Những Cách Để Thức Tỉnh – Chia Sẻ Lời Chúa – Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm A

0
1406

(Bài Ðọc I: Is 2, 1-5; Bài Ðọc II: Rm 13, 11-14; Phúc Âm: Mt 24, 37-44)

Một năm phụng vụ mới đã bắt đầu. Các Kitô hữu bước vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng trong niềm hy vọng đợi chờ lễ Giáng sinh. Thế nhưng, trong hai tuần đầu này, Giáo hội gợi mở cho các Kitô hữu về niềm hy vọng vào ngày quang lâm của Chúa qua các bài đọc. Chúa đã đến và Người sẽ đến lần nữa để hoàn tất thế giới. Các bài đọc hôm nay đã gợi lên cho tôi câu hỏi: tôi sẽ phải có thái độ thức tỉnh như thế nào trong khi chờ ngày Chúa đến?

Thức tỉnh là một đòi hỏi tích cực cho bản thân tôi. Vì Chúa đã đến, đã chết và đã sống lại để cứu độ con người. Vì thế, thái độ đón nhận ơn cứu độ của tôi như thế nào mới là quan trọng: dửng dưng, phấn khởi hay sao cũng được. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đã mang đến cho tôi ánh sáng để tôi nhìn nhận nội tâm của mình.

Bài đọc một: sách tiên tri Isaia là quang cảnh của một ngày hội. Mọi người hớn hở mừng vui trẩy nhau lên đền thánh Chúa. Họ tìm về Sion vì họ thấy rằng, đến đó Chúa sẽ dạy họ đường lối của Người và rồi họ sẽ đi theo ý định của Người và được sống. Họ sẽ bước đi trong lối đầy ánh sáng, đó là lối đi của ơn cứu độ. Thái độ của dân Chúa trong Bài đọc một chất chứa niềm vui hoan hỷ vì tìm được con đường để sống theo ý Chúa. Dân chúng được hạnh phúc tràn đầy và rủ nhau lên đền thánh. Họ đã tạo ra một con đường lên núi thánh và ai bước đi trên con đường ấy, hy vọng tìm được niềm vui và nơi trú ngụ nơi đền Chúa. Tất cả đều là hình ảnh tiên trưng về ngày vui của ơn cứu độ. Đây là một lối thức tỉnh: thức tỉnh là sống niềm hy vọng về Trời Mới, Đất Mới.

Cuộc sống người Kitô hữu ngày nay đầy những hoàn cảnh khác nhau: nào là tình trạng ốm đau bệnh tật, cha mẹ phải vất vả chăm lo cho con cái, các người chồng, người vợ phải vất vả lao động để chăm sóc gia đình, các sinh viên, học sinh phải vất vả học hành bài vở để hy vọng vào tương lai sẽ tốt đẹp hơn, người trẻ phải tha hương tứ xứ tìm việc làm và đối mặt với những rủi ro…..Nhưng dù cuộc sống có như thế nào thì người Kitô hữu phải luôn thức tỉnh để không để mất niềm hy vọng về ngày hồng phúc cứu độ duy nhất.

Trong bài Tin Mừng, thánh Mathêu đã gợi lại những hình ảnh trong Cựu Ước để muốn nói với dân chúng về việc thức tỉnh chờ đợi Đấng Cứu Thế qua câu chuyện của thời ông Noê. Mọi người đã được cảnh báo về những gì sắp xảy đến nhưng họ đã dửng dưng và rồi hậu quả là cái chết lan tràn mặt đất ngoại trừ Noê và những người theo ông. Những người này đã chọn lựa một lối sống cho mình. Và họ đã chọn sống theo lối sống của riêng mình trong khi Noê chọn lựa làm theo những gì Chúa nói với ông. Sự thức tỉnh ở đây là biết lắng nghe tiếng Chúa. Thánh Phaolô trong Bài đọc II một lần nữa lập lại những lời thức tỉnh cho giáo đoàn Rôma và cũng là cho các Kitô hữu ngày này là sẵn sàng thức tỉnh cho giờ Chúa đến. Điều này đòi hỏi phải nhạy bén nhận ra tiếng Chúa nói qua các biến cố của cuộc đời để hoán cải, để canh tân và đổi mới tâm hồn, và đặt kế hoạch riêng của đời mình vào trong kế hoạch của Chúa.

Đoạn thứ hai của bài Tin Mừng là hình ảnh kẻ trộm và sự thức tỉnh của chủ nhà. Thức tỉnh trước các hành vi xấu và không để sự dữ “đào ngạch” mà đột nhập vào tâm hồn. Đầy dẫy những cám dỗ và những lối sống trái ngược luân lý Kitô giáo đang tồn tại trong xã hội này. Bài đọc II thánh Phao lô đã liệt kê một loạt các tội lỗi mà ngày hôm nay các điều đó đã trở nên phức tạp hơn trước đây. Mà những điều này lại thường thường ngụy trang dưới các hình thức rất hấp dẫn và làm cho lương tâm con người ra mê lầm. Vì thế, Lời Chúa đòi hỏi tôi sáng suốt nhận ra và đề phòng những thói quen và lối sống, các đam mê xấu xâm chiếm tâm hồn tôi. Điều này có thể là một thái độ tự mãn, ích kỷ, lười biếng, đam mê xấu xa nào đó……  Nên Lời Chúa đã nhắc nhở tôi về sự cảnh giác trước tội lỗi và sự dữ. Đó là cách tôi thức tỉnh “hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt.”

Chúa sẽ đến để hoàn tất thế giới, để mang thế giới vào viễn cảnh hòa bình vĩnh cửu. Viễn cảnh này chính là viễn cảnh của ơn cứu độ. Trong những ngày Mùa Vọng này xin Chúa cho tôi luôn được thức tỉnh theo ba chiều kích trên: thức tỉnh nhận ra ngày của Chúa, thức tỉnh là lắng nghe tiếng Chúa và thức tỉnh là tránh và đề phòng các sự dữ và tội lỗi xâm chiếm tâm hồn vì “Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.”

Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, C.M