Khai mở mầu nhiệm Phục sinh – Lời Chúa – Chúa Nhật II Mùa Chay Năm B

0
575

1. Các bài đọc

Bài đọc 1: St 22,1-2,9a,10-13,15-18

Trích sách Sáng thế: Abraham vâng lời Thiên Chúa hiến tế đứa con duy nhất của mình như của lễ toàn thiêu.

Đáp ca: 116,10.15.16-17,18-19

Thánh vịnh 116: lời cầu nguyện xin được trung thành với Thiên Chúa.

Bài đọc 2: Rm  8,31b-34

Trích thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Rôma: sự trung thành của Thiên Chúa được bộc lộ qua hiến tế của Người Con duy nhất của Ngài, để cứu độ chúng ta.

Tin Mừng: Mc 9,2-10

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: Chúa Giêsu biến đổi hình dạng trước mắt ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan.

2. Chia sẻ

Bước vào tuần thứ hai của Mùa chay, Giáo hội càng đi sâu vào trong việc khám phá những mặc khải về mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Chúa. Câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi hôm nay sẽ dẫn đến sự khai mở đó với sự nối kết với lịch sử của dân Chúa.

Cả ba bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy một khung cảnh hòa trộn giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa lịch sử niềm tin và những điều được tỏ lộ cách mới mẻ nơi Chúa Giêsu. Những điều được tỏ lộ hôm nay khai mở về việc hoàn thành lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Quả thực chúng ta có thể thấy rõ điều này qua:

Hình ảnh người con yêu dấu của Thiên Chúa

Có một cụm từ được lặp lại trong cả ba bài đọc ngày hôm nay đó là “Người Con yêu dấu”. Điều này như một phác họa hình ảnh Đức Giêsu, Người Con yêu dấu của Thiên Chúa.  Hình ảnh đó được minh họa qua hình ảnh người con duy nhất của Abraham. Khi ông đã vâng lời Thiên Chúa mà dám sát tế người con duy nhất của mình, để biểu lộ niềm tin và lòng kính sợ Thiên Chúa qua bài đọc một, sách Sáng Thế.

Điều này, thánh Phaolô đã khẳng định cho dân thành Rôma về tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa, khi đã dâng hiến người con duy nhất của mình trên thập giá để cứu độ con người. Thiên Chúa thực hiện điều này để hoàn tất lời hứa cứu độ.

Và đỉnh cao của sự tỏ lộ này, trong bài Tin Mừng, chính tiếng nói từ trời cao đã chân nhận về Người Con duy nhất này “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mc 9,7).

Như vậy, chính Chúa Giêsu đã được mặc khải rõ ràng trong khuôn mặt của Đấng Mêsia, Đấng cứu độ con người. Và qua đó cũng tỏ lộ tình thương của Chúa Cha, qua hình ảnh Abraham, người cha đã yêu thương con mình và sẵn sàng hiến tế người con đó.

Tỏ lộ mầu nhiệm Phục sinh

Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy sự hiện diện của hai chứng nhân lịch sử khi Chúa biến hình. Ông Êlia và ông Môsê là những nhân vật quan trọng trong lịch sử của Israel. Môsê đã dẫn dắt dân Israel thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và nhận được Mười Điều Răn từ Thiên Chúa. Khi xuất hiện với Chúa Giêsu lúc Ngài biến hình, Môsê đại diện cho Lề luật hướng dẫn cuộc sống của dân Do Thái. Trong khi ấy, Êlia được nhớ đến là một trong những ngôn sứ quan trọng nhất của dân Israel, người đã giúp dân Israel trung thành với Thiên Chúa.

Một số người Do Thái tin rằng, sự trở lại của Êlia sẽ báo hiệu sự xuất hiện của Đấng Mêsia cho dân tộc Do Thái. Niềm tin này được chứng minh trong câu hỏi được đặt ra bởi các môn đệ của Chúa Giêsu sau khi họ đã chứng kiến ​​sự kiện Biến hình.

Sự xuất hiện của hai nhân vật quan trọng này trong lịch sử của dân Israel, cùng với Chúa Giêsu biểu thị sự liên tục của Chúa Giêsu với Lề luật và với các ngôn sứ và rằng Chúa Giêsu là sự hoàn thành tất cả những gì đã hứa với dân Israel.

Ông Môsê và ông Êlia là hai vị đại diện cho Lề Luật và các ngôn sứ trong Cựu Ước. Họ đến để làm chứng cho thiên tính của Chúa Giêsu và sứ vụ rao giảng của Người. Sứ vụ này sẽ chính thức khép lại thời đại cũ và mở ra một thời đại mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngoài ra, sự xuất hiện của hai nhân vật này cũng cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa, đôi khi, sẽ cho phép có sự giao thiệp giữa những người sống và những người đã chết. Điều này cũng nhằm hé lộ thông điệp đã làm cho các môn đệ thắc mắc và không thể hiểu được, đó là “các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?” (Mc 9,9).

Chúa Giêsu chuẩn bị trước niềm tin cho các tông đồ về sự Phục Sinh của Người. Việc hé lộ các thị kiến cho người khác ở thời điểm này là không thích hợp, đặc biệt cho những kẻ cứng tin, hẹp hòi và mưu mô như người Pharisêu. Nhưng với các ông, người muốn cho các ông hưởng nếm trước vinh quang phục sinh của Người. Để họ có niềm hy vọng trước những thử thách đang đến gần, đó chính là cuộc khổ nạn của Chúa.

Hai hình ảnh nổi bật này trong các bài đọc hôm nay giúp tôi khám ra khuôn mặt của Đấng cứu độ và công trình cứu độ của Người qua mầu nhiệm phục sinh. Đây là một thách đố cho niềm tin, để tôi đi theo Chúa mỗi ngày, dù cuộc đời đầy những gian lao vất vả.

Hành trình cuộc sống của tôi như hành trình khổ nạn và phục sinh của Chúa. Tôi tin Chúa sẽ phục sinh và người sẽ giải thoát tôi khỏi mọi đau khổ và tội lỗi của kiếp sống con người và được hưởng niềm vui cứu độ với Chúa. Đó chính là hy tế cứu độ của Chúa Giêsu đã thực hiện, để đưa con người trở về tương quan với Thiên Chúa.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM