Năm năm đầu đời linh mục của thánh Vinh Sơn Phaolô và bài học kinh nghiệm

0
1239

Vào ngày 23 tháng 9 năm 1600, cha Vinh Sơn đã được nhận lãnh chức linh mục. Kể từ khi đó cho đến ngày 27 tháng 9 năm 1660, có thể suy ra là, cha đã là một linh mục của Giáo hội Chúa Giêsu Kitô trong 60 năm (Ngọc khánh). Chúa biết những thay đổi và cảm xúc của trái tim cha là gì, khi cha đã được nhận chức thánh. Nếu cây cối có thể được biết đến qua hoa quả của chúng và những tác động của chúng, thì khi một người nhìn thấy sự hoàn hảo và thánh thiện nơi mà vị linh mục xứng đáng nhất này, đã thi hành tác vụ linh mục của mình, thì người ta có thể tin tưởng hoàn toàn chắc chắn rằng, vào thời điểm mà cha đã được thánh hiến trong chức linh mục, thì Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, linh mục đời đời và hoàng tử của các linh mục, đã tuôn đổ dồi dào trên Vinh Sơn sự sung mãn của tinh thần linh mục, và tinh thần đó đã cho cha những suy nghĩ cao cả về chức thánh, mà cha luôn có thể nói về nó với sự ngạc nhiên, như một cái gì đó mà không bao giờ có thể được đánh giá đủ.[i]

Sử gia của Tu hội Abelly đã có những nhận xét như thế, về chức linh mục của cha Vinh Sơn trong một cuốn sách của ông viết về cuộc đời của cha Vinh Sơn. Chức linh mục mà Vinh Sơn theo đuổi vừa mang tính thế tục, như một cơ hội để thăng tiến bản thân trong Giáo hội và tìm kiếm bổng lộc trong 17 năm đầu đời linh mục, nhưng cũng là thiên chức mà sau này, chính cha Vinh Sơn đã cống hết mình trong 43 năm còn lại cho Thiên Chúa và cho tha nhân, đặc biệt là cho những ai nghèo khổ nhất.

Có lẽ, khi nói về cuộc đời của cha Vinh Sơn, người ta thường hay chia ra hai giai đoạn chính yếu. Giai đoạn thứ nhất là từ thời thơ ấu, cho đến khi chịu chức linh mục năm 1600 (19 năm của tuổi thanh niên sôi nổi), cho đến năm 1617, khi Vinh Sơn được hoán cải, để thay đổi cuộc đời mình dành cho người nghèo (17 năm đầu trong chức linh mục với nhiều biến cố). Và giai đoạn thứ hai, là từ năm 1617, cho đến khi ngài qua đời năm 1660, là một lịch sử “oai hùng” của một vị tông đồ bác ái và là vị tông đồ của việc canh tân hành giáo sĩ Pháp ở thế kỷ XVII.

Tuy nhiên, bài viết này xin chỉ được tìm hiểu về một giai đoạn rất ngắn trong cuộc đời vị thánh tổ phụ của chúng ta, là từ năm 1600 đến năm 1605. Hay nói cách rõ ràng là muốn đọc lại lịch sử năm năm đầu đời linh mục của cha Vinh Sơn đã diễn ra như thế nào? Ngài đã sống thiên chức linh mục đó như thế nào? Và những gì đã xảy đến với ngài và thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời của ngài như thế nào? Làm điều này để chỉ như một mong ước nhỏ, là để sống và noi gương cha thánh Vinh Sơn Phaolô, trong tư cách linh mục của Tu Hội Truyền Giáo và như một cơ hội để thường huấn chính mình trong cuộc đời linh mục: “công việc đào tạo linh mục, tự bản chất, cần phải được tiếp tục luôn, đặc biệt trong những năm đầu sau khi lãnh nhận thánh chức, và luôn luôn được hoàn thiện hơn.”[ii]

Năm năm đầu đời linh mục của thánh Vinh Sơn Phaolô và các biến cố

Theo lịch sử, chúng ta rất may mắn là biết rõ về những mốc thời gian cụ thể, khi cha Vinh Sơn lãnh nhận các chức thánh khác nhau. Vinh Sơn chịu chức phụ phó tế ngày 13 tháng 09 năm 1658 và chức phó tế ngày 19 tháng 12 cùng năm và bởi cùng tay Đức giám mục của Tarbes. Các chứng thư cho chức linh mục cùng được trao ngày 13 tháng 9 năm 1599, bởi vị Tổng đại diện của Giám mục Dax. Nhưng lần này, cha Vinh Sơn phải chờ đợi hơn một năm mới sử dụng chúng và ngài không cần khiếu nại đến giám mục kế cận của Tarbes.

