Lòng bác ái và cuộc đời theo Chúa – Lời Chúa Chúa nhật XIII Thường Niên năm A

0
1630

1. Các bài đọc

Bài đọc I: 2 V 4,8-11. 14-16a

Sách các Vua quyển thứ hai: Lòng hiếu khách dành cho Êlisê sẽ được nhận phần thưởng.

Ðáp Ca: Tv 88,2-3. 16-17. 18-19:

Thánh vịnh 88: ca ngợi tình thương của Chúa đến muôn đời.

Bài đọc II: Rm 6,3-4. 8-11:

Thư thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma: qua Đức Kitô chúng ta chết cho tội, nhưng sống cho Thiên Chúa.

Tin Mừng: Mt 10,37-42:

Tin Mừng theo thánh Matthêu: Chúa Giêsu phác họa những giá trị và phần thưởng cho các môn đệ.

2. Gợi ý chia sẻ

Chắc hẳn trong cuộc sống ai cũng đã từng một lần làm khách trọ ở nhà người khác và ít ra, ai cũng một lần đón tiếp một vị khách đến ở trọ trong nhà mình. Điều này là điều rất bình thường trong các mối tương giao con người với nhau. Có những nơi người ta cứ muốn đến mãi và có những nơi đến một lần thì không bao giờ muốn trở lại lần thứ hai.

Có những điều như thế xảy ra vì do cách đối xử hay thái độ giữa khách và chủ hoặc giữa chủ và khách, hay nói cách khác là tùy vào lòng hiếu khách như thế nào. Nếu cả hai đều khéo léo và tử tế trong các mối tương quan thì sẽ kéo dài tình thân hữu và ngược lại.

Ví dụ trên dẫn chúng ta vào các bài đọc Lời Chúa hôm nay, nhắc nhớ về sự hiếu khách và phần thưởng cho những điều ấy trong cuộc sống hằng ngày.

Câu chuyện trong Bài đọc 1, sách các Vua nói về lòng hiếu khách của gia đình bà giàu có dành cho ngôn sứ Êlisê. Bà này đã dành một chỗ tốt nhất cho ngôn sứ Êlisê khi ông đến trọ trong nhà bà. Bà đã nhận ra ông là một vị thánh của Thiên Chúa và thái độ của bà đã được Êlisê chúc lành để bà một người con dù bà đã già.

Nơi bài Tin Mừng, Chúa Giêsu liệt kê các mức độ phần thưởng mà người ta sẽ lãnh nhận tùy thuộc vào đối tượng mà họ đón tiếp với các tư cách như ngôn sứ, người công chính, kẻ bé mọn, v.v…

Nhưng ở đoạn trước của đoạn nói về lòng hiếu khách này, thì Đức Giêsu đã đề cập đến sự ưu tiên trong các mối tương quan, nhất là trong mối tương quan với Thiên Chúa. Lòng yêu mến Thiên Chúa phải dành chỗ nhất và ưu tiên hơn cả trong các mối tương quan mà chúng ta có như đối với cha mẹ, vợ con, bạn bè…

Qua các bài đọc tôi nhận thấy những điều mình cần nhận ra trong việc thực thi lòng bác ái trong đời sống hằng ngày.

Lòng bác ái thì không giới hạn và vô điều kiện

Người đàn bà trong câu chuyện sách các Vua đã không toan tính thiệt hơn khi tiếp đón người của Thiên Chúa là ngôn sứ Êlisê. Thậm chí bà này còn đón tiếp ông cách hiếu khách nhất khi đã dành chỗ tốt nhất của gia đình để ông nghỉ chân. Bà đã nhận ra ông là ai và bà đã vui vẻ, hiếu khách để đón tiếp ông. Và rồi, qua thái độ ấy, bà đã được trả công. Phần thưởng mà bà được nhận thì có lẽ bà đã chẳng bao giờ nghĩ tới, đó là bà sẽ có con trai nối dòng.

Còn nơi bài Tin Mừng Đức Giêsu đã dùng hình ảnh cốc nước lã và kẻ bé mọn để nói về giá trị của lòng bác ái “và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10,42)

Như vậy, giữa giá trị của cái cho đi và giá trị của cái nhận lại hoàn toàn khác nhau, nhiều khi cái cho đi chẳng đáng giá gì, chẳng quý trọng là bao nhiêu, nhưng phần thưởng nhận lại thì to lớn gấp bội.

Điều này nhắc nhở tôi phải cố gắng làm những điều mình có thể, dù chỉ là một điều bé nhỏ, nhưng luôn luôn nhớ cho đi cách quảng đại, cách vô vị lợi, không toan tính thiệt hơn hay trông chờ phần thường. Thiên Chúa biết và Ngài sẽ trả lại cho chúng ta theo một cách khác.

