Mô hình nhà tre – niềm hy vọng cho các gia đình nghèo

0
794

Trong tuần vừa qua tôi đã rất vinh dự để được gặp gỡ với cha Gerald T. Borja, CM giám đốc văn phòng Vincentian Foundation (VMSDFI) để tìm hiểu về Dự Án Nhà Tre (Bamboo Housing Project) mà tỉnh dòng Vinh Sơn đang thực hiện. Đây là mô hình trợ giúp về nhà ở cho người nghèo rất thiết thực và khả thi tại Phi Luật Tân. Hiện tại đã có các tổ chức khác cũng đang học hỏi mô hình này và phát triển trong việc phục vụ công bằng xã hội cho người nghèo tại đây.

Ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam, tre đã được coi như “cây gỗ” của người nghèo. Vì tre là một vật liệu sẵn có ở rất nhiều địa phương, đặc biệt là các quốc gia vùng nhiệt đới. Với đặc tính sinh trưởng nhanh, có loại tre đặc biệt tăng trưởng đến 90cm/ ngày, còn các loại khác trung bình khoảng 10 cm/ngày. Tre là vật liệu có cấu trúc dạng sợi, nhiều lớp đặc rỗng, có sức chịu lực tốt. Với tính chất nhỏ gọn, hình ống, vật liệu tre được sử dụng rất linh hoạt.

Ý tưởng về Mô Hình Nhà Tre cho người nghèo mà văn phòng Tổ Chức Vinh Sơn đang triển khai đến từ kỹ sư Luis Lopez, một kỹ sư người Colombia. Anh và các cộng sự đã bắt đầu triển khai mô hình này sau khi xảy ra trận động đất kinh hoàng tại Colombia năm 1990. Vì sau trận động đất, các công trình bê bông khác đã bị phá hủy toàn bộ nhưng những nếp nhà “bahareque” vẫn trụ vững. Nhà “bahareque” là một kiểu nhà truyền thống của vùng Châu Mỹ La tinh được làm bằng khung tre và các tường được trát bằng đất sét hay bùn. Như vậy kiểu nhà này rất giống với kiểu nhà truyền thống lâu năm của người việt “nhà tranh vách đất”trong văn hóa của chúng ta. Nhưng hiện nay có thể dùng các vật liệu thay thế khác cho việc sử dụng đất sét hay bùn bằng các vật liệu thiên nhiên hay nhân tạo khác thân thiện với môi trường.

Sau đó chính quyền tại đây đã phát triển mô hình này để khôi phục lại nhà cửa cho dân chúng và thấy rằng kiến trúc bằng tre dễ dàng tiến hành quá trình khôi phục nhà cửa sau động đất và thực sự cũng mang lại những ưu điểm về nhà ở cho dân nghèo. Dần dần mô hình đã được triển khai rộng rãi qua các quốc gia có các đặc điểm địa lý tương tự Colombia như Nhật bản, Philippines….về động đất, typhoon…

Năm 2013, kỹ sư Luis Lopez đã đưa mô hình này sang Philippines  và được yêu cầu để bắt đầu dự án này tại đây. Có hai yếu tố môi trường rất khắc nghiệt tại Philippines là động đất và typhoon (bão nhiệt đới ở tây Thái Bình Dương). Do đó, các nhà ở phải đảm bảo bền vững với những cấp độ phá hủy không quá lớn. Để có thể đưa vào thực tế, năm 2013 nhóm kỹ sữ này đã làm 3 mô hình nhà tre khác nhau và thử nghiệm trong môi trường thực tế: nhà thứ nhất với khung tre được gia cố thêm bằng thanh sắt, các chốt vít và được bảo vệ bằng các tấm xi măng. Nhà thứ hai thử nghiệm với các tấm kim loại để nối kết thay vì bê tông. Và nhà thứ ba được để tự do cho thiết kế của người dân địa phương nhưng đã được chỉ dẫn về đặc điểm kỹ thuật và dùng phương pháp truyền thống. Năm 2014, Typhoon Glenda xảy đến với mức gió 185kph. Mạnh nhất có lúc 220kph. Tuy nhiên, với sức gió như trên đủ để làm sập những kiến trúc bằng bê tông thế nhưng cả ba căn nhà thử nghiệm đều đứng vững và chỉ bị phá hủy nhẹ ở căn nhà thứ ba. Sau đó Typhoon Ruby cũng đã xảy ra cùng năm, nhưng cả ba căn nhà cũng vẫn trụ lại được sau cơn bão với sức gió 200 kph. Các nhà tre này có thể trụ vững với sức gió lên đến 250kph và nhiệt độ nắng mưa khác nhau.

Không có vật liệu nào dành riêng cho người nghèo hay người giàu. Vì thế mà tre là một nguyên vật liệu xanh thay thế đang được ứng dụng và khuyến khích sử dụng rộng rãi để hạn chế vấn đề nóng lên của khí hậu toàn cầu do hậu quả của hiệu ứng nhà kính (greenhouse effect) của các công trình xây dựng hiện đại. Cho nên dùng vật liệu tre sẽ góp phần bảo vệ môi trường như tinh thần Laudato Si của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và phù hợp với năng lực tài chính của các chương trình trợ giúp người nghèo của các tổ chức bác ái.

Riêng trong Gia Đình Vinh Sơn mô hình này có thể được khích lệ thực hiện ở cả các ngành: Tu Hội Truyền Giáo, Nữ Tử Bác Ái, Các Bà Bác Ái, Hiệp hội Bác Ái Oznam hay Hiệp hội Giới Trẻ Con Đức Mẹ. Hoặc cũng có thể triển khai mô hình cộng tác giữa các ngành với nhau và với các ân nhân giàu lòng bác ái để có thể làm gì đó hơn nữa cho người nghèo như thánh Vinh Sơn nói “người nghèo là chủ của chúng ta”. Việc đói nghèo không chỉ nằm ở vấn đề vật chất nhưng cũng nằm trong vấn đề thiếu tinh tế hay nhạy bén trong việc tận dụng những gì sẵn có để khắc phục tình trạng đói nghèo như thánh Vinh Sơn đã nói “tình yêu thì sáng tạo đến vô tận”. Mô hình này có thể mở rộng ra cho các tổ chức xã hội khác.

Việc ổn định lại cuộc sống những gia đình nghèo bằng mô hình nhà tre là có tiềm năng rất lớn ở Việt Nam vì đặc tính kỹ thuật chúng ta đã có, cũng như kinh nghiệm và nguồn nguyên liệu khá dồi dào, dễ kiếm ngay tại địa phương, đặc biệt là các các vùng quê. Chi phí cho một căn nhà với diện tích khoảng 46- 60m2 khoảng trên dưới 100 triệu. Văn phòng Vincentian Foundation (VMSDFI)  hiện tại đã xây dượng được 150 mô hình nhà tre và đã hình thành nên các ngôi làng, các cộng đồng mới trong xã hội. Đi cùng với các các ngôi nhà tre này thì đã hình thành nên các trường học, trạm y tế và thậm chí cả nhà nguyện cho tất cả cư dân ở đây. Điều này đã mang lại niềm vui và hạnh phúc cho các gia đình đặc biệt trẻ em và người già cả. Trong đợt Hội nghị các Giám Tỉnh Thế Giới tháng 7 vừa qua tại Manila, cha Tổng quyền và quý cha Giám tỉnh đã đến thăm Mô Hình Nhà Tre này trong tinh thần phấn khởi và khích lệ.

Vì thế, mô hình này được đề cập ở đây dưới khía cạnh linh đạo hơn là dưới khía cạnh kỹ thuật hay khoa học. Một nền linh đạo thực tiễn vì người nghèo theo đoàn sủng Vinh Sơn. Việc xây dựng hay làm nhà tre cho người nghèo không khó vì chỉ cần cung cấp nguyên liệu và kỹ thuật là có thể làm được trong vòng một vài tuần. Nhưng vấn đề sâu xa hơn của mô hình này là để xây dựng một cộng đoàn biết quan tâm đến các nhu cầu cơ bản của người nghèo và xây dựng một cộng đoàn của sự cộng tác (partnership) và liên đới (solidarity) giữa người giúp xây dựng căn nhà và người được thụ hưởng. Đây là bước quan trọng cần được hình thành trong tiến trình. Trong khi thăng tiến người nghèo về vật chất thì mô hình này cũng nhắm đến việc xây dựng một cộng đoàn thăng tiến về mặt tinh thần. Đây là yếu tố động lực cho dự án. Như thế, Mô Hình Nhà Tre và có thể những mô hình mới trong tương lai về giáo dục, việc làm…. có thể sẽ trở thành niềm hy vọng cho những gia đình nghèo và những hoàn cảnh neo đơn sẽ được thăng tiến về vật chất và tinh thần.

“Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại.” Mẹ Têrêsa Calcutta

(các số liệu và hình ảnh được cung cấp bởi cha Gerald T. Borja, CM giám đốc văn phòng Vincentian Foundation – VMSDFI)

Manila, October 21
Pt. Phạm Minh Triều, C.M