Ngân quỹ cho việc truyền giáo hay các cuộc đại phúc

0
1106

Phạm Minh Triều, CM

Người Việt Nam có câu thành ngữ “có thực mới vực được đạo” để nói về sự cần thiết của vật chất trong khi duy trì các hoạt động tinh thần. Tuy biết rằng các yếu tố vật chất không phải là điều quan trọng và quyết định nhất đến các hoạt động tâm linh.

Trong Gia đình Vinh Sơn nói chung hay trong Tu Hội Truyền Giáo cách riêng, khi nói về vấn đề truyền giáo thì thường dễ đề cập nhiều đến các yếu tố về linh đạo, tinh thần; phương pháp truyền giáo; nhân đức, tố chất của các nhà truyền giáo; vấn đề hội nhập văn hóa hay thần học bối cảnh trong truyền giáo hơn là đề cập đến vấn đề ngân quỹ hay chi phí chăm lo cho các công cuộc truyền giáo hay đại phúc.

Vì thế trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét vấn đề ngân quỹ cho việc truyền giáo hay công cuộc đại phúc dưới chiều kích lịch sử và thực tế hiện tại mang tính dự phóng đồng thời với việc thành lập các nhóm giảng đại phúc hay truyền giáo lưu động, tùy theo năng lực của mỗi tỉnh dòng.

Sở dĩ vấn đề này được đề cập, vì nó sẽ giúp các tỉnh dòng hay các nhà địa phương có thể có một dự phóng dài hạn và duy trì bền vững và để có được tính chủ động hơn trong các công cuộc truyền giáo này. Vì mức độ tế nhị và tính thực tiễn, bài viết này sẽ không đi vào quá chi tiết về việc thiết lập và điều hành ngân quỹ, nhưng chỉ mang tính định hướng cách tổng quát dựa trên những yếu tố khách quan và kinh nghiệm từ các tỉnh dòng khác.

Nếu đọc lại lịch sử truyền giáo trong Giáo Hội, chúng ta dễ dàng nhận ra được rằng, việc mở rộng truyền giáo trong Giáo Hội đã đòi hỏi nhiều nỗ lực về nhân lực và vật lực. Về vật lực, trong quá khứ các công cuộc truyền giáo thường được chăm lo trực tiếp bởi Tòa thánh hay do Bộ Truyền bá Đức tin từ năm 1622; hoặc bởi sự bảo trợ của các ông hoàng của các nước Công giáo lâu đời như Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, Ý, Pháp…; hoặc các nhà truyền giáo sẽ theo các tàu buôn và theo hải trình của họ cho đến khi cập bến, rồi sau đó lên bờ thực hiện việc truyền giáo như trong trường hợp các nhà truyền giáo phương Tây đến Việt Nam chúng ta. Và trong cuộc hải trình này các nhà truyền giáo vừa làm mục vụ cho những người trên tàu, vừa nhờ đó mà có thể đi đến các nước khác để truyền giáo. Như vậy, cách gián tiếp hay trực tiếp, các nhà truyền giáo cũng đã nhận sự bảo trợ từ các tàu thuyền buôn này trong hành trình truyền giáo đến các vùng đất xa xôi trên thế giới.

Đó là sơ lược một vài chi tiết trong công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, vậy trong Tu Hội Truyền Giáo thì như thế nào? Cùng với sự thành lập, phát triển và mở rộng, Tu Hội Truyền Giáo có lẽ cũng đã có cả một lịch sử dài dòng về vấn đề này. Bài viết này trình bày bao quát về vấn đề điều hành ngân quỹ cho việc truyền giáo trong Tu Hội và đề xuất việc gây quỹ truyền giáo trên bình diện tỉnh dòng trong thời điểm hiện tại, để hỗ trợ các công cuộc truyền giáo lưu động hay giảng đại phúc.

1. Nhìn lại lịch sử

Trước hết, như chúng ta biết, thánh Vinh Sơn đã nói trong Luật Chung rằng “công việc của chúng ta trong sứ mạng truyền giáo rất khó lòng cho phép chúng ta sống đức nghèo khó một cách triệt để, bởi vì các sứ mạng của chúng ta được thực hiện mà không có tiền thù lao. Tuy nhiên, chúng ta hãy cố gắng giữ đức khó nghèo như là một lý tưởng, cũng như tuân giữ thực sự trong khả năng tối đa có thể cho phép, đặc biệt là đối với những điều được trình bày dưới đây.” (LC III, 2)

Sau đó, ngài đã chỉ ra một số quy tắc trong đời sống cộng đoàn liên quan đến việc giữ đức khó nghèo. Từ điều này cho thấy, tất cả những sứ vụ mà chúng ta, các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo thi hành là hoàn toàn miễn phí, vô vị lợi. Thế nhưng, rõ ràng là như chúng ta thấy, công việc đó không hề bị đình trệ và gián đoạn, nhưng liên tục phát triển. Một trong những lý do đó là thánh Vinh Sơn hoàn toàn tín thác cho Chúa Quan Phòng tất cả các sứ vụ của ngài và của anh em mình: “Hãy để mọi sự cho Chúa; Người biết làm cách nào để những điều ấy đem lại vinh quang cho Người và Người sẽ làm cho chúng ta thành công bởi vì Người yêu thương chúng ta hơn bất cứ người cha nào yêu thương con cái mình” (CCD X, 403-404).

Tuy nhiên vấn đề tài chánh luôn là mối quan tâm của cha Vinh Sơn, điều này có thể thấy được ngay trong lá thư cuối cùng của cha trước khi qua đời khoảng hơn 20 ngày. Đó là lá thư mà cha đã gởi cho cha Guillaume Desdames, Bề trên nhà ở Warsaw (Ba Lan) để cho phép cha này bán một khu vườn và ăn nhà cũ để lấy số tiền đó (khoảng 5,500 livres) làm ngân quỹ dùng vào việc hữu ích hay xây dựng một nhà khác thuận lợi hơn. Sau đó thánh Vinh Sơn còn khuyên cha này hãy cẩn thận để khỏi gặp bất kỳ rắc rối nào với những người hàng xóm.[1]

Chúng ta hãy lược lại cuộc đời của thánh Vinh Sơn liên quan đến vấn đề tài chính cho công cuộc truyền giáo và xem ngài đã xử lý nó như thế nào.

Tuổi trẻ của Vinh Sơn đã trưởng thành qua sự giúp đỡ của nhiều người đồng hành với ngài ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Trong số ấy đáng lưu ý có ông de Comet; Hồng y Pierre de Berulle; ông bà Philip Emmanuel de Gondi; thánh Phanxicô de Sales và thánh Louise de Marillac. Những người này đã tác động ít nhiều với thánh Vinh Sơn và đã giúp cha khám phá, hiểu biết và hoàn thành sứ vụ của mình.

Tuổi thơ của Vinh Sơn đã gắn liền với mảnh đất vùng Gascony, miền nam nước Pháp. Kinh nghiệm về một thế giới nhà quê, nông thôn điền dã dường như đã thiết đặt một bối cảnh mục vụ ảnh hưởng đến thái độ, cảm xúc và giá trị, điều mà đã tính cách hóa vị tông đồ của người nghèo. Vì kinh nghiệm từ nhỏ với công việc đồng áng, nên thánh Vinh Sơn đã hiểu được giá trị của “sức mạnh của đôi tay và mồ hôi trán”!

Trong các công việc khơi dựng công trình bác ái, đôi khi cha đi từ nhà này sang nhà khác và trở về nhà với những túi nặng những đồ thu gom được. Tuy nhiên, cha cũng không thiếu những lần phải chạm chán với sự thất vọng, chẳng hạn trong một trường hợp cha kể lại rằng: “Hôm nay sau khi tôi đã giảng một bài “hoành tráng” cho một mệnh phụ phu nhân, tôi đã nghĩ thế nào bà ta cũng cũng biếu tôi cái gì đó kha khá – anh em có biết tôi nhận được gì không? Bốn vòng hoa trắng – cái đó thì để làm gì?”[2]

Thánh Vinh Sơn thường sử dụng các công cụ đơn sơ để chu cấp cho người nghèo. Cha thường đặt các thùng công đức trong các nhà thờ cũng như trong các quán rượu và quán trọ. Hoặc đôi khi ngài có được các nông sản như cừu, chiên, dê, rồi lấy len, lấy sữa mà ngày nay chúng ta coi như của dâng cúng.[3]

Thánh Vinh Sơn vừa là người thụ hưởng vừa là ân nhân

Chúng ta có thể điểm qua một vài địa danh đã gắn liền với cuộc đời của cha và những nơi này cũng đã liên quan một phần đến các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính.

Tại Pouy: một vùng đất mà Vinh Sơn đã sinh ra và lớn lên với nghề chăn súc vật. Gia đình Vinh Sơn là một gia đình điền chủ có công cụ và nông trại gia súc, mà gia đình có thể sống nhờ vào đấy. Thói quen với việc chăm sóc gia súc đã thúc đẩy ngài, trong những năm sau, cộng tác một lần nữa với một nông dân địa phương để gây quỹ cho một Hội Bác Ái. Hội Bác Ái này đã mua một số chiên cừu và đánh dấu chúng bằng dấu đặc biệt. Các thành viên của hội đã phân chia bầy súc vật với nhau và chăn thả những con mới chung với những con khác. Mỗi năm việc bán lông đã thêm vào lợi tức cho quỹ của hội.[4]

Tại Dax: một thị trấn kỳ lạ được bao quanh bởi các bức tường La Mã cổ, nơi mà Vinh Sơn đã rất đỗi quen thuộc trên con đường đến trường với các trò chơi tuổi thơ.

Nơi đây, Vinh Sơn đã chịu ơn với ông Comet, một luật sư và thẩm phán của vùng, trong việc chăm lo giáo dục cho Vinh Sơn. Ông Comet đã là một vị đại ân nhân của Vinh Sơn. Tác giả Pierre Coste ghi nhận rằng, ông này đã trợ cấp cho Vinh Sơn qua công tác làm gia sư cho các đứa con của ông. Chính trong giai đoạn này, Vinh Sơn đã bắt đầu chú ý đến ơn gọi làm linh mục để theo đuổi các bổng lộc.[5] Trong một trường hợp, cha đã theo đuổi một di sản gần Toulouse và đã thuê một con ngựa, mà sau nay ngài đã bán nó.

Tại Châtillon: tại Folleville, Vinh Sơn đã hiểu nhu cầu về việc rao giảng Tin Mừng và trợ giúp các nhu cầu thiêng liêng của người dân miền quê.[6] Tại Châtillon les Dombes, Vinh Sơn đã nhận ra sứ vụ của việc rao giảng Tin Mừng sẽ không thể hoàn thiện mà không có việc bác ái.[7]

Nhận thức này là nguyên nhân để ngài thành lập các Hiệp Hội Bác Ái. Và câu chuyện về một gia đình nghèo đã đánh động ngài thực hiện bài giảng đại phúc đầu tiên 1617. Sự kiện này đã dạy cho Vinh Sơn biết phải tổ chức các việc bác ái để có hiệu quả thiết thực hơn cho người nghèo. Tại Châtillon, cha đã nhận ra nhu cầu vật chất và tinh thần trong sứ vụ của mình. Nhãn quan này đã khởi đầu một chuỗi năng động của sự cộng tác, đại diện, theo đuổi, mở rộng, đổi mới và tái tạo các công việc bác ái và truyền giáo cho đến ngày nay.

Tại Paris: tại đây, với kinh nghiệm của mình, Vinh Sơn đã nhận ra và nghe tiếng Chúa trong và qua sự cộng tác với gia đình Gondi. Folleville và Châtillon đã gợi hứng Vinh Sơn khám phá chiều kích song song của sứ vụ mà Chúa đã tín thác cho cha, là phục vụ người nghèo cả về vật chất và tinh thần qua việc rao giảng Tin Mừng.

Tại đây, ngài đã gặp Pierre de Berulle (1575-1629) một linh mục trẻ và bình dân ở Paris, người đã giúp Vinh Sơn trong lúc ban đầu sau khi bị tố cáo bất công là ăn trộm và không nghề nghiệp. Berulle là một người có tầm ảnh hưởng vì ông là quan phát chẩn danh dự của Vua Henri IV và là bạn tâm giao của Hoàng hậu Marie de Medicis.[8]

Trở nên một người trạng sư của người nghèo

Xã hội Pháp thế kỷ XVII phải trải qua những khủng hoảng trầm trọng vì phần lớn dân chúng là nông dân nghèo do thiếu kém các phúc lợi xã hội, hệ thống thuế khóa bất công, mất mùa, chiến tranh, dịch bệnh…. Vì thế dân chúng rơi vào đói nghèo thảm khốc. Trước thực trạng ấy, Vinh Sơn đã cảm thấy bị thách đố, nhưng cũng coi đó là một cơ hội cho sự cộng tác và trạng sư cho người nghèo khổ.

Vinh Sơn đã trở nên lão luyện trong việc thiết lập và tổ chức các mạng lưới bác ái dành cho người nghèo. Ngài đã dệt nó cách sáng tạo thành một tấm thảm của lòng bác ái dành cho những nông dân nghèo khổ. Ngài đã mời gọi và thúc đẩy người khác cùng cộng tác với ngài để hỗ trợ những kẻ bất lực và lên tiếng cho những kẻ không có tiếng nói. Trong những người cộng tác này, chúng ta có thể đề cập đến:

Thánh Louise de Marillac, một người gắn bó lâu dài với cuộc đời của thánh Vinh Sơn trong việc điều hành các Hiệp Hội Bác Ái lúc ban đầu cũng như việc thiết lập và duy trì Tu hội Nữ Tử Bác Ái sau này.

Hoàng hậu Marguerite Valois: là một người rất tử tế và quảng đại đối với những kẻ thiếu thốn, và bà có vài tuyên úy giúp phân phát của bố thí nhân danh bà. Bà là vợ cả của vua Henry của Navarre (1572-1599) trước khi ông ly dị bà. Trong triều đại vua Henry IV (1589-1610), Vinh Sơn đã là một quan phát chẩn của Hoàng hậu vào năm 1610, có lẽ cha Berulle đã định hướng cho vị trí này.[9]

Một trong những công việc của Vinh Sơn là việc kinh lý các bệnh viện bác ái trong vấn đề ngân sách. Năm 1611, cha đã gặp thị trưởng Paris cách quan phòng và là người đã cho ngài món quà cá nhân trị giá 15.000 livres. Vinh Sơn đã dùng nó cho các bệnh viện bác ái. [10]

Vua Louise XIII: vua này và Hoàng hậu Anne của Áo (1617-1643) đã có rất nhiều quyền lực trong những năm hoạt động nhất của Vinh Sơn. Trong suốt giai đoạn này, những món quà hoàng gia đã giúp cung cấp thực phẩm cho các trẻ bị bỏ rơi. Khi Vinh Sơn thông tin đến vua về những đứa trẻ bị bỏ rơi này, thì chúng đã được nhận một ngân quỹ định kỳ hằng năm là 4000 livres cho các nhu cầu cần thiết. Năm 1644, Hoàng hậu Anne đã cho thêm 8000 livres từ tài sản do thuế có được từ lợi tức hằng năm của các nông trại. Các bà bác ái trợ cấp phần thiếu hụt.[11]

Khi Vinh Sơn, một người thầy khiêm tốn của việc bác ái, phải chăm sóc cho vua Louise trên giường hấp hối, thì người cháu của Hồng y Richelieu là Nữ công tước d’Aiguillon, đã giúp đỡ Vinh Sơn duy trì khoản trợ cấp này. Thêm vào đó, dự án của Vinh Sơn còn nhận thêm các khoản trợ cấp hoàng gia khác từ các công quỹ như trợ cấp chính phủ ngày nay.[12]

Hoàng hậu Anne: trước khi chết, vua Louise XIII đã trao tặng cho Vinh Sơn một khoản tiền lớn là 45.000 livres. Sau đó để tăng thêm quỹ, Hoàng hậu Anne đã hiến tặng thêm toàn bộ số tiền phúng điếu trong lễ tang của vua Louise XIII. Sau đó Nữ công tước Aiguillon cũng theo gương của hoàng hậu: khi chú của bà là Hồng y Richelieu qua đời, bà đã cúng toàn bộ số tiền phúng điếu cho cha Vinh Sơn.[13]

Marie Louise Gonzague: tầm ảnh hưởng của Vinh Sơn đã lan rộng ra ngoài Pháp quốc sang tận Ba Lan nơi Nữ hoàng Marie Louise Gonzague là một bà bác ái đã ước muốn để quỹ được thiết lập ở Warsaw (1651).[14]

Sự cộng tác

Vinh Sơn đã cộng tác với rất nhiều thành phần trong xã hội và Giáo Hội để tạo tầm ảnh hưởng trong các mối quan hệ, cũng như nhân danh thế giá của những người cộng tác đó để cứu giúp người nghèo. “Các nguồn lực của Tu Hội đã hỗ trợ cho hoạt động truyền giáo. Thánh Vinh Sơn không bao giờ cho phép lập một Nhà dành cho việc truyền giáo khi chưa tìm được nguồn tài chính bảo đảm. Một ngân quỹ được thiết lập bởi một giáo dân hoặc giáo sĩ giàu có, và hoạt động của ngôi nhà đã được tài trợ bởi thu nhập từ ngân quỹ. Thánh Vinh Sơn đã muốn có một sự bảo đảm cơ bản.”[15] Thánh Vinh Sơn đã đi xa hơn thế. Ngài đã muốn các nhà truyền giáo sống đơn sơ và nghèo khó nhất bao nhiêu có thể. Không chỉ họ không được nhận thù lao cho công việc của họ, họ cũng không được nhận đồ ăn thức uống hoặc củi… Tất cả những điều này họ phải tự cung cấp cho mình. Đôi khi họ mang theo giường của họ. Có những lúc không may, họ đã phải ngủ trên nền đất. Không giống như các thầy dòng Capuchin bị cấm bởi quy tắc đi xe ngựa, các cha Vinh Sơn được phép đi xe ngựa, nhưng họ được khuyến khích đi bộ bất cứ khi nào có thể.[16]

Với gia đình Gondi: sau khi rời bỏ giáo xứ Clichy để đến lãnh thổ của gia đình Gondi và làm gia sư cho gia đình của bà, Vinh Sơn đã chở nên tuyên úy cho gia đình quý tộc này. Sau đó, bà đã thúc đẩy cha Vinh Sơn quy tụ các nhà truyền giáo để rao giảng Tin Mừng cho dân nghèo miền quê, thì đích thân bà đã đồng ý để hỗ trợ việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo. Theo bản hợp đồng, gia đình bà đã cam kết chu cấp 45.000 livres tiền vốn mà nó đã được đầu tư vào trong đất đai hoặc kinh doanh.[17]

Như thế, gia đình ông bà Gondi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập và phát triển Tu Hội Truyền Giáo. Tuy nhiên, không chỉ có họ mà thôi, việc gây quỹ cũng nhận được sự hỗ trợ từ Hồng y de Retz; Jean Francis de Gondi, anh của ông Phillipe Gondi và Tổng giám mục Paris, người đã chấp thuận việc thành lập về mặt Giáo Hội.[18]

Ngoài ra, bà Gondi còn thường xuyên tìm cách để hỗ trợ cha Vinh Sơn bằng nhiều cách khác để có thể trợ cấp cho công việc truyền giáo và phục vụ người nghèo theo mục đích mà cha Vinh Sơn đã đề ra. Sau này những người con của bà, tức học trò của cha Vinh Sơn, cũng hỗ trợ cho cha bằng cách thiết lập các Hội Bác Ái bằng việc gây quỹ ở Montmirail trên phần đất di sản của gia đình Gondi.[19] Và một trong những người con ấy là Jean Francis, người sau này đã trở thành Tổng giám mục Paris thay người bác là Hồng y Retz và là người chuẩn nhận việc thành lập Tu hội Nữ Tử Bác Ái.[20]

Phía tòa án: vị thư ký của vua đã tạo điều kiện hỗ trợ từ cả phía nhà vua lẫn phía các giám mục địa phương cho việc thiết lập một cuộc đại phúc tại Crecy (1641).[21] Đồng thời trong giai đoạn này, vị chưởng ấn đã cộng tác với thánh Vinh Sơn để chu cấp bột mì cho các trẻ em đói ở Bicetre trong thời kỳ chiến tranh để làm bánh mì. Và vị quản lý thì hứa sẽ chu cấp một khoản chúc thư lớn cho mục đích các công việc bác ái của Vinh Sơn.[22]

Bên cạnh đó Hồng y Richelieu là người đã giúp thánh Vinh Sơn rất nhiều, kể cả ở Ai-Len khi chiến tranh Anh quốc xảy ra và một trong những người cháu của vị Hồng y này đã trợ cấp cho cha Vinh Sơn một phần lợi nhuận kinh doanh của người này.

Trong Giáo Hội: cuộc đời của thánh Vinh Sơn đã trải qua gần 12 đời Giáo hoàng và đã quen biết vô số các giám mục, linh mục và cha xứ. Trong một lần được gặp trực tiếp Giáo hoàng Urbanno VIII, cha Vinh Sơn đã viết cho vị Biện lý Tòa thánh (cha du Coudray) ở Rôma để giải thích về nguồn gốc, mục đích và chính đáng của Tu Hội Truyền Giáo để xin chuẩn nhận việc thành lập. Trong khi ấy các giám mục địa phương và các cha xứ đã tạo nhiều cơ hội cho phép cha Vinh Sơn gây quỹ vào lúc ban đầu. Đồng thời các giám mục cũng khích lệ các cha xứ giảng về việc bố thí để hỗ trợ cha Vinh Sơn.[23]

Các ân nhân chính: trong cả đời cha Vinh Sơn, quyền lực của cha Vinh Sơn dựa vào sự giàu có và tầm ảnh hưởng của tầng lớp quý tộc rộng khắp các vùng ngoại biên của Paris và lan ra cả nước. Tầng lớp quý tộc Pháp đã nhận thức rằng, các gia nhân trên phần đất của họ nhận những phúc lợi tinh thần của các cuộc đại phúc được giảng bởi các cha Tu Hội Truyền Giáo, do đó, nhiều quý tộc đã trợ cấp thiết lập các ngân quỹ và chu cấp cách quảng đại tiền quyên góp cho việc thiết lập các cuộc đại phúc và các công việc bác ái kèm theo đó. Những vị ân nhân này gồm có công tước Aiguillon, Madame Goussault, Madame de Gondi, và Madame Miramion.[24]

Công tước Aiguillon, cháu gái của Hồng y Richelieu đã là vị ân nhân bậc nhất cho sáu tổ chức trong suốt đời của thánh Vinh Sơn.[25] Sau khi chú của bà thành lập dịch vụ bưu chính quốc gia tại Pháp và các vùng thuộc địa, bà đã sắp xếp để cha Vinh Sơn có thể làm chủ các kho vận chuyển trên bờ biển từ Paris đến Bordeaux. Cha Vinh Sơn đã thu nhận những lợi nhuận liên quan đến việc đó.

Madame Goussault người rất năng động trong các dự án bác ái ở Angers, cũng là ân nhân chính cho 200 giường bệnh của bệnh viện thánh Gioan, mà Vua Henry II, vua nước Anh đã thiết lập năm 1153 để sửa sai cho vụ giết thánh Tomas Becket. Năm 1639 bà đã thúc đẩy vị giám đốc yêu cầu cha Vinh Sơn gởi các Nữ Nử Bác Ái đến.

Ngoài ra, để có thể duy trì dài hạn các quỹ truyền giáo và bác ái, ngài đã tìm kiếm sự trợ giúp mang tính cách cộng đoàn như chúng ta thực hành ngày nay cho các công việc tông đồ, chẳng hạn: tổ chức các sự kiện đặc biệt, các quà tặng hằng năm, hội ái hữu, và các phóng sự cộng đồng.[26]

Tiền dâng cúng hằng năm: cha Vinh Sơn có thể cơ cấu việc thu nhập từ việc dâng cúng để kế hoạch ngân quỹ đạt được một mức độ mong đợi. Chẳng hạn sự trợ cấp định kỳ, sự chi trả các đồ thế chấp, và quà tặng hằng năm đã chu cấp chi phí cho các dự án bác ái của ngài.

Việc bác ái tại Macon (1635) đã tồn tại nhờ vào các cơ cấu gây quỹ. Cả giáo sĩ và cư dân đã gây quỹ thu nhập hằng năm từ tiền bạc, bắp, rượu, củi đốt, và len dạ. Việc bác ái này cũng đón nhận các trợ giúp đặc biệt như việc “xóc rổ” các ngày Chúa nhật và phí từ cổng vào nơi công cộng như công viên, bảo tàng…

Phóng sự cộng đồng: nghệ thuật ngoại giao bẩm sinh khéo léo đã thúc dục cha Vinh Sơn làm sinh động việc gây quỹ dâng cúng. Chẳng hạn tập Phóng sự xuất bản sau một cuộc gặp quan trọng. Các Bà Bác Ái đã quyết định việc làm bác ái ở một nơi nào đấy và viết lời kêu gọi trợ giúp và lời kêu gọi thường như sau: “cho tất cả những ai muốn dâng cúng, xin tiếp cận với các cha xứ hoặc với các bà Lamoignon hay Michel Vialart de Herse.” Theo gương của thánh Vinh Sơn, các Bà Bác Ái hăng hái phân phát các tờ rơi này với hy vọng sẽ đạt triển vọng tốt.”[27]

Trong vấn đề cộng tác này phải nói đến Hồng y Richelieu. Tại Richelieu, Đức Hồng y đã mời các cha Vinh Sơn đến và giảng đại phúc cho các công nhân xây dựng thành lũy, cung điện và thành phố. Trong bản hợp đồng thành lập, rõ ràng việc rao giảng Tin Mừng được đề cập như là một mục đích. Bản hợp đồng cũng cho thấy các cuộc đại phúc trong lãnh địa của giới quý tộc và trong hai địa phận lân cận với trách nhiệm của việc kết thúc lộ trình mỗi năm năm, cộng thêm việc giảng tĩnh tâm cho các chủng sinh và các linh mục ở Poitou.[28]

Cùng với các Nữ Tử Bác Ái phục vụ người nghèo và bệnh nhân tại Richelieu, thánh Louise và thánh Vinh Sơn đã tính đến việc gây quỹ cho các sứ vụ mới tại đây và việc gây quỹ cũng đã được thực hiện. Có thể nói rằng sự sáng tạo đã định rõ đặc điểm ngân quỹ của Richelieu. Tổ chức tại Richelieu đã tiếp nhận sự hỗ trợ ngân quỹ với nguồn khác nhau từ doanh thu hay hoa lợi.

Bởi vì các quyền lợi phong kiến được thừa kế cùng với tài sản ở thế kỷ 17, tổ chức này có thể đã phụ thuộc vào thu nhập từ tu viện của thánh Nicolas de Champrant, cũng như các giáo xứ địa phương. Hồng y Richelieu đã trao tặng cho các thành viên Vinh Sơn các bổng lộc liên quan đến các bất động sản phong kiến của Bois Bouchard; Saint Casien; và các phòng công chứng và đào tạo công cộng của Loudon. Về điều này các thành viên Vinh Sơn đã hành động thay cho các lãnh chúa của địa phương trong việc thu thuế. Thêm vào đó, các cha Vinh Sơn cũng được thừa hưởng các lợi tức từ các lãnh chúa phong kiến như cối xay gió, lò rượu, lò bánh mì… các ngài cũng được phép cho thuê một số nhà cửa của Đức hồng y để có thêm thu nhập.[29]

Tầm quan trọng của việc hoàn thành giao dịch kinh doanh một cách kịp thời trở nên rõ ràng vào năm 1643 khi một vấn đề nghiêm trọng nổi lên. Hồng y Richelieu qua đời trong khi việc chuyển đổi các hạng mục đầu tư chưa hoàn thành. Hồng y Richelieu đã bán cơ quan công chứng ở Loudon, một tài sản chính yếu cho việc truyền giáo, nhưng nó chưa được tái đầu tư tiền tệ thành đất đai như đã có kế hoạch cho sự hỗ trợ dài hạn cho việc truyền giáo ở Richelieu. Việc thừa kế dường như không thể thực hiện. Việc truyền giáo đã đầu tư hơn 100.000 livres vào công trình xây dựng và đồ đạc trang trí nội thất. May mắn thay, công tước Aiguillon đã can thiệp như một trạng sư cho các cha Vinh Sơn và kết quả ngoài mong ước đã được giải quyết trong trường hợp này.[30]

Như vậy lướt qua phần lịch sử, chúng ta thấy việc thi hành sứ vụ truyền giáo và bác ái của cả hai Tu Hội mà thánh Vinh Sơn là Đấng sáng lập đã dựa vào rất nhiều nguồn lực vật chất khác nhau. Nó đã đến từ các cá nhân có thế giá thời bấy giờ là các thành viên hoàng gia hay các vị lãnh đạo trong Giáo Hội như Hồng y Richelieu. Tất cả các ngân quỹ mà thánh Vinh Sơn có, được dùng vào trong việc truyền giáo và bác ái tại mỗi địa phương mà công cuộc được mở ra. Đó cũng là do Chúa Quan Phòng đã xếp đặt và hướng dẫn để nhờ những sự cộng tác đó mà cả hai Tu hội đã có thể giúp đỡ và rao giảng Tin Mừng cho người nghèo cách hiệu quả hơn và ngày càng phát triển rộng khắp hơn và như hôm nay chúng ta thấy cả hai vẫn đang tồn tại và thi hành sứ vụ nhân danh người nghèo khổ.

Các đặc điểm của việc quản lý ngân quỹ truyền giáo

Bên cạnh đó, chúng ta cũng xét đến một vài đặc điểm trong việc quản lý ngân quỹ cho việc truyền giáo và bác ái như nó đã được điều hành bởi các thành viên Vinh Sơn.

Kính trọng: đây là một viên đá góc cho các việc phục vụ của các thành viên Vinh Sơn, nó không chỉ thăng tiến nhân phẩm con người và đề cao lòng tự trọng nhưng nó cũng đòi hỏi sự bắt buộc đáng chú ý đến các mối tương quan, nó có thể được nhận ra bởi sự quan tâm đề cao giá trị và nhân phẩm của tất cả mọi người, dù họ là ân nhân hay người thụ ân. Một cách biểu lộ lòng kính trọng trong việc phát triển ngân quỹ là tôn trọng mục đích ban đầu của việc giao dịch, ý muốn của người hiến tặng hay dâng cúng và trách nhiệm tài chính với việc sử dụng của dâng tặng. Trong bối cảnh của việc gây quỹ, sự kính trọng liên quan đến lòng tự trọng và liêm chính với những gì một người xử sự với người dâng cúng, quà tặng và các quy định bắt buộc với một nhãn quan hướng đến việc phục vụ có trách nhiệm.

Mặc dù liên quan đến vấn đề năng lực, sự khôn ngoan sau đây của thánh Louise có thể được áp dụng cho các vấn đề gây quỹ: “chúng ta phải được chuẩn bị để theo đuổi trong những vấn đề như thế với sự công bình và bác ái.”[31] Hoặc trong trường hợp khác, thánh Louise đã cảnh báo chị Julienne Loret: “cố gắng chính xác đối với lợi ích từ bất cứ những gì thuộc về người nghèo.”[32]

Các Phóng sự hiến tặng: thánh Vinh Sơn biết rằng các cộng tác viên của ngài cũng được hưởng lợi từ các người hiến tặng. Chương trình này đã nổi lên từ ngoại vi của Paris cho đến toàn nước Pháp. Những điều này đã phản ánh những nhu cầu mục vụ và tài chính của các cộng tác viên quan trọng nhất của cha Vinh Sơn như ông bà Gondi, công tước Aiguillon, Hồng y Richelieu,và Marie Louise Gonzague.

Thánh Vinh Sơn không chỉ mời gọi các cộng tác viên trong việc phục vụ trực tiếp, nhưng cũng làm cho các nhu cầu được biết đến. Ngài đã tạo ra và đã trình bày nhiều cơ hội cho việc làm các quà tặng bác ái và làm cho người khác cảm thấy hài lòng về sự quảng đại.

Khi tìm kiếm các cộng tác viên cho người nghèo, thánh Vinh Sơn đã huấn luyện các cộng sự của mình về trách nhiệm xã hội bằng cả lời nói và chứng nhân, trong cách này, đề cập đến các cá nhân có thể phục vụ người nghèo với lòng thương xót, ân cần, kính trọng và đạo đức dù khác biệt về xã hội văn hóa hay ngôn ngữ.

Phát triển vai trò lãnh đạo: một phân tích các bài viết của cha Vinh Sơn đã chỉ ra rằng sự liên lỉ và tính nhất quán đã đánh dấu các thông điệp của ngài sau năm 1640 khi mà cuộc nội chiến đã lên cao điểm ở Pháp. Trong việc khích lệ các Bà Bác Ái, cha Vinh Sơn đã nói “kiên trì trong công việc đã lãnh nhận” để nói về việc các bà hãy chu toàn việc chăm sóc cho những đứa trẻ bị bỏ rơi và đừng vì nản lòng mà bở rơi nó lần nữa. Thậm chí Hoàng hậu đã hiến tặng tòa lâu đài Bicetre như một nhà nội trú cho trẻ em.[33]

Cha Vinh Sơn là một bậc thầy về việc nghệ thuật năn nỉ. Ngài tin tưởng phẩm giá nổi bật của người nghèo và đã luôn luôn tìm lời lẽ như rót mật vào trong tim người nghe khi nài xin ngân quỹ để làm dịu bớt đi nỗi đau khổ của họ.

Phẩm chất: Phẩm chất ôm chặt việc quản lý, trách nhiệm và quản trị đâm rễ trong công bình. Với các cộng tác viên Vinh Sơn, điều này luôn luôn bao gồm việc quản lý cách khôn ngoan tất cả tiền bạc, đặc biệt việc đầu tư như là di sản của người nghèo.

Kế hoạch: cha Vinh Sơn là người luôn tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, hầu như ngài đều phó thác mọi sự cho sự xếp đặt của Chúa Quan Phòng. Ngài đã từng nói “đừng đi bước trước Chúa Quan Phòng.”

Khi tiền bạc cạn kiệt, cha Vinh Sơn đã cần đến cả hai tính cách là sự bền bỉ và hùng biện nhằm gây các quỹ đầy đủ để cân đối với ngân sách hằng năm. Chúng ta có thể ước đoán rằng kế hoạch chiến thuật của ngài bao gồm các chương trình phát triển, bố trí nhân sự, và định vị dựa trên kỹ thuật nghiên cứu thị trường của chúng ta ngày nay.

Xem xét các nhu cầu: từ các bản hợp đồng còn tồn tại mà chúng ta có được, chúng ta có thể kết luận rằng cha Vinh Sơn đã xem xét kỹ lưỡng các chi tiết của các tổ chức để có đủ vốn đã được quy định cho mỗi tổ chức.

Theo sau trực giác của ngài, thái độ của Vinh Sơn hướng đến các ân nhân thì không mâu thuẫn. Mặc dù ngài chấp nhận các việc dâng cúng ngân quỹ để thiết lập các tổ chức mới, cha cũng đã không chấp nhận tiền bạc cho bất kỳ cuộc đại phúc nào được rao giảng bởi các linh mục của ngài. Như cha Vinh Sơn đã trả lời cho bà Longgueville khi bà ước muốn trả công cho một kỳ đại phúc: “Chúng tôi chỉ làm một nghĩa vụ là làm các cuộc đại phúc cách nhưng không, như các tu sĩ Capuchin phải sống nhờ vào của bố thí vậy.”[34]

Chương trình đa dạng: cha Vinh Sơn đã sử dụng các nguồn lực khác nhau của hoa lợi để hỗ trợ các công tác bác ái. Ngài theo đuổi nhiều cơ hội sinh lời trong xã hội tiền công nghiệp. Trong thuật ngữ của chúng ta ngày nay, một vài ví dụ của việc gây quỹ  trong các chương trình của ngài có thể được phân hạng như tiền quyên góp, phí sử dụng, liên doanh vì lợi nhuận, các câu lạc bộ quà tặng, đóng góp bằng hiện vật và đầu tư thương mại hay kinh doanh.[35]

Khôn ngoan hay thận trọng: đó là yếu tố cần thiết để làm bất cứ quyết định nào trong vấn đề kinh tế, tài chính. Như một chìa khóa nguyên tắc làm việc, sự thận trọng hướng dẫn cha có những chọn lựa đầu tư an toàn, để cân đối chi tiêu hằng ngày và để chỉ định những quản trị viên có năng lực. Sự tận tâm của cha với các phán quyết khôn ngoan, có thể giúp ngài tiếp cận các vấn đề ra quyết định và tránh thái độ hấp tấp. Thậm chí thánh Louise đã gặp phải sự khó khăn để thúc đẩy cha Vinh Sơn ra các quyết định.

Cha Vinh Sơn đã được người ta chú ý vì tính thực tế. Dường như có thể kết luận rằng: trực giác của người miền Gascony và cảm thức kinh doanh sắc sảo làm cho cha nhận ra rằng hiệu quả của các sứ vụ bác ái liên quan đến việc thực hành thương mại chân chính.

Quản lý có trách nhiệm: như một người quản lý có trách nhiệm, cha Vinh Sơn phải sử dụng hai nguyên tắc quản trị ưu tiên cho phát triển chương trình: dành sự chủ động cho Chúa trong những kế hoạch mới và chấp nhận chỉ những cái nào có cơ sở tài chính chân chính.[36]

Trách nhiệm: cha Vinh Sơn đã cố gắng khắc sâu vào tâm trí cảm thức bẩm sinh của cha là một người quản lý nơi tất cả các cộng tác viên của ngài. Để an toàn cho các di sản của người nghèo, một trong các mục tiêu ưu tiên của cha Vinh Sơn là gia tăng giá trị của các tài sản và quản lý lợi tức tốt. Cha đã đấu tranh để hỗ trợ mạng lưới bác ái mở rộng. Mặc dù lòng bác ái được đòi hỏi hơn sự giàu có, thì chí phí đầy đủ, cộng thêm thu nhập thường xuyên là tuyệt đối cần thiết,[37] như ngài đã từng nói: “Tất cả những người quản lý của cải của người nghèo phải thực hiện trách nhiệm này cách trung thực… Và không bao giờ, dưới bất kỳ lý do gì, nói rằng một loại thuốc có giá cao hơn thực tế.”[38]

Đầu tư: để tăng tính bảo đảm an toàn hơn, cha Vinh Sơn dường như thích đầu tư vào các tài sản bất động sản. Cổ phiếu không phải là chọn lựa đầu tiên bởi vì ngài nghĩ rằng chúng dao động lên xuống thất thường. Ngài tin rằng sự lâu dài của công việc liên quan trực tiếp đến thu nhập chắc chắn từ những sự an toàn (chứng khoán), “ngược lại, trong vòng 15 năm, ngân sách sẽ bị giảm một nửa, giá trị của đồ vật nhân đôi sau 15 năm.”[39]

Để minh họa cho điều này, một lần cha Vinh Sơn đã đầu tư trong một chương trình nhà ở với lợi nhuận (chi phí) ngài đã nhận được từ một chúc thư của vua Louise XIII. Bà quả phụ, tức Hoàng hậu Anne, đã dự trù số tiền này (24,000 livres) để cung cấp chi phí cho một tổ chức ở Sedan. Cha Vinh Sơn đã đầu tư tiền mặt vào trong các công trình xây dựng 13 căn nhà gần Saint Lazare và rồi cho các bà bác ái thuê chúng làm nơi ở cho các trẻ em bị bỏ rơi. Thu nhập cho thuê này được trả bởi các bà, sau đó được hỗ trợ thường xuyên cho việc truyền giáo ở Sedan.[40]

Tài sản: cha Vinh Sơn đã nhận những quà biếu giá trị của những tài sản đất đai. Với ngân sách sở hữu từ một tài sản thừa kế, cha đã tham gia vào công việc kinh doanh để liên kết, thu hoạch hoặc trao đổi những miếng đất nhằm tạo ra những miếng đất rộng hơn, và gộp lại hoặc hợp nhất các nông trại nhỏ. Các khu vực rộng hơn có thể phục vụ tốt hơn sứ vụ của cha, bởi vì cha đã dùng các đất đai của nông trại để hỗ trợ lương thực cho người nghèo ở các tỉnh thành bị tàn phá. Cha Vinh Sơn cũng thêm vào các tài sản khác qua một chuỗi kinh doanh kỹ năng và hệ thống khi có sẵn tiền bạc.[41]

Các công việc này đã làm gia tăng tài sản và gia tăng lợi nhuận có thể kiếm được. Cha Vinh Sơn đã nhận quà tặng qua hình thức của cải đất đai giá trị khi bà Michel Vialart Herse, một góa phụ, đã cho hai nông trại tổng cộng 328 hecta, tại Frenneville, ba bản hợp đồng buôn bán và chín bản trao đổi đã mở rộng một vùng đất vàng lên đến 223 hecta.[42]

 Ở một chỗ khác, năm 1672, một trong các nông trại của cha đã gia tăng đến 643 hecta. Vị thư ký của nhà vua đã là ân nhân, đã nhận quà tặng đất đai từ cha Vinh Sơn trong sự trao đổi cho một trợ cấp hằng năm 18,000 livres và các quyền lợi thừa kế.[43] Về sau, chuyện kinh doanh này trở nên một vụ kiện tụng và cha Vinh Sơn đã thua trong trường hợp này.

2. Ngân quỹ cho truyền giáo hay các cuộc đại phúc

Việc thực hiện các cuộc truyền giáo hay đại phúc không chỉ tập trung chú trọng về mặt nhân sự, tức đội ngũ các nhà truyền giáo và các cộng tác viên không mà thôi, nhưng cũng cần đến ngân quỹ để duy trì các hoạt động này.

Bởi vì tính chất của các cuộc truyền giáo hay đại phúc là thường lưu động từ nơi này đến nơi kia, với khoảng cách xa gần khác nhau, do đó sự cần thiết phải có nơi cư trú hay điểm sinh hoạt hằng ngày là điều thường gây lo lắng cho bất kỳ cuộc đại phúc nào.

Như thế, chi phí chính yếu cho các cuộc đại phúc này chủ yếu là chi phí cho việc đi lại và ăn ở của nhóm làm đại phúc. Thực tế ấy cho thấy rằng, lý tưởng là các chi phí cho mỗi đợt đại phúc này sẽ được hỗ trợ từ cộng đoàn giáo xứ hay cộng đoàn địa phương nơi mà nhóm truyền giáo sẽ đến.

Trong trường hợp nhóm truyền giáo vì lý do dân sự không thể cư trú với từng gia đình trong giáo xứ thì sẽ ở trong nhà xứ, hay một cộng đoàn Vinh Sơn nào đó hoặc cộng đoàn dòng tu khác, lúc đó, mọi chi phí sẽ được hỗ trợ bởi chính những cộng đoàn này hay các ân nhân đặc biệt.

Trong trường hợp các nhà truyền giáo có thể lưu trú được nơi các gia đình thì lý tưởng là mỗi gia đình sẽ nhận nuôi một nhà truyền giáo trong suốt kỳ đại phúc và như vậy gánh nặng cũng sẽ giảm bớt hơn khi cộng đoàn phải lo cho một nhóm cùng một lúc.[44]

Trong những trường hợp khó khăn khác, nơi mà không có nhà thờ xứ hay nơi công cộng và người dân không có khả năng hỗ trợ thì lúc này chính Tu Hội hay nhóm đại phúc sẽ dùng đến ngân quỹ truyền giáo của mình để có thể thực hiện được việc truyền giáo hay làm đại phúc như ý muốn mà không bị phụ thuộc vào điều kiện của địa phương.

Vì vậy, để có ngân quỹ cho việc truyền giáo, có thể có nhiều nguồn tùy vào điều kiện của mỗi tỉnh dòng và bối cảnh văn hóa của địa phương, các nguồn đó bao gồm:

Được trích từ một phần ngân quỹ của tỉnh dòng: có lẽ đây là điều lý tưởng nhất, tuy nhiên, lại rất phụ thuộc vào khả năng của mỗi tỉnh dòng, vì còn ngân sách lo cho đào tạo, hưu dưỡng, bác ái… và cần có sự cân đối hợp lý. Và hình thức gây quỹ có thể một lần hay hằng năm.

Lập quỹ truyền giáo: mỗi tỉnh dòng tùy theo sự sáng tạo và linh hoạt có thể lập một quỹ truyền giáo để kêu gọi hết mọi thành phần dân Chúa cộng tác qua việc đóng góp theo một con số nhất định hay tùy ý, theo một chu kỳ nhất định như hằng tuần, hằng tháng, hàng quý hay hàng năm để góp phần vào công cuộc truyền giáo.

Tài sản thừa kế: đã có nhiều tỉnh dòng có những ân nhân hảo tâm vì lớn tuổi và không con cái hay con cái ổn định, họ đã dâng cúng toàn bộ tài sản sau khi qua đời, như nhà cửa, đất đai cho quỹ truyền giáo. Như thế, các tỉnh dòng nào có được nguồn thừa kế này sẽ dùng các tài sản thừa kế ấy để sinh lợi, như cho thuê hay bán lại để tạo nên một ngân quỹ cố định.

Kinh doanh: tùy vào điều kiện mỗi tỉnh dòng, có thể có những ngành hay điều kiện có thể kinh doanh và lấy lợi tức lo cho việc truyền giáo như làm nhà tĩnh tâm, nhà trọ, cho thuê mặt bằng, vườn tược, nông sản…

Các ân nhân: có thể trong từng đợt truyền giáo có thể xin một ân nhân nào đó trợ giúp toàn bộ cho đợt truyền giáo. Tuy nhiên, điều này có thể được nhưng xem ra bị động hơn, trong trường hợp không tìm ra được những vị ân nhân như thế.

Cách tổng quát, các nhà truyền giáo và các cộng sự thực hiện đại phúc trên tinh thần miễn phí. Tuy nhiên, các giám đốc đại phúc xem xét, nếu cần cũng phải trợ giúp các nhà truyền giáo giáo dân khác về tiền túi hay chi phí y tế đột xuất… và lý tưởng là họ tự lo được.

Một chút sơ lược về lịch sử để có một sự đối chiếu với hiện tại trong vấn đề gây quỹ phục vụ việc truyền giáo hay đại phúc. Để có được một chương trình truyền giáo hay giảng đại phúc duy trì bền bỉ và chủ động thì vấn đề ngân quỹ là cần thiết phải tính đến. Tuy nhiên, mức độ của quỹ như thế nào thì còn tùy thuộc vào tình hình thực tế địa phương và chương trình truyền giáo. Dù là bất kỳ hình thức gây quỹ hay điều hành quỹ nào, mọi vấn đề gây quỹ hay điều hành quỹ đều phải tuân theo những gì đã được ghi trong Hiến Pháp, Quy Chế của Tu Hội, cũng như Quy Tắc của mỗi tỉnh dòng. Hy vọng rằng, việc có hay không có ngân quỹ cho việc truyền giáo không phải là điều cản trở tất cả các nhà truyền giáo ra đi, vì “anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘bình an cho nhà này!” (Lc 10, 3-5).


[1] Lá thư 3254 (ngày 03/09/1660): CCD VIII, 508.

[2] Pierre Coste. The Life And Works Of Saint Vincent De Paul. Trans, Joshep Leonard, CM, 3 tập (brooklyn:1987), tập 2, tr 408.

[3] Ibid tập 1, tr 97.

[4] Ibid tập 1, tr 105.

[5] CDD I, 15.

[6] Pierre Coste. The Life And Works… tập I, tr 68-70.

[7] Ibid tập I, tr 83.

[8] McNeil, Betty Ann D.C. (1992) “Vincentian Values and Fund Raising for the Mission,” trong Vincentian Heritage Journal: Vol. 13: Iss. 1, Article 2., tr 16.

[9] Ibid  tr 19.

[10] Pierre Coste. The Life And Works… tập 1, tr 50.

[11] Ibid tập 2, tr 227.

[12] Rybolt, John E. C.M., Ph.D. (2005) “Saint Vincent de Paul and Money,” trong Vincentian Heritage Journal: Vol. 26 : Iss. 1 , Article 7, tr 92-94.

[13] Pierre Coste. The Life And Works… tập 2, tr 370-371.

[14] Ibid tập 2, tr 41.

[15] James Smith. “The Vincentian Mission, 1625-1660” trong Vincentian Heritage 4, n 2(1984), tr 45.

[16] Ibid.

[17] Jean Jacquart. “Saint Vincent’s Real Estate Policy”, trans Jacqueline DC, trong Vincentian Heritage 7, n2(1986) tr 182.

[18] Pierre Coste. The Life And Works… tập 1, tr 144.

[19] Jose Maria Roman. “The Foundations Of Saint Vincent De Paul,” trans Stafford Poole, CM, Vincentia Heritage 9, n2 (1988) tr 149.

[20] Pierre Coste. The Life And Works… tập 1, tr 355.

[21] Jose Maria Roman. “The foundation of saint Vincent de Paul,” tr 149.

[22] Pierre Coste. The Life And Works… tập 2, tr 237.

[23] Jose Maria Roman. “The foundation of saint Vincent de Paul,” tr 148.

[24] Ibid tr 144.

[25] Pierre Coste. The Life And Works… tập 1, tr 405.

[26] McNeil, Betty Ann D.C. (1992) “Vincentian Values and Fund Raising for the Mission”, tr 23.

[27] Pierre Coste. The Life And Works… tập 2, tr 405.

[28] Pierre Coste. The Life And Works… tập 2, tr 170; và Jose Maria Roman. “The foundation of saint Vincent de Paul,” tr 151.

[29] Jose Maria Roman. “The foundation of saint Vincent de Paul,” tr 155-158.

[30] Ibid  tr 159-160.

[31] Bút tích thiêng liêng của thánh Louise de Marillac, lá thư 165 (November 1646), tr 184.

[32] Ibid, lá thư 339 (January 7, 1652), tr 388.

[33] Pierre Coste. The Life And Works… tập 2, tr  273.

[34] Stafford Poole. A History Of The Congregation Of The Mission: 1625-1843 (Santa Baraba: 1973), tr 81.

[35] McNeil, Betty Ann D.C. (1992) “Vincentian Values and Fund Raising for the Mission,” Vincentian Heritage Journal: Vol. 13 : Iss. 1 , Article 2., tr 29-30.

[36] Ibid  tr 134-140.

[37] Jean Jacquart. “Saint Vincent’s Real Estate Policy”, tr 181.

[38] Đàm luận với các Nữ Tử Bác Ái, số 83, 26 tháng 8 1657,  tr 909.

[39] Jean Jacquart. “Saint Vincent’s Real Estate Policy”, tr 186.

[40] Pierre Coste. The Life And Works…tập 2, tr 221.

[41] Jean Jacquart. “Saint Vincent’s Real Estate Policy”, tr 186.

[42] Ibid tr 189.

[43] Ibid tr 192.

[44] Ước gì các nhà truyền giáo sẽ được đối xử như người phụ nữ trong câu chuyện Kinh thánh (2 V 4, 8-11. 14-16a): “Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng: Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó”.