Nhập đề
Trước những sinh hoạt rộn ràng của năm Lòng thương xót Chúa với chủ đề “Thương xót như Chúa Cha”, nhiều người bỡ ngỡ, một số khá đông giật mình đặt vấn đề : “phải chăng bây giờ Giáo Hội mới khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa?, phải chăng đây là chủ đề đầy cảm hứng của Đức Thánh Cha mà chẳng có căn cứ Kinh Thánh hay thần học nào cả?,… cho dù thế nào đi nữa thì năm thánh Lòng thương xót Chúa đã đi qua được một nửa chặng đường với những tác dụng và biến chuyển vô cùng tích cực trong đời sống Giáo Hội. Thiết nghĩ, chúng ta cũng tự đặt vấn đề: thường thì lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện rõ trong Tân Ước qua con người của Đức Giêsu, trong Cựu Ước chúng ta chỉ thấy một Thiên Chúa công bình, phải chăng giữa Cựu Ước và Tân Ước có cái nhìn khác nhau về cùng một vị Thiên Chúa? “Điều đó không đúng, Cựu Ước đã tuyên xưng “Lòng thương xót Chúa bao trùm mặt đất” (misericordia Domini plena est terra: Tv 33,5; 119, 64).“Mọi đường lối Chúa đều là thương xót và chân lý” (Tv 25,10). Tất cả công trình cứu độ bày tỏ lòng thương xót của Chúa: “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9)”[1].
Hiệp thông cùng với Giáo Hội, người viết muốn cùng bạn đọc tìm hiểu lòng thương xót bao la của Thiên Chúa thể hiện trong Cựu Ước như thế nào? Qua đó ta sẽ thấy dung mạo của vị Thiên Chúa là Cha ngời sáng, đồng thời thấy được tình thương xuyên suốt và có tính cách mạc khải tiệm tiến của Người. Cụ thể chúng ta cùng tìm hiểu nội dung của đề tài qua các chủ điểm:
Thứ nhất Thiên Chúa mặc khải lòng thương xót của Người qua công trình tạo dựng.
Thứ hai Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót qua dân Israel.
Biết được trái tim Chúa Cha giàu lòng xót thương, chúng ta không chỉ cứ mãi chiêm ngắm hình ảnh đầy lòng nhân hậu đó, người viết muốn mời gọi bạn đọc hòa cùng với Giáo Hội để hưởng ứng và hiệp thông cùng Đức Thánh Cha mà đi đến chỗ thực hành tình “thương xót như Chúa Cha”[2] đối với kẻ cô đơn, người cơ nhỡ, kẻ lầm lạc, dân di cư và tị nạn,… như là một việc nối dài và bắt chước tình thương của Thiên Chúa đối với dân Người trong Cựu Ước vậy.
-
Thiên Chúa mặc khải lòng thương xót của Người qua công trình tạo dựng.
Con người nhận biết Thiên Chúa qua công trình tạo dựng của Người. Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, Người có từ thuở đời đời, tuy nhiên ta biết được sự hiện hữu của Người qua công trình tạo dựng. Và Người muốn san sẻ sự hiện hữu đó cho thụ tạo qua việc tạo dựng nên muôn loài muôn vật. Ta cùng tìm hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng ở các chuyên mục: Công trình sáng tạo là một ân ban của Thiên Chúa; Tạo dựng từ hư vô; Thiên Chúa cho con người làm chủ công trình sáng tạo; Thiên Chúa mặc khải tình yêu qua nguyên tổ; Giao ước với ông Noe.
-
Công trình sáng tạo là một ân ban của Thiên Chúa
Mục đích chính của Thiên Chúa là cho thụ tạo được thông phần sự sống cùng Người. Vì thế, mặc khải đầu tiên chính là việc tạo dựng của một vị Thiên Chúa Tình Thương – Vị Thiên Chúa không ích kỷ trong sự hiện hữu tự thân mà muốn thông ban sự hiện hữu đó bằng hành vi sáng tạo. Như thế, Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi hiện hữu, trong khi đó hiện hữu là để trao ban. Và hành vi trao ban đó được thể hiện qua công cuộc sáng tạo của Người. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ bằng Lời, tức là bằng cả sức sống của Người, Lời liên tưởng đên hơi thở, Lời nói lên sự năng động đầy tính sáng tạo và chứa chan nguồn sống của một hiện hữu. Do đó: “Kinh Thánh nhiều lần khẳng định rằng Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ bằng Lời của Ngài. Ngay từ trang đầu tiên ta đọc thấy: “Thiên Chúa phán: phải có một cái vòm ở giữa khối nước liền có như vậy” (St 1,3.6.11.14.20.24.26.28). Tư tưởng này tiếp nối qua các thánh vịnh và các sách khôn ngoan, và kéo dài sang Tân Ước: “Chúa dùng Lời Chúa mà tác thành vạn vật” (Kn 9,1-2), “một Lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú (Tv 33,6)”[3].
Như thế, Thiên Chúa mở đầu mặc khải qua việc nói qua công trình sáng tạo của Người. Và chính Lời Người làm cho thụ tạo hiện hữu và có sức sống. Từ cõi thinh lặng ngàn thu, từ cõi hư vô, Thiên Chúa đã cho thụ tạo được bước vào hiện hữu. Thật là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa Toàn Năng.
-
Tạo dựng từ hư vô
Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người từ hư vô. “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo thành trời đất” (St 1,1). Sách 2 Mcb 7,28 cũng diễn tả về điều này: “Con hãy ngước mắt nhìn trời đất mà xem tất cả mọi vật trong đó, và hãy biết rằng Thiên Chúa đã làm ra chúng, không phải do vật gì đã có trước và về loài người cũng như thế”. Vì thế, Thiên Chúa đã dựng nên trời đất và biển khơi, nghĩa là mọi tạo vật từ hư vô. Quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa bao hàm tất cả và không có gì xuất hiện ngoài quyền năng ấy. Tất cả đều lệ thuộc vào Thiên Chúa. Tất cả đều là ơn nhưng không của Thiên Chúa, để từ đó gợi lên lòng tạ ơn nơi con người.
Về điều này, Công đồng Vaticanô I giải thích: “Thiên Chúa, do sự tốt lành và uy quyền toàn năng của Ngài, không phải để gia tăng hoặc đạt được vinh phúc của Ngài, nhưng để biểu lộ sự trọn hảo của Ngài ban cho các thụ tạo, do ý định hoàn toàn tự do của Ngài, lúc khởi đầu thời gian, đã tạo dựng mọi loài từ hư vô, cả loài thiêng liêng lẫn loài có thể xác”[4].
Mặc dù vấn đề tạo dựng từ hư vô (ex nihilo) ngày nay có nhiều lập trường phủ nhận và cho rằng phải có một chất liệu nền tảng nào đó trước đã rồi các sinh vật và vũ trụ sau đó mới hình thành theo thời gian, thuyết tiến hóa, thuyết Big Bang,… cũng nằm trong suy nghĩ đó. Hoặc cũng có nhiều lập trường cho rằng Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ một nguyên liệu nào có sẵn trước đó! Nhưng:
“Vấn đề không phải là chỉ tìm hiểu trần gian vật chất phát sinh khi nào và cách nào, và con người đã xuất hiện lúc nào, nhưng quan trọng hơn, chính là khám phá ra ý nghĩa của nguồn gốc đó: Phải chăng trần gian bị điều khiển bởi một sự ngẫu nhiên, một định mệnh mù quáng, một tất yếu vô danh, hay được điều khiển bởi một Hữu Thể siêu việt, thông minh và tốt lành, được gọi là Thiên Chúa?,…”[5].
Tóm lại, vấn đề tạo dựng từ hư vô, Hội Thánh trong GLCG số 296 dạy rằng: “Chúng ta tin Thiên Chúa tạo dựng mà không cần một thứ gì đã hiện hữu trước, cũng không cần một sự trợ giúp nào. Công trình tạo dựng cũng không phải là một sự xuất phát tất yếu từ bản thể Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng một cách tự do “từ hư vô” (ex nihilo): “Nếu Thiên Chúa làm nên trần gian từ một chất liệu có trước, thì có gì là cao cả? Một người thợ giữa chúng ta, khi nhận được vật liệu từ ai đó, cũng làm ra được những gì anh ta muốn. Nhưng quyền năng của Thiên Chúa được chứng tỏ trong điều này, là từ hư vô, Ngài làm nên bất cứ những gì Ngài muốn””.
