“Lạy Chúa, con đây, xin hãy sai con” – Khánh nhật truyền giáo

0
2410

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Is 60,1-6

Sách ngôn sứ Isaia : Thiên Chúa chiếu tỏa vinh quang và ánh sáng của Người trên dân.

Ðáp ca: Tv 18,2-5

Thánh vịnh 18: lời loan báo Tin Mừng vang dội khắp địa cầu.

Bài đọc II:1 Tm 2,1-8

Thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timôthê: thánh Phaolô nhắc lại cho Timôthê điều cốt lõi của đức tin là tin vào Đấng cứu độ duy nhất.

Tin Mừng: Mc 16,15-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô: Đức Giêsu truyền cho các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng trước khi Ngài về trời.

2. Chia sẻ

Bối cảnh cử hành Khánh nhật truyền giáo năm nay thật đặc biệt. Đó là trong một hoàn cảnh khi cả thế giới đang còn phải chống chọi với đại địch Covid và xem ra đã đang đi vào trạng thái mệt mỏi và buông trôi tất cả. Đã gần một năm kể từ ngày virus bắt đầu bùng phát tại Trung quốc.

Cũng kể từ ngày bùng phát ấy, thế giới hằng ngày đều phải nghe những tin buồn về con số những chết và những người nhiễm bệnh mỗi ngày. Thông tin về việc có vaccin hay chữa khỏi thì mong manh hơn tin về sự chết chóc. Từ hậu quả đó, người ta lại nghe về con số người thất nghiệp tăng cao, công ty phá sản, người nghèo rơi vào đói khổ và muôn vàn tin tức đại loại như thế đang ngập tràn thế giới của chúng ta trong thời điểm này.

Thế nhưng, có lẽ hôm nay lại là một cơ hội tốt để chúng ta có một cái nhìn hy vọng, tích cực, phấn khởi hơn khi nhắc về TIN MỪNG. Đó là sứ điệp chính yếu mà Đức Kitô đã rao giảng để cho mọi người được ơn cứu độ. Sứ điệp Tin Mừng đó cũng lại một lần nữa nhắc nhở cho mọi người Kitô hữu trong ngày khánh nhật truyền giáo năm nay, đó là sứ vụ đi rao giảng Tin Mừng cho hết mọi loại thọ tạo.

Trong sứ điệp ngày truyền giáo năm nay, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhớ về đoạn Lời Chúa trong sách Isaia “Lạy Chúa, con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8). Vị cha chung của chúng ta đã muốn dùng lời này để mời gọi mọi người Kitô hữu thực thi sứ mạng truyền giáo của mình trong bối cảnh của đại dịch, như là những chứng nhân của Tin Mừng (ad vitam) và niềm hy vọng cứu độ cho người khác.

Từ những điều trên và từ các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi lên cho tôi một vài suy tư trong tình cảnh thực tại của việc rao giảng Tin Mừng trong biến cố có một không hai này:

Người rao giảng Tin Mừng phải là người có niềm vui Tin Mừng

Người ta kể rằng khi Mẹ Têrêsa còn sống, mỗi lần các chị em đến chào mẹ để đi truyền giáo, mà Mẹ thấy mặt chị em nào không được vui, thì mẹ đều nói rằng, đừng mang bộ mặt ấy đến với người nghèo, người nghèo khổ vậy là đủ rồi. Ý của Mẹ muốn nói ở đây là những nhà truyền giáo hãy có niềm vui trong tim, trong tâm để rồi thể hiện ra ngoài niềm vui của Tin Mừng và người khác có thể nhận ra nó.

Điều này cũng tương tự như thông điệp mà Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng:  “Cho nên, một nhà truyền giáo không thể lúc nào cũng giống như một người vừa đi đưa đám về. ‘Niềm Vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu.’ Niềm vui của người rao giảng Tin Mừng phải biến thành niềm vui của người đón nhận sứ điệp Tin Mừng, đón nhận tình thương của Chúa. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh. Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (Evangelii Gaudium số 10).

Đó cũng là viễn cảnh mà trong Bài đọc một, sách tiên tri Isaia đã nói về viễn cảnh bình an, ánh sáng và niềm vui ngập tràn vương quốc của Chúa và rồi mọi chư dân sẽ kéo đến. Viễn cảnh của niềm vui Tin Mừng, và của sứ giả rao giảng Tin Mừng sẽ là một sức hút cho tất cả những ai muốn đón nhận sứ điệp Tin Mừng ấy. “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”(Is 60,4).

Nhà truyền giáo cần sự hiện diện gần gũi với những người chúng ta rao giảng

Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con. Đó là lời đẹp nhất mà nhà truyền giáo thưa với Chúa để được sai đi. Đó là một sự dấn thân vì sứ điệp Tin Mừng. Ngay trong bối cảnh hiện tại, điều này đói hỏi một đòi sống chứng nhân Tin Mừng cho những anh chị em nghèo khổ và bệnh tật vì đại dịch. Tấm gương sáng của biết bao linh mục, tu sĩ, giáo dân đang miệt mài đồng hành với anh chị em đồng loại của mình để chống chọi với dịch bệnh và hậu quả của nó thật xúc động. Trong bối cảnh hiện tại, các nhà truyền giáo có lẽ không chỉ “ mang lấy mùi chiên” như một cụm từ mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói, mà còn ở mức độ thách đố hơn là đôi khi phải chịu “mang lấy virus” cho mình khi dấn thân phục vụ các anh chị em đang đau khổ vì đại dịch này. “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (EG 49). Đó là một hình ảnh Giáo hội truyền giáo trong bối cảnh hiện nay khi chấp chận những tổn thương cho chính mình.

Có lẽ chưa bao giờ trong thế kỷ này người ta lại chứng kiến vô số những chứng nhân truyền giáo trong hành động rõ ràng như ngày hôm nay trong cơn đại dịch này. Đó chính là những bài giảng hùng hồn và sâu đạm nhất có thể được ghi lại trong lòng người. Có một sự gẫn gũi cả tinh thần lẫn vật chất mà các nhà truyền giáo chia sẻ cuộc sống thực tại với con người thời đại. Đó là lời thật đẹp để nói lên luôn luôn trong suốt cuộc đời của nhà truyền giáo.

Chúa luôn đồng hành với nhà truyền giáo

Có lẽ, câu cuối cùng trong bài Tin Mừng hôm nay là một lời đầy sự an ủi và nâng đỡ cho các nhà truyền giáo “Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo” (Mc 16,20). Nhà truyền giáo không đơn độc trên cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng của mình. Họ luôn có Chúa đi cùng. Với Chúa họ có thể làm điều mà nếu chỉ có bởi chính họ thì sẽ không bao giờ có được. Các phép lạ đó là thuộc về quyền năng siêu nhiên, nhưng với Chúa, các nhà truyền giáo trở nên can đảm trước mọi hoàn cảnh và thách đố. Và rồi với ơn Chúa, họ có thể làm cho điều ấy trở nên hiện thực và phép lạ diễn ra trong đời sống.

Trong bối cảnh hiện tại khi người ta dang trải qua nhiều đau khổ, nản lòng và thất vọng, nếu không có ơn Chúa và niềm vui Tin Mừng, con người ta sẽ dễ dàng đi đến sự chán nản, thất vọng và tuyệt vọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận thách đố của sứ mệnh mệnh truyền giáo của Giáo hội ngày nay khi ngài nói trong sứ điệp ngày khánh nhật truyền giáo: là “Chúa muốn gì nơi chúng ta trong thời điểm xảy đại dịch này?  Khi nhiều người chết đơn độc hay bị bỏ rơi, khi nhiều người bị mất việc, với sự giãn cách xã hội, phải bó chân ở nhà.” Đức Thánh Cha nói chúng ta được mời để khám phá lại rằng chúng ta cần các mối quan hệ xã hội cũng như tương quan cộng đoàn và mối tâm giao với Thiên Chúa. Nhưng trong đức tin họ sẽ vượt qua và như thế dù bối cảnh có như thế nào thì luôn là một điều thuận tiện để rao giảng thánh Phaolô bảo: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện ; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2). Điều này là điều cần thiết ngày nay để tránh đi vào sự sai lạc của đức tin vì quá đau khổ và thất vọng.

Một bối cảnh đặc biệt để mỗi nhà truyền giáo, mỗi người Kitô hữu cảm nghiệm chính sứ vụ mà Chúa đã trao phó “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Đó là niềm vui, là sứ vụ và phần thưởng cho chính người rao giảng. Người ta được mời gọi để thực thi điều này bằng chính đời sống, lời nói và hành động để Lời Chúa được rao giảng khắp nơi. Để được vinh dự đó, mỗi người cũng phải khiêm tốn mà thưa với Chúa rằng “lạy Chúa, này con đây xin hãy sai con”. Xin cho chúng con trở nên chứng nhân của Chúa với mọi người trong gia đình, nơi làng xóm, trong giáo xứ, trong cộng đồng của chúng con nhất là cho người chưa biết Chúa và ở khắp mọi nơi nhất là trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch này.

Để kết xin được nhắc lại những lời của Đức giáo hoàng Phanxicô như là một lời nhắc nhở liên tục về sứ vụ truyền giáo:“Tôi hy vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc “quản trị thuần tuý” đã trở nên bất cập. Trên khắp thế giới, chúng ta phải “thường xuyên trong trạng thái truyền giáo”(EG 25).

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM