Hối nhân giờ thứ mười ba

Đăng ngày: 14/04/2020

Vào những ngày Mùa Chay, tại Cộng đoàn Tập viện của Tu Hội Truyền Giáo chúng tôi, nhiều hối nhân từ các giáo xứ chung quanh đã tìm đến quý cha để xưng tội. Càng gần lễ Phục Sinh, quý cha trong cộng đoàn lại càng phải ngồi tòa nhiều hơn. Thậm chí đến tối thứ Bảy, lễ vọng Phục Sinh mà số người đến xưng tội vẫn còn rất đông. Họ mong ước có được một tâm hồn trong sạch để đón mừng Đại Lễ. Thế nhưng… vào chiều Chúa Nhật Phục Sinh, và cả những ngày sau đó, khi mà ánh sáng Đức Kitô Phục Sinh đã lan tràn khắp cả địa cầu, trong niềm hân hoan của các Ki-tô hữu, vẫn còn có hối nhân tìm đến với tòa xá giải. Họ là những HỐI NHÂN GIỜ THỨ MƯỜI BA!

Vậy “Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba” nghĩa là gì vậy? Trong câu chuyện dụ ngôn“Thợ làm vườn nho” (Mt 20,1-6) ông chủ đã gọi những người thợ vào làm vườn nho cho ông vào các giờ khác nhau: giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, giờ thứ mười một trong ngày. Chúng ta biết rằng, người Do Thái thời xưa chia ban ngày thành 12 giờ, ban đêm thành 3 canh. Trong đó giờ thứ nhất tương đương với 6 giờ sáng.  Bên cạnh đó, người do Thái xưa cũng xác định: sau giờ thứ mười hai, tức là 18 giờ ngày nay, là đã sang một ngày mới. Trong bài viết này, tôi dùng cụm từ “Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba” để ám chỉ những hối nhân đã đến xưng tội “trễ”. Bởi lẽ, các tín hữu vẫn thường đi xưng tội để đón mừng ngày lễ Chúa Phục Sinh, trong khi những hối nhân này vì một lý do nào đó sau ngày lễ Phục Sinh mới đi xưng tội.  

Nhưng Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba là ai? Vào một buổi chiều nọ, từ xa, trên ban công của Tập viện, tôi quan sát một hối nhân có làn da bánh mật, thân hình nhỏ thó, dáng dấp rụt rè, đang ngó vào tòa giải tội. Tôi chợt nhận ra đó là anh Ov., một anh chàng dân tộc Châuro mà tôi quen biết ở giáo xứ Đức Thắng, giáo phận Xuân Lộc.

Số là anh em chúng tôi khi trong giai đoạn Tập viện, nhưng theo hiến pháp của Tu Hội và quy định của cha giám tập, mỗi Chúa Nhật hàng tuần, chúng tôi vẫn được ra ngoài để đi thăm những người nghèo thuộc địa bàn giáo xứ Đức Thắng, giáo phận Xuân Lộc. Sau những lần gặp gỡ và trò chuyện cùng anh Ov, ngày nọ, anh đã tâm sự với chúng tôi rằng: Anh không dám đi xưng tội vì “sợ tội mình quá nặng”. Hơn nữa, anh ta khá thân với cha xứ, do đó, anh sợ cha sẽ nhận ra anh khi anh xưng tội cùng ngài. Vì vậy, chúng tôi đã khuyên anh nên đến cộng đoàn Tập viện của chúng tôi để xưng tội cùng quý cha lớn tuổi.

Chắc hẳn, chúng ta đều biết rằng: Tuy chúng ta xưng tội với vị linh mục, nhưng thực ra, là chúng ta xưng tội ra với Chúa. Cha giải tội chỉ “thay mặt” Chúa để ban ơn xá giải cho ta. Thế nhưng, chuyện đời cũng như chuyện đạo, “nói thì dễ hơn làm”, chúng ta khuyên người khác đi xưng tội thì dễ, nhưng đến khi ta mắc một tội nặng thì “lưỡi như dính với hàm”.

Tuy nhiên chính vì còn “nhạy cảm” với lỗi lầm của họ, còn biết xấu hổ vì tội lỗi của mình, mà không ít người như anh Ov. trên đây đã dám trở nên Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba.

Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba còn là ai nữa? Cũng từ cái lan can xa xa, cao cao ấy của Tập viện, tôi thấy một hối nhân, là một người phụ nữ với thân hình gầy gò, khuôn mặt xanh sao. Đó là một người mẹ đông con ở khu làng tái định cư trong giáo xứ Đức Thắng.

Bà mẹ đông con góa chồng ấy hằng ngày phải vất vả lam lũ, để lo cho đàn con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Vừa phải lo toan cho lũ nhóc, vừa phải chạy vào khu rẫy khá xa nhà để làm việc, bà thường không để ý đến thời gian. Và việc quên luôn cả ngày lễ Chúa Nhật, thậm chí Chúa Nhật Phục Sinh cũng là điều dễ hiểu trong trường hợp của bà.

Thế nên, nỗi lo miếng cơm manh áo, gánh nặng gia đình, bệnh tật đôi khi cũng là những lý do chính đáng để người ta trở nên Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba!

Vẫn còn Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba khác nữa. Họ là ai? Vẫn từ vị trí cao cao, xa xa ấy, chợt nhìn thấy một hối nhân là một người đàn ông trung niên với bộ tóc “lười cắt”, khuôn mặt đỏ bừng bừng như vừa “làm vài ly”, nhưng vẫn đầy vẻ “sáng suốt”, chúng tôi nhận ra ngay đó là anh Th. mà chúng tôi gặp cách đấy ít hôm.

Hôm ấy, khi đi ngang qua một tiệm tạp hóa nhỏ, chúng tôi thấy anh Th. đang ngồi uống rượu một mình. Vừa nhìn thấy chúng tôi, anh liền vẫy chào và mời chúng tôi ngồi. Sau vài câu chuyện xã giao, cũng như hỏi thăm về công việc của chúng tôi, anh Th. tâm sự:

  • Mình đã bỏ xưng tội, bỏ nhà thờ mấy năm nay rồi.

Thấy chúng tôi tỏ ra thắc mắc, anh giải thích:

  • Anh thấy mình đi xưng tội mà chẳng cải thiện được gì. Cố gắng được vài bữa lại phạm tội lại.

Nghe thế, chúng tôi khuyên anh “cứ đến xưng tội,” vì “chỉ cần anh thực sự có lòng ăn năn dốc lòng chừa, thì dù anh có phạm tội nhiều đến thế nào, nặng đến đâu đi nữa, Chúa vẫn chờ đợi anh đến để tha thứ cho anh”.

Anh em chúng tôi còn động viên anh:

  • Bên cộng đoàn chúng em lúc nào cũng có quý cha sẵn sàng ngồi tòa để giải tội cho anh.

Sau đó, chúng tôi rời quán tạp hóa, còn anh Th. tiếp tục ngồi dùng “ma men” để quên “đời buồn.”

Thế rồi, sau đó vài hôm, chúng tôi đã trông thấy anh đã đến với tòa xá giải của cộng đoàn. Thật mừng! Thế nhưng chỉ sau đó chốc lát, chúng tôi đã nhìn thấy anh Th. ngồi thượt ra, ngay chỗ bàn quỳ của tòa xá giải, đầu gục xuống gối, hai tay ôm mặt. Còn cha giải tội, ngài đã đứng lên và quay lưng đi vào phòng. Anh em chúng tôi hộc tốc chạy xuống gặp anh và hỏi thăm thì mới vỡ lẽ, cha không giải tội cho anh vì cha thấy anh có mùi hơi men, cha hẹn anh lúc nào tỉnh rượu thì quay trở lại.

Tội nghiệp anh! Khó khăn lắm anh mới có thể có can đảm và quyết tâm đến với tòa xá giải mà lại bị cha cố hiểu lầm. Cha nghĩ anh Th. đã uống rượu, không thể sáng suốt để xưng tội nên bảo anh về. Tuy nhiên, cha đã không biết rằng anh Th. là người nghiện rượu “nặng”, mà người nghiện rượu nặng thì gần như lúc nào cũng có mùi rượu trên người, mùi rượu trên quần áo, mùi rượu trong hơi thở…

Anh em chúng tôi đành mời một cha cố khác giải tội cho anh. Sau đó, chúng tôi đứng đợi bên ngoài, thấp thỏm cầu nguyện cho anh. Lúc anh bước ra, mắt anh đỏ hoe, ngân ngấn hàng mi, nhưng dường như tự do đầy ắp, niềm vui ngập tràn trong anh. Hai tay anh quàng quanh cổ hai anh em chúng tôi và hôn lên má hai người:

  • Cám ơn hai em nhiều lắm, giờ anh được giải thoát rồi.

Cảm giác nham nhám của đám râu ria lởm chởm đâm vào má, cùng hơi men bốc vào mũi của chúng tôi lúc đó là cảm giác thật khó chịu! Thế nhưng, đó lại là điều khó phai trong tôi. Và có lẽ suốt đời tôi không thể quên, ánh mắt anh Th. lúc chia tay! Anh ngẩng đầu, ngước mắt, nhìn lên khoảng trời xanh trước mặt mình, phía trên đầu chúng tôi và hít một hơi thật sâu nhẹ nhàng, thanh thản. Ánh mắt ấy, hơi thở đó làm tôi liên tưởng đến cảm xúc mà Thánh Vịnh 124 câu 7 đã miêu tả:

“Hồn ta tựa cánh chim, thoát lưới người đánh bẫy;
Lưới giăng đã đứt rồi, thế là ta thoát nạn”.

Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba là những người như vậy đấy, bạn à!

Đứng quan sát những Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba, tôi chợt nhận thấy mình dễ giống một Pharisêu đứng nơi bục cao cao, gần bàn thờ, nhìn xuống những hối nhân, nơi cuối thánh đường, ở phía xa xa, để rồi vội vàng xét đoán họ là những kẻ “khô đạo”, quá lười biếng, không chịu đi xưng tội sớm.

Thế nhưng, thiết nghĩ, nếu họ thực sự không còn nhớ đến Chúa, không còn bị lương tâm cắn rứt, họ đã chẳng chịu “chai mặt” để làm Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba. Tệ hơn nữa, nếu không đủ can đảm và quyết tâm, rất có thể, những tội nhân đó sẽ lại lần lữa đợi đến năm sau, hay năm năm sau, hoặc vài chục năm sau. Cũng có khi, họ khất lần, khất lần, khất lần cho đến lúc… không còn kịp xưng tội, trước lúc phải lìa đời!

Thánh Vinh Sơn Phaolô, Tổ phụ của Tu Hội Truyền Giáo chúng tôi đã từng giải tội cho một người đàn ông nổi tiếng là thánh thiện ở trong một vùng nọ. Thật bất ngờ, sau khi xưng tội, ông đã lớn tiếng xưng thú tội lỗi của mình cách công khai và thêm: “Tôi đã có thể sa hỏa ngục nếu không có cuộc xưng tội này.” Bởi lẽ, trong những lần xưng tội trước, hối nhân đó đã giấu không xưng thú tội lỗi mà ông đã phạm thời trẻ, vì xấu hổ.

Tôi chợt có thắc mắc, trong dụ ngôn “Thợ làm vườn nho,” mà Đức Giêsu đã kể, người thợ vào làm giờ thứ mười một vẫn được Chúa trả lương như những người thợ vào làm giờ thứ ba, vậy những người thợ làm giờ thứ mười ba có được Chúa trả đồng nào chăng?

Thiết tưởng, Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba lại là những người được Thiên Chúa yêu thương, muốn “trả lương” cao hơn cả. Bởi lẽ, họ đích thực là những con chiên mà Thiên Chúa sẵn sàng “để lại chín mươi chín con chiên không đi lạc để tìm cho được một con chiên lạc.” Họ mới đích thực là những “bệnh nhân cần thầy thuốc Giêsu chữa lành.”

Điều đáng tiếc là như lời Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nói: “Tội lớn nhất của con người thời nay là tội nghĩ rằng mình không có tội.” Nhiều người quên mất hay không biết rằng Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi các tội nhân đến cùng Người để được Người tha thứ. Vậy ai là người nhắc cho những giáo dân nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa nếu như không phải là các linh mục?

Tôi nhớ lại lời một cha giáo Bí Tích Hòa Giải: “Hãy nhớ rằng linh mục không phải là quan tòa đối với hối nhân, mà họ chỉ là người đại diện của Thiên Chúa đầy lòng xót thương… Nếu các bạn là linh mục, các bạn sẽ là người Mục Tử như thế nào?… Còn những con chiên vì quá nhiều thương tật, quá đỗi yếu đuối, các bạn có muốn tìm đến để băng bó, chữa lành?” Những câu hỏi này của cha giáo đã chất vấn da diết trong chúng tôi, những kẻ đang tập tu hướng đến thiên chức linh mục trong tương lai.

Đến lượt tôi, có khi nào tôi còn giữ lại trong mình tội lỗi, nết xấu nào đó mà chưa chịu trở thành Hối Nhân Giờ Thứ Mười Ba ?      

Khi tôi hoàn thành bài hồi ký này cũng là dịp dịch Corona bùng lên, nhiều nhà thờ đóng cửa, Thánh Lễ tạm hoãn lại, việc xưng tội khó hơn,… Tôi thiết tưởng, sau đại dịch này, sẽ có rất nhiều HỐI NHÂN GIỜ THỨ MƯỜI BA. Nhưng liệu họ có nhận ra sự cần thiết của Bí Tích Hòa Giải trong cuộc đời mình, hay lại “xa mặt” rồi “cách lòng”?

Bài viết: F.A. Đằng Giao
Hình ảnh: Đa Minh Đỗ Trung Hậu