Người thợ mộc thầm lặng

0
1812

Robert P. Maloney, C.M.

Vài năm trước, chị tôi đến Rôma thăm tôi. Khi chúng tôi thăm quan ngôi nhà nguyện nhỏ trong căn nhà đang sống thì chị tôi hỏi: “Thánh Giuse đâu?” Tôi đã bị khựng lại vì chẳng có bất cứ một bức tượng nào của ngài được đặt trong nhà nguyện cả. Về sau, tôi đã cho chị xem một bức tượng thánh Giuse nhỏ bằng đá được đặt ở sân sau nhà (bức tượng được một người anh em của tôi cũng mang tên là Giuse đặt ở đó). Luôn luôn có một cây nến được thắp sáng đặt trước tượng. Chị tôi đã không hài lòng về điều này.

Thánh Giuse hầu như đã không được chú ý đủ. Nhưng nếu chúng ta đọc tường thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu một cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy rằng thánh Giuse cùng với Đức Maria giữ một vị trí trung tâm. Thực ra, trong khi Đức Maria là người nữ chính trong câu chuyện Giáng Sinh và thơ ấu của Chúa Giêsu nơi trình thuật Luca thì thánh Giuse lại giữ vai trò quan trọng trong trình thuật Matthêu. Trong suốt tháng ba, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy ngẫm về con người tuyệt hảo này, người đã đồng hành cùng Đức Maria trong suốt cuộc đời. Vậy cuộc đời của thánh Giuse dạy các tín hữu điều gì?

Những câu chuyện ly kì về thánh Giuse

Hầu hết những gì chúng ta thường nói về thánh Giuse đều xuất phát từ văn phẩm nguỵ thư, những bản chép tay của các Kitô hữu tiên khởi nhưng không được đưa vào quy điển Tân ước. Trong những câu chuyện này, óc tưởng tượng bình dân hầu như lấp đầy các khoảng trống còn thiếu trong Tin Mừng về mặt lịch sử liên quan đến thánh Giuse bằng những giai thoại thú vị. Chẳng hạn thánh Giuse là một ông già. Trong các bức tranh, các ảnh Giáng sinh hay trong các vở kịch về Giáng sinh, thánh Giuse thường được phác họa bằng một nhân vật khá già, râu tóc bạc phơ, trong chuồng bò ở Bethlehem, có khi là một người đàn ông lớn tuổi với một cây gậy trổ hoa, hoặc trong cảnh lâm chung, ngài được vẽ như một gia trưởng tóc bạc được Chúa Giêsu và Đức Mẹ đứng cạnh bên an ủi.

Tuy nhiên, Kinh Thánh không đưa ra một dấu hiệu nào về tuổi của thánh Giuse và cũng chẳng cung cấp thông tin chi tiết nào về thời gian hay địa điểm thánh nhân sinh ra hoặc qua đời. Thay vào đó, những ý tưởng này đến từ Tin Mừng sơ khởi của Giacôbê, một trong những tác phẩm nguỵ thư có ảnh hưởng nhất. Được viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai, Tin Mừng sơ khởi này đã cố gắng dung hòa sự trinh trắng của Đức Maria với các trích dẫn Kinh Thánh về “các anh em” của Chúa Giêsu. Để giải thích, bản văn này đã tưởng tượng Giuse là một người góa vợ già đã có nhiều đứa con, sau khi một con chim câu bay từ cây gậy của ngài và lượn quanh đầu ngài trước sự chứng kiến của thượng tế, thì ngài được chỉ định làm người bảo hộ Đức Maria khi đó mới 12 tuổi.

Không có chỗ nào mà óc tưởng tượng bình dân về thánh Giuse lại phong phú hơn câu chuyện di cư sang Ai Cập của Thánh gia. Huyền thoại Coptic đã kể thánh Giuse chèo thuyền hàng trăm dặm dọc sông Nile khi chạy trốn cùng gia đình. Những câu chuyện khác kể về phép lạ đã làm cho cuộc hành trình trở nên dễ dàng hơn: cây cọ ngả xuống để trái cây nuôi thánh gia; sư tử và báo, thay vì tấn công, đã vẫy đuôi để tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu. Tại Hermopolis, cách Cairo 175 dặm về phía nam, các tượng thần trong các đền thờ ngoại giáo đã đổ ngã khi Giuse đưa gia đình đi ngang qua. Và cách 50 dặm về phía nam, gần Kuskam – được cho là nơi thánh Giuse và gia đình đã ở lại 6 tháng – có hai tên cướp đã bám sát họ, nhưng một tên đã ăn năn sám hối khi nhìn thấy những giọt nước mắt của Đức Maria. Theo truyền thuyết, đó là những tên cướp mà sau này đã bị đóng đinh cùng với Đức Giêsu, và kẻ đã ăn năn chính là “tên trộm lành”.

Nghệ thuật đã minh họa những giai thoại này. Tác phẩm “Dừng chân trên đường sang Ai Cập” của Caravaggio mô tả thánh Giuse đang cầm bản nhạc cho một thiên thần tuyệt đẹp chơi đàn vĩ cầm ru Đức Maria và Chúa Giêsu ngủ. Filippo Lippi, Bartolomeo Murillo and Georges de la Tour cũng đã vẽ lên những cảnh tương tự.

Phúc âm thời thơ ấu bản Syriac-Ả rập và các tác phẩm ngụy tác khác đã tô điểm thêm cho câu chuyện về cuộc đời của thánh Giuse. Người thợ mộc Giuse chế tác những chiếc cày, đòn gánh và những dụng cụ nhà nông khác, cả những chiếc giường gỗ cho các gia đình. Vào năm 40 tuổi, ngài kết hôn với Melcha (có những câu chuyện khác gọi là Escha), và trong suốt 49 năm chung sống thì họ đã có 4 người con trai và 2 cô con gái. Giuse gặp Maria sau khi góa vợ được một năm. Rồi việc truyền tin được diễn ra sau đó hai năm. Giuse được biết đến như một bà đỡ khi Chúa Giêsu sinh ra.

Một tác phẩm nguỵ thư sau cùng không có giá trị lắm là Câu chuyện về người thợ mộc Giuse, được sáng tác vào thế kỷ thứ tư. Câu chuyện này tưởng tượng Chúa Giêsu làm việc bên cạnh Giuse tại xưởng mộc và sau đó chăm sóc Giuse trong những ngày cuối đời. Giuse luôn khỏe mạnh và tỉnh táo mãi đến năm 111 tuổi thì ngài ngã bệnh và thú nhận mọi tội lỗi của mình vào phút lâm chung. Tại đó, ngài đã được Chúa Giêsu và Mẹ Maria an ủi. Sau đó, Chúa Giêsu vẫy gọi các tổng lành thiên thần Micae và Gabriel đón nhận linh hồn Giuse.

Thánh Giuse lịch sử

Giáo Hội sơ khai đã bác bỏ những bản văn này, mặc dù chúng có một giá trị nào đó như những biểu hiện của trí tưởng tượng tôn giáo bình dân. Ngày nay, chúng ta cũng nhận thấy nhiều câu chuyện ngụy tác này thì quá là kỳ dị xét về mặt lịch sử.

Các chi tiết lịch sử xác đáng được cung cấp ít ỏi trong Tân Ước, chúng ta chỉ còn lại một phác thảo chung chung về thánh Giuse. Có thể chỉ ra rằng ngài thuộc dòng dõi Đavid, ít nhất là theo nghĩa rộng. Có bằng chứng cho thấy ngài xuất thân hoặc từ Bethlehem hoặc từ Nazareth. Ngài làm thợ mộc và Chúa Giêsu cũng tiếp nối nghề này từ ngài. Ngài nói tiếng Palestine, một phương ngữ Aram, mặc dù ngài có thể đã biết tiếng Hy Lạp đủ để mặc cả hay viết biên lai trong công việc của mình. Nhiều khả năng Giuse cũng hiểu được chút ít tiếng Do Thái mà ngài nghe đọc trong hội đường. Theo Tân ước, Giuse đã đính hôn hợp pháp với Maria khi cô còn rất trẻ. Đó là phong tục lúc bấy giờ. Sau đó, Giuse thành hôn với cô, bất kể bào thai bí ẩn của Maria và trở thành người cha hợp pháp của Đức Giêsu. Giuse là người công chính, ngay thẳng và nhiệt tâm với Lề Luật nhưng cũng rất nhân từ trong việc giải thích Luật. Người đồng hành cùng Đức Maria trong các biến cố xoay quanh việc sinh hạ và vào những năm đầu đời của Chúa Giêsu. Giuse định cư gia đình ở Nazareth. Cùng với Đức Maria, Giuse đã coi sóc giáo dục đức tin cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, đến thời điểm Đức Giêsu thi hành sứ vụ công khai thì thánh Giuse lại hoàn toàn biến mất. Rõ ràng, ngài đã qua đời trước thời gian này mặc dù không có chi tiết nào về cái chết của ngài.

Một đối tượng để suy gẫm

Năm này qua năm khác, Giáo Hội trình bày thánh Giuse như là một đối tượng để suy gẫm, đặc biệt trong suốt tháng ba. Có ba khía cạnh được Tân Ước phác hoạ về thánh Giuse đáng để chúng ta chú ý.

Đầu tiên, chủ đề trung tâm của Tin Mừng: giống như Đức Maria, thánh Giuse đã lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Ngài  không bao giờ lên tiếng. Nhưng trong Tin Mừng Matthêu, Chúa đã nói với ngài vào bốn thời điểm quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu và trong mỗi trường hợp, thánh Giuse đều đáp lại ngay tức khắc. Khi sứ thần nói với thánh Giuse đừng sợ lấy Maria làm vợ, ngài đã đón Maria về nhà. Khi được báo phải đưa Hài nhi Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, thánh Giuse đã rời đi ngay trong đêm đó. Cũng vậy, sau đó, ngài đã trở về Israel theo sự chỉ dẫn của sứ thần. Và khi được báo trong giấc mộng là không được đến Giuđêa, thánh Giuse đã lập tức thay đổi lộ trình và đưa gia đình qua Galilê. Sự đáp trả trung thành bền bỉ của thánh Giuse đối với các lệnh truyền của Thiên Chúa tương đồng với việc dâng mình của Đức Maria trong Tin Mừng Luca. Cả hai đều biết cách lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

Thứ hai, trong Tin Mừng Matthêu, hết lần này đến lần khác, thánh Giuse được đưa ra trước mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, đôi khi với một chút do dự, nhưng luôn mau mắn, và ngài đối diện với mầu nhiệm ấy bằng đức tin. Chắc chắn là Giuse không hiểu được việc thụ thai trinh khiết của Đức Giêsu. Nhưng từ bóng đêm của sự hiểu biết hạn hẹp, ngài đáp lại mầu nhiệm của Thiên Chúa với lòng kính sợ và vâng phục, trong khi dung hoà việc tuân giữ Lề Luật cách nghiêm ngặt với tình yêu thương trắc ẩn và cúi đầu thành khẩn trước những đường lối khó hiểu của Thiên Chúa. Thánh Giuse không sao hiểu được làm thế nào mà trẻ nhỏ này, nhìn thì cũng giống như bao đứa trẻ khác, lại là “Thiên Chúa ở giữa chúng ta”, tuy nhiên, trong đức tin, thánh Giuse đã từ bỏ chính mình để thi hành nhiệm vụ yêu thương và giáo dục con trẻ này.

Thứ ba, cuộc sống của Giuse chìm đắm trong những liên hệ hằng ngày với thế giới xung quanh. Ngài mà không tách rời thế giới. Thực vậy, cuộc sống của thánh gia Nazareth khác xa với đời sống đan viện thôn dã mà chúng ta thường hình dung. Thánh Giuse là một thợ mộc, một người thợ thủ công chế tác đồ đạc và chạm khắc các vật khác, đồng thời ngài cũng dành thời gian để dạy con trai về nghề mộc ấy. Giống như nhiều tín hữu trong suốt dòng lịch sử, thánh Giuse song hành với Chúa trong vai trò là người đàn ông trong gia đình, làm việc trong xưởng mộc và sống ở nhà với Đức Maria và Đức Giêsu. Thánh Giuse đã kết hợp cầu nguyện, làm việc chăm chỉ và chu toàn trách nhiệm làm chồng, làm cha.

Giáo Hội mời gọi chúng ta đổi mới tình yêu của chúng ta đối với lời Chúa. Đối với thánh Giuse, cũng như đối với Đức Maria, hiền thê của ngài, việc chú tâm đến lời Chúa được xem là tối quan trọng. Tấm gương của ngài đòi chúng ta phải tự chất vấn: Liệu rằng lời Chúa có thực sự là trung tâm cho cuộc đời chúng ta hay chỉ là cho thánh Giuse mà thôi? Liệu Lời Chúa có là nước đem lại sự sống cho chúng ta khi mà con tim và tâm trí chúng ta đã ra khô cằn (Isaia)? Lời Chúa có là cái búa để đập tan sự ù lì của chúng ta không (Giêrêmia)? Lời Chúa có phải là thức ăn ngọt hơn mật ong trong những lúc cuộc sống trở nên đắng cay (Thánh vịnh)? Lời Chúa có phải là con dao hai lưỡi vừa cắt tỉa người khác lại vừa cắt tỉa chúng ta không (Thư Do Thái)?

Hãy tưởng tượng xem thánh Giuse cảm thấy như thế nào khi đứa con trai bí ẩn của mình sắp chào đời: bối rối, phấn khích, sợ hãi. Tuy nhiên, trong tình trạng bối rối ấy, Lời Chúa lại là sức mạnh nâng đỡ ngài. Đức tin sâu sắc đem lại ánh sáng cho ngài giữa bóng tối và cho phép ngài nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thế giới bị thống trị bởi đau khổ, thiếu thốn và bạo lực.