Một cộng đoàn vì sứ vụ – Lời Chúa Chúa Nhật VI Phục Sinh

0
1497

(Bài Ðọc I: Cv 8,5-8.14-17; Bài Ðọc II: 1 Pr 3,15-18; Phúc âm: Ga 14,15-21)

Sách Công vụ Tông đồ mà chúng ta được nghe trong mùa Phục Sinh đã diễn tả lại sức sống của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cách năng động và liên đới. Các Tông đồ đã bạo dạn công khai rao giảng Tin Mừng sau khi được lãnh nhận Thánh Thần và nhiều điều lạ do quyền năng Chúa làm qua các ông tiếp tục diễn ra nơi dân chúng.

Để những ân sủng của Chúa tuôn chảy xuống dân chúng qua quyền năng mà Chúa Thánh Thần ban, thì điều này bắt nguồn từ sự hiệp nhất trong nhóm các môn đệ với nhau như trong bài đọc I đã mô tả.

Thêm vào đó, bài đọc Tin Mừng là những lời dạy dỗ dạt dào tình thương mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ của mình trước khi ra đi. Ngài nói cho họ về tình yêu thương giữa Ngài và Cha và nơi những ai yêu mến Thiên Chúa. Đó là một tình thương hiệp nhất.

Qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta có thể nhận ra những đặc tính của một tình yêu thương hiệp nhất nơi gia đình và nơi cộng đoàn của mình như thế nào.

Lời Chúa là trung tâm lời rao giảng của mỗi cộng đoàn, gia đình

Cả thành thuộc xứ Samaria hôm nay đã vui mừng phấn khởi vì họ đã chứng kiến bao nhiêu là chuyện lạ Chúa làm qua lời rao giảng của ông Philipphê. Lời Chúa mà ông Philipphê rao giảng đã chạm đến trái tim của họ, nên họ tin vào Thiên Chúa và qua đó, Chúa đã làm cho họ những điều kỳ diệu của sự chữa lành bệnh tật, người quỷ ám được giải thoát, v.v… Lời Chúa đã làm cho Giáo hội phát triển và cộng đoàn thăng tiến.

Vì thế, khi Lời Chúa trở nên trung tâm trong lời rao giảng của mỗi thành viên trong cộng đoàn, thì Chúa sẽ dùng đến điều ấy mà ban nhiều ơn lành cho dân Chúa qua sự tác động của Chúa Thánh Thần như gương mẫu của cộng đoàn ông Philipphê hôm nay “Ông Philipphê xuống một thành miền Samaria và rao giảng Đức Kitô cho dân cư ở đó. Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Philípphê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm” (Cv 8,5). Và khi nhận được Thánh Thần thì chính Thánh Thần sẽ tăng cường đức tin cho người lãnh nhận và qua đó làm cho cộng đoàn lớn mạnh hơn trong đức tin.

Niềm vui của dân chúng khi được nghe những lời Philipphê rao giảng như diễn tả một điều gì đó hạnh phúc, no thỏa trong chiều kích thiêng liêng nơi tâm hồn của họ, mà điều này, ngày nay, như được Đức giáo hoàng Phanxicô diễn tả trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng : “Vì vậy, rõ ràng là lời rao giảng ban đầu cũng làm phát sinh một tiến trình hình thành và trưởng thành. Truyền giáo cũng nhằm việc tăng trưởng, đòi hỏi phải rất coi trọng mọi người và kế họach mà Chúa đã dự định cho họ. Mỗi người đều cần phải lớn lên hơn trong Ðức Kitô, và việc loan báo Tin Mừng không được để cho một ai chỉ hài lòng với một chút, nhưng người ấy có thể nói là no đủ: ‘không còn là tôi sống, nhưng là Ðức Kitô sống trong tôi’ (Gl 2:20)” (Niềm vui Tin Mừng, số 160).

Trở nên một cộng đoàn, một gia đình hiệp nhất, cộng tác với nhau để thi hành sứ vụ, làm chứng cho tình thương của Chúa

Sau đó, niềm vui này còn lan đến tai của các Tông đồ khác tại Giêrusalem “khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ” (Cv 8,14).

Điều này cách đặc biệt có thể thấy nơi đời sống các cộng đoàn. Đó là sự hiệp nhất cùng thi hành sứ vụ. Việc gởi Phêrô và Gioan đến với Philipphê là một sự hỗ trợ của các Tông đồ với người anh em của mình. Họ muốn đến để cùng chia sẻ niềm vui và công việc với Philipphê. Và sự hiện diện của hai ông lại càng củng cố đời sống cộng đoàn cách mạnh mẽ hơn, khi hai ông đặt tay và ban Thánh Thần xuống trên mọi người ở đó.

Sự hiện diện của mỗi người anh em trong cộng đoàn là một ân ban để làm cho cộng đoàn trở nên năng động và phóng phú hơn. Điều này sẽ gia tăng sức mạnh và khả năng trong việc phục vụ dân Chúa. Đây cũng là một tặng ân của Chúa Thánh Linh cho mỗi cộng đoàn.

Sự thành công mục vụ của một cộng đoàn thường đến từ sự hiệp nhất. Một cộng đoàn sống trong tinh thần gắn bó hiệp nhất sẽ làm nên một sức mạnh tinh thần. Sự chia sẻ trách nhiệm mục vụ trong cộng đoàn là cách để làm cho ơn Chúa xuống mạnh mẽ hơn nữa trên mỗi cộng đoàn. Vì mỗi người Chúa ban một khả năng khác nhau, nên sự hiệp nhất sẽ làm cho mỗi khả năng đều cùng tỏ ra và như thế được lợi ích cho dân Chúa, vì họ được phục vụ bởi những khả năng khác nhau của các thành viên trong cộng đoàn đó.

Tuy nhiên, ở trong một cộng đoàn người ta dễ ghen tỵ với thành công của một người anh em nào đó và đôi lúc còn tìm cách để phá hoại công việc của anh em. Điều này hoàn toàn trái ngược với tinh thần hiệp nhất, hỗ trợ mà chúng ta đọc thấy nơi bài đọc sách Công vụ Tông đồ hôm nay.

Vậy đứng trước điều này chúng ta cần làm gì? Nơi bài đọc II thư thánh Phêrô chỉ cho một bí quyết để duy trì tinh thần hiệp nhất, đó là “hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (1 Pr 3,15-16). Đó là bí quyết để giữ sự hiệp nhất trong cộng đoàn và làm cho cộng đoàn thêm vững mạnh cùng nhau thi hành sứ vụ.

Tình yêu thương là chất gắn bó cho sự hiệp nhất của cộng đoàn, gia đình

Sự hiệp nhất đòi hỏi phải có tình thương yêu, như Chúa Giêsu đã dạy trong bài Tin Mừng. Tình yêu của Thiên Chúa sẽ hiệp nhất chúng ta trong một dây ràng buộc không thể phá vỡ trong sự trung thành, thân ái và tương giao cộng đoàn với nhau. Chúa Giêsu đã nói với tông đồ về tình yêu của Ngài với Chúa Cha và tình yêu của cả hai dành cho con người “ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em (Ga 14,20). Trong Chúa Giêsu chúng ta nhìn thấy một sự tràn đầy tình yêu Thiên Chúa và như thế nào tình yêu ấy cũng hướng đến chúng ta khi chúng ta chia sẻ tình yêu ấy với Chúa và với nhau “tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4, 9).

Vì thế, mỗi người được mời gọi để họa lại tình yêu ấy trong đời sống cộng đoàn, đời sống gia đình của mình. Đó là sự hiệp nhất và quà tặng mà Thánh Thần ban cho cộng đoàn, vì chính Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta con đường của sự thật, sự khôn ngoan và sự tốt lành. Chúng ta không thể ngừng học biết vì Thánh Thần sẽ dẫn dắt ngày càng đi sâu hơn vào tình yêu, sự thật và sự tốt lành của Thiên Chúa. Như hai Tông đồ đã đặt tay ban Thánh Thần để họ đón nhận và đi sâu hơn vào ơn sủng của Thiên Chúa ban cho dân của một thành miền Samaria mà chúng ta đọc thấy nơi bài đọc I.

Chúa Thánh Thần sẽ ở luôn mãi để dạy dỗ chúng ta như Ngài đã dạy dỗ các Tông đồ. Chúa Thánh Thần là quà tặng của bình an cho cộng đoàn, thì nó sẽ không còn đó kỵ, mâu thuẫn, thách đố trong đời sống cộng đoàn. Vì thế tin ở Lời Chúa, thực thi luật Chúa dạy là để sống trong tình yêu của Ngài và Chúa Thánh Thần sẽ làm cho cộng đoàn trở nên một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất trong sự hiện diện của Chúa.

Hy vọng rằng ánh sáng của Lời Chúa hôm nay sẽ giúp mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình ngày thêm kết hợp mật thiết hơn với Lời Chúa và đón nhận những quà tặng của Thánh Thần ban cho, hầu xây dựng cộng đoàn, gia đình mình thành một tập thể yêu thương, hiệp nhất cùng nhau thi hành sứ vụ.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM