Cao Viết Tuấn, CM
38. Tản mạn trong một buổi sáng trời mưa…
Sáng nào cũng vậy, phải hơn 7 giờ mọi việc ở nhà thờ (kinh nguyện, phụng vụ Lời Chúa) mới tạm xong. Về nhà xứ, đang bắc nồi cơm thì trời mưa (ở đây đang giữa mùa mưa). Bao nhiêu công việc dự định làm sáng nay không biết sẽ thế nào đây. Thôi kệ đi, nấu cơm ăn trước đã rồi tính.
Ăn xong rồi, trời vẫn mưa, mát mẻ, trong lành!
Bưng ly cà phê (Nestle) ra phòng hóng gió (như hình), nhìn ra biển. Căn phòng được thiết kế đặc biệt, ngoài lối vào, ba mặt kia được bọc lưới và kính. Do đó, ngồi trong phòng có thể nhìn ra xung quanh, thích nhất là biển.
Thưởng thức một ly cà phê, dù không ngon bằng cà phê Ban Mê, trong một khung cảnh như vậy, thực sự mình cảm thấy mình rất giàu có (giống đại gia!). Mà thực sự, được uống cà phê mỗi buổi sáng như vậy có lẽ cũng là nhất trên hòn đảo này rồi.
Hạnh phúc, sự hài lòng hay mãn nguyện không hệ tại ở sự phong phú hay giàu có vật chất của cải, nhưng hệ tại ở nghệ thuật thưởng thức cuộc sống trong tâm tình tạ ơn! Hãy thưởng thức, hãy tận hưởng tất cả những gì mình đang có, trong tâm tình Tạ ơn Thiên Chúa, và sẵn sàng mở lòng chia sẻ với người khác trong khả năng của mình, rồi bạn sẽ cảm nghiệm hạnh phúc sung sướng như thế nào!
Ngoài trời vẫn đang mưa…
39. Ở đảo Trobriand, tiền hiện đại chỉ mới được đưa vào gần đây với một lượng nhỏ, bởi vì đời sống người dân trên đảo khép kín, mọi giao dịch trao đổi chủ yếu giữa người dân trên đảo với nhau. Do đó, người dân vẫn xài tiền truyền thống là lá chuối khô và vỏ ốc biển.
Đây là một loại lá chuối đặc biệt (mình chưa hiểu nó đặc biệt thế nào), được hái về, xét thành miếng, phơi khô và xếp lại thành từng xấp. Khi cần, người ta mang những xấp lá chuối khô này đi đổi lấy cá, khoai, bắp … Và để cưới chồng, các cô gái cũng mang loại tiền này, cùng với khoai mỡ, đến nhà vị hôn phu để trao đổi.
Trong hình là một cô gái đội thau “tiền tươi”
40. Một Soeur người Myanmar đang truyền giáo ở đây kể, khi Sr về nước thăm gia đình, đứa cháu 4 tuổi của Sr đến xin tiền mua đồ chơi. Sr trả lời: bên chỗ dì nghèo lắm, họ không có tiền, phải dùng lá chuối để mua hàng hoá. Hôm sau, cậu bé cầm một nắm lá chuối đưa cho Sr rồi nói: dì đem lá chuối này qua bên đó mua đồ chơi cho cháu nha!
Đó có lẽ cũng là suy nghĩ của nhiều người khi đọc bài viết về tiền lá chuối (tiếng địa phương là doba). Để làm doba, người ta phải tốn nhiều công sức, chứ không hề đơn giản. Nói thế này cho dễ hiểu, người ta dệt vải, hay đan lát, thay vì đem bán lấy tiền, rồi mua hàng hoá, người ta có thể đem đi đổi hàng hoá trực tiếp. Doba cũng tương tự vậy.
Ngoài doba, còn có những tiền truyền thống khác làm bằng vỏ sò (ví dụ Kuwa [hoặc kua] hay mwari là những đồ trang sức, có giá trị trao đổi lớn hơn. Ví dụ ở thành phố, một vòng đeo cổ kuwa được bán với giá 100-150 kina (700 ngàn-1 triệu vnđ), mwari còn mắc hơn nhiều. Những vỏ sò này đặc biệt, chúng được lấy về từ đáy biển và chế tác công phu.
Còn về làm sao in hoa văn lên lá chuối, xem hình chắc sẽ thấy rõ hơn. Xin nói thêm, chỉ có nữ giới mọi lứa tuổi mới làm doba, đàn ông không bao giờ làm. Nói chung, mọi công việc ở đây luôn được phân công theo giới tính, ví dụ đàn ông lo trồng khoai mỡ, còn phụ nữ trồng khoai lang, khoai môn, khoai mì…
41. Sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu, mình xin chia sẻ quy trình làm tiền bằng lá chuối, với nhiều công đoạn như sau:
Hái lá chuối về (loại nào cũng được), đặt lên bàn gỗ (có hoa văn sẵn) cạo để in hoa văn ấy lên lá chuối.Sau đó, người ta đem luộc lá chuối đã in hoa văn, rồi đem phơi khô.
Cuối cùng người ta bó lại thành từng bó thành phẩm.
Loại tiền này có thể dùng để trao đổi khoai, cá … ở chợ, và là món không thể thiếu trong việc cưới chồng của các cô gái.
(còn nữa)