-
Thiên Chúa cho con người làm chủ công trình sáng tạo
Thiên Chúa yêu thương con người, đặt con người làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo. Con người là đỉnh cao và là trung tâm của công trình tạo dựng, có xác có hồn, được tạo dựng từ hư vô. Ý thức được ân điển cao dày đó, vịnh gia đã thổ lộ tâm tình tri ân chúc tụng ngợi khen:
“Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân:
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu” (Tv 8,4-10).
Trình thuật tạo dựng thứ nhất trong sách sáng thế (St 1,1- 2,4a) vẽ lên một bức tranh vĩ đại. “Thiên Chúa phán, chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình” (St 1,26 – 27). Qua trình thuật thứ nhất, ta thấy việc tạo dựng hoàn toàn xuất phát từ lời toàn năng của Thiên Chúa. Người hành động theo chương trình của Người, vì tình yêu bao la đối với con người và lợi ích của con người.
Trình thuật thứ hai (St 2,4b – 25) cho ta thấy con người xuất hiện đầu tiên, kế đến mới tới thực vật và động vật. Hay nói cách khác, con người đứng ở trung tâm của công trình tạo dựng, được bao quanh bởi tất cả những thụ tạo khác.
Ngoài ra, khi mô tả việc tạo dựng con người, Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ để họ sống liên kết với nhau và cho nhau. Kinh Thánh mô tả : “Người nam ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Thiên Chúa lấy xương sườn người nam tạo thành người nữ và dẫn đến cho người nam. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để họ sống thành một cộng đoàn hiệp thông và bổ túc cho nhau.
Qua hai trình thuật trên, ta thấy con người là một thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên với lòng yêu thương và Người dành cho họ một sự quan tâm đặc biệt.
-
Thiên Chúa mặc khải tình yêu qua nguyên tổ
Sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã đặt con người vào một vườn cây do Người tạo nên gọi là Eden. Rồi Người ra lệnh cho con người: “hết mọi cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng cây cho biết điều thiện điều ác thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ chết” (St 2,16 – 17).
Nhiều người vẫn thắc mắc, tại sao Thiên Chúa biết hết mọi sự, biết con người dễ sa ngã, bản tính Adam bụi đất, mỏng dòn yếu đuối, mà Người lại đặt lên cho họ một cái cây cấm giữa vườn như vậy? Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp, và Người muốn cho con người hưởng sự tốt đẹp ấy, muốn con người thông phần vào sự sống và hạnh phúc với Người. Thiên Chúa tự tạo lập mối tương quan với con người. Và cây “biết sự sống” đó là “cây giới hạn”, “cây tương quan”, nên khi con người vượt rào, phá đổ giới hạn là phá đổ tương quan với Thiên Chúa. Trong khi sống tương quan với Thiên Chúa là sống trong hạnh phúc, sống trong vườn địa đàng. Sống như thế là sống trong tình trạng thánh thiện công chính nguyên thủy. Thường thì khi yêu ai, ta thường muốn gặp gỡ họ, muốn sống tương quan tốt đẹp với họ, ở gần họ, muốn “chiều chiều đi dạo với họ” (St 3,8), và Thiên Chúa cũng vậy, vì yêu nên Người mới mời gọi con người vào trong tương quan với Người, tương quan hạnh phúc thần linh, từ thụ tạo của Thiên Chúa, Người đã nâng con người lên và: “cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân: Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương” (Tv 8,6-8).
Người yêu thương con người đến thế rồi con gì nữa! Tuy nhiên, vì bất tuân lệnh Chúa, con người, vốn bản tính kiêu căng, muốn “vượt giới hạn” đòi lên ngang hàng với Thiên Chúa, thụ tạo mà muốn ngang hàng với Đấng Tạo Hóa, thật là một sự phạm thượng đến lố bịch!. Họ đã hái lấy trái cây cấm mà ăn, và hậu quả là tội lỗi và sự chết tràn vào thế gian từ đó! [6]
Nhưng tình thương của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của con người, Người không vì thế mà trách móc hay đánh phạt con người, vì mục đích của Người không phải là dựng nên con người rồi bỏ mặc nó đó! Con người là thụ tạo, là con của Người, Thiên Chúa đã đau buồn khi tiên kiến được hậu quả khủng khiếp trong chọn lựa của hai con người đầu tiên ảnh hưởng tới con cháu thế nào! Dòng dõi con cái loài người sau này trong sự tiền định của Thiên Chúa là sẽ được sinh ra theo hình ảnh của Người giờ đây chính Người lại phải chứng kiến hình ảnh đó mang đầy tội lỗi và sa ngã. Giờ đây sức mạnh của tội lỗi và sự chết đã cướp mất ân sủng mà con cái loài người được Thiên Chúa là Cha tiền định. Rõ ràng, tội lỗi là do con người bất tuân lệnh Chúa!
Trước khi nói đến tình yêu hiền phụ của Thiên Chúa, thì hình ảnh con người sa ngã trong sách Sáng thế theo tâm lý chung gợi cho ta thầm trách nguyên tổ nhiều hơn! Tuy nhiên, điều này thật ra chỉ là hình ảnh tương phản với tình yêu của Thiên Chúa đối với con cái loài người mà thôi!
Và sau này, để bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của Thiên Chúa đối với con cái loài người sa ngã phạm tội, Người đã nói qua miệng ngôn sứ Isaia rằng: “giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số, tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị hũy diệt, chẳng bao giờ bị xóa bỏ khỏi mắt Ta” (Is 48, 18 – 19).
Thiên Chúa Cha mong mỏi đoàn tụ với con cái loài người vì tội đã làm xa cách Người. Người đã không để mặc cho tội lỗi đẩy họ ra xa Người. Nhưng đưa cho họ con đường trở về để lại hiện diện trước nhan thánh thiện của Người. Sách Isaia cũng mặc khải trái tim của Thiên Chúa trong những lời sau:
“Có phụ nữ nào quyên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quyên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quyên ngươi bao giờ. Hãy xem Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta, thành lũy ngươi, ta luôn thấy trước mặt” (Is 49,15-16). Và quả đúng như thế:
“Bất chấp sự sa ngã, Thiên Chúa vẫn cứ duy trì ý định cứu độ. Điều này không diễn ra một lần, nhưng nhiều lần, như ta thấy nơi những đoạn văn kế tiếp. Cain phạm tội giết em: Chúa phạt anh ta vì tội sát nhân, nhưng đồng thời lại hứa che chở anh trong lúc lưu lạc. Vào thời ông Noe, tội lỗi tràn ngập thế giới: Chúa quyết định trừng trị thế giới qua một trận Đại Lụt, thế nhưng Ngài không tiêu diệt loài người. Với giọng văn bình dân, tác giả sách Sáng Thế nói rằng Thiên Chúa ân hận vì đã phạt loài người, và Ngài hứa sẽ không tái phạm! hơn thế nữa, Ngài lại còn ký kết với ông Noe một giao ước vĩnh cửu”[7].
-
Giao ước với ông Noe
Hậu quả của tội lỗi đã làm cho đời sống con người ra hư đốn: “Đức Chúa thấy rằng, trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu” (St 6,5) và Thiên Chúa đã phán “Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất con người mà ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời” (St 6,7). Tuy nhiên, trong thế hệ loài người thời bấy giờ, chỉ có ông Noe là người công chính, nên Thiên Chúa phán với ông “Ta sẽ lập giao ước của Ta với ngươi, ngươi hãy vào tàu, ngươi cùng với các con trai ngươi. Trong mọi sinh vật, mọi xác phàm, ngươi sẽ đưa vào tàu mỗi loại một đôi, để giữ cho chúng sống với ngươi, phải có một con đực và một con cái,… phần ngươi hãy lấy mọi thứ ăn được và tích trữ cho mình, đó sẽ là lương thực của ngươi và của chúng” (St, 6, 18 – 21).
Biến cố hồng thủy này được kể như “công cuộc sáng tạo mới của Thiên Chúa”. Sau khi lụt hồng thủy tàn sát mọi sinh vật, chỉ trừ những gì Thiên Chúa hứa với ông Noe. Gia đình Noe lúc này là gia đình duy nhất trên dương gian còn sót lại, điều đó cũng có nghĩa gia đình ông là thủy tổ thứ hai của loài người. Một thủy tổ thanh sạch hơn, công chính hơn vì biết nghe lời Thiên Chúa. Noe lập một bàn thờ để kính Thiên Chúa, sự chân thành của ông đẹp lòng Người, và Người tự nhủ: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm” (St 8,21). Quả thật, Thiên Chúa đã không dửng dưng trước tội lỗi của con người, và phúc lành của Thiên Chúa ban cho Noe cũng là ban cho cả nhân loại.
“Những sai lầm cũng như tội ác của loài người sẽ không thể đưa lịch sử trở lại thời hỗn mang. Không những mặt trời soi sáng chúng ta và trái đất vẫn luôn cung cấp bánh ăn, nhưng ở mỗi thời đại, nhân loại đều có cách giải quyết các vấn đề của mình, vì Thiên Chúa là một Thiên Chúa đầy lòng thương xót, và ngày lại ngày, Người vẫn đồng hành với con người, như một người Cha cùng đi với con mình trong suốt cuộc hành trình của nó (Đnl 1,31)”[8].
Như thế, công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa được hoàn tất qua lời hứa với ông Noe, dòng dõi loài sẽ được lan rộng từ ba người con của ông là Sêm, Kham và Gia – phét. Trong niềm tin của người Israel, ba người con này làm nên cả loài người. Nhóm của người Israel xuất phát từ Sêm (bao gồm cả người Ả Rập). Nhóm thứ hai là người Châu Âu, nhóm người lập nên đế quốc Hy Lạp và Roma xuất phát từ Gia-phet. Nhóm thứ ba là nhóm dân Phi Châu được dân Israel quan niệm là xuất phát từ Kham [9]. Đề cập đến như thế để ta biết rằng, Thiên Chúa từ trong ý định ban sơ của Người đã không muốn cho bất cứ ai phải vì tội lỗi nguyên tổ mà hư mất. Vì sáng tạo là sáng tạo mang tính phổ quát nên ơn cứu độ của Thiên Chúa cũng mang tính phổ quát. Trách nhiệm và tình thương của Thiên Chúa còn nằm cả ở chổ đó! Ơn cứu độ đó của Người không chỉ dành riêng cho dân Israel, Người đã chọn một con người đại diện cho toàn nhân loại để gửi gắm giao ước cứu chuộc vào đó. Con người Noe là tiên trưng cho một hình ảnh sống động và vĩ đại mà Tân Ước sẽ nói đến sau này.
Như thế, chấm dứt công trình tạo dựng, cũng là lúc Thiên Chúa bày tỏ một cách mờ ảo về ơn cứu độ phổ quát cho loài người. Lòng thương xót và ơn cứu độ của Người thể hiện và tiệm tiến qua lịch sử của dân tộc Israel. Một dân bất trung, bội ước, thất tín,… nhưng chính trong cảnh sống đó mà họ nhận ra được Thiên Chúa đích thực là Thiên Chúa Tình Yêu. Bởi vậy mà sau này thánh Phaolô cũng đã cảm nghiệm được: “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” ( Rm 5,20).
-
Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót của Người qua dân Israel
Dân Israel đi tìm gặp và nhận biết Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót không đơn giản như chúng ta biết ngày nay. Hành trình của họ là hành trình thanh tẩy, và dân tộc này đã “nhận biết Thiên Chúa không phải qua suy luận nhưng qua những kinh nghiệm và sự can thiệp của Thiên Chúa”[10]. Kinh nghiệm mà họ có được về Thiên Chúa tình yêu dựa trên chính lịch sử của dân tộc họ. Cụ thể, chúng ta cùng khám phá tình thương của Thiên Chúa dành cho dân Israel qua các tiểu mục sau: Thiên Chúa với các tổ phụ của họ; Thiên Chúa đồng hành với họ qua biến cố xuất khỏi Ai Cập; Các ngôn sứ nói lên tiếng nói của Lòng Thương Xót; Vịnh gia ca tụng tình thương của Thiên Chúa; Các danh xưng thể hiện Thiên Chúa gần gũi với dân Người.
-
Thiên Chúa với các tổ phụ của họ
Trước khi Thiên Chúa tỏ cho các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob nhận biết Người, các ông còn là dân du mục, cùng chung chia một niềm tin vào thượng đế của tổ tiên họ với lòng đạo đức đơn sơ và bình dân của người du mục. Nhưng khi “Đức Chúa phán với ông Áp-ram: “hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi” (St 12,1-2), thì lịch sử dân Israel đã bắt đầu được khơi mào và định hình. Sự khởi hành của Abraham sau khi gặp gỡ Thiên Chúa Hằng Sống là khởi đầu cho một hành trình kinh nghiệm về một Thiên Chúa độc nhất, thần của các thần, Đấng hằng yêu thương gìn giữ con cháu của ông là dân Israel. Bởi lẽ:
“Thiên Chúa gìn giữ những ai người tuyển chọn. Nhiều thử thách sẽ xảy đến, tưởng chừng như Thiên Chúa làm ngược lại lời Người đã hứa với các ông, nhưng mỗi lần, Người đều can thiệp để giúp các ông. Vậy là giữa Thiên Chúa và các tổ phụ, một mối giao hảo sẽ được xe kết, mang dấu ấn lòng trung tín của một Thiên Chúa luôn giữ lời hứa”[11].
Với Abraham “Hôm đó, Đức Chúa lập giao ước với ông Ap-ram như sau: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai Cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rat” (St 15,18) và Người cũng hứa “Ta sẽ đặt giao ước của Ta giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông” (St 17,2). Abraham vâng lệnh Thiên Chúa, rời khỏi quê cha đất tổ Kharan và ra đi mà không biết mình đi đâu! Niềm tin vào Thiên Chúa quả là mù mờ và vô định nếu xét theo suy nghĩ của con người, tuy nhiên điều đó lại đẹp lòng Thiên Chúa và khiến Người cảm động.Và Thiên Chúa đã hứa ban cho ông một người con cũng như một vùng đất! Một con người và một vùng đất là dấu chỉ cho một lời hứa sung túc, phồn thịnh và con đàn cháu đống cùng hưởng huê lợi. Rõ ràng sau này Người đã thực hiện lời hứa đó với Abraham. Thiên Chúa phán “chính Xara vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là I-xa-ác. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó; đây sẽ là giao ước vĩnh cửu cho dòng dõi nó sau này” (St17,19). Và cũng vì lòng thương mà Abraham được trở nên thân tình với Thiên Chúa, là phận thụ tạo thấp hèn nhưng ông dám cả gan mặc cả với Người để cứu dân thành Xơ-đôm (x.St 18,16-33). Qua câu chuyện đó, chúng ta thấy dường như Abraham rất gần gũi và thân tình với Thiên Chúa, ông hiểu được tình thương của Thiên Chúa cao cả hơn sự công thẳng của Người. Bởi chưng, “lòng thương xót vượt hẳn sự công chính. Vì công chính là để phục vụ tình yêu. Tính cách ưu tiên của lòng thương xót được biểu lộ qua việc sáng tạo và tuyển chọn dân Chúa”[12].
Để giữ lời hứa với Abraham, sau này Thiên Chúa cũng phán với con ông là Isaac “Ta là Thiên Chúa của Abraham, cha ngươi. Vì Abraham tôi tớ của Ta, Ta sẽ chúc phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra nhiều”(St 26,23 – 24).
Với Giacob thì Người lại phán:
“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Abraham, tổ phụ ngươi và là Thiên Chúa của Isaac. Đất ngươi đang nằm Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi. Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất, ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc. Nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. Này Ta ở với ngươi, ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ gìn giữ ngươi, Ta sẽ đưa ngươi về đất này, Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi” (St 28, 13-15).
Và sau này trong một thị kiến, gia đình Giacob đã lên đường sang Ai Cập theo lệnh của Thiên Chúa cùng với một số gia đình khác (x. St 46,1-27). Khi Giacob về già, gọi các con lại chúc phúc, và với tư cách là người được phúc lành của Thiên Chúa, ông chúc phúc cho Giuda, từ dòng dõi của Giuda sẽ xuất hiện “Đấng mà muôn dân phải vâng phục” (x St 49,8-10).
Qua những lần giao ước trên, ta biết được Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc tìm gặp con người. Người đã chọn một dòng dõi để chuẩn bị cho một kế hoạch lớn lao mà sau này Người sẽ thực hiện trên dân Israel và cho cả nhân loại. Dòng dõi đó bắt đầu từ Abraham, Isaac, Giacob… Họ là những tổ phụ của dân Israel.
Ta lại thấy rằng, bình thường con người khi giao ước, ký kết với nhau họ trung thành theo hoàn cảnh, nghĩa là một trong hai bên bội ước hay có một bên qua đời thì lời giao ước đó mặc nhiên bị hủy hay giảm nhẹ giá trị. Đằng này, qua những gì diễn tả trên, ta thấy một Thiện Chúa luôn đi tìm con người để thực hiện lời hứa, cho dù Abraham đã qua đời, nhiều lúc Issaac chẳng biết Thiên Chúa hứa với cha ông những gì. Trường hợp Issaac qua đời và đối với Giacob cũng vậy,…
Điều đó nói lên rằng: con người dường như không quan tâm đến lời hứa của Thiên Chúa. Nhưng không vì sự lạnh nhạt đó là Thiên Chúa bội ước, hay đúng hơn là bỏ rơi cha ông và con cháu Israel. Bởi một lẽ, cho dù con người phản bội thì Thiên Chúa vẫn một lòng tín trung, bản chất của Thiên Chúa là trung tín nên Người không thể làm khác được. Đến đây ta lại thấy, tình yêu thương và lòng thành tín của Thiên Chúa trổi vượt hơn suy nghĩ thường tình của con người. Lòng trung tín với giao ước theo kiểu loài người thì thay đổi theo hoàn cảnh, còn Thiên Chúa trung tín tự bản chất. Bản chất yêu thương trung tín đó cứ mãi dõi theo con cháu Abraham, Issac, Giacob,.. ở Ai Cập.
-
Thiên Chúa đồng hành với dân Người qua biến cố xuất Ai Cập
Vào thế kỷ XV trước công nguyên, dân du mục Canaan đã đến chiếm và sinh sống trên đất Ai Cập suốt một thời gian dài. Sau đó, người Ai Cập nổi dậy nắm lại vương quyền và dân du mục đã bị đày đọa ngược trở lại, họ đã chạy trốn để tránh thuế hay lao dịch khổ sai. Một số bị đuổi khỏi đất Ai Cập (x.Xh 12,31); số khác phải trốn đi trong đêm (x.Xh 12,38)[13].
Trong hoàn cảnh đó, Thiên Chúa gọi Mô-sê đứng lên để đưa dân của Người là con cái Israel ra khỏi Ai Cập. Thiên Chúa kêu gọi Mô-sê là Vị Thiên Chúa mà tổ tiên ông tôn thờ, mời gọi ông cùng thực hiện chương trình cứu chuộc dân Người. Việc Mô-sê ra đi thuyết phục Pharaô thả dân mình được tự do thật không đơn giản, vì Mô-sê chẳng là gì, “là người ăn nói không được dễ dàng, làm sao Pharaô nghe?” (Xh 6,30). Nhưng quyền năng và dấu lạ của Thiên Chúa – một Đấng nhất mực đòi cứu cho bằng được dân Người ra khỏi Ai Cập, đã thể hiện qua con người Mô-sê bằng các dấu lạ điềm thiêng giáng xuống trên dân Ai Cập. Tuy nhiên, trước khi thực hiện những dấu lạ điềm thiêng đó, ta thấy một Vị Thiên Chúa đầy tình cảm, Người tình cảm đến nổi ra ủy mị khi phải cò kè giống như nài nỉ Mô-sê đại diện Người đưa dân Người ra khỏi Ai Cập vậy! Bởi lẽ, dầu sao đi nữa thì Người cũng là một Vị Thần, Một Đấng Tối Cao cần sự cộng tác của con người. Thiên Chúa phán với Mô-sê: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, ta biết các nổi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật… Giờ đây tiếng rên siết của con cái Israel đã thấu tới ta. Ta cũng thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai Cập. Bây giờ ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô và đưa con cái Israel ra khỏi Ai Cập” (Xh 3,7-10).
Thiên Chúa cứ một mực nhẩm đi nhắc lại cảnh khổ của dân Người phải chịu ở Ai Cập. Người bồi hồi, chạnh lòng trước cảnh lầm than cơ cực đó của con dân Người. Tình yêu thương quan tâm của Thiên Chúa đối với dân Israel trong cảnh nô lệ đã mang sắc thái của sự tiếc xót, sự thương cảm, vừa thương vừa xót… “Bất hạnh của dân làm xốn xang lòng dạ Thiên Chúa, đau khổ của dân làm se thắt tim gan Thiên Chúa” [14]. Tình yêu đó của Người đối với dân là lòng thương xót đúng nghĩa! Lòng thương xót đó được biểu lộ một cách rõ ràng và đầy mạnh mẽ.
Chính Mô-sê sau này cũng nhớ lại và nói với dân chúng: “Thiên Chúa đã xót thương và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính vì lòng xót thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Thiên Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ… Thiên Chúa của anh em thật là Thiên Chúa, Thiên Chúa trung thành cho đến muôn ngàn thế hệ, Ngài vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến và giữ các mệnh lệnh của Ngài” (Đnl 7,7-9).
Rõ ràng: “biến cố xuất hành là bằng chứng của lòng thương xót. Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu than của dân Israel và nhớ lại lời hứa với các tổ phụ, cho nên Ngài đã ra tay can thiệp để giải thoát họ khỏi cảnh áp bức nô lệ”[15].
Sau xuất hành, Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành với dân Người dong duỗi trong sa mạc qua dấu chỉ Hòm Bia trong Lều Hội Ngộ. Sự hiện diện của Thiên Chúa như vậy với dân làm cho dân an tâm mà chống lại các thế lực thù địch lân bang (x. Xh 37,1-90). Tuy nhiên, sự bất trung và ngỗ nghịch của dân Israel lại cứ nổi lên, bằng tình thương và sự quan tâm, các ngôn sứ lại phải cứ sửa dạy họ qua các thời kỳ ở trong sa mạc!
-
Các ngôn sứ nói lên tiếng nói của Lòng Thương Xót
Các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa chọn để nói Lời của Chúa cho dân. Họ có bổn phận chăm lo đời sống tinh thần và sửa dạy dân đi theo đường lối công chính của Người là trung thành với Giao Ước. Họ đứng ra an ủi dân, bày tỏ sự tình với dân, ở gần bên dân trong mọi hoạt động. Trên hết, vì họ là người được Thiên Chúa chọn, nên họ nói lên tiếng nói của Người trước dân. Tư tưởng về lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện qua môi miệng các ngôn sứ.
Với tâm tình của một người Israel sám hối, ngôn sứ Nêkhêmia viết: “Tổ tiên chúng con đã ra ngoan cố, đã cứng đầu cứng cổ, không vâng lệnh Chúa truyền. Họ giả điếc làm ngơ, cũng chẳng thèm ghi nhớ, những kỳ công Chúa làm. Họ cứng đầu cứng cổ, muốn phản loạn cùng Ngài, nuôi trong lòng ý định trở lại kiếp làm tôi. Nhưng Chúa là Thiên Chúa luôn sẵn sàng thứ tha. Ngài từ bi nhân hậu, chậm bất bình, giận dữ nhưng giàu tình xót thương đã không bỏ rơi họ… Và cả khi họ xúc phạm nặng nề đến Chúa, thì Ngài vẫn mở lượng hải hà” (Nkm 9,16-19).
Trong việc phục hồi Israel sau này, Thiên Chúa cũng phán với Giêrêmia, “đám dân thoát cảnh gươm đao đã được ân nghĩa trong sa mạc. Đó là Israel trên đường về chốn nghỉ ngơi. Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng thương xót. Ta sẽ lại xây ngươi lên, và ngươi sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Israel” (Gr 31,2.3b.4a).
Dường như mong muốn cho dân thục hồi càng làm lòng Thiên Chúa xót hơn qua miệng ngôn sứ Giêrêmia: “Đức Chúa phán với tôi dưới thời vua Giôsigiahu: điều Israel phản bội đã làm, ngươi có thấy không? Nó đi khắp các núi cao, đến dưới mọi lùm cây rậm mà đàn điếm. Ta tự bảo: làm tất cả những chuyện đó rồi nó sẽ trở về với Ta” (Gr 3,6-7). Nhưng họ không trở về, Chúa lại tiếp: “trở về đi, hỡi Israel bất trung phản bội, Ta sẽ không nghiêm mặt với các ngươi nữa, vì Ta giàu lòng xót thương, vì Ta không giận giữ mãi đâu” (Gr 3,12).
Ngôn sứ Isaia cũng cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ bến đó của Thiên Chúa mà tha thiết an ủi dân; “Thiên Chúa đợi chờ để thi ân cho ngươi. Người sẽ đứng lên để tỏ lòng thương xót… Ngươi sẽ không còn phải khóc nữa. Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ giáng phúc cho ngươi, nghe tiếng ngươi kêu là Người đáp lại” (Is 30,18-19).
Sau khi vương quốc Giu-đa bị sụp đổ, Giêrusalem điêu tàn, Edêkien cũng bị phát lưu sang Babylon với một số dân. Tại đây, lời hứa của họ với Thiên Chúa dường như bị quyên lãng. Họ quyên đi thần của tổ tiên họ. Họ bội ước theo dân ngoại thờ tà thần, bất trung với Thiên Chúa mà sống bất chính trước nhan Người. Trước cảnh huống đó, Edêkien đứng lên nói lời của Chúa: “Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi… Các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi” (Ed 36,26).
Lòng thương xót của Thiên Chúa cứ cồn cào, da diết, trở nên mãnh liệt, tình thương xót đó làm cho Thiên Chúa dường như trở nên yếu nhược đi! Yêu như một người mẹ yêu con mình vậy! Tại sao Thiên Chúa toàn năng không dùng quyền để thống trị dân Người mà phải quỵ lụy? Không, Người không như vậy, Người là Thiên Chúa, yêu bằng trái tim của Thiên Chúa chứ không phải theo suy nghĩ của người phàm. Người vẫn mòn mõi đợi chờ, như người mẹ hiền chờ đợi đứa con lầm lỡ vậy! Con mình dù nó có thế nào đi nữa thì nó vẫn là con mình! Điều này được thể hiện qua ngôn sứ Hôsê: “dân Ta cứ miệt mài bội tín bất trung. Chúng được kêu mời vươn lên mà chẳng một ai ngóc đầu dậy! Hỡi Epraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp người sao đành,… Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Epraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm” (Hs11,7-8). Rõ ràng tình yêu của Thiên Chúa lớn đến mức Người khiêm nhường đối với cả thụ tạo của mình: “Thiên Chúa trung thành trong lòng tốt của mình đến độ chấp nhận tất cả sự thật và mọi hậu quả của hành vi tội lỗi chống lại Người. Đó không phải là sự kiêu ngạo của một vị Chúa Toàn Năng – tức điên lên vì bị xúc phạm – muốn đày đọa kẻ có tội để trả thù, nhưng là sự khiêm hạ của một người cha”[16].
Biết được Thiên Chúa yêu thương, ngôn sứ Giôen kêu gọi dân quay trở lại với tình thương hiền phụ của Người: “Hãy trở về cùng Thiên Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2,14).
Thật vậy, “lòng thương xót của Thiên Chúa trải trên muôn thế hệ, từ đời nọ đến đời kia đã làm ngôn sứ Đaniel lo lắng nếu Thiên Chúa rút lại lòng thương xót ấy, nên ông đã nài xin Thiên Chúa: “đừng rút lại lòng thương xót đã dành cho chúng con” (Đn 3,35)”[17].
Và quả thật, Người chẳng bao giờ rút lại lòng thương xót đó cả, khi sau này ngôn sứ Mikha loan truyền về một niềm hy vọng được Thiên Chúa tha thứ cho tội lỗi của dân Người: “Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa. Người sẽ lại thương xót chúng ta. Tội lỗi chúng ta, Người đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm của chúng ta, Người ném xuống đáy biển. Người sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Giacop và tình thương cho Apraham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước” (Mk 7,19-20).
Trong hoàn cảnh mong đợi Đấng Cứu Tinh xuất hiện để giải phóng dân Thiên Chúa, Xôphônia mời gọi toàn dân hãy hớn hỡ reo vui vì Đấng Cứu Tinh sắp đến giải thoát dân Người: “Người là Vị Cứu Tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi”(Xp 3,17). Hình ảnh Vị Cứu Tinh mà Xôphônia loan báo sẽ xuất hiện trong Tân Ước sau này!
Nhìn chung, các ngôn sứ là những người lãnh đạo dân về mặt tinh thần. Họ nói lên tiếng nói của Thiên Chúa đối với dân, tình thương yêu trăn trở muốn cho dân quay trở lại cùng Người để được sống. Cho dù lắm lúc họ bị sửa dạy bằng giọng lên án, sự thịnh nộ về Ngày của Đức Chúa (x. Xp 1,14-15; Am 5,18;…) để minh thị đức công thẳng của Người, nhưng rồi lòng thương xót của Thiên Chúa cũng lại lớn hơn gấp bội. Để rồi ta có thể nói “sự tiến triển của quan niệm về lòng thương xót không chỉ nằm ở chỗ nó lớn hơn đức công bình, nhưng là nó biểu lộ qua đức công bình. Thiên Chúa trừng phạt tội lỗi của dân để bày tỏ lòng thương xót của mình. Hình phạt nhằm cho họ quay trở về với Ngài để lãnh nhận các phúc lành”[18].
Khi đã nhận ra được tình thương của Thiên Chúa dành cho mình, một Thiên Chúa toàn năng, trung tín, chậm bất bình và giàu nhân nghĩa, dân Israel cũng đã tín thác và đặt tất cả những băn khoăn, lo lắng, thổn thức của kiếp sống và những khát vọng của lòng mình vào những thánh thi trong đời sống và phụng vụ để tỏ bày với Thiên Chúa Tình Thương, cụ thể đó là các thánh vịnh.
-
Vịnh gia ca tụng tình thương của Thiên Chúa
Để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện trong thánh vịnh thì thật là cả một đề tài rộng lớn bao la, tuy nhiên với khuôn khổ bài viết này chúng ta có thể nêu lên những thánh vịnh tiêu biểu sau:
Thánh vịnh 103 ngợi khen lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đối với phận xác đất vật hèn của con người: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,… Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài xa cách nhau vạn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn Người. Người quá biết ta được dựng nên bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi” (Tv 103, 3-14).
Ta thấy, vịnh gia đặt tâm tình của mình vào thánh vịnh 103 dưới các khóe nhìn:
“Về phía Thiên Chúa, về phía con người, và về phía lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Chính từ ba xác tín ấy mà lời ca trào dâng,… Con người vốn xuất thân là hạt bụi, lại càng là hạt bụi do tính vô thường của nó. Như cỏ nội hoa đồng, tuy vậy, con người cũng là tác phẩm và là con cái Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nhưng sự cao cả đích thực của Người là ở khả năng yêu thương vô bờ bến, khả năng khơi lên ngọn lửa yêu mến từ chính nguồn lửa thiêng nơi Người. Đặc tính của Thiên Chúa là thương xót và thứ tha. Về điểm này, tác giả thánh vịnh dùng một hình ảnh đơn sơ nhưng kỳ vĩ: “khoảng cách bao la giữa đất trời, giữa đông tây, không phải chỉ về tính vô biên của Thiên Chúa cho bằng tình yêu đầy trắc ẩn của Người””[19].
Cũng trong tâm tình ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa đối với thụ tạo, vịnh gia lại tiếp tục: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu đối với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,8-9).
“Gặp gian truân sầu khổ, tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con!”. Chúa là Đấng nhân từ chính trực, Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương, hằng gìn giữ những ai bé mọn. Tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi”(Tv 116, 4-6).
Thánh vịnh 136 là cả một bài “ca tụng tình thương của Thiên Chúa biểu lộ trong việc sáng tạo và trong thời xuất hành”[20]. Thánh vịnh này thuật lời tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì những việc Người đã làm cho dân Người. Tình yêu này thể hiện qua việc sáng tạo vũ trụ, giải phóng dân Israel ra khỏi Ai Cập, và cũng nói lên tình thương quan phòng của Thiên Chúa cho dù thế hệ này qua đi, thế hệ khác nối tiếp thì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Đó là cảm nghiệm của dân Israel sau biến cố xuất hành.
Ta cũng có thể kể thêm:
“Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu, Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài,… Chúc tụng Chúa đã tỏ tình thương kỳ diệu đối với con” (Tv 31, 20-22).
“Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà” (Tv 32, 1-2).
“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51,3).
Tóm lại, để liệt kê chi tiết những lời tán tụng tình thương của Thiên Chúa trong thánh vịnh thì thật nhiều khôn xiết kể, thiết nghĩ, chúng ta nên dừng lại và chiêm nghiệm về một thánh vịnh nào đó trong số 150 thánh vịnh mà vịnh gia đã nghiệm được lòng Chúa thương xót và thốt lên trong sự linh hứng của chính Thiên Chúa. Vì xét cho cùng, nếu Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa nói với con người, thì:
“Thánh vịnh là lời con người đáp lại lời Người. Nhưng lời đáp lại ấy không phải do con người tự nghĩ ra, mà là do chính Thiên Chúa linh hứng, soi sáng cho con người nói lên. Con người cung kính nghe lời Thiên Chúa, giữ trong lòng để suy niệm, và mở miệng ra đáp lại lời Người. Nhưng lời đáp trả của họ sẽ ít có giá trị, sẽ không xứng đáng với Thiên Chúa nếu không được chính Người nhắc bảo cho: tự chúng ta không biết cầu nguyện, nhưng Thánh Thần cầu thay ta bằng những lời rên rỉ khôn tả xiết (Rm 8, 26). Các lời Thiên Chúa nhắc cho ta đó chính là thánh vịnh, lời kinh được linh hứng”[21].
Như thế, tự bản chất, thánh vịnh biểu tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với con người rồi, vì đó chính là khí cụ Thiên Chúa ban cho con người đặt tâm tình vào đó mà dâng lên Thiên Chúa.
-
Các danh xưng thể hiện Thiên Chúa gần gũi với dân Người
Trước khi nói đến danh xưng của Thiên Chúa, người viết khẳng định đầu đề rằng: Thiên Chúa chẳng có tên nào cả. Vì Người là Đấng Siêu Việt, là Thực Tại Tối Hậu, Người ở ngoài phạm trù ngôn ngữ và ý niệm của con người. Nghĩa là chúng ta không thể gọi tên của Người được, vì nếu gọi tên của Thiên Chúa được thì Người chẳng phải là Thiên Chúa Tối Cao nữa. Bởi vậy mà ngay từ chương đầu của sách Đạo Đức Kinh, Lão Tử mới có câu “Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh” (nghĩa là: Thực tại tối hậu có thể giải bày chẳng phải Thực tại tối hậu thường hằng; tên có thể nêu ra chẳng phải tên thường hằng)[22].
Ta có thể nói, “danh Thiên Chúa thật là khôn tả, vượt trên mọi danh hiệu. Thực tại của Người vượt trên mọi thực tại. Yếu tính của Người vượt trên mọi yếu tính. Hữu thể của Người vượt trên mọi hữu thể,… Người là Đấng không Tên, nhưng cũng là Đấng có rất nhiều Tên, vì sự viên mãn phú túc của Người cần được diễn đạt dưới nhiều khía cạnh khác nhau”[23]. Vì vậy mà ta gọi tên Người là Thiên Chúa, là Đấng Toàn Năng, là Chúa Tể Trời Đất,… Những danh xưng đó nói lên phần nào tính chất cao sang, uy quyền, toàn năng toàn trị của Người. Tuy nhiên, dưới khía cạnh của chuyên mục này, ta đi tìm những danh xưng cũng xuất phát từ Kinh Thánh Cựu Ước nói về Người cũng thật là Đấng gần gũi, đầy yêu thương và động lòng trắc ẩn. Những danh xưng đó là: Go’el; Cha, Mẹ, Hôn phu.[24]
Thứ nhất, Thiên Chúa như là “Go’el của Israel”: Go’el trong tiếng Hipri là một từ thể hiện “một định chế nói ở trong sách Dân số. Go’el là người thân thích đứng ra bảo vệ (trả nợ máu) cho kẻ bị áp chế. Cũng trong tương quan máu mủ, Go’el phải tìm cách để chuộc người thân của mình bị bán làm nộ lệ (Lv 25,26.48-49)”[25]. Cụ thể, về luật chuộc lại của cải, nô lệ trong sách Dân số: “Ai cầm trong tay đồ vật bằng gỗ có thể giết người mà đánh người khác chết, thì là kẻ sát nhân. Kẻ sát nhân đó sẽ phải chết. Chính người đòi nợ máu sẽ giết kẻ sát nhân; khi bắt gặp tên sát nhân, người đó sẽ giết nó” (Ds 35, 18-19).
Hoặc “nếu người anh em của các ngươi lâm cảnh túng thiếu, và phải bán một phần sở hữu của nó, thì người có quyền chuộc tức là người bà con gần nhất của người ấy” (Lv 25,25).
Cũng trong tương quan đó mà vịnh gia và các ngôn sứ gọi Thiên Chúa là “Go’el của Israel”: Đừng sợ, hỡi Giacop, loài sâu bọ, hỡi Israel kẻ mọn hèn. Chính Ta phù trợ ngươi sấm ngôn của Đức Chúa – Đấng cứu chuộc ngươi là Đức Thánh của Israel” (Is 41,14). Cũng có câu tương tự: “Đấng chuộc ngươi về chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất” (Is 54,5).
“Đức Chúa các đạo binh phán thế này: con cái Israel cùng con cái Giu-đa bị áp bức, mọi kẻ bắt chúng làm tôi muốn giữ chúng lại, không chịu thả chúng về. Nhưng Đấng cứu chuộc chúng thật hùng mạnh. Danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Người đích thân đứng ra bênh vực chúng, để cho đất nước được yên hàn và khiến cư dân Babylon run rẩy” (Gr 50,33-34).
“Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn, là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,và bao tiếng lòng con thầm thĩ, mong được thấu tới Ngài” (Tv 19,15).
Đối với cảnh nô lệ bên Ai Cập, lòng thương xót Chúa biểu tỏ rõ ràng tư cách “Go’el” của Người. Người đứng ra chuộc lại đoàn dân của Người, Người coi dân Israel như là bà con thân thích nên có trách nhiệm chuộc họ ra khỏi đất Ai Cập mà trở về với đất Người hứa với tổ phụ của họ: “Chính Ta đã nghe thấy tiếng rên siết của con cái Israel: Ta là Đức Chúa, Ta sẽ đưa các ngươi ra khỏi cảnh khổ sai cho người Ai Cập, sẽ giải thoát các ngươi khỏi cảnh lao động cực nhọc cho chúng. Ta sẽ giương cánh tay, dùng án phạt lớn lao mà chuộc các ngươi”(Xh 6,5-7).
Đến đây, ta cũng không lạ gì khi mà nhiều đoạn thánh vịnh mô tả Thiên Chúa như là kẻ trừng phạt địch thù của Israel với những hình phạt khiếp đảm, hay mang tính chất báo thù hòng chuộc họ từ tay người Ai Cập. Điều đó như hệ quả của lòng thành với giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Người qua các tổ phụ của họ là Abraham, Isaac, Giacop, Môsê. Thật ra vì cảm thức của dân Israel chỉ nghĩ Thiên Chúa quá gần gũi như là một “Go’el” của họ hay Thiên Chúa chỉ là Chúa duy nhất của họ mà thôi, nên mới có chuyện: “Người sát hại các con đầu lòng Ai Cập, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 10); “Lạy Chúa là Chúa Trời trả báo, lạy Chúa Trời trả báo xin Ngài quang lâm! Đấng xét xử địa cầu xin đứng dậy trả cho lũ kiêu căng xứng việc chúng làm” (Tv 94,1); “Tội của chúng, Người đổ trên đầu chúng, Người tiêu diệt chúng vì điều dữ chúng làm, Đức Chúa là Thiên Chúa của ta sẽ tiêu diệt chúng”( Tv 94,23).
Thứ hai, Thiên Chúa như là Cha: Trước hết, để tránh hiểu nhầm về quan niệm Thiên Chúa là Cha của dân tộc Israel theo nghĩa thể lý như một số tôn giáo Đông Phương quan niệm thần linh là cha đẻ của nhân loại. Hình ảnh Thiên Chúa là Cha trong Cựu Ước không có sắc thái huyền thoại về nguồn gốc tộc người như trong các tôn giáo, hay các nền văn hóa cổ ở phương Đông khác (như Saman giáo của Triều Tiên, Lạc Long Quân Âu Cơ của Việt Nam,…). “Điểm khác biệt cơ bản giữa Cựu Ước và các huyền thoại Đông phương là: không có một thành ngữ nào ám chỉ một vị cha thần linh đẻ ra thần thánh và con người,… Liên hệ “cha-con” giữa Thiên Chúa và Israel là một tương quan tự do. Thiên Chúa đã chọn Israel làm trưởng tử bằng một hành vi lịch sử là biến cố xuất hành. Cảm nghiệm tình cha con là một kinh nghiệm về hành động cứu độ của Thiên Chúa phát xuất từ tình yêu thương nhưng không của Người”[26].
Hình ảnh người Cha giáo huấn rèn luyện con cái suốt bốn mươi năm trong sa mạc: “Ngươi tự biết nơi lòng ngươi là: như một người biết sửa dạy con, thì Giave Thiên Chúa của ngươi sửa dạy ngươi, và ngươi sẽ giữ các lệnh truyền của Giave Thiên Chúa ngươi mà đi theo đường lối của Người và kính sợ Người” (Đnl 8,5-6). Sửa dạy mà dân không nghe, hình ảnh người Cha đau khổ hiện lên thật cảm động “Trời hãy nghe, đất hỡi hãy lắng tai, vì Giave phán: Ta đã gầy cho đàn con lớn, cho chúng trưởng thành, và chúng đã ngỗ nghịch cùng Ta” (Is 1,2).
Trong Isaia III, lần đầu tiên dân chúng mới nhìn nhận Thiên Chúa là Cha: “Nhưng chính Người là Cha chúng tôi, Abraham đâu có biết chúng tôi, Israel đâu có nhận ra chúng tôi, chính Người là Cha chúng tôi, Đấng chuộc lấy chúng tôi từ ngàn xưa, đó là Danh Người,… Song bây giờ, lạy Giave, Người là Cha chúng tôi, chúng tôi là đất sét, Người là Đấng nắn ra chúng tôi, hết thảy chúng tôi là công trình Người đã làm ra” (Is 63,16; 64,7). Thánh vịnh cũng đề cao lòng thương xót với hình ảnh Thiên Chúa như người Cha: “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. Người quá biết ta được nhồi nắn nên bằng gì, hẳn Người nhớ, Ta chỉ là cát bụi” (Tv 103,13-14).
Hình ảnh “cha-con” trong tương quan cá nhân cũng được đề cao: “Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ”(Tv 68,6). Sách Châm ngôn cũng dạy rằng: “Hỡi con, đừng khinh thường sự sửa trị của Giave, và đừng chán Lời Người quở mắng; bởi Giave mắng kẻ Người thương mến, như người cha quở mắng người con ông yêu dấu” (Cn 3,11-12). Hay sách Huấn ca mô tả tình phụ tử trong tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa: “Lạy Chúa là Cha và là chủ mạng sống tôi, xin đừng bỏ tôi mặc ý chúng, xin đừng để tôi ngã gục dưới tay chúng… Lạy Chúa là Cha và là Chúa trên mạng sống tôi, xin chớ để tôi có con mắt ngạo nghễ, xin cất khỏi tôi lòng kiêu ngạo, đam mê xác thịt và dâm dật đừng chiếm lòng tôi, xin đừng phó tôi cho tình dục thao túm” (Hc 23, 1-5).
Trong sách Khôn ngoan, hình ảnh người cha che chở quan phòng cũng hiện lên “Lạy Cha, sự quan phòng của Người lèo lái, vì ngay cả trong biên, Người đã mở đường, và trên làn sóng, có một lối đi chắc chắn, cho thấy là Người có thể cho thoát khỏi mọi sự, khiến kẻ không biết nghề cũng có thể lên thuyền” (Kn 13,3-4).
Thứ ba, Thiên Chúa như là Mẹ: trước tiên ta cũng cần khẳng định “không có đoạn văn nào mô tả Thiên Chúa như một phụ nữ hay bà mẹ (Chúa là bà mẹ), nhưng chúng ta đọc thấy những kiểu nói biểu lộ tình “mẫu tử” của ngài”[27] . Thiên Chúa ví mình như một người phụ nữ thương đứa con thơ mà mình mang nặng đẻ đau và còn hơn thế nữa “Xion từng nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!” Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ mình mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,14-15).
Bằng tất cả tâm tình của một người mẹ, Thiên Chúa phán: “Hãy nghe Ta, hỡi nhà Giacop, và tất cả số sót của nhà Israel! Ta đã nâng các ngươi từ trong lòng mẹ, đã hứng các ngươi từ lúc chưa chào đời” (Is 46,3), hay sự chịu đựng, dằn lòng làm thinh bằng tâm tình của người phụ nữ cưu mang: “Từ lâu, ta đã nín lặng, Ta làm thinh, Ta đã dằn lòng, như sản phụ lâm bồn, Ta rên siết, Ta hổn hển, ta thở chẳng ra hơi” (Is 42,14). Và Israel cũng được Người ấp ủ vỗ về: “Vì Đức Chúa phán như sau: này Ta tuôn đổ xuống thành đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66,12-13).
Đền đáp lại tình mẫu tử của Thiên Chúa, Israel phải có tâm tình phó thác, cậy trông và tin tưởng nơi Người: “hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa đi, Israel ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 131,2-3).
Thứ tư, Thiên Chúa như vị Hôn phu: Ngoài những từ ngữ biểu cảm lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân Người như Cha, Mẹ, “Go’el”, Thiên Chúa đối với dân Israel còn được ví như người chồng yêu thương, săn sóc chờ đợi người vợ mặc cho người vợ đó bội ước thất tín! Giao ước giữa dân với Thiên Chúa trên núi Xinai (Xh 19,1 – 40,38) được ví như sự đính ước trong hôn nhân vậy.
“Giao ước được ví với hôn ước: Israel trở thành hôn thê của Thiên Chúa. Nghĩa vụ của Israel là yêu mến Chúa, chung thủy với Chúa. Đối ngược với mối tình đó là tội thờ ngẫu tượng, ví như là tội ngoại tình. Tuy Chúa buồn phiền trách móc về tội ngoại tình đó,… nhưng Ngài không ngừng đi tìm kiếm người bạn cũ và sẵn sàng tha thứ.”[28]
Tiên tri Isaia diễn tả tâm tình trên như sau: “Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. “Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẩy cho đành?”, Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong một thời gian ngắn Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.” (Is 54,6-7).
Lòng thương xót Chúa đối với dân Người cũng được trình bày một cách tình ý như người đang yêu thì thầm với người yêu: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai Cập,… Ta sẽ lập với nó một hôn ước vĩnh cửu. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành và ngươi sẽ được biết Đức Chúa” (Hs 2,16-22).
Thiên Chúa cũng được Đệ nhị luật miêu tả đầy tính ghen tuông của người chồng yêu thương người vợ phản bội: “Thật vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là một ngọn lửa thiêu, một vị thần ghen tuông”(Đnl 4,24), và khi dân bỏ Người mà thờ ngẫu tượng như các dân tộc lân bang: “Anh em không được theo những thần khác trong số các thần của các dân chung quanh anh em, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, Đấng ở giữa anh em, là một Vị Thần ghen tuông” (Đnl 6,14-15).
Thiên Chúa ghen nhưng không ruồng rẫy, mà một mực thành tín yêu thương dân Người: “Đức Chúa phán với tôi: “một lần nữa, ngươi cứ yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình, cũng như Đức Chúa yêu thương con cái Israel, trong khi chúng quay lưng đi theo các thần khác và thích bánh nho””(Hs 3,1-2).
Khi kêu gọi Israel trở về, Người lại phán “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn theo đuổi chúng” (Hs 14,5). Quả thế, “sách Hôsê kết thúc với những lời khích lệ. Sau các cơn thử thách, Israel sẽ kiếm tìm Đức Chúa và Người sẽ để cho gặp. Cuộc hòa giải giữa dân người với Thiên Chúa sẽ là một cuộc hôn phối đích thực”[29].
Như vậy, ngoài những danh xưng do nỗ lực của con người hình dung để thể hiện tính siêu việt của Thiên Chúa: Đấng Thánh, Đấng Toàn Năng, Đấng Khôn Ngoan,… Kinh thánh Cựu Ước còn dùng những danh xưng thật gần gũi thân tình như là Cha, Mẹ, Hôn phu,… để diễn tả tương quan tình thương (hesed) và lòng thành tín (emet) của Người đối với dân Israel[30].
Kết luận
Để biết được mặc khải về Thiên Chúa giàu lòng thương xót trong Cựu Ước, chúng ta đã đi qua được những chặng đường nêu bật lòng thương xót đó. Qua những gì đã phân tích trên, chúng ta thấy trong Cựu Ước, hiện lên khuôn mặt của một Vị Thiên Chúa đầy lòng xót thương chứ không phải là một Thiên Chúa giáng phạt đầy công thẳng. Hay nói đúng hơn, ta thấy được một Thiên Chúa là “Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót”[31]. Điều đó dẫn chúng ta tới việc nhận biết dung mạo của một Vị Thiên Chúa là Cha đầy lòng trắc ẩn, giàu tình thương. Một cách cụ thể, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trực tiếp trong Cựu Ước trên dân Người đã chọn là Israel.
Tình thương của Người đối với thụ tạo có tính cách tiệm tiến và xuyên suốt từ lúc khởi nguyên cho đến mãi muôn đời. Biểu hiện của tình thương đó đạt đến đỉnh điểm trong con người Đức Giêsu mà ta sẽ thấy trong Tân Ước sau này.
Vậy, như người viết đã nêu lên ở phần dẫn nhập, sau khi biết được trong Cựu Ước có một Vị Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, chúng ta không chỉ chiêm ngắm mãi hình ảnh đó trong lòng, mà phải đem niềm tri ân đó ra thể hiện trong đời sống hằng ngày của mình như là một cánh tay nối dài của lòng thương xót Chúa. Cảm hứng từ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại thể hiện trong Cựu Uớc, người viết cho rằng phần thực hành lòng thương xót là cả một đề tài rộng lớn bao la, trong giới hạn của đề tài này ta không thể bàn tới được[32]. Tuy nhiên, người viết cũng mời gọi mọi người hãy sống tâm tình lòng thương xót đó trong việc đối xử với người anh em bên cạnh mình, người di dân, người tỵ nạn, kẻ cơ nhỡ, cô thế cô thân,…. Một cách đầy tình thương, chia sẻ và cảm thông.
Thực thi được như điều đó là chúng ta đang sống tâm tình của chủ đề Năm thánh “thương xót như Chúa Cha” vậy!
Antôn Nguyễn Văn Lộc
Sách Tham Khảo
-
Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, Lời Chúa Cho Mọi Người, Nhóm phiên dịch CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2007.
-
Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Học Viện Đa Minh, 2012.
-
Bùi Văn Đọc, Võ Đức Minh, Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, NXB TP HCM, 1998.
-
Hoàng Đắc Ánh, OP và Trần Phúc Nhân, Như Hương Trầm, Tủ Sách Đại Kết, 1997.
-
Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh Giải Luận, NXB Phương Đông, 2010.
-
Thời sự thần học, số 71 – Lòng Chúa Thương Xót, TTHV Đa Minh, 2016.
-
Jean Galot SJ, Trái Tim Chúa Cha, An Tôn Chuyển ngữ, Tài Liệu Suy Niệm Và Học Hỏi Chuẩn Bị Năm Thánh 2000.
-
Nắng Tím, Thiên Chúa Của Lòng Thương Xót, NXB Tôn Giáo, 2015.
-
Kinh Thánh Cựu Ước, Ngũ Thư, Nhóm phiên dịch CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2010.
-
Phan Tấn Thành, Thần học mặc khải, Học viện Đa Minh, 2011.
-
Nguyễn Ngọc Vinh, SDB, Người Chạnh Lòng Thương, NXB Tôn Giáo, 2016.
-
Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo Hội Giàu Lòng Thương Xót, Nguyễn Minh Triệu dịch, NXB Tôn Giáo, 2015.
-
Henri M.Nouwen và các tác giả khác, Lòng Thương Xót – một suy tư về đời sống Kitô hữu, Nguyễn Đức Thông dịch, NXB Tôn Giáo, 2015.
-
Báo Hiệp Thông, Bản tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 93 (thánh 3&4 năm 2016), chuyên đề: Lòng Thương Xót.
-
Nguyễn Ngọc Rao, Lịch sử dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước, Học viện Đa Minh, 2010.
[1] Thời sự thần học, số 71 – Lòng Chúa Thương Xót, TTHV Đa Minh, 2016, Đề tài: Lòng Thương Xót: Kinh Thánh và Thần Học của Phan Tấn Thành, tr 18.
[2] Lấy theo tên chủ đề của năm thánh Lòng Chúa Thương Xót “Merciful Like the Father”.
[3] Phan Tấn Thành, Thần học mặc khải, Học viện Đa Minh, 2011, tr. 56.
[4] Trích theo GLCG số 287.
[5] Sđd., số 284.
[6] Xem thêm St 3, 1-15 trong Kinh Thánh Cựu Ước, Ngũ Thư, Nhóm phiên dịch CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2010.
[7] Phan Tấn Thành, Thần học mặc khải, Học viện Đa Minh, 2011, tr. 66.
[8] Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, Lời Chúa Cho Mọi Người, Nhóm phiên dịch CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2007, phần chú thích tr.45.
[9] Xem thêm Kinh Thánh Cựu Ước, Ngũ Thư, Nhóm phiên dịch CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2010, phần chú thích tr. 82-83.
[10] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Học Viện Đa Minh, 2012, tr. 104.
[11] Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, Lời Chúa Cho Mọi Người, Nhóm phiên dịch CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2007, phần dẫn nhập Cựu Ước, tr. 26.
[12] Bùi Văn Đọc, Võ Đức Minh, Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, NXB TP HCM, 1998, tr.128.
[13] Xem thêm Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, Lời Chúa Cho Mọi Người, Nhóm phiên dịch CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2007, phần dẫn nhập tr. 107-108.
[14] Nắng Tím, Thiên Chúa Của Lòng Thương Xót, NXB Tôn Giáo, 2015, tr.31.
[15] Thời sự thần học, số 71 – Lòng Chúa Thương Xót, TTHV Đa Minh, 2016, đề tài: Lòng Thương Xót: Kinh Thánh và Thần Học của Phan Tấn Thành, tr.19.
[16] Jean Galot SJ, Trái Tim Chúa Cha, An Tôn Chuyển ngữ ,Tài Liệu Suy Niệm Và Học Hỏi Chuẩn Bị Năm Thánh 2000, tr.71.
[17] Nắng Tím, Thiên Chúa Của Lòng Thương Xót, NXB Tôn Giáo, 2015. Tr.34.
[18] Thời sự thần học, số 71 – Lòng Chúa Thương Xót, TTHV Đa Minh, 2016, đề tài: Lòng Thương Xót: Kinh Thánh và Thần Học của Phan Tấn Thành, tr. 21.
[19] Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, Lời Chúa Cho Mọi Người, Nhóm phiên dịch CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2007, phần chú thích, tr. 940.
[20] Hoàng Đắc Ánh,OP và Trần Phúc Nhân, Như Hương Trầm, Tủ Sách Đại Kết, 1997, tr. 137.
[21] Hoàng Đắc Ánh,OP và Trần Phúc Nhân, Như Hương Trầm, Tủ Sách Đại Kết, 1997, tr. 12-13.
[22] Xem thêm Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh Giải Luận, NXB Phương Đông, 2010, tr.13-34.
[23] Bùi Văn Đọc, Võ Đức Minh, Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, NXB TP HCM, 1998, tr.42.
[24] Lưu ý: Những danh xưng này tiềm ẩn trong Cựu Ước tức là trong lời các ngôn sứ, các Thánh vịnh,… mà ta đã đề cập ở các chuyên mục trên, tuy nhiên người viết chia ra như vậy để nêu bật tính chất tình thương của Thiên Chúa đối với dân Người hơn.
[25] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Học Viện Đa Minh, 2012, tr. 122.
[26] Bùi Văn Đọc, Võ Đức Minh, Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, NXB TP HCM, 1998, tr.69.
[27] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Học Viện Đa Minh, 2012, tr.123.
[28] Sđd., tr.124.
[29] Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, Lời Chúa Cho Mọi Người, Nhóm phiên dịch CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2007, phần chú thích tr. 1516.
[30] Xem thêm Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Học Viện Đa Minh, 2012, tr.119-125.
[31] Trích từ Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót, Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGMVN dịch và phổ biến năm 2015.
[32] Phần viết về thực hành Lòng thương xót bạn đọc có thể tham khảo các tác phẩm như: Nguyễn Ngọc Vinh, SDB, Người Chạnh Lòng Thương, NXB Tôn Giáo, 2016; Hiệp Thông, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 93, 2016, chuyên đề: Lòng Thương Xót; Thời sự Thần Học số 71, Lòng Chúa Thương Xót, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, 2016; Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo Hội Giàu Lòng Thương Xót, Nguyễn Minh Triệu dịch, NXB Tôn Giáo 2015;vv…