Lề luật của Chúa: con đường sống – Lời Chúa Chúa nhật XXII Thường niên – Năm B

0
805

I. Các bài đọc

Bài đọc 1: Đnl 4,1-2.6-8

Bài trích sách Đệ Nhị Luật: Môsê truyền cho dân Israel tuân giữ các giới răn đã được ban cho họ.

Đáp ca: Tv 15,2-3a.3bc-4ab.5

Thánh vịnh 15: Những ai thực thi công lý sẽ được ân ban của Chúa.

Bài đọc 2: Gc 1,17-18.21b-22.27

Trích thư của thánh Giacôbê tông đồ: thánh Giacôbê dạy rằng, người Kitô hữu là những người thực thi Lời Chúa.

Tin Mừng: Mc 7,1-8.14-15.21-23

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: Chúa Giêsu dạy rằng, những gì xuất phát từ lòng người mới làm cho chúng ta ra ô uế.

II. Chia sẻ

Sau những tuần lễ chúng ta suy niệm Lời Chúa Chúa nhật, dựa trên những bài Tin Mừng từ “diễn từ bánh hằng sống” của Tin Mừng Gioan, hôm nay, chúng ta trở lại với các bài đọc từ Tin Mừng Maccô.

Trong bài đọc Lời Chúa hôm nay, Maccô đã đề cập đến luật thanh tẩy của Cựu Ước và cho thấy cần phải sống luật này như thế nào cho đúng. Tác giả Maccô muốn trình bày điều này, vì lúc bấy giờ cộng đoàn của Maccô bao gồm cả những người Do thái và những người dân ngoại mới tin đạo. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi này có những cách hiểu khác nhau về luật và như một cơ hội, Maccô đã nói về giá trị tinh thần của luật.

Lắng nghe lề luật

Một sự nối kết chặt chẽ giữa bài đọc I sách Đệ Nhị Luật và sách Tin Mừng, khi cả hai đều nói về vị trí của luật Môsê trong đời sống đức tin của dân chúng. Môsê đã khẳng định những gì mà lề luật đã được Chúa truyền, thì dân chúng cần phải giữ để được sống: “Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em”(Đln 4,1). Dân Chúa cần phải trung thành với luật này cách trung thành, không được thêm, mà cũng không được bớt.

Mệnh lệnh của Môsê mà dân chúng lắng nghe, nhắc nhở chúng ta một cách sâu sắc về lời kêu gọi của Samuel. Khi Samuel nói: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sm 3,9). Cậu đặt mình trong tay Chúa. Lắng nghe có nghĩa là cậu đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa yêu cầu. Những người lắng nghe theo cách đó sẽ cho phép lời của Thiên Chúa thấm vào con người của họ, đến nỗi nó trở thành động lực chính của mọi việc họ làm. Lắng nghe như thế này tạo ra sự vâng phục bắt nguồn từ trái tim. (Từ vâng phục xuất phát từ gốc tiếng Latinh audere, có nghĩa lắng nghe.)

Môsê kêu gọi dân của mình lắng nghe bằng trái tim. Bài đọc II, thánh Giacôbê bảo chúng ta hãy đón nhận lời được gieo vào lòng chúng ta, bằng sự hiền lành hoặc khiêm nhường: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em (Gc 1,21b). Ý tưởng rằng từ này được gieo vào trong chúng ta nhấn mạnh rằng đó là một ân sủng, một món quà của Thiên Chúa và giống như một hạt giống, nó sống trong chúng ta, tham gia vào một quá trình phát triển để sinh hoa kết quả. Vậy, lắng nghe Lời Chúa cách thấu đáo là bước đầu tiên để sống đúng lề luật của Chúa.

Giữ lề luật

Nhưng trên thực tế, như trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy rất rõ về thái độ phê bình của Đức Giêsu với nhóm Pharisêu. Vì họ đã không có tinh thần trung thành với luật Môsê. Chính họ nại vào truyền thống tổ tiên họ, để tạo ra những lề luật có ích cho nhóm của họ và dường như xem nó còn coi trọng hơn cả luật Môsê: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”(Mc 7,8a).

Qua việc phê bình về việc giữ lề luật, thì Chúa Giêsu cũng phê bình thói giả hình của họ. Họ dựa vào luật để khỏi phải chu toàn một số luật Chúa đã truyền cho Môsê, chẳng hạn như luật Coban hay cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay là về luật thanh tẩy.

Người Pharisêu có nhiều truyền thống khác nhau được truyền lại từ tổ tiên họ, chúng được gọi là deuterwseiv (đệ nhị luật – luật thứ hai sau Luật Môsê). Một số trong các truyền thống đó là những đòi hỏi quá mức về luật lệ, trong khi một số khác trái với Lề Luật. Những điều này là nguyên nhân khiến họ thường xét nét người khác và cũng là lý do vì sao họ không thể đón nhận Chúa Giêsu.

Thế nhưng, luật Thiên Chúa thì không nhắm đến điều ấy. Mà luật Thiên Chúa ban, là phương tiện để dựa vào đó mà con người biến đổi lối sống của mình cho phù hợp với đường lối của Thiên Chúa và qua đó mà họ được sống. Chứ không phải chỉ là làm đúng điều này hay điều kia mà thôi.

Sống lề luật

Mâu thuẫn của việc giữ luật: Bài đọc I sách Đệ Nhị Luật liên kết luật pháp với cuộc sống. Giữ Torah không phải là để tự bảo tồn hay tự hoàn thiện. Lưu giữ Torah là cách để thiết lập và bảo vệ mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa, với bản thân của một người, và với người lân cận của mình, bao gồm cả cuộc sống của con người và không phải của con người. Ngay cả đất đai và các loài động vật được nghỉ ngơi trong ngày sabát cũng dành cho con người.

Giữ Torah cũng có nghĩa là công lý cho những người bị tước quyền, người nghèo, người góa bụa, trẻ mồ côi, người ở nhờ, người xa lạ và, trong thế giới ngày nay, những người nhập cư không có giấy tờ di cư từ sự áp bức chính trị và xã hội, chưa kể đến những người di cư vì khí hậu, những nạn nhân nghèo đói vì covid…

Nhưng việc giữ luật của các luật sĩ và biệt phái này đã trở nên xung đột với các mối tương quan. Mà cụ thể ở đây họ đã trách Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” (Mc 7,5). Lối sống của họ như vậy cho thấy họ đã hoàn toàn đi ngược lại với luật mà Chúa muốn họ giữ và sống. Giữ đúng lề luật theo tinh thần của Chúa, sẽ giúp chúng ta xây dựng tốt các mối tương quan và đạt được một đời sống thánh thiện.

Thư của thánh Giacôbê đã nói về tinh thần của luật ấy, khi ngài khẳng định rằng: “Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em” (Gc 1,21). Đó là nguyên lý của sự thánh thiện. Nó không đến từ những hành vi bề ngoài, nhưng xuất phát từ nội tâm bên trong và được chứng minh trong hành động và thái độ của một người. Sự ô uế của tâm hồn là từ chính nội tâm mà ra, chứ không phải từ những gì ở ngoài vào.

Như vậy, sự giả hình của Pharisêu là khi họ quên tinh thần của luật mà chỉ giữ mặt chữ. Cần nhớ rằng, những sự phê bình về sự giả hình của Pharisêu, cũng nhắc nhớ chúng ta rằng sự thánh thiện, là khi chúng ta cho phép Thần Khí Chúa biến đổi chúng ta, để chúng ta hành động theo sự hướng dẫn của Người. Lắng nghe kỹ Lời Chúa – luật Chúa, là để sống và làm đúng theo ý Chúa muốn chúng ta sống và tránh mọi hình thức lạm dụng, giải thích luật Chúa theo tinh thần của thế gian “vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7,7).

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của lề luật. Nhưng nó cần được sống và thực hành từ chính trái tim khát khao sự thánh thiện hoàn toàn, chứ không phải từ con tim toan tính thiệt hơn. Giả hình hay không giả hình là chính chúng ta biết rõ điều ấy, nếu khi chúng ta không thực sự để cho lề luật dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn và sự công chính.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM