(Bài Ðọc I: Is 35, 1-6a. 10; Bài Ðọc II: Gc 5, 7-10; Phúc Âm: Mt 11, 2-11)
Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay mang đến một giai điệu vui tươi về ngày cứu độ. Người đọc cũng dễ dàng cảm nhận được những miêu tả rất sống động về những gì sẽ xảy ra khi Đấng cứu độ đến. Đặc biệt hơn họ còn có thể cảm nghiệm một sự rất gần gũi với Đức Giêsu giống như các môn đệ của Gioan hôm nay đã có cuộc trò chuyện với Ngài.
Bài đọc 1: ngôn sứ Isaia đã loan báo về ngày cứu độ. Ngày mà Thiên Chúa mang niềm vui đến cho dân của Ngài. Các cảnh đau thương sẽ không còn nữa, thiên nhiên sẽ trở nên sống động và con người thì chan chứa niềm vui.
Bài đọc 2: thánh Giacôbê đã khích lệ cộng đoàn của mình kiên nhẫn trong khi chờ Chúa đến. Điều này cũng chung một cảm thức với Bài đọc I. Xem ra dân chúng đã tỏ ra thiếu sự kiên nhẫn chờ ngày Chúa đến cứu độ. Sự nản lòng này đã hiện diện giữa các người trong cộng đoàn dân Chúa. Bài đọc Tin Mừng cũng cho thấy sự trông ngóng của Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của ông “Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?” Điều này gợi lên cho tôi những trải nghiệm của tâm hồn mình.
Thứ nhất: cần một cuộc khám phá nội tâm. Trong thời điểm này đi đâu nơi có Kitô hữu hiện diện, người ta cũng đều thấy việc chuẩn bị lễ Giáng sinh. Mỗi nơi đều có cách trang trí riêng theo hoàn cảnh và khả năng của mình. Ai cũng cảm nhận được sự tất bật và hồ hởi. Thế nhưng, đôi lúc những điều này lại ảnh hưởng đến nội tâm để chuẩn bị mừng lễ. Vì lo những hoạt động bên ngoài nên coi như điều đó là đủ hay thay thế được việc bề trong và rồi mùa giáng sinh qua đi, không đọng lại chút tâm tình nào với Chúa. Hãy cũng có người nói trang trí một tý cho có với người ta, điều này thể hiện một sự hời hợt nội tâm chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Lời Chúa hôm nay mời gọi hãy có một cuộc khám phá thiêng liêng để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó”.
Đức Giêsu đã không trả lời trực tiếp Ngài là Đấng Cứu Thế hay không. Nhưng Ngài đã nói hãy xem và nghe những gì đang diễn ra xung quanh để biết rằng Ngài là ai. Vì thế, điều này đòi hỏi một sự hồi tâm để nhận ra những gì đang diễn ra nơi cộng đoàn giáo xứ, trong gia đình, trong các mối tương quan để xem tất cả những hoàn cảnh đó có mang đến niềm vui của Chúa cho người khác hay chưa?
Thứ hai: sống niềm hy vọng của ơn cứu độ. Điều này là một điều cần thiết nơi các Kitô hữu, nhất là cho các Kitô hữu đang sống trong những hoàn cảnh đau khổ, bệnh tật hay thất vọng về chính bản thân hay điều này điều kia với những người thân trong gia đình. Có thể đó là những tình trạng nghèo khổ lâu dài, phải chăm sóc người thân bệnh tật nan y trong nhiều năm, hay những bệnh tật của chính bản thân, sự bất hòa trong gia đình v.v…. Những điều nản lòng thất vọng này có thể gây ra sự khủng hoảng trong đức tin và làm sa sút tinh thần nơi mỗi người Kitô hữu. Nhất là mất đi sự tín thác vào tình thương của Thiên Chúa. Vì thế, trong bài Tin Mừng, Chúa đã nói “phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”. Mùa vọng là mùa chờ đợi, là mùa hy vọng. Có những mùa vọng triền miên trong nhiều tâm hồn, nhưng đừng vì thế mà nản lòng, hãy kiên nhẫn vì thánh Giacôbê đã khích lệ “Vậy anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến”.
Cuối cùng: làm ngôn sứ của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Điều này không phải là trở thành người dự đoán tương lai cho người khác, nhưng là sống chứng nhân cho niềm vui ơn cứu độ. Trong các bài đọc của tuần vừa qua, hình ảnh của Gioan tẩy giả đã được trình bày đậm nét. Ông là ngôn sứ đã rất vinh dự để trực tiếp giới thiệu Đức ki tô với dân chúng “đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng cứu độ trần gian”. Nhưng ông là một con người khiêm tốn, ông đã không lấn át vai trò của Đức Kitô dù người ta biết ông nhiều hơn. Nhưng Gioan đã nói rằng “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi” (Ga 3,30). Tôi cũng được mời gọi để giới thiệu Chúa cho người khác trong cuộc sống hằng ngày, và gần nhất là trong mùa giáng sinh năm nay. Tôi có đủ can đảm để sống chứng nhân cho Chúa? Tôi có ước ao để trở nên người giới thiệu Chúa cho người khác? Tất cả điều này đòi hỏi nơi tôi một sự quyết tâm và khiêm tốn.
Người ta sẽ ngợi ca Thiên Chúa khi thấy kỳ công Ngài thực hiện. Đó là ngày cứu độ, đó là ngày Thiên Chúa giải thoát con người khỏi sự kềm kẹp của tội lỗi và sự dữ. Tình thương yêu của Ngài trải rộng vô biên và ơn cứu độ sẽ ngập tràn địa cầu. Xin Chúa cho con biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để chờ Chúa đến.
Maranatha, Lạy Chúa xin hãy đến!
Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, C.M