Mồng Ba Tết, thánh hoá công việc…

0
658

Cao Viết Tuấn, CM

Bạn bè vẫn thường nói mình được đi truyền giáo quả là hạnh phúc. Nhiều người mơ ước mà không có cơ hội ấy, nên thậm chí có người tự thú là cảm thấy ghen tị với mình. Mình rất hiểu tâm trạng đó, vì mình từng ghen tị khi thấy người khác đang truyền giáo ở những nơi xa xôi hẻo lánh như vậy. Chỉ mới gần 2 năm, một quãng thời gian quá ngắn để nói được điều gì, nhưng ít ra đến lúc này, mình cảm thấy rất hạnh phúc nơi miền truyền giáo.

Nhưng tự thân là một nhà truyền giáo vẫn chưa đủ để bảo đảm cho một hạnh phúc viên mãn thực sự. Hạnh phúc không hệ tại ở một điều mà con người có thể đạt tới một cách quá dễ dàng như vậy. Nếu thực sự linh mục tu sĩ, hay nhà truyền giáo, bảo đảm hạnh phúc 100%, thì ơn gọi linh mục tu sĩ không khan hiếm như lúc này.

Thật ra là một nhà truyền giáo nói riêng hay linh mục, tu sĩ nói chung cũng chỉ là một trong số những ước mơ, lý tưởng của con người cũng giống như ước mơ làm nhà giáo, bác sĩ, luật sư hay cảnh sát, bộ đội… Cho dù có chung một ước mơ, nhưng lý do, động lực của mỗi người khác nhau, hoặc cùng một người nhưng vào thời điểm khác nhau, động lực cũng đã khác. Ví dụ một em bé muốn làm công an để bắt cướp, bắt kẻ xấu, trong khi em khác muốn làm công an vì thấy bộ đồng phục đẹp. Nhưng cũng chính em ấy, khi đã là công an rồi, động lực theo đuổi nghề công an cũng có thể đã khác xưa. Rất có thể người ấy không còn thấy lý tưởng của mình đẹp như ngày xưa mơ ước, và do đó rất có thể thất vọng, chán chường.

Cho dù động lực là gì, đạt được ước mơ quả là một điều đáng mơ ước. Nhưng tự bản thân của giấc mơ ấy thôi chưa nói lên được gì. Không thể nói gì về một thầy giáo, bác sĩ, giáo sư, kiến trúc sư cách chung chung. Không ai dám quả quyết làm bác sĩ thì hạnh phúc hơn y tá. Rất nhiều người muốn làm bác sĩ, và khi đã là bác sĩ rồi, họ vẫn không hạnh phúc như họ mong muốn khi đối diện với những áp lực, khó khăn vượt quá sức họ.

Là nhà truyền giáo, hay linh mục, tu sĩ cũng vậy, hạnh phúc và ý nghĩa được giấu kín ở một chỗ khác, chứ không phải cái danh, cái phận. Ngay cả việc trở thành nhà truyền giáo cũng khác nhau về lý do và mục đích. Chính vì vậy, trên mảnh đất truyền giáo này, biết bao linh mục, tu sĩ đã chán chường bỏ cuộc, thậm chí hồi tục lập gia đình. Một số trường hợp gây tai tiếng, một số bị trục xuất. Đó là chưa kể không hiếm các vị đang lây lất chờ cho hết hợp đồng rồi về.

Ở một mức độ sâu xa tận cùng của nó, hạnh phúc phụ thuộc và gắn liền với ý nghĩa cuộc sống mà chúng ta theo đuổi. Ý nghĩa tối hậu ấy không ở địa vị xã hội, tài năng, hiệu năng, khả năng tài chánh, tình trạng sức khoẻ… Ý nghĩa tối hậu phải đủ khả năng làm cho con người hạnh phúc ngay cả khi người ấy chỉ là một con số không to tướng: không làm được gì, không đẹp, không giàu, không giỏi, không thành công, không được người khác tôn vinh hay khen ngợi.

Ý nghĩa ấy phải được thao thức tìm kiếm, như dụ ngôn về người thương gia đi tìm ngọc quý mà Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng. Khi tìm được, người ấy sẵn lòng bán hết gia tài sự nghiệp để mua lấy. Chắc chắn vị thương gia kia rất mãn nguyện, hạnh phúc với viên ngọc mà anh ta đã đánh đổi bằng toàn bộ sự nghiệp của mình.

Nếu chúng ta không nỗ lực tìm kiếm, chúng ta không bao giờ gặp. Nếu chúng ta không chấp nhận đánh đổi, chúng ta sẽ không bao giờ có được.

[envira-gallery id=”3045″]