Lặp lại nguyện gẫm

0
1320

ANTHONY NJOKU, C.M.

Tại nhà nguyện của Saint Lazare xưa, mỗi tuần hai hay hơn hai lần, khi kết thúc giờ kinh sáng, thánh Vinh Sơn thường quy tụ các thành viên xung quanh ngài. Sau đó, ngài thường mời gọi họ chia sẻ với cộng đoàn những tư tưởng và những quyết tâm tốt lành mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong giờ nguyện gẫm.[1]

Mỗi lần như vậy, ngài thường mời ba hoặc bốn người chia sẻ. Dù lịch trình nặng nề và dày đặc của mình, ngài vẫn ưu tiên cho việc thực hành này, lắng nghe những chia sẻ của họ với nhiều thích thú và hân hoan rõ rệt, không chút gì vội vàng và gián đoạn. Việc thực hành mà ngài vốn không giới hạn nơi cộng đoàn của ngài này, đã được gọi là lặp lại nguyện gẫm. Thực hành này – một sáng kiến của thánh Vinh Sơn và vẫn còn được sử dụng trong thời gian gần đây, giữa các linh mục của Tu hội Truyền giáo, các Nữ tử Bác ái và trong một số chủng viện giáo phận – cốt tại việc tự nguyện chia sẻ vắn tắt những tư tưởng và quyết tâm đã nhận được khi nguyện gẫm, nhằm mục đích bồi dưỡng tâm linh cho nhau.[2] Khi kết thúc giờ kinh, vị bề trên thường mời một hoặc hai hay tất cả mọi người đang hiện diện lần lượt chia sẻ những tư tưởng đánh động họ trong giờ nguyện gẫm. Khi kết thúc, vị bề trên sẽ tóm lược những tư tưởng mà các anh em đã chia sẻ, và chia sẻ giờ nguyện gẫm của ngài.

Khi làm bề trên Nhà Saint Lazare, bên cạnh các thành viên của mình, thánh Vinh Sơn đôi khi cũng mời gọi các người ở trong nhà này chia sẻ kinh nghiệm nguyện gẫm. Họ đã lần lượt nói về sự soi sáng và niềm vui. Khi nghe những điều họ nói, ngài luôn tạ ơn Thiên Chúa, Đấng yêu thích chuyện trò với những người đơn sơ, chẳng hạn như đối với trường hợp của một người giúp việc đã chia sẻ sau đây:

Hãy lưu ý rằng, Chúa chúng ta đã truyền dạy chúng ta trợ giúp người nghèo, tôi đã nghĩ mình phải làm gì đó cho họ; nhưng tôi, một con người nghèo nàn và chẳng thể cho họ được bất cứ thứ gì, tôi đã chọn giải pháp là dành cho họ ít là một chút kính trọng, là nói chuyện một cách thân ái với họ khi họ trò chuyện với tôi, và thậm chí là bỏ mũ ra khi chào họ.

Ngay cả trên các cuộc hành trình cùng đi với người khác của mình, thánh Vinh Sơn cũng thường khích lệ các bạn đồng hành của mình chia sẻ những gì mà Chúa Thánh Thần linh hứng cho họ. Sau khi được ngài khích lệ, một số mệnh phụ đạo đức đã chia sẻ việc nguyện gẫm của họ thậm chí cả với các tớ nữ của mình, theo lợi thế tâm linh của họ. Thánh Vinh Sơn đã ghi lại: “Chân phước Maria Nhập thể đã sử dụng các phương tiện này để tiến tới nhiều hơn trong sự hoàn thiện. Chị đã tường thuật một cách cẩn thận về việc nguyện gẫm của mình cho tớ nữ của ngài[3]

Để khích lệ các chị Nữ Tử Bác Ái thực hiện điều tương tự, ngài thường kể với họ kinh nghiệm lặp lại nguyện gẫm giữa các linh mục và tu huynh, và thường nêu lên mẫu gương của một số phụ nữ đạo đức đã được lợi hết sức từ việc thực hành này. Khi nhấn mạnh về việc thực hành này, ngài nói:

Hãy hết sức chăm chú tường thuật giờ nguyện gẫm của chị em cho nhau ngay sau lúc nguyện gẫm. Chị em không thể tưởng tượng được điều này hữu ích ra sao đâu. Hãy kể lại cho nhau một cách hoàn toàn đơn sơ những tư tưởng mà Thiên Chúa đã ban cho các chị em và trên hết, hãy ghi nhớ kỹ lưỡng những quyết tâm mà chị em đã làm khi nguyện gẫm... Đúng thế, hỡi các chị em, các chị em không thể tưởng tượng được việc thực hành này sẽ sinh ích cho chị em nhiều đến thế nào đâu, cũng như chị em sẽ làm Thiên Chúa vui lòng đến mức nào qua việc thực hành điều này[4]

Trong bài nói chuyện ngày 02/08/1640, với sự khẩn khoản tha thiết, ngài đã lặp lại lời cổ võ của mình:

Tôi thiết tha đề nghị chị em việc thực hành thánh thiện này kể lại cho nhau xem chị em đã dành thời gian như thế nào cho việc nguyện gẫm, và nhất là những quyết tâm chị em đã thực hiện, và chị em phải làm như vậy một cách hoàn toàn đơn sơ[5]

Như thể để chắc chắn rằng chẳng có chút nghi ngờ gì trong tâm trí của họ cũng như về điều ngài mong muốn cho họ, ngài đã trở lại với sự cần thiết phải chia sẻ trong đức ái khi ngài thực hiện một bài nói chuyện về lợi ích của việc hướng dẫn:

“Và đâu là điều một chị Nữ Tử Bác Ái phải làm cho người mà Thiên Chúa đã trao ban, trong suốt giờ nguyện gẫm mà chị đã thực hiện dựa trên chủ đề của một bài nói chuyện, một chút soi sáng hướng dẫn chị trong việc thực hành một nhân đức hay từ bỏ một vài lỗi lầm? Chị ấy không phải bộc lộ cho người khác sao? Hay là chị ấy cần giấu giếm điều đó và chỉ giữ cho một mình chị? Ồ không, chị ấy phải nói về điều đó một cách khiêm tốn và chân thật, ý thức và nhìn nhận điều đó không đến từ chính mình mà là từ Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chị điều đó, và muốn chị chia sẻ với những người khác, giống như tất cả các chị đã làm với những gì mình sở hữu.”[6]

Việc thực hành này, với tư cách là một thực hành mang tính cộng đoàn, bắt nguồn từ cảm hứng của thánh Vinh Sơn, dù chúng ta phải thừa nhận ảnh hưởng có thể có của Bà Acarie, cũng như của các tu sĩ dòng Orator của thánh Philipphê Neri.[7] Thánh Vinh Sơn đã xác nhận:

“Việc lặp lại nguyện gẫm trước kia là một điều chưa từng thấy trong Giáo hội của Chúa… Chúng ta có lý do để tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã ban ân huệ này cho Tu hội, và chúng ta có thể nói rằng, việc thực hành này chưa từng được sử dụng trong bất kỳ Tu hội nào khác, ngoài Tu hội của chúng ta.”[8]

Việc lặp lại nguyện gẫm này khác với việc lặp lại nguyện gẫm như đã có trong các bài linh thao của thánh Inhaxiô. Việc lặp lại nguyện gẫm của thánh Inhaxiô cốt ở “việc chú ý và dừng lại đặc biệt ở những điểm mà tôi cảm thấy an ủi hoặc sầu khổ hơn cả, hay một tác động thiêng liêng rõ rệt hơn nào đó.[9] Việc lặp lại nguyện gẫm này rõ ràng là mang tính cá nhân, trong khi việc lặp lại nguyện gẫm Vinh Sơn lại mang tính cộng đoàn.

Bầu khí và điều kiện dành cho việc chia sẻ này thì hoàn toàn đơn sơ đối với tất cả các tham dự viên. Điều này khiến các tâm hồn mở ra với nhau. Theo lời của thánh Vinh Sơn: “Hãy thuật lại cho nhau một cách hoàn toàn đơn sơ những tư tưởng mà Thiên Chúa đã ban cho các con…”[10] Bất cứ ai lợi dụng cơ hội này để phô trương kiến thức của mình, hoặc để trở nên khác hơn với những gì mình là, thì người đó ngay lập tức sẽ nhận được lời khiển trách của ngài. Đây là một cuộc hội họp mà từng người phải đặt sự chú ý và quan tâm trọn vẹn vào. Đó là một buổi chia sẻ huynh đệ ở cấp độ sâu xa nhất. Ở đây, không ai bị xét đoán, nhưng được đón nhận tuyệt đối với tư cách là người mang Lời Chúa đến cho nhóm. Việc chia sẻ như thế tạo nên một kinh nghiệm chung và giúp  cho việc thấu hiểu có tính đồng quy hoặc bổ sung về kinh nghiệm nuôi dưỡng mục tiêu chung bám rễ trong việc chia sẻ sự hiểu biết và ý nghĩa. Việc chia sẻ nuôi dưỡng và bao hàm tình yêu huynh đệ và đón nhận nhau cách tuyệt đối, cũng như ý thức rằng kế hoạch của Thiên Chúa đang được thực hiện qua tất cả mọi sự, thậm chí cả những gì điên rồ.

Nhiều lý do đã được đưa ra liên quan đến ý định của thánh Vinh Sơn trong việc xúc tiến “thực hành thánh thiện” này, như thánh nhân vẫn thường nói về việc thực hành đó. Đây là một trường hợp không kể lời phát biểu minh nhiên của ngài. Dựa vào nghiên cứu của mình trên nhiều bản văn nói về lặp lại nguyện gẫm, cha André Dodin khẳng định: thánh Vinh Sơn đã sử dụng việc lặp lại nguyện gẫm như thể là một phương tiện quản trị Tu hội của mình và như một phương pháp linh hướng.[11] Đối với một số người khác, đó là một cách áp chế, và sửa lỗi, có tính thần học hay những thứ khác nữa, trong một thời kỳ có quá nhiều tranh luận.

Dù những suy đoán này có vẻ hợp lý này thì chân lý phải được tìm kiếm trong chứng tá của chính thánh nhân. Thật khó để hiểu làm thế nào mà những lý do này có thể giải thích được sự khích lệ của ngài đối với các mệnh phụ đạo đức trong việc sử dụng phương pháp này, cũng như lời mời gọi của thánh nhân đối với các người giúp việc tham dự các buổi lặp lại nguyện gẫm đó. Thường thì các người giúp việc không có nguy cơ dị giáo xét về mặt thần học.

Trong bài nói chuyện ngày 31/07/1634, là một trong những bài nói chuyện đầu tiên trong số các bài nói chuyện dành cho các Nữ Tử Bác Ái còn được lưu giữ, khi đó, ngài khuyên các chị kể cho nhau những tư tưởng của mình, ngài đã nói ý định của ngài trong việc khuyến khích họ làm như vậy. Đó là một “phương tiện tiến tới nhiều hơn trong sự hoàn thiện.”[12]

Trong một bài nói chuyện với các linh mục của Tu hội Truyền giáo, ngài nói rằng đó là một trong những cách thức tuyệt vời nhất để khuyến khích nhau trên con đường nên thánh. Ngài nói: “Việc lặp lại nguyện gẫm là một trong những phương tiện cần thiết nhất để thúc đẩy lẫn nhau nên thánh.”[13]

Không chỉ sự thánh thiện riêng họ đòi buộc họ phải chia sẻ với nhau, mà họ còn bị buộc phải làm như thế trong đức ái, và trong sự nhận biết rằng bất cứ điều gì họ phải chia sẻ thì đều là những điều Thiên Chúa đã ban cho họ với mục đích chia sẻ cho người khác. Ý định của thánh Vinh Sơn thì đơn giản và rõ ràng. Chia sẻ thiêng liêng là nhằm phát triển cá nhân, nhóm và khích lệ lẫn nhau. Chính việc chia sẻ trọn vẹn với anh em sẽ cấu thành đời sống chung. Đức ái ở giữa họ đòi hỏi họ phải chia sẻ những của cải thiêng liêng này một cách khiêm nhường và chân thành, hiểu biết và ý thức rằng những của cải đó đến từ Thiên Chúa, Đấng muốn chúng được chia sẻ, Đấng vui thích khi điều đó được thực hiện.[14]

Từ chính kinh nghiệm của mình, thánh Vinh Sơn biết những chia sẻ đó sẽ mang đến sự trợ giúp to lớn cho những ai đã thực hành như vậy, như ngài đã nói trong một cuộc họp cố vấn của các Nữ Tử Bác Ái:

Tôi đảm bảo với chị em rằng, tôi không thể diễn tả hết những hoa trái đến từ việc thực hành đó. Khi tôi khô khan trong cầu nguyện, tôi hy vọng có thể nhận được một chút ánh sáng từ một người anh em tốt lành nào đó đã nhận được một sự soi sáng nào đó, và từ đó tôi đã thu được lợi ích. Tôi mong đợi điều này đến từ lòng quảng đại của Thiên Chúa và tôi không bao giờ thất vọng. Thật là niềm an ủi lớn lao khi tôi tìm cách lắng nghe những người anh em tốt lành đó cũng như các chị em của chúng ta. Khi tôi nghe được bất kỳ điều gì trong số những chia sẻ này, tôi được đánh động sâu xa đến nỗi tôi làm sao diễn tả nổi. Tôi không biết có ai khác giống như tôi không, nhưng tôi là thế, và điều này xảy đến với tôi mỗi khi họ chia sẻ một điều gì đó được khai mở trong lúc lặp lại nguyện gẫm của họ.[15]

Trong một bài nói chuyện với các Nữ tử, ngài nói: Ôi, đúng vậy, hỡi các chị em của tôi, các chị em không thể tưởng tượng được việc thực hành này sẽ sinh lợi ích lớn lao cho các chị em như thế nào đâu.”[16]

Kinh nghiệm tìm kiếm sự biểu lộ và tăng trưởng qua sự biểu lộ đó. Việc chia sẻ một kinh nghiệm sẽ đào sâu và làm cho sáng tỏ kinh nghiệm ấy. Bằng cách chia sẻ một kinh nghiệm, chúng ta bày tỏ xác tín của mình một cách cởi mở, và cảm thấy gắn kết hơn với kinh nghiệm đó. Khi các quyết tâm được chia sẻ, sẽ xuất hiện một cảm giác dấn thân hơn và thúc bách trung thành với các quyết tâm ấy. Vì thế, việc chia sẻ các quyết tâm là một cách thức chắc chắn để phát triển nhân đức. Thánh Vinh Sơn biết điều này. Ngài biết rằng các Nữ tử Bác ái của ngài, những người dốt nát và đáng thương, cần sự nâng đỡ của người khác. Việc lặp lại nguyện gẫm là một phương thế hiệu quả mang lại sự nâng đỡ đó. Điều này giải thích tại sao ngay từ đầu, ngài đã nhấn mạnh vào việc chia sẻ này.[17]

Việc chia sẻ thiêng liêng đào sâu ý thức về sức mạnh của Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong đời sống của chúng ta, và nhận ra mọi tư tưởng và cảm xúc tốt đẹp của chúng ta đều đến từ Ngài. Bằng cách chia sẻ như thế, người ta học được cách chuyển sự chăm chú vào bản thân sang quyền năng đang hoạt động bên trong. Nơi đó phát triển trong mỗi người ý thức về sự tự do của con cái Thiên Chúa, và từ đó tuôn tràn lòng dũng cảm để thực sự xứng hợp với ơn gọi của mỗi người.

Việc chia sẻ ở chiều kích sâu xa này đòi hỏi sự can đảm. Thật là mạo hiểm khi vâng lời những người hiền lành mà lại không lôi kéo được sức mạnh của Chúa Thánh Thần nơi chúng ta. Sức mạnh đó nuôi dưỡng tinh thần cởi mở và sự tăng triển trong sự chấp nhận người khác, không phải với tư cách là một địch thủ nhưng là một người anh em, một người mà ta có thể chia sẻ tất cả những quà tặng của cuộc sống mà không mất mát gì khi làm thế.

Việc lặp lại là phương tiện nội tâm hoá các giá trị và biến cố. Trong Kinh Thánh, Dân được Thiên Chúa chọn đã thường đưa ra một số trình thuật về cùng một biến cố. Lời cầu nguyện vĩ đại nhất của họ, các thánh vịnh, thì đầy sự lặp lại của cùng những cảm nghĩ và ý tưởng. Điều tương tự cũng xảy ra với phụng vụ. Trong việc cầu nguyện cá nhân, nơi lời kinh tuy đơn sơ nhưng đầy quyền năng – kinh Mân côi hoặc lời kinh của Đức Giêsu, có thể nói, việc lặp lại nhắm mục đích để thời gian làm cho những tâm tình này lắng xuống từ khối óc đến con tim.

Lời Chúa được chia sẻ sẽ mang lại sự hiểu biết chung cấu thành cộng đoàn Kitô hữu. Việc lắng nghe Lời Chúa cách trọn vẹn không chỉ là công việc cá nhân mà còn là công việc cộng đoàn. Lời Chúa sẽ không thấm nhập vào toàn thể cộng đoàn nếu cộng đoàn đó không có những cách thức chia sẻ những lĩnh hội về Lời đó. Một trong những chi tiết lạ lùng nơi các cộng đoàn tu trì, đó là một khu vực đáng kể dành cho việc chia sẻ, mà tại đó các thành viên thất bại trong việc gặp gỡ nhau, sẽ là sự thông truyền về chính lý do cho hiện hữu của họ. Họ thấy khó khăn khi nói về Chúa Cha, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần.

Khi chia sẻ, cá nhân nhìn nhận và tuyên xưng sự vĩ đại của Thiên Chúa. Điều đó tạo nêu sự soi sáng cho nhau. Chính từ ngôi trường này mà các tân ứng sinh và những người thiếu kinh nghiệm học hỏi được cách đào tạo cho mình nghệ thuật cầu nguyện. Đó là thứ dạy cho biết phải cầu nguyện thế nào, và người khác đi vào kinh nghiệm cầu nguyện với một ai đó từng trải hơn. Khi chia sẻ cầu nguyện, vị giảng huấn không phải biển chỉ đường không đi cùng với du khách nhưng là một người dẫn đường nắm tay khách bộ hành và đi cùng người ấy.

Khi các môn đệ xin Đức Giêsu dạy họ cách cầu nguyện, Người đã dạy họ bằng cách chia sẻ cho họ lời cầu nguyện của chính Người, và vì thế, Người đã đưa họ đi vào kinh nghiệm riêng của Người đối với Thiên Chúa là Cha (Lc 11,1). Hãy để những ai chân thành tìm kiếm sự trợ giúp của người khác trong nghệ thuật cầu nguyện tuyệt vời này, được bắt chước từ đó. Các phương pháp sẽ có vai trò của chúng nhưng không có gì thay thế cho việc chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng của chính anh em với những người anh em muốn giúp đỡ.

Điều đó dẫn đến sự hiệp thông của các tâm hồn vì trong việc cầu nguyện của người khác, chúng ta nhận ra chính mình, những hoài nghi, những chiến đấu và niềm vui của chúng ta. Tại trung tâm điểm mà từ đó việc cầu nguyện thực hiện, tất cả chúng ta đều là một, được ghi dấu bởi cùng một sự yếu đuối và mạnh mẽ. Trong việc chia sẻ cầu nguyện, mọi người được dẫn dắt để chấp nhận nhau ở một mức độ sâu hơn trong nhận thức tội lỗi và lòng trắc ẩn.

Việc chia sẻ thiêng liêng phải là một phần của việc chia sẻ được biểu lộ trong lời khấn khó nghèo nhằm xây dựng một cộng đoàn huynh đệ. Nếu quyền sở hữu chung tài sản chỉ áp dụng cho vật chất thì quả thực nó đã bị giới hạn. Quyền đó phải đi đến chỗ sở hữu chung cả tài sản thiêng liêng nữa, niềm vui cũng như nỗi buồn. Một cách thế để đạt được điều này là qua việc lặp lại nguyện gẫm. Thánh Vinh Sơn nói rằng: “Ồ không, chị ấy phải nói về điều đó một cách khiêm tốn và chân thật, ý thức và nhìn nhận điều đó không đến từ chính mình mà là từ Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chị điều đó, và muốn chị chia sẻ với những người khác, giống như tất cả các chị đã làm với những gì mình sở hữu.”[18]

Tình bạn là chia sẻ. Phàm điều gì được chia sẻ thì điều đó xác định căn tính của tình bạn. Cộng đoàn tu trì đặt sự liên đới thiêng liêng lên trên mọi thứ khác. Nếu lý tưởng này được nhận thức rõ thì nhất định phải có sự chia sẻ thiêng liêng to lớn hơn. Đây có thể là một trong những lý do khiến các nỗ lực và thử nghiệm nhằm tạo nên những cộng đoàn tu trì đích thực trong thời đại chúng ta luôn gặp thất bại. Có rất ít chia sẻ thiêng liêng. Cộng đoàn không thể được xây dựng trên các ý tưởng nhưng được xây dựng trên nhãn quan chia sẻ tâm hồn.

Qua chia sẻ cầu nguyện, việc cầu nguyện cá nhân đạt tới chiều kích cộng đoàn. Có một nhận thức chung về yếu đuối và sức mạnh chung. Điều này đưa đến sự hiểu biết, cảm thông và yêu thương lẫn nhau nhiều hơn. Một cộng đoàn chia sẻ cầu nguyện cũng sẽ chia sẻ tâm hồn.

Nhắm đến điều này, trong một trong những bài nói chuyện sớm nhất với các Nữ Tử Bác Ái, vừa được quy tụ để thành lập một cộng đoàn tông đồ, thánh Vinh Sơn đã nhấn mạnh rất nhiều vào việc chia sẻ cầu nguyện.[19] Cộng đoàn chỉ có thể được xây dựng dựa trên kinh nghiệm chia sẻ chung về Thiên Chúa. Chính tại Sinai, Dân Chúa đã trở thành một dân tộc. Chính kinh nghiệm chung của họ về Thiên Chúa đã kiến tạo họ thành một dân tộc. Khi kinh nghiệm đó bị lãng quên, thì sự tan rã bắt đầu. Để giữ sự hiệp nhất và duy trì chính sự sống còn của họ như là một dân tộc thì kinh nghiệm đó phải tiếp tục được hồi sinh và thuật lại.

Chia sẻ cầu nguyện không phải là một khám phá của thập niên 1960. Thánh Vinh Sơn đã đề xướng việc đó vào thế kỷ thứ mười bảy trong các cộng đoàn của ngài và giữa các cộng sự của ngài. Dù ngài không sử dụng thuật ngữ của chúng ta, ngài đã biết rằng một cộng đoàn tu trì là một đoàn sủng, một cộng đoàn sống trong Thần Khí, được mời gọi và trao ban một đặc ân và sứ vụ trong Nhiệm thể Chúa Kitô, tức Giáo Hội. Đây là cách thức ngài hình dung các Nữ Tử Bác Ái và các linh mục của ngài. Để là và để làm điều đó, họ cần việc cầu nguyện cộng đoàn mang chiều kích chia sẻ nguyện gẫm. Liệu chúng ta có chấp nhận cái nhìn sáng suốt này mà thánh Vinh Sơn để lại cho hai Tu hội của ngài, nhằm thăng tiến cá nhân và cộng đoàn của họ trong sự thánh thiện, vì đức ái huynh đệ và để thực thi cách tròn đầy hơn sứ vụ đặc sủng của họ trong Giáo hội. Điều mà lúc này được thực hành rộng rãi như là chia sẻ nguyện gẫm, “là một điều trước đây chưa từng được nghe trong Giáo hội của Chúa… Chúng ta có lý do để tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã ban ân sủng này cho Tu hội, và chúng ta có thể nói rằng, việc thực hành này chưa bao giờ được sử dụng trong bất kỳ Tu hội nào khác, ngoài Tu hội của chúng ta”[20] Vì thế, việc lặp nguyện gẫm thuộc về di sản của chúng ta.


[1] Maynard: Virtues and Spiritual Doctrine of St Vincent de Paul, Alagara 1877, p 54.

[2] SV. XII, 9

[3] SV. IX, 4

[4] SV. IX, 4

[5] Ibid, 38

[6] SV. IX, 389 -390

[7] Ponnelle & Bordet: Saint Philippe Neri et la société romaine de son temps, Paris 1930, p124.

[8] SV. XII, 9

[9] St Ignatius of Loyola: The Spiritual Exercises, translated by Thomas Corbishley SJ, Wheathampstead, 1974.

[10] SV. IX, 4

[11] Dodin: En prière avec Monsieur Vincent, Paris 1950, p 72.

[12] SV. IX, 4

[13] SV. XII, 288

[14] SV. IX, 389-390

[15] SV. XIII, 666

[16] SV. IX, 4

[17] SV. IX, 4

[18] SV. IX, 389-390

[19] SV. IX, 4

[20] SV. XII, 9