Làm sao bác ái được thực thi đúng nghĩa…?

0
3155

Câu chuyện về một bà già dành dụm từng đồng tiền lẻ để gửi cho các cha các thầy làm việc bác ái gợi lên trong tôi một suy nghĩ. Bà đang cộng tác đắc lực cho công việc truyền giáo, qua việc làm hết sức bác ái của bà. Hình ảnh một bà cụ lưng khom đang vội vã tiến đến gặp tôi, trên tay gầy gò, da bọc xương và run run nữa đang đưa cho tôi một phong bì tiền làm cho tôi không bao giờ quên được. Bà cũng mang trong mình tâm tư phải thực hiện một điều gì đó, bà cũng muốn đóng góp chút gì đó cho những người nghèo hơn mình. Trong phong bì tiền ấy là những đồng tiền lẻ nhăn nheo, bị gấp lại nhiều lần nên bị nhàu nát. Ở vùng quê, những bó rau cũng là thứ để những người không còn sức lao động kiếm chút tiền nuôi sống chính mình, thế nhưng bà vẫn dành dụm để có tiền xin lễ hoặc cho con cháu. Tuy số tiền chẳng nhiều nhặn gì, nhưng tôi biết, đó là tất cả những gì bà có, tất cả những gì bà sở hữu. Tôi hỏi bà, tại sao bà không để số tiền đó trang trải cho mình khi ốm đau, hay cần chi tiêu cho mình. Bà đã trả lời, con thấy mình vẫn còn đủ ăn đủ dùng và số tiền này thầy cứ dùng để giúp những người đang sống trong cảnh khó khăn hơn con. Thật đáng ca ngợi. Đáng ca ngợi vì có biết bao người đang sống sung túc, giàu có không biết coi trọng người khác, còn bà thì luôn nghĩ cho người khác; đáng ca ngợi vì hàng tỉ tỉ đồng đang bị phung phí mà không được sử dụng đúng cách; đáng ca ngợi vì bà dám hy sinh số tiền mình vất vả làm ra để giúp những người đang trong cảnh túng thiếu. Tôi không biết những ai nhận được số tiền ấy sẽ quý trọng nó như thế nào, nhưng họ đang sống được nhờ những đồng tiền tuy ít về lượng nhưng đầy tình tương thân tương ái.

Một thực trạng không tốt đang dần ăn sâu vào tâm trí những người được coi là có lòng tốt, thương người khi họ làm việc bác ái. Chân Phước Ozanam từng nói: lòng trắc ẩn là một sự cao ngạo đối với những ai cho rằng những hành động tốt là một loại trang sức và nó thích ngắm nhìn mình trong gương. Ngày nay, người này hay đoàn thể nọ thích làm việc bác ái với sự thể hiện và quảng cáo. Họ giúp người này thì kể công, giúp cộng đoàn hay xứ đạo nọ thì muốn được tuyên dương, thu hình lại để cho người khác biết việc mình làm. Bác ái nghĩa là “tình yêu cao cả, rộng khắp”, từ thiện là “một hành động trợ giúp người yếu kém”. Như vậy, bác ái là sẵn sàng trợ giúp người ta dù mình cũng trong tình trạng khó khăn, lá rách đùm lá rách; còn từ thiện là sự trợ giúp của người khá giả hơn đối với người đang gặp cảnh khó khăn hơn. Dĩ nhiên, bác ái vẫn được thể hiện rõ nét nơi nhiều cộng đoàn, cá nhân đang hoạt động giúp đỡ người khác. Những việc bác ái được thực hiện ấy đang được âm thầm thể hiện, không màng chi tới vinh dự chóng qua và thấp hèn.

Trong Tin Mừng, bà góa nghèo dâng tiền vào thùng tiền trong đền thờ đã cho thấy lòng bác ái của bà. Đức Giêsu cũng đã cảnh báo, khi anh em làm việc bác ái, đừng để tay trái biết việc tay phải làm. Tương tự như vậy, trong Tin Mừng Luca 14,12-14, thánh sử thuật lại việc Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng : “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
Làm sao bác ái được thực thi đúng nghĩa…?

NDĐ