Người bình thường sao lại vào trong trại tâm thần ?!?
Ngày nọ, hai bệnh nhân trong trại tâm thần Trọng Đức ngồi nói chuyện với nhau. Sau một lúc, câu chuyện chợt “nóng” hơn, và rồi một anh quát:
- Mày điên à?
Anh chàng còn lại trả lời rõ là “tỉnh”:
- Không điên thì đâu phải vào đây đâu.
Đúng là không bị điên thì đâu cần phải vào trại tâm thần làm gì. Thế nhưng, một chuyện lạ ở trại tâm thần Trọng Đức là trong đó có rất đông những người “bình thường”.
Bạn thắc mắc tại sao à? Vậy xin mời các bạn cùng chúng tôi đi một vòng tham quan trại tâm thần.
Mà này, đây mới chỉ là đi tham quan qua videoclip thôi, nếu các bạn muốn tham quan thực sự, “nhìn tận mắt, sờ tận tay,” chúng tôi cần nhắc trước với bạn là: Bạn cần cảnh giác chút xíu đấy! Không phải cảnh giác về việc họ đánh đập gì bạn đâu, mà là nhiều bệnh nhân trông rất giống nhân viên và nhiều nhân viên cũng trông khá giống bệnh nhân đấy. Thế nên, bạn đừng vội vàng quát nạt ai, cũng như cũng như đừng tỏ ra quá sợ hãi mà làm phật lòng những người mình sẽ gặp đấy.
Chúng ta cùng quan sát và các bạn thử đoán xem ai trong số họ là nhân viên, ai là bệnh nhân nhé.
Bạn thấy việc phân biệt một bệnh nhân và một người khỏe mạnh trong nhà tình thương này có có dễ không? Nếu bạn cảm thấy lúng túng thì bạn đang có tâm trạng giống tôi khi mới tới nhà tình thương này. Xin mách nhỏ với bạn rằng trong trại tâm thần này, số bệnh nhân tâm thần làm công việc phục vụ nhiều hơn rất nhiều so với tổng số nhân viên thực thụ và số tình nguyện viên đến giúp.
Chắc hẳn, nhiều người sẽ thắc mắc: Vậy những người bình thường sẽ làm công việc gì trong trại tâm thần này. Xin thưa rằng, những người bình thường có thể giúp cho những bệnh nhân dần dần quay trở lại sinh hoạt như những người bình thường Và hằng ngày, cả bệnh nhân lẫn nhân viên, tình nguyện viên vẫn đang cùng giúp cho trại tâm thần hoạt động được nhờ những công việc bé nhỏ mà họ có thể làm được trong khả năng của mình (Con muốn làm một bông hoa nhỏ…Chúa ơi, những con đường bé nhỏ…)
Nhưng đôi khi, không phải người bình thường giúp bệnh nhân mà chính bệnh nhân lại cho chúng tôi, những người bình thường những bài học nữa. Ngày nọ, tôi đang dọn phòng riêng cho một bệnh nhân già yếu, chợt một anh bệnh nhân trẻ đến gần tôi và nói: “Thầy chăm sóc cho ông già thầy được nhiều ơn lắm, thầy đang giúp Chúa mà.” Nghe thế, tôi mời anh ta giúp tôi dọn phòng cho ông già. Anh ta đã làm cách vui vẻ. Sau đó, tôi đã suy gẫm nhiều hơn về công việc của mình làm. Không ít lần tôi đã nổi nóng với ông già lẩm cẩm ấy để rồi tôi đã quên đi mình đang phục vụ ai. Hôm ấy, anh chàng bệnh nhân chợt nhắc tôi nhớ lời của thánh Vinh Sơn Phaolô: “Phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa Kitô”.
Quả thật, Đức Giê-su đã từng đồng hóa mình với những người bé mọn nhất : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính ta vậy” (Mt 25,40).
Ai là người “anh em bé nhỏ” của Chúa nếu không phải là những bệnh nhân tâm thần? Bởi lẽ: dù xuất thân giàu hay nghèo, họ cũng chẳng thể hưởng được cái giàu nghèo ấy cho trọn; dù ở trong gia đình đông người hay neo đơn, họ cũng chẳng thể ở cùng gia đình cho trọn; dù đã từng thông minh hay ngu dại, họ vẫn đang phải đau khổ vì tâm thần bất định của mình.
Vâng, đau khổ vì bệnh nhân tâm thần không phải là những con người vô cảm, tâm trí họ vẫn còn nhận biết được tình trạng bệnh tật của mình và thế giới xung quanh.
Thế nên, nói ra thì hơi ngược đời, nhưng tôi đang phục vụ “Đức Ki-tô bị tâm thần” ở trong nhà tình thương mà đôi khi tôi lại quên mất.
Chúa đang ở trong nhà tình thương này, mà sự hiện diện của Chúa là điều kiện để một nơi trở thành Thiên Đàng. Tôi còn nhớ mãi, ngày nọ, một anh em trong trại đã khỏi bệnh, được phép tự do ra ngoài và còn phụ giúp cai quản anh em bệnh nhân khác, khi được hỏi:
- Này Lai, cậu có muốn lên Thiên Đàng không?”
Cậu trả lời ngay:
– Không, ở đây vui hơn!
Quả thật, khi mẹ Lai đón cậu về quê nhà ở Hà Tĩnh, chỉ một ngày sau, mẹ cậu đã phải đưa cậu quay trở lại nhà tình thương vì cậu nằng nặc đòi.
Lai đã chẳng hiểu Thiên Đàng là gì, nhưng có điều chắc chắn là cậu coi nhà tình thương này là thiên đường của mình, bởi cậu tìm được ở nơi đây những điều có ở Thiên Đàng: sự bình an, tình yêu của anh em dành cho nhau.
Giống như Lai, không ít bệnh nhân khác khi đã khỏi bệnh và quay về nhà rồi, họ lại quay trở lại đây. Vì bên ngoài căn nhà tình thương này, họ bị nhiều người, thậm chí chính người gia đình mình soi mói, kỳ thị. Hơn nữa, họ nhớ mái nhà tình thương, nơi có anh em của mình cùng vui sống.
Ai đã giúp cho những bệnh nhân yêu quý nơi đây? Chỉ chính họ thôi sao? Không, chúng ta không thể không kể đến sự tận tụy phục vụ, sự yêu thương của những người bình thường dành cho những bệnh nhân.
Nhưng…vẫn còn đó biết bao tiếng gào thét của các bệnh nhân chưa khỏi bệnh, vẫn còn đó bao tiếng khóc than của những con người chưa tìm được sự bình an, hạnh phúc khi ở trong nhà tình thương này cũng như tại chính gia đình họ. Họ vẫn cần, vẫn cần, cần lắm những tấm lòng rộng mở của những người bình thường. Và biết đâu được, có thể những bệnh nhân ấy lại dẫn những người bình thường đến Thiên Đàng bằng con đường yêu thương phục vụ. (Lạy Chúa xin cho con bước đi với Ngài, xin ……..
Đằng Giao