Ký sự PNG (Phần 15)

0
763

Cao Viết Tuấn, CM

47. Giàu hay nghèo?

Nhiều em ở đây không có quần mặc nên chỉ quấn miếng vải. Áo thì khá hiếm và thường rất cũ, nên cho dù rách hết một nửa, em vẫn mặc.

Trong những ngày tết, người ta thường chúc nhau: phát tài phát lộc, vinh hoa phú quý, thịnh đạt sang giàu. Còn khi hỏi về hoàn cảnh gia đình, ít ai dám nói mình giàu, thậm chí những đại gia tiền tỉ với căn biệt thự trong những khu cao cấp, xe hơi hạng sang, làm chủ vài ba công ty, du lịch nước ngoài hàng năm … cũng chỉ nói gia đình mình tạm đủ ăn.

Khi mới đến PNG, mình rất ngạc nhiên khi một cha ở đây lâu năm dặn mình: đừng bao giờ nói người dân ở đây nghèo, họ không đồng ý và không thích bị gọi là nghèo. Họ không nghĩ họ nghèo đâu!

Sau một thời gian, mình lân la hỏi một số người thế nào là nghèo theo quan niệm của người dân ở đây. Tất cả đều cho rằng: nghèo nghĩa là không có gì ăn. Với định nghĩa đó thì quả thật ở đây không có ai nghèo hết, bởi vì chuối, dừa, đu đủ, khoai các loại luôn có sẵn. Không ai lo lắng chuyện ăn uống. Thay vào đó, họ luôn nghĩ họ dư giả, giàu có, nên họ luôn sẵn sàng chia sẻ với nhau.

Do đó, sự liên đới trong cộng đồng rất cao và chặt chẽ, mọi người đồng đều như nhau. Không ai giàu hơn ai, nghèo hơn ai. Những ai học hành đỗ đạt hay đi làm ở thành phố phải gởi tiền về chia đều cho cả dòng họ. Cũng chính điều này làm cho đa số giới trẻ không cần nỗ lực học hành tiến thân, ở nhà làm vườn cũng no đủ.

Người dân ở đây sống theo từng bộ tộc (clan) quây quần san sát với nhau. Nhà cửa nhìn chung giống nhau, trừ nhà tộc trưởng (chief). Ngoài mảnh vườn riêng của gia đình, mỗi bộ lạc còn có một đám rẫy chung, rất rộng, người ta làm chung với nhau trên đó. Sau khi thu hoạch, tộc trưởng sẽ chia đều cho mọi người, một phần được giữ lại để dành cho việc chung. Như vậy không có ai nghèo hay neo đơn.

Trong bối cảnh đó, nếu muốn làm dự án gì, hay giúp phát triển kinh tế, cần phải nghĩ đến mức độ vĩ mô, chứ không thể chú trọng đến những hộ gia đình nghèo như ở Việt Nam. Cụ thể như không thể làm nhà tình thương, không thể giúp vốn làm ăn cho người nghèo, không thể cấp học bổng, cấp xe đạp…

Người ta kể lúc trước cha xứ xin được mấy chục tấm tole cũ, ngài họp ban hành giáo và hỏi xem những hộ gia đình nào nghèo để cha cho những tấm tole ấy. Cả hội đồng ngơ ngác, vì họ không có khái niệm người nghèo trong cộng đồng, mọi người đều giàu giống nhau. Cuối cùng cha xứ phải dùng tole đó để làm hàng rào xung quanh nhà thờ.

Trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân

48. Hôm nay mình lên kế hoạch đi Losuia với Luya sau khi giúp lễ cho cha ở nhà thờ giáo xứ Gusaweta. 10g lễ xong, ai đi đường nấy: mình đạp xe, cha đi xe hơi về Wapipi, còn hai Sơ đi bộ vào Luya nhưng được cha cho quá giang một đoạn nên sau đó chỉ phải đi bộ …1 tiếng thôi.

Đạp xe khoảng 30 phút thì đến Losuia, lâu hơn bình thường vì hôm nay chiếc xe giở chứng: bàn đạp lỏng ốc, nên đạp một đoạn phải dừng lại để siết ốc (bằng tay). 11g30 thì xong phụng vụ Lời Chúa liền chạy vội vào Luya mất thêm một tiếng nữa.

Đói, khát và mệt dưới trời nắng giữa trưa cùng với chiếc xe giở chứng nhưng vì tới nơi đã 12g30, mọi người đang đợi rất đông nên mình không kịp uống nước hay nghỉ ngơi. Dựng xe bên hông, mình vào nhà thờ bắt đầu cử hành ngay. Hai sơ đã tới nơi trước mình, một sơ tham dự cùng giáo dân, sơ còn lại nấu cơm. Mình mừng thầm: cử hành xong, có cơm ăn rồi, nhẹ nhõm. Cơm với mì gói, chỉ vậy thôi nhưng lại ngon đến lạ lùng!

Đang ăn cơm, sơ nói mình kiệu Mình Thánh Chúa cho người bệnh và người già. Hơn 2g, mình cùng hai sơ và một số giáo dân cùng rất đông thiếu nhi đi lòng vòng trong làng thăm người già và bệnh nhân cũng như cho họ rước Mình Thánh Chúa. Đến khi kết thúc đã gần 4g.

Mình đạp xe về mất hơn 1 tiếng. Còn hai sơ đi bộ mất hai tiếng. Do dừng chân dọc đường để nghỉ và sửa xe, nên mình về đến nhà cũng gần 5g30. Vậy là vừa kịp nghỉ chút xíu để tắm rửa rồi đọc kinh chiều, lần hạt với một sơ ở nhà và giáo dân, không kịp nấu nướng gì hết. Vừa đọc kinh vừa cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho sơ mời cơm tối. Đọc kinh xong chưa thấy sơ mời nên tới gần nấn ná. Cuối cùng sơ cũng hỏi có kịp nấu gì chưa. Mình nói chưa. Tới mức này rồi không lẽ sơ không mời cơm sao được.

Dừng chân nghỉ mệt dọc đường

49. Có thể bạn không tin, nhưng đó là những gì mình ghi nhận từ ngôi trường của giáo xứ (Không biết dịch là trường gì chứ đây gọi là Primary School, từ lớp 1-8).

Học sinh lớp 3,4, và 5 phải ngồi bệt như vậy. Lên lớp 6 mới có bàn ghế để ngồi học.

Giờ lên lớp bắt đầu lúc 8g, tan trường lúc 15g (Thứ bảy và Chúa nhật được nghỉ).

Các em đội sách vở đến lớp. Em áo trắng chỉ có một chiếc dép để mang, đúng phương châm có còn hơn không.

Chào cờ hàng ngày kéo dài 1 tiếng.

Giờ ra chơi lúc 12g -13g trưa, đây là lúc cả nam lẫn đá banh ngoài trời, bất chấp cái nắng gay gắt.

Giờ ra chơi rất ồn ào náo nhiệt với đủ mọi hoạt động.

Các em ăn sáng ở nhà hoặc ăn trưa ở lớp, không em nào ăn cả hai bữa.

Nhiều em đi bộ cả tiếng để đến lớp.

Rất hiếm em có dép giày.

Trường học không yêu cầu đồng phục.

Nữ luôn luôn mặc váy.

Không em nào có cặp.

Bàn học được ưu tiên cho lớp lớn, nên những lớp học nhỏ hơn không có bàn ghế.

(còn nữa)