Thật là một niềm tự hào khi trong truyền thống đức tin và văn hóa của người Kitô hữu Việt Nam đã luôn yêu mến và kính trọng các linh mục, tu sĩ nam nữ, vì họ được coi như là người của Chúa. Họ luôn luôn được người giáo dân dành cho sự kính trọng và ưu ái cách đặc biệt. Điều này giống như hình ảnh của người đàn bà đã tiếp đón ngôn sứ Êlisê. Hy vọng rằng điều này luôn luôn được gìn giữ và phát huy trong tình bác ái và kính trọng những thừa tác viên và người sống đời thánh hiến trong Giáo hội.

Sở dĩ như vậy, vì người giáo dân luôn coi các linh mục, tu sĩ là người của Chúa và vì vậy, họ luôn tỏ lòng kính trọng. Đây là một nét đẹp của truyền thống Công giáo. Ước sao các linh mục, tu sĩ luôn sống xứng đáng với sự kính trọng và hiếu khách ấy.

Vì thế, mỗi người cũng cần nhận ra hình ảnh của Chúa nơi mỗi vị khách, nơi mỗi thừa tác viên của Thiên Chúa trong đời sống của mình và tỏ lòng hiếu khách, cũng như bái ái bất cứ khi nào có dịp để gặp gỡ hay đón tiếp.

Đây là những hướng dẫn Đức Giêsu đưa ra cho các môn đệ trước khi sai các ông đi rao giảng: “kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy.” (Mt 10,40) Thánh Vinh Sơn đã nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô nơi người nghèo, và người nghèo trong khuôn mặt của Đức Kitô.

Đây là một ví dụ sống động cho việc nhận ra Chúa nơi những người mà chúng ta tiếp rước. Các đan sĩ thời xưa có một câu ngạn ngữ rất nổi tiếng đó là khách đến thăm là Đức Kitô đến thăm, để cho thấy họ cần phải có thái độ như thế nào khi đón các vị khách hành hương đến với họ.

Mang lấy thập giá của Chúa

Trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đã nói về thập giá. Có hai loại thập giá mà Chúa Giêsu muốn chúng ta phải mang. Đó là thập giá cho thân xác và thập giá cho linh hồn. Nếu thập giá cho thân xác là việc kiềm chế sự tham lam của xúc giác, vị giác, thị giác được thể hiện qua việc ăn chay thì thập giá cho linh hồn chính là lối sống khiêm nhường, tiết độ, hòa nhã… nhằm kiềm chế những đam mê vô độ của linh hồn.

Đó chính là thái độ vác thánh giá theo Chúa mà Chúa Giêsu mong muốn nơi mỗi người môn đệ. Vừa bỏ mình, tức là bỏ đi những đam mê, những điều trái ngược với đời sống của một người con cái Thiên Chúa, vừa vác thập giá mình mà theo Chúa, tức là chấp nhận và chiến đấu với những điều thuộc về bản năng, đam mê tự nhiên của mình và kiềm chế nó trên con đường theo Chúa.

Đó là cuộc hành trình gian khổ và kéo dài cả cuộc đời, nếu chúng ta trung thành bước theo Chúa, nhưng ai làm được điều này thì phần thưởng họ lãnh nhận thật lớn lao. Đời sống của những người môn đệ phải là một đời sống hướng đến sự toàn hảo và phải hoàn toàn tránh lối sống “sống như kẻ thù của thập giá” (Pl 3,18).

Ước gì mỗi người cũng cố gắng tỏ ra và sống xứng đáng với sự đón tiếp, hiếu khách và kính trọng của mọi người. Khi chúng ta sử dụng ân sủng mà Chúa ban cho mình để phục vụ Chúa qua người anh chị em thì đấy là một cơ hội phục vụ cho chúng ta. Đấy là chúng ta biết nhận ra nhu cầu của mình đã được Chúa ban để rồi nhận ra nhu cầu của kẻ khác và giúp đỡ họ. Nghĩa là đừng bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào để phục vụ anh chị em đồng loại hay với tất cả những ai đến với mình.

Một vài những điều cần thiết được rút ra từ Lời Chúa hôm nay cho bản thân mỗi người và cũng là cho chính tôi. Chính lối sống theo Tin Mừng này sẽ làm cho đời sống mỗi người trở nên một đời sống của sự hiệp thông trong các mối tương quan. Điều này không chỉ dừng lại ở mức độ con người mà còn mở rộng ra mối tương quan với Thiên Chúa.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM