Theo các trình thuật Kinh thánh, khung cảnh Giáng sinh luôn gắn liền với sự hẻo lánh, cô quạnh, nhưng rất thanh bình: Ngôi Hai ra đời giữa đồng vắng trong đêm tối mịt mùng, lạnh lẽo, không người thân thích. Tuy nhiên, không biết từ bao giờ, truyền thống Công Giáo khi tưởng niệm biến cố này lại luôn gắn với hoa đèn lộng lẫy, ánh sáng tưng bừng, âm thanh náo nhiệt. Những ai đi tham dự Lễ Đêm Noel hay chỉ đơn giản là “đi xem” Hang đá tại các giáo xứ thì đều có kinh nghiệm về điều này.
Và dường như đã trở thành “lẽ tự nhiên”: mùa Giáng sinh là mùa bận rộn nhất năm. Người ngoài thì lo mua sắm, trang trí; tu sĩ thì bận rộn với việc trang hoàng nhà cửa cũng như diễn tập các loại hoạt cảnh. Với các anh em tại học viện thì đây là thời gian phải làm nhiều sự: thi cuối kỳ, tham gia hoạt động mục vụ tại các giáo xứ, tổ chức Lễ Giáng sinh trong Học viện, dọn dẹp tâm hồn để đón Chúa Hài Đồng. Trong mọi công việc thì có lẽ công việc sau cùng này là khó khăn nhất bởi vì bầu khí ồn ào, náo nhiệt, bận rộn trong những ngày Noel đã khiến các thầy có cảm tưởng như “không còn là mình nữa.” Chính vì thế, vào chiều tối ngày 24, khi giờ khắc quan trọng nhất đang đến và mọi công việc đã đi đến chỗ hoàn tất, thì điều mong muốn nhất của mọi người là có được một không gian êm ả, thanh bình để chiêm ngắm Mầu nhiệm cao trọng – Thiên Chúa Làm Người.
Theo thói quen của Học viện, ngoài những anh em phải vướng bận tại các giáo xứ, các anh em còn lại được tự do chọn nơi mình muốn tham dự Diễn nguyện và Thánh lễ đêm. Vì thế, một vài anh em chúng tôi đã “âm thầm” rủ nhau năm nay sẽ chọn nhà thờ Cam Ly làm nơi Mừng Chúa Giáng Sinh. Không hẹn mà gặp, khi đến nơi, chúng tôi thấy rất nhiều anh em khác cũng đã đến. Xem ra khung cảnh vắng vẻ của nhà thờ này lại là điểm lý tưởng thu hút sự lựa chọn của các thầy.
[envira-gallery id=”2777″]
Nhà thờ Cam Ly còn được gọi là nhà thờ Sơn Cước, là một trong gần 100 công trình kiến trúc Công Giáo do người Pháp xây dựng ở Đà Lạt từ năm 1959-1967. Nhà thờ này được cha Boutary, người Pháp, đưa ra ý tưởng xây dựng dành riêng cho các anh em dân tộc thiểu số. Vì thế, nó mang sắc thái rất đặc biệt: kiến trúc cách điệu từ mái nhà rông truyền thống của người Tây Nguyên kết hợp hài hòa với kiến trúc miền Nam nước Pháp. Nhà thờ hình chữ nhật, mái cao hơn 17m, tường xây đá dày 40cm, cao 2m, bên trên để kính màu theo hình hoa văn dân tộc gồm các hình tam giác, hình vuông… khiến cho ánh sáng trong nhà thờ có vẻ huyền ảo.
Từ nhiều năm nay, nhà thờ Cam ly được Giáo phận trao cho các sơ Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm coi sóc. Bởi vì trước khi có nhà thờ, nơi đây đã là nơi cưu mang nhiều thế hệ trẻ em đồng bào dân tộc nghèo. Sau đó, nhà thờ trở thành nhà nguyện của dòng Mến thánh giá. Theo truyền thống, từ năm 1990 đến nay các sơ lại tiếp tục chăm sóc các trẻ em nghèo thuộc các dân tộc thiểu số vùng Lâm Đồng. Các em được nuôi dạy từ lớp 1 cho đến khi vào đại học.
Hoàn cảnh như thế đã khiến cho ngôi thánh đường chìm khuất trong rừng thông này trở nên yên tĩnh, vắng lặng khác hẳn với các ngôi nhà thờ khác trong dịp Noel về. Hơn nữa, chính sự hiện diện của các trẻ em dân tộc thiểu số đã làm chúng tôi cảm động – họ là những người mà Tu Hội Truyền Giáo mong muốn phục vụ. Tuy dự kiến là nhà thờ sẽ vắng, nhưng khi đến nơi, chúng tôi mới nhận ra không chỉ có quý cha, quý thầy, quý sơ và các em nội trú mà còn có khá đông anh chị em giáo dân xung quanh cũng đến tham dự. Thành ra Thánh lễ đêm nay được cử hành với đầy đủ mọi thành phần trong Hội Thánh. Sau thánh lễ, quý sơ tổ chức một bữa tiệc nhẹ để tất cả mọi người cùng Mừng lễ. Bầu không khí ấm cúng như một đại gia đình. Ánh sáng của ngày lễ và tiếng cười đùa, chúc tụng đã xua tan bóng đêm tĩnh mịch đang bao phủ ngôi giáo đường.
BTT