Nguy hiểm của “sự khẩn thiết trong việc tông đồ”

0
567

Jeffrey A. Mirus

Linh hồn của việc tông đồ là Sự hiện diện

Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều biết những người quá đầu tư vào công việc của họ đến nỗi họ có rất ít thời gian cho việc khác. Đây có thể là cách họ định nghĩa về thành công, thành công tự nó là điều rủi ro, nhưng có một sự mất cân bằng tương tự như thế trong đời sống Kitô hữu. Bạn cũng từng biết những giáo dân làm việc quá chăm chỉ trong nhiều công việc tông đồ đến nỗi họ dường như mất cân bằng một cách nào đó? Bạn đã gặp những linh mục và tu sĩ có công việc tông đồ đặc biệt tiêu tốn gần như toàn bộ thời gian của họ không? Có lẽ bạn thậm chí thấy mình bị mắc vào cùng một cái bẫy này.

Nếu vậy, thì bạn tìm đến đúng nơi rồi đấy. Tôi đã tiếp xúc với nhiều người nam và nữ nhiệt thành, họ gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa những gì họ coi là việc tông đồ hay sứ vụ Công giáo với những trách nhiệm còn lại của họ. Trong thực tế, khi nhìn vào gương, tôi thấy có người đã thoát khỏi cái bẫy này (hoặc ít nhất là tôi tin) sau một thời gian dài. Tôi đang đề cập đến những nguy hiểm của một đời sống dựa trên nguyên tắc “sự khẩn thiết trong việc tông đồ”.

Ý tôi muốn nói ở đây là điều mà chúng ta có thể gọi là một lựa chọn ưu tiên cho việc tông đồ so với ơn gọi. Dễ dàng thấy được tầm quan trọng của công việc tông đồ. Mùa gặt thật bát ngát và thợ gặt thì ít. Chúng ta dễ dàng bị thuyết phục rằng có ai đó phải tiếp tục hoàn tất công việc này. Nếu chúng ta có cảm thức sâu sắc về trách nhiệm thiêng liêng, chúng ta có thể cảm thấy rõ ràng phẩm giá của chúng ta sẽ bị hạ thấp nếu chúng ta tránh né làm việc tông đồ vốn dĩ đang đòi hỏi cấp bách. Nhưng ý thức về phẩm giá tông đồ này cũng có thể khiến chúng ta gặp rắc rối. Chúng ta có thể nhận thấy rằng những nỗ lực tông đồ của chúng ta bắt nguồn từ một kiểu cầu nguyện sai lầm — một kiểu cầu nguyện bắt đầu rằng: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì con không giống như những người khác” (Lc 18,11).

Cám dỗ lớn của nguyên tắc “sự khẩn thiết trong việc tông đồ” này chủ yếu dựa vào nỗ lực của chính chúng ta, như thể công việc tông đồ mà chúng ta đã đặt ra cho mình cách nào đó là không thể thiếu đối với Nước Thiên Chúa. Công việc này nhanh chóng trở nên gắn liền với bản sắc riêng của chúng ta. Không có sự hy sinh nào là quá lớn và việc thất bại trong công việc của Thiên Chúa là điều không thể tưởng tượng được. Nếu phải mất nhiều giờ và cống hiến cho mục đích duy nhất để thiết lập Vương quốc Thiên Chúa, thì hãy cứ chấp nhận như vậy. Nếu nhìn thấy ma quỷ, chúng ta sẽ không bao giờ chớp mắt.

Đáng buồn thay, những thái độ như vậy thật tai hại và nguy hiểm, vì bài học đầu tiên của mọi hình thức làm việc tông đồ chỉ đơn giản là:

Ví như Chúa chẳng xây nhà,
thợ nề vất vả cũng là uổng công.
Thành kia mà Chúa không phòng giữ,
uổng công người trấn thủ canh đêm.

Bạn có thức khuya hay dậy sớm,
khó nhọc làm ăn cũng hoài công.
Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ,
Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng.
(Tv 127,1-3)

Tôi không lên án ai ở đây. Chính bản thân tôi cũng là một ví dụ xấu về điều này. Phải mất một thời gian dài tôi mới nhận ra rằng tôi hoàn toàn không thể giải thích với vợ và các con rằng tôi không thể cho họ thời gian họ cần – tôi không thể cho họ sự hiện diện cá nhân mà họ cần – vì yêu cầu về “công việc tông đồ của tôi”.

Ơn gọi và sự hiện diện

Hy vọng rằng mối nguy hiểm của “Nguyên tắc về sự khẩn thiết trong việc tông đồ” giờ đã đủ rõ ràng. Nhưng vì chúng ta cũng biết rằng việc tham gia vào công việc tông đồ thực sự quan trọng, nên chúng ta vẫn có thể băn khoăn không biết làm thế nào để biện phân bao nhiêu là quá nhiều. May mắn thay, Thiên Chúa và Giáo hội ban cho chúng ta một nguyên tắc cơ bản của cuộc sống, nếu tuân theo, sẽ giúp chúng ta phân định và quyết định dễ dàng hơn nhiều. Nguyên tắc này rất đơn giản: Ơn gọi luôn luôn vượt trội hơn việc tông đồ.

Nếu chúng ta đã kết hôn, ơn gọi của chúng ta phải là sống như một người vợ/chồng tốt lành, nếu chúng ta được chúc lành có con cái thì chúng ta phải là một người cha/mẹ tốt lành. Điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách hiện diện với Thiên Chúa và với gia đình của chúng ta. Nếu chúng ta là linh mục, ơn gọi của chúng ta là hướng dẫn đoàn chiên của Chúa Kitô. Điều này chỉ có thể hoàn thành bằng cách hiện diện với Thiên Chúa và với những người đã được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Ơn gọi của các phó tế vĩnh viễn là thừa tác vụ phục vụ, cũng đòi hỏi phải hiện diện với Thiên Chúa và với những người mà họ phục vụ; nhưng đối với các phó tế đã lập gia đình, việc phục vụ này phải phụ thuộc vào ơn gọi hôn nhân của họ. Nếu chúng ta đang sống trong đời sống thánh hiến, ơn gọi của chúng ta là tập trung vào Thiên Chúa trong cách sống cụ thể mà chúng ta đã được kêu gọi. Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách hiện diện với Thiên Chúa thông qua các đặc sủng trong cộng đoàn, đối với những linh hồn mà chúng ta đã được kêu gọi để phục vụ và phải phù hợp với luật sống của chúng ta.

Nhìn chung, những giáo dân độc thân chưa thánh hiến được xem xét trong một phạm vi rộng hơn. Nhưng họ ít bị hạn chế hơn bởi vì đời sống ơn gọi của họ không xoay quanh một cộng đoàn đã được thiết lập sẵn. Linh hồn của người tông đồ luôn luôn là một kiểu “hiện diện” với người khác để đưa họ tiếp xúc với Đức Giêsu Kitô vì “không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nhưng vì những người ở tình trạng độc thân chưa được thánh hiến không thể thoát ra khỏi chính mình bởi người phối ngẫu, giám mục hoặc cộng đoàn mà họ là thành viên, thì sự cởi mở với chiều hướng thiêng liêng là cực kỳ quan trọng.

Một lần nữa, ơn gọi luôn vượt trội trên việc tông đồ. Tôi đã gợi ý những nguy hiểm cho những người chồng và người vợ khi bỏ qua nguyên tắc này. Nhưng những nguy hiểm tương tự áp dụng cho tất cả. Chẳng hạn, một linh mục có thể bị cám dỗ làm cho công việc tông đồ của mình được ưa thích hơn cả trên lợi ích cho các linh hồn đang cần đến mình, sự cam kết của linh mục đó với giám mục và nhiệm vụ mà giám mục giao phó. Và có bao nhiêu tu sĩ đã bỏ mặc hoặc phá hủy cộng đoàn của họ, gạt sang một bên các đặc sủng được thành lập nhân danh một số dịch vụ xã hội “quan trọng” mà họ coi là “hoạt động tông đồ” của họ?

Ngoài ra, chúng ta cũng thường thấy “tông đồ” dưới dạng “công việc” nghĩa là, tài chính cần được bảo đảm (rất có thể từ chính phủ!) Và các nhiệm vụ phải được hoàn thành. Những người đã đăng ký trên CatholicCulture.org chắc chắn được nhắc nhở về mối nguy hiểm tiềm tàng mỗi khi tôi gửi thông điệp gây quỹ. Nhưng ơn gọi của chúng ta trước hết được hoàn thành nhờ sự hiện diện, và các kế hoạch và mục tiêu tông đồ cụ thể của chúng ta không được phép làm gián đoạn sự hiện diện mang tính ơn gọi nền tảng này. Hơn nữa, sự hiện diện với những người khác trong những ranh giới ơn gọi này là tiêu chuẩn đánh giá không thể thiếu được cho mỗi công việc tông đồ.

Khi Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta tham gia một số hoạt động, công việc hoặc việc tông đồ cụ thể, Ngài chỉ muốn sử dụng sự hiện diện trung gian của chúng ta như một cách để người khác mở lòng với chính Ngài hơn. Danh sách những thành tích bên ngoài không bao giờ là vấn đề quan trọng. Thậm chí, sự thành công trên thế giới của các tổ chức Công giáo khác nhau của chúng ta cũng không là vấn đề quan trọng. Điều quan trọng- và chỉ một điều duy nhất quan trọng – đó là, thông qua việc chúng ta sẵn sàng làm cho mình hiện diện với người khác nhân danh Ngài, và trong những giới hạn được đặt ra bởi ơn gọi mà Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta, chúng ta trong một chừng mực nào đó trở thành máng thông ơn cho sự hiện diện của Chúa. Tóm lại, Sự hiện diện đích thực là một loại ân sủng. Đây là cách Chúa xây dựng nhà của Ngài, bảo vệ các tín hữu, hoàn thành công việc và cho chúng ta nghỉ ngơi.

(Trích Mệnh lệnh canh tân, các bài viết về việc canh tân Giáo hội

Nhóm dịch thuật Durando chuyển ngữ)