ. Vì thế, Tu hội phải duy trì tình trạng canh tân liên tục, qua việc suy ngẫm Tin Mừng và lưu tâm một cách sáng tạo đến các nhu cầu của người nghèo và những ai phục vụ họ.[109]


[1] LC XI, 10: “Danh hiệu các nhà Truyền giáo, hay các linh mục Truyền giáo, rõ ràng chỉ ra rằng công việc truyền giáo là quan trọng và chính yếu trong mọi sứ vụ chúng ta dành cho dân chúng.”

[2] Sđd

[3] SV XI, 135; XII, 85

[4] Lc 4,18

[5] SV XI, 108.

[6] SV XI, 135.

[7] Robert P. Maloney, Ngài nghe thấy tiếng khóc người nghèo,  (Hyde Park, New York: New City Press, 1995) 118-125.

[8]Ga 16:28; x. Ga 1:1, Ga 14:28.

[9] Mc 16,15.

[10] SV XI, 134.

[11] Sđd

[12] SV XII, 367.

[13] SV XII, 301.

[14] Karl Rahner, “The Abiding Significance of the Second Vatican Council,” in Theological Investigations XX, 90-102; cf. also “The Future of the Church and the Church of the Future,” in Theological Investigations XX, 103-14.

[15] SV XI, 402.

[16] X.  Avery Dulles, “Seven Essentials of Evangelization,” in Origins 25 (# 23; November 23, 1995) 397-400.

[17] Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 24

[18] SV XII, 87.

[19] SV IX, 59; IX, 593; XI, 364; XI, 592.

[20] X. SV II, 4.

[21] LC I,2

[22] LC XI,12

[23] SV V, 489; VII, 561.

[24] Betty Ann McNeil, Monograph 1: The Vincentian Family Tree, NXB Vincentian Studies Institute.

[25] x. A. Sylvestre, “Priest of the Mission for what purpose?” Vincentiana XXXIV (# 6; November-December 1995) 363-73.

[26] Nhiều tổ chức kinh doanh đang phải học bài học này một cách khó khăn. Thậm chí nhiều tập đoàn đã từng phát triển thịnh vượng, giờ đây cũng đang sống dở chết dở bởi vì đã không điều chỉnh theo tình hình kinh tế biến đổi mau chóng.

[27] Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, 57

[28] Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, 37

[29] Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 45; Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, 47

[30] Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, 51

[31] X. Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 63; Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, 45

[32] Lc 4,18

[33] HP 1

[34] Những đường hướng hành động, 5 và 11; x. Vincentiana XXXIV, 41.

[35] LC XI, 10.

[36] Trong thời gian gần đây, các nhóm truyền giáo với số lượng khoảng 1000 thành viên đã được huấn luyện để nhắm vào một giáo phận hoặc thậm chí một quốc gia, với những thành công đáng kể. X. T. Sendlein, “An experience of the Vincentian Spirit in the Panamanian National Mission,” Vincentiana XXXIX (1995) 311-24.

[37] SV XII, 84.

[38] SV XI, 291.

[39] Theo một bản liệt kê đầu đủ các vùng truyền giáo ngoại quốc của Tu Hội Truyền Giáo và Nữ tử Bác ái. X. José Ignacio Fernández, “La extensión misionera actual de ambas congregaciones: Congregación de la Misión y Compañía de la Hijas de la Caridad” in San Vicente Y La Misión Ad Gentes (Salamanca: CEME, 1995) 253-287.

[40] HP 17

[41] X. Albert di Ianni, “Religious Vocations: New Signs of the Times,” Review for Religious 52 (# 5; September-October 1993) 745-763. 

[42] Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 58.

[43] Medellin, “Conclusions,” 6.13, 14; 13.33.

[44] D. Nygren and M. Ukeritis, op. cit., 250.

[45] SV XI, 32. Người ta có thể nghi vấn rằng đoan văn gọi Đức Giêsu là Đấng loan báo Tin Mừng cho người nghèo này là do sử gia đầu tiên Abelly (1664) gán cho thánh Vinh Sơn. Tuy nhiên, đối với tôi, ý tưởng cho rằng thánh Vinh Sơn đã đưa ra câu này dựa trên Lc 4,18 dường như không thể tranh cãi.

[46] X. Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 15

[47] LC, Giới thiệu

[48] SV VI, 393.

[49] Denise Lardner Carmody and John Tully Carmody, In the Path of the Masters (New York: Paragon House, 1994) 119.

[50] X. SV XII,  133-134, 146-147.

[51] SV XIII, 179.

[52] SV II, 106.

[53] SV V, 534; VI, 444; VIII, 55, 256; X, 503.

[54] SV II, 453. 

[55] SV I, 68; cf. III, 197. 

[56] SV V, 396

[57] SV VII, 310.

[58] SV IV, 366.

[59] SV XI, 83.

[60] X. Ga 7,29; 7,33; 17,13; 17,21. 

[61] SV XII, 109.

[62] SV IX, 415. 

[63] LC X,7

[64] SV XI, 83: “Hãy cho tôi một người cầu nguyện, người đó có thể làm được mọi sự. Người đó có thể nói cùng với thánh Tông đồ: ‘Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.’ Tu Hội sẽ tồn tại bao lâu nó trung thành với việc cầu nguyện, cầu nguyện là thành luỹ vững chắc bảo vệ các nhà truyền giáo khỏi mọi mũi tấn công.”

[65] HP 42

[66] SV XI, 407-408.

[67] SV IX, 475, 592, 599; XI, 40. 

[68] SV IX, 59, 593; XI, 364, 592.

[69] X. Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 30-39; Thánh Vinh Sơn rất ý thức về việc cần phải đối mặt với các vấn đề xã hội trong thời đại mình bằng những giải pháp mang tính thể chế và cơ cấu (chẳng hạn như các hiệp hội ngài đã thành lập). Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết những người cùng thời, ngài đã không ý thức nhiều về điều mà ngày nay chúng ta gọi là “các cơ cấu tội lỗi”. Nhìn chung, ngài chấp nhận trật tự chính trị và xã hội hiện hành (cũng như thánh Phaolô trong vấn đè về nô lệ). Trong bối cảnh đó, ngài thấy cần thiết phải có hành động chính trị khi ngài nhắm đến các nhu cầu của người nghèo và đã dùng sự ảnh hưởng của mình ở triều đinh và trong Hội đồng Cố vấn Lương tâm cho mục đích đó.

[70] Thượng Hội Đồng Giám Mục 1971, Công bằng trong thế giới. Đăng trong AAS LXIII (1971) 924

[71] SV XII, 302: “Hãy nhìn vào sức mạnh và quyền năng của các châm ngôn Tin Mừng. Bởi vì các châm ngôn ấy thì quá nhiều, nên tôi đã chọn chủ yếu những câu phù hợp hơn với các nhà truyền giáo.” Ngoài việc chiêm ngắm các biến cố trong cuộc đời Đức Giêsu, thánh Vinh Sơn còn khám phá ra hàng loạt các châm ngôn trong Tân Ước mà Đức Giêsu chính là “tác giả.” Ngài đã yêu cầu những ai theo gót ngài phải làm những gì Đức Giêsu đã làm và thực thi những điều Người đã dạy, qua lệnh truyền trực tiếp hoặc qua các châm ngôn này.

[72] LC II, 14; SV XII, 309. 

[73] X. J.-P. Renouard, “L’Esprit de la Congrégation: Les Vertus Fondamentales,” Vincentiana XXVIII (1984) 599-615; T. Davitt, “The Five Characteristic Virtues,” Colloque XIV (Autumn 1986) 109-120; Christian Sens, “Comme Prêtre Missionaire,” in Monsieur Vincent, Témoin de L’Evangile (Toulouse, 1990) 133-151, esp. 140f; R. P. Maloney, “Five Characteristic Virtues: Yesterday and Today,” in The Way of Vincent de Paul (New York: New City Press, 1992) 37-69;  B. Häring, Timely and Untimely Virtues (London: St. Paul’s, 1993).

[74] SV IV, 486. 

[75] LC II, 4; SV XII, 172. 

[76] SV I, 144. 

[77] SV I, 284; V, 464. 

[78] LC II, 4; SV, 172. 

[79] SV IX, 606. 

[80] SV I, 284. 

[81] SV X, 96. 

[82] SV XI, 56-57. 

[83] LC II,7

[84] SV I, 182; VII, 98-99. 

[85] LC II,7

[86] SV III, 279; V, 165. 

[87] SV XI, 394. 

[88] SV XII, 109. 

[89] LC II,6

[90] SV XII, 186. 

[91] SV XII, 187. 

[92] SV XII, 188. 

[93] SV XII, 189. 

[94] SV VII, 226. 

[95] SV I, 393-94. 

[96] Abelly III, 177-178.

[97] SV XII, 227. 

[98] SV X, 56. 

[99] SV IX, 23; X, 59, 151, 246, 248, 280, 399; XII, 215.

[100] X. SV IX, 170; X, 61, 398. 

[101] K. Rahner, Theological Investigations III, 54.

[102] SV XI, 291. 

[103] SV XI, 204: “Đúng thế, Tu Hội Truyền Giáo có thể làm được mọi sự bởi chúng ta mang trong mình mầm mống quyền năng tuyệt đối là Đức Giêsu Kitô…”

[104] 2 Cr 5,14.

[105] SV XII, 262, 307-308. 

[106] SV XII, 307. 

[107] SV XI, 40. 

[108] SV XI, 146.

[109] HP 2