HỘI NGỘ

0
2192

Xưa nay, ta vẫn thường thấy mấy ông ngồi uống “vài ly” mừng ngày hội ngộ, “tứ hải giai huynh đệ” mà. Những chuyện bê tha, say xỉn không phải hiếm, thế nhưng ta hãy tạm gác nó lại. Tôi xin kể về cuộc hội ngộ lớn giữa các dân tộc, họ cũng đã cùng nhau chia sẻ những choé “men nồng” để mừng ngày vui “hội ngộ” sau bao năm cách xa. Câu chuyện của tôi ở giáo xứ Ka Đơn, Đơn Dương, Lâm Đồng. Chuyện xảy ra cũng gần đây thôi, 18/10/2015. Họ đã gặp nhau để “cùng ăn, cùng uống” hay còn có mục đích gì nữa chăng?

Trong lần hội ngộ này, có sự hiện diện của nhiều anh em thuộc dân tộc: Churu, K’ho, Chil, Êđê, H’Mông, Chăm (Chàm), Ra-Glai,… và đương nhiên có cả người dân tộc Kinh. Nhưng nếu chúng ta kể đây là cuộc hội ngộ thì vẫn chưa sát nghĩa lắm, nó cần được gọi là cuộc “đoàn tụ gia đình” thì đúng hơn. Tại sao thế? Tại vùng Lâm Đồng nói chung và giáo xứ Ka Đơn nói riêng, người Churu, người K’ho, người Chil đã sống gần nhau. Tuy văn hoá có nét khác biệt, nhưng phần lớn họ biết tiếng của nhau để có thể giao tiếp với nhau. Vì thế, việc kết hôn giữa những người thuộc ba dân tộc này là việc thường gặp. Rộng hơn nữa, theo nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Thành Thống (trong bài người Chu-ru, các vị thừa sai và nhà thờ Ka-đơn): “Người Churu thuộc dòng dõi những nông dân Chàm đã rời bỏ quê hương ở vùng ven biển Ninh Thuận – Bình Thuận để tránh chính sách hà khắc của các vua chúa Chàm, trong thời nước Chiêm Thành xưa còn chiến tranh với người Khơme và chính quyền nhà Nguyễn”. Người Churu, người Ra-Glai cùng có nguồn gốc từ người Chăm, tiếng nói của họ cũng còn rất giống nhau. Thế là gia đình “dân tộc” này đã đông rồi đây. Và khi ta mở rộng tầm nhìn hơn nữa, chúng ta, những người vẫn được kể đến là thuộc 54 dân tộc, chúng ta cùng là người của đất nước Việt Nam thân yêu. Chúng ta cùng là anh em, cùng nhau đón biết bao vui buồn trong lịch sử của nước nhà. Vậy nên tôi mới nói: “Đây là cuộc đoàn tụ gia đình.”

 

Ngày Hội Văn Hóa Các Dân Tộc Anh Em

 

Thế nhưng là anh em, chúng ta đâu thể không biết gì về anh em mình. Thật may mắn! Giáo hạt Đơn Dương, với sự qui tụ của cha quản hạt, đã cho phép giáo xứ Ka Đơn được đăng cai tổ chức: Giao lưu văn hoá các dân tộc hạt Đơn Dương đầy yêu thương này. Đến với “buổi họp mặt gia đình” ấy, chúng ta sẽ thấy mỗi dân tộc có những nét văn hoá riêng thật độc đáo nhưng buổi giao lưu đã mang lại họ có những điểm chung thật thú vị! Thánh Lễ mở đầu chương trình giao lưu đã được cử hành bằng ba ngôn ngữ: Churu, K’ho, Kinh, giúp cho hầu hết mọi người hiện diện có thể hiểu và cùng chung lời cầu xin Chúa cho tình yêu thương, hiệp nhất trong các dân tộc anh em…, đó là cái chung thứ nhất, cầu nguyện.

Tiếp đến, đại diện của các giáo xứ trong giáo hạt, dân tộc đã cùng phô diễn những nét văn hoá đặc trưng của mình: Lễ hội ngày mùa, cưới hỏi, cúng vái,… Họ đã cùng hướng đến niềm vui chung, hướng đến khát vọng yêu thương hạnh phúc trong cuộc sống, trong đời sống cộng đồng. Đây là điểm chung thứ hai, hướng niềm vui trong cuộc sống.

Không chỉ cùng cầu nguyện, cùng vui, họ còn cùng nhau thưởng thức văn hoá ẩm thực của người dân tộc Churu, K’ho, nhóm dân tộc đông nhất tại giáo xứ Ka Đơn. Cùng ngồi chia sẻ những món ăn, cùng hút chung một choé rượu cần, ôi tình yêu thương gia đình nồng thắm biết bao! Họ đã không cần phải phân biệt ai là người Kinh, ai là người Chăm, ai là người dân tộc thiểu số nữa.

 

Các món ăn phong phú của anh em dân tộc bản xứ

Để có niềm vui chung ấy, nhiều người đã hy sinh phục vụ trong yêu thương. Tôi đã hỏi mẹ Âu (tên một người mẹ dân tộc thường được gọi bằng tên người con lớn nhất trong gia đình): Nhiều người phục vụ cực quá mẹ nhỉ? Một tay đưa đĩa “Cà đắng nấu da trâu” cho tôi, một tay quệt mồ hôi đang đổ ra nhễ nhại trên trán, mẹ trả lời “Không mệt đâu con, mẹ vui lắm mà.” Cũng câu hỏi đó, tôi hỏi một bà mẹ khác, bà trả lời: “Không mệt đâu, mẹ vui lắm, hôm nay là vui nhất đó, vui hơn cả ngày khánh thành nhà thờ nữa.” Nhà thờ Ka Đơn vừa mới được khánh thành khoảng một năm, đúng ra thì những giáo dân phải mừng vì có được một nơi thờ phượng Chúa rộng rãi khang trang hơn là mừng một buổi hội họp chứ. Thế nhưng trong ngày hội ngộ, sum vầy này, những người dân, như những bà mẹ đây đã được tự tay thể hiện lòng yêu mến, thể hiện niềm vui mừng trong những sự phục vụ tận tình của mình. Tôi thiết nghĩ với tình người, tình yêu thương như thế, Chúa đã hiện trong lòng mỗi người rồi!

Thế nhưng cuộc hội ngộ không chỉ dừng ở việc có được niềm vui gặp gỡ, ăn uống, múa hát. Cách riêng, chúng tôi những tu sĩ Tu Hội Truyền Giáo thánh Vinh Sơn luôn cố gắng để thực hiện khát khao rao giảng Tin Mừng cho người nghèo của Đức Kitô (Lc 4, 18 – 19.) Cùng cộng tác, tham gia Lễ hội văn hóa các dân tộc tại Ka Đơn, mỗi chúng tôi đã cùng học hỏi thêm nhiều điều hữu ích cho sứ mệnh rao giảng Lời Chúa của mình.

Một câu chuyện khá thú vị đối với tôi! Trong giờ giao lưu ẩm thực, một anh triết sinh của tu hội đã ngồi xuống bãi cỏ để cùng chia sẻ những món ăn, cùng “nốc” những ly rượu cần to tướng với những anh em cả người Kinh lẫn người K’ho, Churu, Chăm,… (rượu cần được rót ra thay vì hút cho khỏi mất thời gian chờ đợi.) Nhìn cảnh tượng ấy, một vài anh em triết sinh của lớp triết 1 đã tỏ thái độ khó chịu. Điều đó cũng là dễ hiểu! Bởi lẽ anh em triết sinh chúng tôi phần đông mới chỉ được học về linh đạo truyền giáo của tu hội ở trong học viện, chưa có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với người nghèo. Thầy Giêsu đã không ngần ngại cùng ăn, cùng uống với những người nghèo và với cả những người đầy tội lỗi. Ngài còn khẳng định: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15.) Chúng tôi những nhà truyền giáo trong tương lai cũng rất cần học tinh thần đó của Ngài. Vẫn biết rằng chuyện say sưa quá mức chẳng hay ho gì, chúng ta vẫn cần có thái độ hoà đồng văn hoá với những anh em dân tộc khác, sau đó chúng ta mới có thể truyền giáo, mới có thể giúp đỡ họ. Những dịp tiếp xúc với anh em dân tộc thiểu số, những “thân chủ” của Tu Hội Truyền Giáo, mỗi chúng tôi lại hiểu hơn về họ, để tăng trưởng thêm Đức Tin cho chính mình, để có thể truyền giáo cho họ trong tương lai.

Không chỉ chúng tôi, những tu sĩ Vinh Sơn hướng đến việc truyền giáo. Lễ hội văn hóa các dân tộc này cũng hướng đến công cuộc “mở rộng nước Chúa”. Cha xứ giáo xứ Ka Đơn Giuse Nguyễn Đức Ngọc, thuộc Tu Hội Truyền Giáo thánh Vinh Sơn, cho biết: Cha đang liên hệ với những người Chăm theo đạo Công Giáo, số lượng họ rất ít, ngài muốn qui tụ họ và tiến tới truyền giáo cho người Chăm. Điều đó thật không đơn giản, vì theo bà Ma Tranh, một người Churu thuộc giáo xứ Diom, một người khá am hiểu về văn hoá Chăm, Churu, K’ho, thuộc ban dịch thuật của cha xứ Giuse: Nếu một người Chăm theo đi theo đạo Công Giáo, người ấy sẽ bị gia đình “loại trừ” ra khỏi dòng tộc. Trong dịp ma chay cưới hỏi của người ấy, họ sẽ không đến tham gia. Bởi thế nhiều người không dám bỏ đạo của cha ông mà đi theo đạo Công Giáo. Nhưng “khó” không có nghĩa là “không thể,” bởi lẽ như thánh Phaolô đã nói:“Tôi trồng Apôlô tưới Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6). Với niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa, chúng ta hy vọng một ngày nào đó sẽ có rất nhiều, rất nhiều người Chăm quay về với Chúa, Đấng Nhân Từ vẫn luôn chờ đợi đàn con của mình.

Mỗi chúng ta cùng có mục đích ở đời này là được chung niềm vui nơi quê trời, vì thế ước mong những “cuộc đoàn tụ” này sẽ không chỉ dừng lại ở đó, nhưng là dịp để các các dân tộc hiểu nhau hơn, để cùng cố gắng thông truyền Lời Chúa đến mọi nơi. Đây cũng là nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng (III, 121): “Đương nhiên, tất cả chúng ta đều được mời gọi để lớn lên như những người rao giảng Tin Mừng”.

DVD PHIM LỄ HỘI GIAO LƯU VĂN HÓA DÂN TỘC _ GIÁO XỨ KAĐƠN

Vào đường dẫn sau để xem (4 phần) :

https://www.youtube.com/watch?v=-z4sxdV_iwM

https://www.youtube.com/watch?v=kThNSxrMA0Y

https://www.youtube.com/watch?v=Y-b4_1ct6ag

https://www.youtube.com/watch?v=iRo9hrKmfko