Người trẻ và câu chuyện Emmaus – Lời Chúa – Chúa Nhật thứ III Phục Sinh

0
2746

(Bài Ðọc I: Cv 2,14. 22-28; Bài Ðọc II: 1 Pr 1,17-21; Phúc Âm: Lc 24,13-35)

Có lẽ câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmaus là một trong những câu chuyện Kinh Thánh hay nhất trong Mùa Phục Sinh. Câu chuyện này đã gây cảm hứng cho vô số những con người, không phải chỉ về mặt tác động thiêng liêng, mà cả về mặt tác động nghệ thuật, thơ ca, hội họa và âm nhạc. Chẳng hạn, linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã sáng tác bài hát “trên đường Emmau”, bài hát mà tôi đã rất thích nghe khi còn học phổ thông.

Cũng chính vì có rất nhiều cảm hứng từ câu chuyện này, nên có thể sẽ có rất nhiều bài học được rút ra từ bài đọc này. Thế nhưng, với tôi, trong bầu khí của năm phụng vụ đồng hành với người trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện, nên tôi chỉ xin chia sẻ đôi ba tâm tình về ý tưởng đồng hành với người trẻ trong cuộc sống mà được rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay.

Bài đọc 1: sách Công Vụ Tông Đồ mô tả về việc thánh Phêrô đứng lên giữa đám đông trong ngày Lễ Ngũ Tuần để rao giảng về Đức Giêsu, Đấng mà dân chúng đã từng biết, từng sống với Ngài, nhưng rồi đã kết án Ngài cho đến chết và nay, Thiên Chúa đã cho Ngài phục sinh vinh hiển.

Bài đọc 2: thư thứ nhất của thánh Phêrô khẳng định về ơn cứu độ của con người, nó không đến từ bất cứ điều già khác, mà được cứu độ bằng chính Máu Châu Báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền.

Tôi có cảm nhận bài Tin Mừng hôm nay thật thích hợp để suy nghĩ về vai trò giáo dục của tất cả những ai đang đồng hành với người trẻ như là linh mục, tu sĩ nam nữ, thầy cô giáo hay cả các bậc cha mẹ… hay nói rộng ra, câu chuyện là một mô hình cho những ai trong vai trò là người giáo dục người trẻ.

Hình ảnh đầu tiên có lẽ ấn tượng nhất trong câu chuyện đó là khuôn mặt buồn bã, thất vọng của hai người môn đệ “các anh có chuyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” (Lc 24,17) Nỗi buồn lộ rõ trên khuôn mặt đến độ người khác có thể dễ dàng nhận ra.

Và lý do thì rất rõ ràng “chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel” (Lc 24,19-20)

 Niềm hy vọng của họ giờ đã tan vỡ, vì họ nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mêssia, thế mà cũng đã chết như một tội phạm.

Nhiều người trẻ ngày hôm nay, cách đặc biệt là với các học sinh, sinh viên, công nhân hay thậm chí các chủng sinh hay các người trẻ đang theo đuổi ơn gọi trong các học viện dòng tu, cũng mang một tâm trạng buồn bã, thất vọng và vỡ mộng trong đời sống cá nhân. Một số là vì hoàn cảnh gia đình chia ly tan vỡ; một số vì gia đình nghèo đói hay anh chị em thất nghiệp, bố mẹ bệnh tật; một số vì muốn xây dựng những ước mơ nhưng điều kiện không cho phép; số khác thì bị chi phối bởi người lớn hay bề trên khi bị bắt buộc điều này hay điều kia; hay tự ty bản thân về một điều gì ấy và gần đây nhất, trong bối cảnh hiện tại thì tình trạng dịch bệnh, thất nghiệp rình rập phía trước.

Giống như hai môn đệ, nhiều người trẻ cũng khởi đầu cuộc hành trình của mình với khuôn mặt rầu rĩ, lo lắng và thất vọng. Vì thế điều này đã gợi lên cho tôi một vài suy nghĩ khi đồng hành với người trẻ:

Một là, dành thời gian cho người trẻ: ngay trong giây phút đang bước đi trong buồn bã, thất vọng thì Đức Giêsu đã nhập cuộc và bước đi với hai môn đệ. Dù họ không nhận ra Ngài, thế những Ngài gợi cho họ câu hỏi: “các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Lc 24,17) Ngài muốn biết những gì đang diễn ra trong tâm trí họ. Ngài muốn tìm hiểu về hoàn cảnh của họ lúc này là gì. Ngài bắt đầu cuộc hành trình với họ mà không có bất kỳ phán xét nào. Ngài bước đi với họ bằng một cuộc đối thoại. Ngài lắng nghe và chia sẻ tâm trạng với họ.

Chìa khóa đầu tiên trong việc giáo dục người trẻ là cần có một sự hiểu biết về hoàn cảnh hay tình trạng của chúng. Người ta có thể làm điều này bằng cách đọc sách về người trẻ, tìm hiểu tâm lý học, dự các khóa huấn luyện người trẻ… Nhưng cách tốt nhất mà ngày hôm nay Chúa Giêsu đã dùng để tiếp cận hai người môn đệ, là Ngài đến và nhập cuộc với họ, đồng hành với họ, lắng nghe những bận tâm trong trái tim họ và nói chuyện với họ.

Để là một nhà giáo dục hiệu quả cho người trẻ các nhà giáo dục cần dành thời gian cho người trẻ. Cần cho người trẻ thời gian để chúng có thể tiếp cận nhà giáo dục. Vì chỉ khi “lãng phí thời gian” với người trẻ, người ta mới có thể hiểu thế giới quan của người trẻ về cuộc sống. Điều này thì không giới hạn chỉ trong lớp học, nhưng cần hiện diện để gặp người trẻ ở “nơi của chúng”, nó có thể trên đường phố, nơi lớp học năng khiếu, gác đàn nhà thờ, sân bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, hay bất cứ nơi nào mà người trẻ “tìm thấy chính mình.”

Hai là, giúp người trẻ khám phá ra ý nghĩa mới trong những kinh nghiệm thường ngày: Đức Giêsu không chỉ nghe các nỗi bận tâm của hai môn đệ. Những đến giữa hành trình, Ngài đã bắt đầu giải thích Kinh Thánh cho họ “giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người” (Lc 24,27). Ngài giúp họ khám ra ý nghĩa qua những kinh nghiệm, qua những cảm xúc, nỗi niềm của họ. Chúa Giêsu vẫn thường ngồi ăn với họ, cũng bẻ bánh và chia bánh cho họ, thế nhưng hôm nay qua cử chỉ “bẻ bánh” họ lại nhận ra Ngài. Đấy chẳng phải là một ý nghĩa mới mẻ của cử chỉ này sao?

Một trong những vai trò quan trọng trong giáo dục là người thầy, người cô cần giúp học trò của mình nhận ra được những ý nghĩa của những kinh nghiệm của chúng, hay những gì đang diễn ra nơi bản thân chúng. Sự khôn ngoan của nhà giáo dục có thể giúp soi sáng hay tháo gỡ những thắc mắc đang có nơi người trẻ. Những điều này không có nghĩa là “lên lớp” hay “huấn đức” nhưng là một cuộc đối thoại của những con tim với nhau.

Điều này được thấy rất rõ trong kinh nghiệm Emmaus hôm nay “dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32) Một cảm xúc rất “chạm” của một sự đồng hành cách thân mật và tích cực.

Để làm được điều này, tức tìm ra ý nghĩa của những kinh nghiệm về cuộc sống nơi người trẻ đòi hỏi nhà giáo dục cần bước vào một cuộc đối thoại cởi mở và cho phép người trẻ “nói”, “phát biểu” hay chia sẻ hoài bão hay ước mơ của chúng.

Và điều quan trọng là nhà giáo dục cần mạnh bạo chia sẻ những gì liên quan đến đức tin, về Thiên Chúa, về chân lý, về đời sống cho chúng. Điều này đi từ bài học mà Chúa Giêsu đã làm, Ngài hiểu nỗi đau khổ của họ, những đồng thời Ngài cũng giải công trình của Thiên Chúa được thực hiện trong nỗi đau khổ của họ “chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” (Lc 24,26). Hay nói khác đi là Chúa Giêsu giúp họ hiểu ý nghĩa mới của những gì mà họ đang đối diện và nó thì khác với suy nghĩ của họ.

Ba là, tạo sự quyến luyến nơi tâm hồn người trẻ: Trên con đường về Emmaus, lúc đầu, Chúa Giêsu chỉ là một người xa lạ, rồi dần dần trở nên người đồng hành, rồi cuối hành trình là một người bạn. Hai môn đệ mời người bạn đồng hành ở lại với họ “mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (Lc 24,29). Họ biết sự nguy hiểm sẽ xảy ra nếu tiếp tục cuộc hành trình trong đêm. Họ đã cởi mở con tim của mình cho người bạn đồng hành Giêsu và chỉ cho thấy nỗi quan tâm của họ. Thế là một tình bạn, một tình thân được khai sinh.

Người trẻ rất tinh tế và nhạy cảm để nhận ra những thầy cô giáo, sơ giáo, cha giáo hay vị phụ trách mình là người chân thành hay giả dối. Chúng thường bảo vệ bản thân mình khỏi cái nhìn của những người giáo dục họ. Chúng thường cân đong cảm xúc, tình yêu thương mà những nhà giáo dành cho chúng. Và có lẽ, họ thường nhắn nhủ mình rằng, những người phụ trách này thực sự quan tâm đến mình hay là vì một điều gì khác. Niềm vui của một tiến trình giáo dục đích thực đến từ một mối tương quan, một tình bạn đích thực.

Giống như hai môn đệ, đó là một niềm vui lớn lao trong đào tạo khi các người làm công tác giáo dục nhận được nơi người trẻ lời nài nỉ rằng: hãy ở lại với chúng con, hãy tiếp tục hướng dẫn đời sống chúng con, hãy dạy dỗ chúng con và làm bạn với chúng con.

Nhưng Chúa Giêsu không chỉ ước muốn để chỉ là một người bạn như các môn đệ nghĩ “đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người” (Lc 24,30-31).

Thế nhưng, nhà giáo dục không ảo tưởng mà nghĩ rằng, mục đích của giáo dục chỉ là để có một tình bạn với người trẻ, người mà họ đang hướng dẫn và tín thác nơi họ. Nhưng giống như Chúa Giêsu, nhà giáo dục phải làm sao đạt được mục đích, là “mở mắt” cho người trẻ để rồi họ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ngay giữa cuộc sống của chúng.

Đối với môi trường xã hội, giáo dục thì không chỉ nhắm giúp người trẻ thấy được cần phải thành công trong cuộc sống hay kiếm được nhiều tiền hay có công việc tốt…

Đối với môi trường Kitô giáo hoặc đối với ứng sinh trong chương trình đào tạo chủng viện, học viện dòng tu, thì giáo dục không chỉ nhắm đạt kiến thức thần học hay triết học hay giáo lý. Hay điều gì khác… Nhưng trong cả hai môi trường, phải cho người trẻ thấy rằng cuộc sống thì còn nhiều điều quan trọng và thiêng liêng hơn tất cả những thứ đó. Nhà giáo dục phải cố gắng để sao cho những người thụ huấn với mình tránh được những thứ, mà trong bài đọc II thánh Phêrô gọi là “nếp sống phù phiếm.”

Bốn là, mang người trẻ trở lại cuộc sống với tinh thần mới: cuộc hành trình đi về làng Emmaus thực sự đã không kết thúc ở Emmaus nhưng lại là khởi đầu hành trình trở lại Giêrusalem. Nhưng cuộc trở lại Giêrusalem lần này chất chứa đầy cảm xúc đã được canh tân trong đức tin và tinh thần hứng khởi, vì hai môn đệ đã trở nên chứng nhân của quyền năng phục sinh của Chúa. Họ đã vội vàng và loan báo với các môn đệ còn lại “thật Chúa đã sống lại”, nỗi buồn và sự thất vọng của họ đã tan biến.

Những nhà giáo dục tốt là những người truyền trao được cho sinh viên của mình một sự khích lệ, một cảm thức canh tân, một tinh thần mới khi nhìn vào đời sống. Đó là niềm vui khi nhà giáo dục thấy sinh viên hay học sinh của mình đến lớp với khuôn mặt hứng khởi, tự tin và kiên quyết để đối mặt với những thách đố, lo lắng buồn phiền của cuộc sống. Có thễ, chúng vẫn còn một vài dấu vết của buồn thảm, thất vọng, lo lắng…nhưng bây giờ với sự hiện diện của những người giáo dục chúng cách thân thiện và gần gũi, chúng có thể sống niềm cảm xúc trẻ trung của mình trong tinh thần hứng khởi mới mẻ.

Quả thật, như hai môn đệ đã chia sẻ cảm xúc của họ với nhau “phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” (Lc 24,32). Vì thế nhà giáo dục cũng được mời gọi để làm cho con tim của những học trò của mình ngập tràn hứng khởi và niềm vui để học tập và sống tuổi trẻ của mình trong hạnh phúc, trong sự tin tưởng, thân mật, vui tươi và gắn bó với người giáo dục mình, dù có phải đối mặt với khó khăn thử thách.

Một chút suy tư ngắn gọn để sống tâm tình Lời Chúa của Chúa Nhật thứ III Phục Sinh năm nay trong niềm vui đất nước đã không còn bị cách ly và dịch bệnh cũng đang giảm dần ở nhiều nơi trên thế giới. Tạ Ơn Chúa!

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM