Người Trẻ Và Những Bách Hại Đức Tin Hiện Đại – CHÚA NHẬT XXXII TN – NĂM C

0
896

(Bài Ðọc I: 2 Mcb 7, 1-2. 9-14; Bài Ðọc II: 2 Tx 2, 15 – 3, 5; Phúc Âm: Lc 20, 27-38)

Chỉ còn lại hai Chúa Nhật nữa là Giáo hội bước sang năm phụng vụ mới. Các bài đọc Lời Chúa của các tuần cuối này luôn nhắc nhở người Kitô hữu về sự tỉnh thức và sẵn sàng trong niềm tin. Cả ba bài đọc Chúa Nhật hôm nay cũng có điểm chung đó những nhấn mạnh hơn đến niềm tin vào sự sống đời sau, vào niềm tin phục sinh.

Bài đọc 1: Bài đọc I sách Maccabê nằm trong bối cảnh của Cựu ước. Đó là quang cảnh tử đạo của tất cả những người con của một bà mẹ để nói lên sự trung thành với lề luật và niềm tin vào Thiên Chúa. Họ là những người trẻ, rất trẻ nhưng đức tin của họ thật mãnh liệt kiên cường. Họ dám chết, dám đánh đổi mạng sống để làm chứng cho Chúa và niềm tin vào vào sự sống lại. Hình ảnh này gợi lên cho tôi những lời đầy khích lệ của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong số đầu tiên của Tông Huấn Về Người Trẻ trong xã hội hôm nay. Những lời đầu tiên trong Tông huấn Christus Vivit (Đức Kitô hằng sống) là những lời nói về Đức Kitô phục sinh “Đức Kitô hằng sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách kỳ diệu Người mang sự tươi trẻ đến cho thế giới chúng ta, và mọi sự được Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, đầy tràn sức sống. Vì thế, lời đầu tiên cha muốn nói với tất cả các bạn trẻ Kitô hữu là lời này: Đức Kitô đang sống và Người muốn các con cũng sống thực sự!” (# 1). Lời ngỏ của Đức Giáo Hoàng với người trẻ thật cảm động khi khơi lên cho họ về niềm tin vào Đức Kitô hằng sống. Có lẽ, những lời của người trẻ thứ thư trong bài đọc I hôm nay đã nói lên niềm hy vọng đó : “Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu.” Tôi và các bạn có dám chết cho chính mình để sống cho Thiên Chúa trong thế giới ngày nay hay không?

 

Người trẻ công giáo hôm nay đang được mời gọi làm sống lại tinh thần Tin Mừng này, đó là Tin Mừng vào Đức Kitô hằng sống. Người là niềm hy vọng và cùng đích của sự kiếm tìm của một đời người. Có quá nhiều những điều cuốn hút người trẻ hôm nay quên đi niềm xác tín này. Đời sống của người trẻ ngập tràn những nhu cầu, những khát khao và những đam mê. Đầy rẫy những “thứ thịt heo” thời đại là lối sống ích kỷ, là trác táng, là những trò tiêu khiển bệnh hoạn, những lối sống kém lành mạnh và khiếm khuyết sự thiện. Những thứ này đang cám dỗ người trẻ, để làm cho họ không còn trung thành với lề luật mà Thiên Chúa đã mời gọi họ sống. Sự thánh thiện và lòng khao khát hạnh phúc vĩnh cửu đã không còn có vị trí nào trong tim, trong trí của họ và cuối cùng một số người trẻ đã không còn sống niềm tin vào đời sau. Đôi khi họ đã bị bắt ép để “ăn” thứ thực phẩm bẩn ấy. Có thể coi đó là những hình thức bách hại đức tin mới trong thế giới ngày nay. Đấy là một thách đố cho tôi và cũng là người trẻ hôm nay khi chống lại những “thứ thịt heo” thời đại đó, để sống đẹp một đời sống luân lý Kitô giáo. Cuộc bách hại mới này cũng khủng khiếp như thời xưa nhưng với hình thức khác. Những người trẻ trong bài Đọc I đã sống đẹp lý tưởng tôn giáo của mình. Họ đã làm cho đức tin tỏa sáng khi kiên quyết sống theo lề luật của Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng những người Sa-đốc là những người đã không tin vào sự sống lại đã tìm cách thử Chúa Giêsu. Họ muốn tìm kiếm câu trả lời thất bại của Chúa Giêsu để minh chứng cho niềm tin của họ. Họ nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ không có lối thoát cho câu hỏi về sự sống đời sau và như vậy họ sẽ thắng cuộc. Hình ảnh đó của phái Sa đốc dường như vẫn còn đó nơi những con người thời đại. Họ tìm cách chứng minh rằng cuộc sống đời sau là hão huyền. Thiên đàng là ở đây, vì vậy hãy thỏa mãn tất cả những gì mà đang có ở đời này. Đấy là một hình thức của một thứ Ngộ đạo thuyết hiện đại mà trong Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) của Đức Thánh Cha Phanxicô về lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay đã xác định “Ngộ đạo thuyết là một trong những ý thức hệ tai hại nhất, bởi vì trong khi đề cao quá đáng sự hiểu biết hay một kinh nghiệm chuyên biệt nào đó, thì nó coi cái nhìn của nó về thực tại là toàn hảo. Vì thế, có lẽ thậm chí chính nó không ngờ, ý thức hệ này dựa trên chính nó và trở thành càng cận thị hơn. Nó có thể trở thành ảo tưởng hơn nữa khi nó mang cái mặt nạ của một linh đạo thuần thiêng. Vì ngộ đạo thuyết “tự bản chất nó tìm cách làm chủ mầu nhiệm”, dù đó là mầu nhiệm Thiên Chúa và ân sủng của Ngài hay đó là mầu nhiệm đời sống của người khác.” (# 40) Đó là những tư tưởng thời đại dựa trên những giải thích thuần lý trí và đánh mất cái cốt tủy của mầu nhiệm Thiên Chúa trong đời sống con người.

Vậy tôi cũng như các bạn trẻ đọc được điều gì từ những bài đọc hôm nay? Có lẽ bài đọc II trích thư của thánh Phaolô gởi cho tín hữu Thêxalônica là những gì dạy tôi cần phải sống “Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ðấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.” Làm cho tâm hồn bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành, đấy là điều thánh Phaolô mời gọi để sống trong khi chờ đợi niềm hy vọng sau hết là sự sống đời đời với Thiên Chúa.

Cả ba bài đọc hôm nay như những ngọn nến đang sáng soi vào tâm hồn tôi để củng cố cho tôi niềm hy vọng vào Thiên Chúa và Đức Kitô phục sinh. Đức Kitô là nguyên lý của cuộc đời tôi, Người đang sống và Người mời gọi tôi sống như Người “Đức Kitô đang sống và Người muốn các con cũng sống thực sự!” như Đức Giáo Hoàng đã nói với người trẻ và cũng là cho tôi hôm nay. Nhưng để được điều này đòi hỏi nơi bản thân mỗi người trẻ trong đó có tôi phải can đảm và bạo dạn sống đức tin trong thời đại ngày nay. Kiên quyết từ chối những hành động, những lối sống, những đòi hỏi trái ngược với đời sống luân lý và đức tin của người Kitô hữu.

Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, C.M