Cha Vinh Sơn được thụ phong linh mục vào ngày 23 tháng 9 năm 1600. Buổi lễ diễn ra trong một địa phận khá xa Dax và Pouy (địa phận mẹ của cha Vinh Sơn) cũng như Toulouse, tức là tại Perigueux. Vị Giám mục cao niên của Perigueux, Đức Cha Francois de Bourdeille đã truyền chức linh mục cho ngài trong nhà nguyện riêng ở Tòa Giám mục Château-l’Evêque. Dù sao, cha Vinh Sơn cũng tận dụng thời gian nghỉ hè để được truyền chức thánh.[iii]

Thánh Lễ mở tay đã diễn ra trong một ngôi nhà nguyện nhỏ cung hiến cho Đức Trinh Nữ Maria, nằm giữa một cánh rừng trên đồi cao thuộc lãnh thổ Buzet-sur-Tarn, nơi nhà nội trú từng hoạt động. Ngài cử hành thánh lễ đầu đời linh mục mà không có sự hiện diện của nhân chứng nào khác, ngoài một chú giúp lễ và một linh mục đi kèm để giúp cha đọc các bản văn Latinh.[iv]

Lúc 20 tuổi, đối với thánh Vinh Sơn Phaolô, thiên chức linh mục không phải là một cuộc sống, nhưng là một phương tiện mưu sinh. Với việc lãnh nhận chức linh mục, thánh Vinh Sơn vĩnh biệt thời thơ ấu và thời niên thiếu. Ngài đang ở trên ngưỡng cửa của tuổi thành niên, tuổi nắm bắt thông tin, tuổi nghiên cứu, tuổi của những kế hoạch. Thánh Vinh Sơn bước vào bằng một bước quyết định. Ngài đã lựa chọn riêng cho mình. Ngài có những kế hoạch được soạn thảo theo cảm hứng riêng, nhưng không cần quan tâm chúng có tương hợp với những kế hoạch của Thiên Chúa hay không. Trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đời, ngài sẽ khăng khăng thực hiện chúng, dù cho có những thất bại liên tiếp. Dần dần nhưng rất chậm chạp, ngài sẽ khám phá ra một kế hoạch khác, một kế hoạch không phải của ngài, nhưng của Thiên Chúa. Một khi gặp gỡ Thiên Chúa, ngài cũng sẽ gặp được chính bản thân ngài. Nói cách khác, ngài sẽ khám phá ra ơn gọi của ngài.

Nhận giáo xứ Tilh

Một thời gian sau khi chịu chức linh mục, có lẽ ngay trong năm 1600, cha Tổng đại diện Dax bổ nhiệm cha Vinh Sơn làm cha sở Tilh, một giáo xứ quan trọng của địa phận. Điều lạ lùng là việc này lại là do cha Tổng đại diện, chứ không phải là do Đức giám mục. Một nghi ngờ được đặt ra. Có lẽ giáo phận đang trong giai đoạn trống tòa. Nhưng dù không biết lý nào, thì điều chắc chắn, đó là việc bổ nhiệm cha Vinh Sơn lần đầu tiên này, cũng sẽ là lần thất bại đầu tiên cho ngài. Cùng lúc đó, có cha cha Saint-Soubes cũng được tòa thánh bổ nhiệm đến giáo xứ này.[v] Như vậy, có sự tranh chấp ở đây. Nhưng theo các học giả viết sử đầu tiên, thì Vinh Sơn đã êm thấm rút lui vì để tránh kiện tụng rắc rối.

Chính kinh nghiệm đầu đời linh mục này mà sau này cha Vinh Sơn đã nghiệm ra rằng “…bởi vì có sự bất hạnh cho những ai dấn thân vào đó (trong thân thế linh mục) qua cửa sổ của sự lựa chọn riêng, chứ không phải qua cánh cửa của một ơn gọi chính đáng.”[vi]

Như vậy sau thất bại tại giáo xứ Tilh, cha Vinh Sơn đã làm gì kế tiếp?

Hành hương đến Roma

Có lẽ ngay sau khi thất bại ở Tilh, cha Vinh Sơn đã đi Rôma. Hầu như rất ít chi tiết nói về cuộc hành trình này của cha Vinh Sơn. Người ta chỉ biết rõ điều này qua một bức thư, mà sau này ngài gởi cho một cha trong Tu hội, khi cha này đến làm việc tại Roma. Đó lá thư cha viết cho cha Du Coudray năm 1631:“Vậy là cha đã đến La Mã, nơi vị lãnh đạo hữu hình của Giáo hội chiến đấu đang hiện diện, nơi hiện diện thân thể của thánh Phêrô và Phaolô và nhiều vị tử đạo và những nhân vật thánh thiện khác, những người xưa kia đã đổ máu và dành toàn bộ cuộc sống vì Chúa Giêsu Kitô. Cha ơi, cha hạnh phúc biết bao khi bước chân lên mảnh đất nơi biết bao nhân vật nổi tiếng và thánh thiện đã từng giẫm chân lên! Sự nhận xét này làm tôi cảm động đến mức khi tôi ở La Mã 30 năm trước đây, hình như tôi không để cho mình mềm lòng, thậm chí đến rơi lệ, mặc dù tôi mang đầy tội lỗi nặng nề.”[vii]

Như vậy, cha Vinh Sơn đã đặt chân đến kinh thành muôn thủa, có lẽ vào năm 1601 thì chắc chắn hơn. Ngược lại, giả thuyết cha Vinh Sơn ở La Mã để nhận ơn toàn xá năm 1600 hình như không có cơ sở. Điều chắc chắn là cuộc hành trình diễn ra trong năm 1601. Một kinh nghiệm của cha Vinh Sơn trong giai đoạn này, là được triều yết Đức Giáo hoàng Clément VIII, một vị Giáo hoàng được cha Vinh Sơn xem như một vị thánh sống.”[viii]

Có lẽ thời gian cha Vinh Sơn lưu lạc ở Roma bao lâu và đã làm những gì, thì rất mờ mịt. Người ta chỉ biết rằng ngài ở đó một quãng thời gian không lâu, sau đó ngài lại về Pháp, mà cụ thể là Toulouse.

Trở lại Toulouse và lấy bằng thần học

Trước khi chịu chức linh mục, cha Vinh Sơn đã từng làm gia sư cho các gia đình quý tộc ở đây và đã được biết đến rất nhiều. Sau khi từ Roma trở về Pháp, cha lại tiếp tục công việc gia sư của mình, cũng như nối lại việc học thần học đang học trước kia, tức là cha Vinh Sơn đã đến Toulouse để học từ năm 1597. Công việc này mang lại cho cha ba văn bằng chứng nhận: chứng chỉ xác nhận cha đã hoàn tất 7 năm học thần học, chứng chỉ tú tài thần học và chứng chỉ cho phép cha giải thích quyển hai về Sentences của Pierre Lombard. Cụ thể là cha đã nhận bằng cử nhân thần học tại đại học Toulouse ngày 12 tháng 10 năm 1604. [ix]

Như vậy, như nhiều tác giả nhận xét, việc học đối với cha Vinh Sơn không phải là mục đích, nhưng là một phương tiện. Cha có đủ ý chí để nối lại việc học của mình, dù nó gián đoạn cũng khá lâu, ít là ba năm.

Sau khi đã hoàn tất việc đạt các bằng cấp cơ bản, cha Vinh Sơn vẫn tiếp tục thi hành sứ vụ linh mục của mình trong sự sôi nổi và nhiệt thành tìm kiếm các bổng lộc. Điều này được chứng tỏ khi chúng ta thấy một sự kiện diễn ra trong năm 1605. Trong những tháng đầu tiên của năm 1605, những công việc của cha Vinh Sơn có vẻ tiến hành rất thuận lợi. Đó là thông tin đầu tiên mà lá thư đầu tiên được trao cho chúng ta. Ngài trở về từ một chuyến du hành ngắn ở Bordeaux, khi cha trở về Toulouse. Có một bà lão tốt bụng ở Castres đã để lại di chúc cho cha một số lượng đất đai và đồ gỗ trị giá tổng cộng 400 ecus. Cha Vinh Sơn liền thuê một con ngựa và đi Castres. Nhưng số tiền này đã bị đánh cắp và vì thế, cha Vinh Sơn đã quyết tâm đuổi theo tên bất lương ấy. Chỉ có một khó khăn là cha không có đủ tiền cho chuyến đi. Cha giải quyết vấn đề một cách mau lẹ: không cần nghĩ tới nghĩ lui, cha bán con ngựa thuê – cha sẽ thanh toán nó khi quay về – rồi cha tiếp tục cuộc hành trình. Cha đến Marseille và ra lệnh bắt giam tên đào tẩu và đi đến thỏa thuận với ấy. Tên bất lương trả cho cha đúng 300 écu tiền mặt. Cha Vinh Sơn cũng tỏ ra hài lòng. Thế là bắt đầu những bất hạnh.[x]

Bị bắt làm nô lệ

Theo lời khuyên của những người đi cùng, thì cha Vinh Sơn nên quay trở về bằng đường biển qua ngả Narbonne thì hay hơn. Tưởng chừng cha sẽ cập bến an toàn và hoan hỉ ở Marseille. Thế nhưng khi chỉ cách Marseille vài dặm, chiếc tàu của cha đã bị bọn hải tặc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và cha đã mất tất cả. Thậm chỉ chính cha cũng bị bắt làm nô lệ và cuối cùng đã bị bán đến Barbarie và Tunis, nơi có chợ buôn các nô lệ.

Coi như đến đây, chúng ta có thể kết thúc năm năm đầu đời linh mục của cha Vinh Sơn. Thực tế thì quãng thời gian này cũng đã chuyển qua một bước ngoặt mới trong cuộc đời của cha Vinh Sơn. Nhưng như thế thì xem ra câu chuyện kết thúc không hay. Cho nên, giai đoạn đầu đời linh mục của cha Vinh Sơn có thể được kéo dài thêm hai năm kế tiếp 1606 và 1607, là những năm cha Vinh Sơn bị bán đi làm nô lệ. Đây là những năm cha Vinh Sơn “bị mất tích”, mà như Luigi Mezzadri nhận xét “cha chắc chắn ở trong một giai đoạn ngoài lịch sử”.[xi] Quãng thời gian này xem ra “bị khuyết” trong cuộc đời cha Vinh Sơn. Vì người ta chẳng biết gì nhiều về hai năm này và nó như một “lỗ hổng” thời gian, trong tiểu sử cuộc đời của cha cho đến ngày 28 tháng 6 năm 1607, hai năm sau khi bị bắt, cha Vinh Sơn cập bến tại Aigues-Mortes. Từ đây, họ đi về hướng Avignon. Tại thành phố của Giáo hoàng, tình trạng hốt hoảng lo lắng của cha Vinh Sơn sẽ báo hiệu một hướng đi mới; đó sẽ là kế hoạch thứ ba của thời thanh niên và cũng là lần thất bại thứ ba.[xii]

Như thế, đến đây chúng ta nhận thấy, có 4 sự kiện đáng chú ý của cha Vinh Sơn trong giai đoạn năm năm đầu đời linh mục: nhận giáo xứ Tilh; hành hương Roma; nối lại việc học và nhận bằng cấp ở Toulouse; và cuối cùng là bị bắt làm nô lệ.

Xem ra chẳng có sự kiện nào đề cập đến việc cha Vinh Sơn thi hành chức vụ linh mục của mình. Chẳng thấy đề cập đến việc cử hành thánh lễ và các bí tích, chẳng thấy tường thuật các cuộc thăm viếng mang tính mục vụ hay truyền giáo… mà hoàn toàn là những câu chuyện rong ruổi trên con đường tìm kiếm danh vọng và bổng lộc, cũng như những thất bại ê chề. Dường như chức linh mục cho đến thời điểm này nơi cha Vinh Sơn vẫn chỉ mang tính danh dự, chứ chưa phải là một sứ vụ. Còn mục tiêu mà cha muốn đạt đến là những giá trị vật chất và những tham vọng viển vông. Nhưng cũng trong giai đoạn này, chúng ta cũng thấy rõ khí chất của cha Vinh Sơn, một con người nhiệt thành sôi nổi trong công việc và trong những kế hoạch cá nhân. Phải chăng nhờ điều này mà sau khi đã được hoán cải, sự nhiệt thành này lại trở nên một nhân đức điển hình của cha Vinh Sơn, khi cha hết lòng làm việc cho phần rỗi của các linh hồn, đặc biệt là các linh hồn ở miền quê.

Vinh Sơn không phải là một vị thánh như khoa hạnh các thánh mô tả, với những lời lẽ hoa mỹ và ca tụng. Nhưng cha Vinh Sơn là một người “rất người”, mà sau này chính cha đã thổ lộ: “Phần tôi, nếu tôi đã biết trước là thế nào, khi tôi đã táo bạo bước vào, như tôi đã biết từ khi đó, thì tôi thà đi cày ruộng hơn là dấn thân vào một bậc sống đáng sợ dường ấy.”[xiii] Hay trong một dịp khác, cha đã nói với một người, mà dường như thầy này muốn chịu chức linh mục trước tuổi: “Tôi cảm nhận về điều này rất nhiều, nếu tôi đã không phải là một linh mục, tôi sẽ không bao giờ dấn thân vào. Đây là điều tôi thường xuyên nói với những ai khao khát lãnh chức linh mục.”[xiv]

Những kinh nghiệm

Thật khó để mà đánh giá hết những gì mà cha Vinh Sơn đã trải qua trong năm năm đầu đời linh mục, nếu không nhìn quãng thời gian này trong cuộc đời của một vị thánh. Cho nên, giai đoạn này đã được “rửa tội”, để có thể được coi như một chặng đường khá đặc biệt trong cuộc đời của cha Vinh Sơn. Có lẽ ngày nay, nếu một tân linh mục nào đã trải qua những thất bại và những biến cố như thế, thì chắc khó để cho Đức giám mục và giáo dân của ngài tin rằng “ngài sẽ là một vị linh mục tốt lành và sẽ là một vị thánh.”

Từ những biến cố đó có thể gợi lên cho các linh mục trẻ của Tu Hội Truyền Giáo một vài suy nghĩ:

Cẩn thận trong các mối quan hệ

Cha Vinh Sơn đã có những mối quan hệ và nó kéo cha mải mê trên con đường tìm kiếm danh vọng và bổng lộc. Không phải mối quan hệ nào cũng xấu, nhưng luôn cần phải cẩn trọng để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và thánh thiện theo thiên chức linh mục. Đức Giáo hoàng Phanxicô trong dịp phong chức linh mục cho 9 phó tế tại Roma ngày 25/4/2021, đã nhắc nhở các tân chức một điều thực tế trong cuộc sống: “Hãy tránh xa sự phù vân hư ảo, niềm kiêu hãnh của tiền bạc. Đừng để ma quỷ bước vào túi của các con. Các con hãy sống nghèo, như dân thánh của Chúa. Đừng bao giờ trở thành những viên chức trong Giáo hội.”[xv]

Đọc các dấu chỉ thời đại, hay đọc các biến cố

Thánh Vinh Sơn đã đọc được các dấu chỉ thời đại, mà nói theo ngôn ngữ Vinh Sơn là đọc được dấu chỉ của các “biến cố”. Các biến cố trong giai đoạn năm năm đầu đời linh mục chưa làm cho ngài hoán cải sứ vụ dành cho người nghèo, nhưng chắc chắn Chúa đã dùng các biến cố ấy như những viên gạch lót đường, để dẫn Vinh Sơn đến biến cố năm 1617 tại Folleville và Châtillon-les-Dombes. Đó chính là điểm mấu chốt về mục vụ mà công đồng Vaticano đã từng nói đến: “ân sủng và thực tại.” Thực tại là các biến cố, sự kiện và qua đó, chúng ta nhận ra ân sủng của Chúa trong các biến cố ấy.

Duy trì lòng nhiệt thành

Sự hăng say nhiệt thành của cha Vinh Sơn trong những năm đầu đời này về vật chất, bổng lộc và danh vọng đã được hoán đổi thành nhân đức nhiệt thành cho phần rỗi các linh hồn. Cha Vinh Sơn đã sống điều ấy cho phần đời còn lại của mình và trở thành một vị tông đồ bác ái của tất cả những ai nghèo khổ. Đến nỗi lòng nhiệt thành của ngài đã trở nên một vũ khí hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo: “Lòng nhiệt thành là sức mạnh của nhà truyền giáo, nó nhằm mục đích mở mang Nước Chúa” (SV. XII, 307). Cha Vinh Sơn đã trải qua nỗi cay đắng thất bại khi nhận “bài sai” đầu tiên đến xứ Tilh. Có thể sẽ có những thất bại và đổ vỡ trong mục vụ, nhưng các linh mục trẻ cần phải học hỏi qua những kinh nghiệm ấy. Coi chúng như cơ hội để trưởng thành hơn trong mục vụ và cần khiếm tốn lắng nghe học hỏi từ kinh nghiệm của những gương mục tử mẫu mực và thành công trong mục vụ, cũng như qua các anh em linh mục khác.

Không ngừng học hỏi

Cha Vinh Sơn Phaolô đã tiếp tục việc học thần học sau khi chịu chức linh mục và đạt được các bằng cấp cần thiết. Điều này là một thực tế rất hay gặp phải nơi đời sống các linh mục, đó là sự lơ là trong việc đọc sách và học hỏi thêm về thần học, mục vụ và các thánh khoa khác. Có lẽ không gì rõ hơn như trong Giáo luật điều 279 đã khuyên các linh mục:

 #1. Ngay cả sau khi đã chịu chức tư tế, các giáo sĩ phải tiếp tục học các môn thánh khoa; phải theo sát học thuyết vững chắc dựa trên  Thánh Kinh, được tiền nhân truyền lại và đã được tiếp nhận chung trong Giáo Hội, như đã được xác định, nhất là trong những văn kiện của các Công Đồng và của các Đức Giáo Hoàng; họ nên tránh những trào lưu thế tục mới lạ và những khoa học giả hiệu.

#2. Dựa theo quy định của luật địa phương, các tư tế phải tham dự những mục vụ được tổ chức sau khi đã chịu chức tư tế, và vào những thời kỳ do luật ấy ấn định, họ cũng phải tham dự những lớp học khác, những buổi hội thảo về thần học hoặc những buổi thuyết trình, nhờ đó ,họ có cơ hội thu nhập kiến thức sâu rộng hơn về các thánh khoa và về phương pháp mục vụ.

#3. Các linh mục cũng phải tiếp tục thu nhập kiến thức về những khoa học khác, nhất là những khoa học có liên hệ với những thánh khoa, đặc biệt những kiến thức ấy giúp ích cho việc thi hành thừa tác mục vụ. Theo đuổi các mục tiêu mục vụ.

Nhân tiện cũng nên thấy được những gì mà Ratio[xvi] đào tạo các linh mục đã nói đến các nguy cơ và thách đố cho đời linh mục. Như trong Ratio số 84 đề cập đến những cám dỗ đặc thù sau khi làm linh mục một thời gian, nhưng thiết tưởng đây cũng là những cám dỗ xuất hiện trong mọi giai đoạn:[xvii]

Kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân: nhận biết mình yếu đuối nên cần khiêm tốn và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa hơn, đồng thời cũng biết cảm thông với người khác hơn. Linh mục không được tự cô lập, trái lại, cần sự trợ giúp và đồng hành về phương diện thiêng liêng cũng như tâm lý.

Nguy cơ coi mình như một công chức của Hội Thánh hoặc của sự linh thánh, không có trái tim của mục tử. Linh mục cần gần gũi anh em linh mục, tìm sự an ủi nơi Chúa, tập trung vào điều chính yếu để tiếp tục tận hiến đời mình cho Chúa và tha nhân.

Sự quyến rũ của quyền lực và tiền bạc: lòng ham muốn địa vị, uy quyền, tiền bạc của cải, đưa tới chỗ không còn sẵn sàng làm theo ý Chúa và đáp ứng nhu cầu của dân Chúa. Khi đó, cần có sự nhắc nhở của anh em linh mục, hoặc một phương thế nào khác phát xuất từ sự chăm sóc mục vụ của Giám mục. Đôi khi có những hành vi tạo nên một tội phạm cần áp dụng một hình phạt.

Thử thách trong cam kết độc thân vì Nước Trời, nhất là trong bối cảnh xuất hiện những cám dỗ khơi gợi mới hoặc do những căng thẳng trong đời mục vụ. Tình trạng trên có thể tạo nên sự dồn nén tình cảm và thúc đẩy người ta đi tìm bù trừ. Tuy nhiên từ những cám dỗ và căng thẳng đó, linh mục có thể lớn lên và trưởng thành hơn trong tình cảm, phát huy tình phụ tử linh mục và đức ái mục tử.

Giảm sút lòng nhiệt thành tông đồ và dấn thân trong mục vụ: sau một thời gian hoạt động, bắt đầu xuất hiện sự mệt mỏi, sức khỏe sa sút, mất hứng thú, những va chạm, thất vọng hay vỡ mộng, vì nhàm chán hoặc vì thay đổi các điều kiện văn hóa xã hội.

Kết

Cha Vinh Sơn đã sống đời linh mục thật hạnh phúc sau khi ngài đã được hoán cải, để sống theo những gì Chúa muốn ngài sống, là hiến thân hoàn toàn cho người nghèo khổ. Nhưng có lẽ cha cũng đã hối hận về những năm đầu đời linh mục của mình, vì đã không sống sứ vụ đó cách ý thức và trách nhiệm. Nhất là chính ngài đã thấy và đã cảm nghiệm về chính các linh mục cùng thời của ngài đã sống đời sống bỏ bê các linh hồn, nhất là ở vùng thôn quê nghèo nước Pháp. Đến nỗi Bourdoise, một người bạn của cha Vinh Sơn, đã từng nhận xét về hàng giáo sĩ của Pháp thời thánh Vinh Sơn rằng: “Nếu những người thợ may và thợ đóng giày không làm tốt công việc của họ hơn phần lớn các giáo sĩ trong công việc của họ thì chúng ta sẽ phải mặc những bộ đồ cực kỳ tệ hại”. Không có gì ngạc nhiên khi chính thánh Vinh Sơn, sau này cha đã không ngần ngại mà thốt lên rằng “Những linh mục sống như đại đa số ngày nay là kẻ thù lớn nhất với Giáo hội của Chúa.”[xviii] Ở đây, cha muốn nói về tình trạng lối sống vô nghĩa của các linh mục tại Paris lúc bấy giờ. Vì thế, cha Vinh Sơn đã nhấn mạnh rằng: “Các linh mục không thể thay thế được vai trò của họ đối với những linh hồn mà Chúa đã ban cho họ.” [xix]

Nhìn về quá khứ để hướng đến tương lai. Đời sống linh mục của thánh Vinh Sơn Phaolô sẽ mãi luôn là một đời sống mang tính cách thiêng liêng lạ lùng, khó mà giải thích cho thấu đáo. Chỉ biết rằng, đó là cách mà Chúa đã dùng để làm cho Vinh Sơn trở nên một người như Chúa muốn và để cứu rỗi các linh hồn và canh tân hàng giáo sĩ.

Ước gì các linh mục trẻ Vinh Sơn sẽ sống trung thành và hạnh phúc với thiên chức của mình trong Tu Hội Truyền Giáo, để theo gương thánh Tổ phụ Vinh Sơn, bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo và bằng cách như thánh Phaolô đã khuyên người con thiêng liêng của ngài là Timôthê: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2 Tm 1,6), mỗi ngày trong suốt cuộc đời.

Mừng lễ thánh Vinh Sơn Phaolô 2021

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM


[i]  L. Abelly, La Vie du venerable serviteur de Dieu Vincent de Paul, Instituteur et premier Supérieur Général de la Congrégation de la Mission, 3 books, Paris, 1664. L. 1, c. 3, p. 25.

[ii] Bộ giáo sĩ. Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (“Quy Chế Nền Tảng Về Đào Tạo Linh Mục), số 100.

[iii] Poole, Stafford C.M. (1992) “The Formative Years of a Saint: Vincent de Paul: 1595–1617,” Vincentian Heritage Journal: Vol. 13 : Iss. 2 , Article 1.

[iv] Román, José María C.M. (2000) “The Priestly Journey of St. Vincent de Paul The Beginnings: 1600-1612,” Vincentiana: Vol. 44 : No. 3 , Article 3.

[v] Román, José María C.M. (2000) “The Priestly Journey of St. Vincent de Paul The Beginnings: 1600-1612,” Vincentiana: Vol. 44 : No. 3 , Article 3.

[vi] José-Maria Roman, Tiểu Sử Thánh Vinh Sơn, tập I, Lưu hành nội bộ, tr57

[vii] Román, José María C.M. (2000) “The Priestly Journey of St. Vincent de Paul The Beginnings: 1600-1612,” Vincentiana: Vol. 44 : No. 3 , Article 3. Thư gởi cha Du Coudray ngày 20/07 năm 1631.

[viii] Đàm luận với các Nữ Tử Bác Ái ngày 30 thăng 5 năm 1647, CED 9, 316-317.

[ix] Abelly, sách đã dẫn, l,1. c. 3, tr.12; Collet t.1, tr.11 và Poole, Stafford C.M. (1992) “The Formative Years of a Saint: Vincent de Paul: 1595–1617,” Vincentian Heritage Journal: Vol. 13 : Iss. 2 , Article 1, tr 82. Román, José María C.M. (2000) “The Priestly Journey of St. Vincent de Paul The Beginnings: 1600-1612,” Vincentiana: Vol. 44 : No. 3 , Article 3.

[x] José-Maria Roman, Tiểu Sử Thánh Vinh Sơn, tập I, Lưu hành nội bộ, tr 69.

[xi] Luigi Mezzadria Cm, Vincent de Paul (1581-1660), (Paris 1985), tr 19.

[xii] Giai đoạn hai năm bị bắt đi làm nô lệ được biết qua hai lá thư mà cha Vinh Sơn gởi cho ông Commet là người đã bảo trợ việc học cho Vinh Sơn trong nhiều năm. Từ những tài liệu lưu trữ của ông de Comet, chúng được chuyển giao cho người con rể là Louis de Saint-Martin, lãnh chúa Agès đồng thời là luật sư của tòa án chung thẩm của địa phận Dax. Ông thành hôn với Catherine de Comet, đồng thời cũng là em của kinh sĩ Jean de Saint-Martin, người mà chúng ta đã nhắc đến. Tiếp theo sau, con trai của Louis và Catherine là Cesar de Saint-Martin d’Ages thừa kế những lá thư đó (Câu chuyện về những lá thư liên quan đến thời kỳ giam cầm được thuật lại nhiều lần, đặc biệt chúng ta có thể xem chuyện kể của cha Abelly (sách đã dẫn, l,1, c.4, tr. 17-18) và Collet (sách đã dẫn, t.1, tr. 22-23). Tài liệu cơ bản có trong l, 1-2; VIII, 271, 513-515.)

[xiii] Abelly, sách đã dẫn l.1, c.3, tr. 11; Collet, sách đã dẫn, t.1, tr. 14. Thư gởi cho the Canon of Saint-Martin, March 1656.

[xiv] SVP, VII, 463. To the lawyer Dupont-Fournier, father of P. Fournier, C.M., người đã muốn chịu chức trước tuổi,  1659.

[xv] Đức Thánh Cha truyền chức 9 tân linh mục,  tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-04/dtc-truyen-chuc-9-tan-linh-muc.html

[xvi] Bộ giáo sĩ. Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (“Quy Chế Nền Tảng Về Đào Tạo Linh Mục).

[xvii] Đgm Nguyễn Năng, Đào Tạo Linh Mục Theo Ratio 2016. Tại http://giaophanthanhhoa.net/linh-muc-va-tu-si/dao-tao-linh-muc-theo–ratio-2016-14601.html

[xviii] Jerome Twomey, St Vincent De Paul — A Guide for Priests Today, Journal of the Irish province of the Congregation of the Mission, no. 9.

[xix] SV XI, 134 (Bộ sách của Cha Pierre Coste, C.M gồm 14 tập, bản tiếng Pháp: Correspondance, Entretiens, Documents; (SV XI, 134: chữ SV chỉ sách, tiếp đến chỉ số tập, và cuối cùng là số trang).