NGƯỜI BỊ BỆNH TÂM THẦN CÓ THỂ ĐÁ BÓNG?

0
1894

“Điều này nghe có vẻ nguy hiểm à nghe, em chưa nghe ai nói như thế bao giờ cả” là câu trả lời của một anh em cùng lớp dành cho tôi, khi tôi đề nghị anh xắp sếp cho một buổi giao lưu bóng đá giữa đội bóng nơi giáo xứ anh ta đang giúp và đội bóng đá trong trại tâm thần Trọng Đức, nơi tôi đang giúp. Còn bạn, bạn đã bao giờ nghe người bị bệnh tâm thần có thể đá bóng và bạn có tin họ “có thể” đá bóng chứ?

Không chỉ anh bạn trên, nhưng còn có nhiều người khác tỏ ra nghi ngại khi được mời giao lưu bóng đá với người trong trại tâm thần. Cũng phải thôi! Nói đến người bị bệnh tâm thần, người ta thường nghĩ ngay đến những người không thể làm chủ bản thân mình, họ ăn nói lung tung, chửi rủa vô cớ, đánh người vô cớ,… Thế nhưng, bạn đã bao giờ nghĩ rằng cái ranh giới giữa “tỉnh táo” và “tâm thần” khá mong manh không?

Khi vào trại tâm thần để làm công việc “mục vụ mùa hè”, do Tu Hội sai đến, tôi đã gặp ngay một anh bạn đã từng học chung lớp với mình lúc nhỏ. Tôi thầm nghĩ: “Tại sao là anh ta chứ không phải mình bị bệnh? Biết đâu ngày nào đó mình cũng phải ở đây?” Biết đâu được! Tôi có thể bị “tưng tưng” sau một tai nạn, hay do học hành căng thẳng, cũng có khi do ấm ức ai chuyện gì đó. Nơi đây, tôi cũng gặp rất nhiều người với vẻ mặt khôi ngô tuấn tú, nhiều người trong số bệnh nhân đã từng học hành giỏi giang, nhưng… “chạm mạch” sao đấy nên phải vào đây. Thậm chí còn có anh chỉ vì đi thi đại học còn thiếu nửa điểm “nữa” thì đậu, nên anh ta cần “nhập trại”. Đấy là chưa kể nhiều anh bạn vướng phải con đường “ngáo đá”, tệ nạn khá phổ biến nơi giới trẻ hiện nay, bị “không bình thường”, nên họ phải vào đây vừa để chữa bệnh tâm thần, vừa để cai nghiện.

Quay trở lại sân bóng đá nào! Như đã nói ở trên, cái ranh giới “tâm thần” và “tỉnh táo” thật mong manh. Vào trại tâm thần này, nhờ điều kiện cầu nguyện hằng ngày, thuốc men, môi trường thích hợp,… nhiều bệnh nhân tâm thần đã trở lại “tỉnh táo”, khỏe mạnh. Khi ấy, nhu cầu sống của họ không chỉ còn dừng lại ở lại ở chỗ ăn uống cho no, mặc cho ấm thân, nhưng còn là thể dục, thể thao, trong đó có môn bóng đá.

Tập luyện bóng đá, anh em bệnh nhân trong trại  mong muốn có thể phục hồi sức khỏe, hơn thế nữa, họ còn có mong ước được “giao lưu” cùng các đội bóng bên ngoài trại. “Giao lưu”, bạn à, nó không chỉ là thi thố khả năng đá bóng, nhưng còn là sự hòa nhập lại với cộng đồng, là sự đón nhận nhau nữa.

Tôi còn nhớ một ngày nọ, khi nhìn thấy một đoàn người vào thăm trại có vẻ rất sợ sệt những bệnh nhân, một cầu thủ trong “đội bóng tâm thần” đã hỏi tôi: “Thầy ơi, hình như họ có vẻ sợ bệnh nhân tâm thần lắm, thầy nhỉ? Không biết giữa bệnh cùi và bệnh tâm thần, bệnh nào đáng sợ hơn nhỉ?”

Nhiều người không tin bệnh nhân tâm thần có thể hồi phục sức khỏe thể lực và tâm trí, có thể chơi thể thao, có thể trở lại cuộc sống bình thường. Vậy clip này sẽ cho bạn thấy điều đó và câu hỏi lúc này không phải là: “Người tâm thần có thể đá bóng không?” nữa, mà là: “Bạn có chấp nhận cho những bệnh nhân tâm thần có cơ hội hòa nhập lại với cộng đồng hay không?”

FA. Đằng Giao