Hướng đến trời cao – Lời Chúa Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu lên trời – năm B

0
1331

1. Các bài đọc

Bài đọc 1: Cv 1,1-11

Trích sách Công vụ Tông đồ: Chúa Giêsu được đưa lên trời trước sự hiện diện của các tông đồ.

Đáp ca: Tv 47,2-3,6-7,8-9

Thánh vịnh 47: ca tụng Chúa khi Người ngự lên.  

Bài đọc 2: Ep 1,17-23

Trích thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Ephêxô: Thiên Chúa cho Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết và đặt Ngài ngự bên hữu.

Tin Mừng: Mc 16,15-20

 Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: Chúa Giêsu được đưa lên trời và các môn đệ ra đi rao giảng như lệnh truyền của Chúa.

2. Chia sẻ

Như vậy, đã là 40 ngày kể từ sau biến cố Chúa phục sinh. Hôm nay Giáo hội cử hành một biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu, là biến cố Ngài được cất lên trời trước mặt các môn đệ.

Chúa lên trời để trở về cùng Thiên Chúa Cha và kết thúc sứ vụ của Ngài ở trần gian. Những năm trời rong ruổi tại Palestine rao giảng Tin Mừng cùng với các môn đệ, giờ đã đến lúc phải kết thúc.

Chúa về trời là để chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận một sự kiện quan trọng khác, là cho các ông được lãnh nhận Thánh Thần : “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em … Thật vậy, nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em” (Ga 16,7).

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đã cùng mô tả về sự kiện quan trọng này. Và từ các bài đọc Kinh thánh gợi cho tôi một vài suy nghĩ:

Chia tay chứ không chia tình

Hôm nay Chúa về trời. Ngài sẽ không còn hiện hữu thể lý với các môn đệ được nữa. Các môn đệ sẽ không còn nghe Ngài giảng dạy, hay xem Ngài làm phép lạ cho dân chúng nữa. Một cuộc ra đi sẽ có khả năng trả mọi thứ về vị trí cũ, như hai môn đệ sau biến cố phục sinh, cũng sẽ tìm lại quê hương để bắt đầu lại sự nghiệp.

Thế nhưng, Chúa đã không để cho sứ vụ của Ngài chấm dứt và Chúa cũng không rời bỏ các môn đệ. Chúa đã hiện diện với các ông trong một hình thức khác của sự hiện hữu “và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế!” dưới hình thức của bí tích và quyền năng Thánh Thần.

Tình yêu thương dành cho các môn đệ vẫn đầy tràn chan chứa. Người ta sẽ phải tìm gặp Chúa trong một hình thái khác của đời sống đức tin. Và chính điều này đòi hỏi người ta cần phải có một sự khát khao đích thực và một cuộc tìm kiếm chân thành hằng ngày để tìm gặp Ngài.

Qua việc gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ luôn tìm được niềm vui trong đời sống “Niềm Vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận ân ban cứu độ của Người thì được thoát khỏi tội lỗi, nỗi buồn phiền, sự trống rỗng và nỗi cô độc nội tâm. Với Đức Giêsu Kitô, niềm vui thường hằng tái sinh” (ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng,  số 1).

Như vậy Chúa vẫn yêu thương con người và Ngài vẫn luôn ở cùng họ. Ngài chọn một cách thế hiện diện mới mẻ khác để được “lưu lại” với con người.

Sứ vụ của chúng ta bắt đầu

Mệnh lệnh cuối cùng trước khi được cất lên trời, là một mệnh lệnh rõ ràng và quan trọng “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật” như trong bài Tin Mừng, Chúa đã căn dặn các tông đồ. Hay như trong bài đọc một, sách Công vụ Tông đồ, đó là để “và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).

Làm chứng nhân và làm người rao giảng Tin Mừng, là một lời mời gọi và là một sứ vụ dành cho tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Đây không phải là tùy chọn, nhưng là một sứ vụ, đã được Chúa trao phó cho tất cả những ai đã được tháp nhập vào Giáo hội qua phép rửa. Chúng ta được mời gọi phải truyền giáo, bởi vì, đây là ý muốn của Thiên Chúa, Người muốn cho mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ nhờ việc tin vào Đức Giêsu Kitô (x. 1 Tm 2,4).

Đó là để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Vì thế Chúa về trời cũng là lúc sứ vụ của chúng ta bắt đầu, để đem Tin Mừng của Chúa đến khắp mọi nơi, cho đến tận cùng trái đất.

Hướng đến siêu việt

Chúa lên trời nhắc nhở mọi Kitô hữu về một thực tại thiêng liêng siêu việt, đó là hạnh phúc đời sau. Đó là vương quốc Thiên Chúa, nơi mà mọi loài thụ tạo tìm thấy sự viễn mãn của mình trong hình ảnh của trời mới, đất mới.

Trong bài đọc hai, thánh Phaolô đã nhắc nhớ cộng đoàn về vương quyền của Đức Kitô, khi Ngài ngự bên hữu Chúa Cha “Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người” (Ep 1,23).

Như vậy, khi Thánh Kinh nói rằng, Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, chúng ta cần hiểu rằng Chúa Giêsu, như một Con Người, đã được nâng lên tột đỉnh của vinh quang trên Thiên Đàng. Ngài nắm giữ cùng một quyền thống trị tối cao trên mọi loài thọ tạo với Chúa Cha, vì Ngài cũng là Thiên Chúa, ngang hàng và cùng một tính, một phép với Chúa Cha.

Nhìn vào trong thế giới ngày nay, chúng ta sẽ có thể dễ nhận ra một điều quan trọng này, là dường như một số người đã quên đi các thực tại vĩnh cửu ấy. Dường như họ chỉ tìm kiếm và sống cho những gì thuộc về thể xác và giá trị trần gian.

Người Kitô hữu là người được mời gọi để sống cho những gì mai sau. Sống cho những giá trị trường tồn vĩnh cửu. Như một dịp để xem xét lại bản thân. Tôi được mời gọi để xem lại những giá trị và những mục tiêu tôi đang kiếm tìm là gì? Nó thuộc giá trị nào khi sự kiện Chúa về trời nhắc nhở tôi?

Ước gì mọi người Kitô hữu không chỉ mừng lễ Chúa Thăng Thiên theo như một lễ kỷ niệm. Nhưng cử hành lễ này với một tinh thần của đức tin. Tức là biết thăng thiên những giá trị cuộc sống hằng ngày, để sống cho đời sống vĩnh cửu mai sau.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM