Những cách nhìn vào Thánh Vinh Sơn

0
2039

Trong dịp Mừng Lễ Thánh Vinh Sơn Phaolô năm nay, tôi cũng tìm một vài tài liệu về Vinh Sơn để suy gẫm nhân dịp lễ thánh tổ phụ. Tôi đã chọn đọc cuốn sách: Reflections: last ten years in the life of St Vincent de Paul (suy gẫm: mười năm cuối đời của thánh Vinh Sơn) của cha Serafin peralta, C.M người đang sống cùng nhà với tôi và cũng đang là cha linh hướng toàn quốc cho các bà bác ái AIC (tỉnh dòng Philippines). Cuốn sách khá hay và súc tích với nhiều bài suy niệm từ chính những câu nói và sự kiện trong cuộc đời của thánh Vinh Sơn. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ một điểm nhỏ trong tập sách này là những cách nhìn vào thánh Vinh Sơn trong cuộc sống của ngài.

Cách thứ nhất để nhìn vào thánh Vinh Sơn là từ bên ngoài, tức là từ các bức tranh vẽ về ngài. Nhưng thánh Vinh Sơn chưa bao giờ đồng ý để người ta vẽ hình ngài khi ngài còn sống. May mắn thay, những anh em cùng thời với ngài đủ sáng tạo để mời một họa sĩ (tuy nhiên thánh Vinh Sơn không biết)  đến để làm việc trong nhà vài tháng và ngài đã cho phép. Anh họa sĩ có một chỗ ở nhà cơm để khi ngồi ăn, anh có thể quan sát thánh Vinh Sơn dễ dàng. Người họa sĩ này là Simon Francois. Anh đã cẩn thận quan sát cha Vinh Sơn và vẽ lại hình của ngài bằng trí nhớ. Vì những bức họa này là để nhắm đến cuối cuộc đời của ngài. Một vài bức họa đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay tại Nhà Mẹ ở Paris và các nhà khác của Nữ Tử Bác Ái tại Pháp. Từ các bức họa chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù không đẹp trai, nhưng thánh Vinh Sơn là một người có sức thu hút. Ngài có một miệng rộng, mũi to, đôi tai lớn và một vầng trán cao. Vinh Sơn có bộ ria mép với râu quai nón không quá dày với vài cọng bạc. Cái nhìn của ngài khá hiền từ với đôi mắt sáng và trông trẻ trung.

Louise Abelly nhà viết tiểu sử đầu tiên về thánh Vinh Sơn đã mô tả ngài với chiều cao trung bình, có thân hình săn trắc, và cao khoảng 5 feets 5 inches tức khoảng 1m65.

Cách thứ hai để nhìn vào thánh Vinh Sơn là từ bên trong, qua các lá thư của ngài. Trong suốt cuộc đời thánh Vinh Sơn đã viết hơn 30.000 lá thư. Không may, phần lớn đã bị mất và chỉ còn lại khoảng 3000 đã được lưu trữ. Và một nửa trong số những lá thư còn lại này được viết vào khoảng 10 năm cuối đời của ngài.

Ban đầu chính ngài viết những lá thư này, rồi sau đó, vì sức khỏe ngài đã nhờ thư ký riêng của mình là thầy Ducorneau và thầy Robineau viết dùm. Qua các lá thư đó mà ngài giữ được liên lạc với các cộng đoàn Vinh Sơn trong và ngoài nước Pháp, với các Nữ Tử Bác Ái, thánh Louise De Marillac, các anh em, cộng sự, ân nhân, hồng y, giám mục, các bà bác ái, và thậm chí với Vatican. Qua các lá thư này chúng ta thấy thánh Vinh Sơn là một con người đơn sơ, khiêm tốn cách sâu xa, hiền lành nhưng cũng luôn khẳng khái. Ngài đã bộc lộ sự chân thành trong các vấn đề liên quan và trong các bài phát biểu. Ngài cũng bày tỏ chính ngài cách tường tận liên quan đến các vấn đề  gây tranh cãi trong thời của ngài.

Trong các lá tư ngài tránh các từ ngữ “cao giọng”. Tuy nhiên, ngài đã đề xuất, đặc biệt với những  điều liên quan tới trách nhiệm, sự chính xác trong các vấn đề được bổ nhiệm và tiền bạc được tín thác cho các thành viên.

Cách thứ ba để nhìn vào thánh Vinh Sơn là qua các buổi hội, đàm luận với các cha, các thầy của Tu Hội Truyền Giáo và với Nữ Tử Bác Ái. Một điều may mắn cho chúng ta là thầy Ducorneau đã có cái nhìn xa, là ghi chép các buổi đàm luận và các bài phát biểu của ngài trong các buổi lặp lại lời cầu nguyện. Điều này có thể không đầy đủ và chính xác nhưng cũng có thể chắc chắn rằng nội dung trung thành bao nhiêu có thể với những suy nghĩ của thánh Vinh Sơn và là những lời xác thực của ngài. Với các Nữ Tử Bác Ái, các chị cũng làm tương tự. Thậm chí thánh Louise đã làm điều này và ghi chép về những gì thánh Vinh Sơn đã nói trong các buổi gặp ấy. Chúng ta cũng có thể biết hơn về tư tưởng của thánh Vinh Sơn như được diễn tả qua các buổi cố vấn cho các Nữ Tử Bác Ái mà ngài là chủ sự. Các luật mà ngài đưa ra cho các Bà Bác Ái cũng từ những tư tưởng này. Các lá thư của thánh Vinh Sơn hàm chứa các đặc tính sau:

  • Mạch lạc: Thánh Vinh Sơn dùng những từ dễ hiểu, mạch lạc, đơn sơ và rõ ràng.

  • Bác ái: Dù có những điều ngài phải sửa dạy thì luôn hiền từ và yêu thương. Ngài đã có tài để chuyển những lời la mắng thành những món quà giá trị cho người đón nhận.

  • Quan tâm: Trong các lá thư ngài luôn tỏ cho người nhận thư một cảm giác thoải mái, kính trọng và quan tâm.

  • Liên quan: Thánh Vinh Sơn đã đón bắt tốt những vấn đề trong thời của ngài. Ngài đã chỉ cho thấy sự quan tâm của ngài với những người liên quan, các chủ đề và các vấn đề thảo luận, và các sự kiện đang diễn ra.

  • Cuối cùng các lá thư của thánh Vinh Sơn chứa đựng những tư tưởng mà điều đó khích lệ, khẳng định và linh hoạt người đón nhận, cũng như giúp họ thoát khỏi những nghi ngờ, lo lắng, hiểu lầm và trả lời các câu hỏi.

Có một thầy đã nói không bao giờ nhìn thấy Vinh Sơn làm bất cứ việc chuẩn bị đặc biệt nào cho cái chết của ngài. Cha Vinh Sơn đã cám ơn thầy đó và ngài nói rằng: tôi sẽ nói với thầy với tất cả sự chân thành rằng: Chúa đã luôn tuôn đổ xuống trên tôi kể cả khi tôi không làm như cách thầy muốn. Tôi nói với thầy điều này để thầy sẽ không bị mang tiếng là không nhìn thấy tôi làm bất cứ việc chuẩn bị đặc biệt nào. Từ 18 năm nay, tôi đã chưa bao giờ đi ngủ mà không đặt mình cho đúng đắn, để rồi nếu Chúa có gọi, tôi có thể chết trong đêm.

Cha Vinh Sơn đã làm việc thậm chí đến năm cuối đời. Những lá thư của ngài giữa 1659-1660 liên quan đến các vấn đề khác nhau mà điều đó rất quan trọng với ngài: như can thiệp khỏi chiến tranh, khuyên răn các bề trên địa phương, thương thuyết với tòa thánh, các buổi hội thảo thứ ba, các vấn đề liên quan đến Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, các Bà Bác Ái, khích lệ các nhà truyền giáo trong các hoàn cảnh khó khăn, tiếp khách, hội họp, tổ chức tài chính vv…..có vị Nữ Hoàng đã viếng thăm và nhắc nhở ngài rằng: ngài đã làm quá nhiều việc suốt cả đời rồi, nhưng Vinh Sơn nói rằng ngài chẳng làm gì cả. Rồi vị Nữ Hoàng hỏi: ngài nếu ngài nói ngài không làm gì cả vậy thì ngài sẽ làm gì bây giờ? Vinh Sơn dụi mắt nhìn thẳng vào vị Nữ Hoàng và nói: làm hơn nữa.

Vincent de Paul at death

Rồi sức khỏe của cha Vinh Sơn ngày càng yếu đi, nhất là khó khăn trong việc di chuyển và nhiều chứng bệnh khác. Ngài chẳng ngủ được chút nào cả ngày lẫn đêm. Ngài thường đùa rằng giấc ngủ là anh của chị chết, khi anh ngủ đến thì chẳng xa chị chết cũng theo sau.

Vào Chúa Nhật ngày 26 tháng 9 năm 1660, cha Vinh Sơn nhận bí tích sau hết. Ban đêm các anh em đã thay nhau túc trực ngài và luôn lặp lại các lời cầu nguyện ….Lạy Chúa trời xin đến giúp con….. Giêsu… con trông cậy…. con tin…con yêu mến…. trong tay ngài, lạy Chúa con xin phó thác hồn con……rồi cuối cùng cha Vinh Sơn đã cố gắng thốt lên “đủ rồi”. Các anh em lần lượt đến trước mặt ngài để xin ngài chúc lành cho họ, rồi các sơ, các bà bác ái, các linh mục của buổi hội thảo Ngày Thứ Ba, các ân nhân, người bệnh, bạn bè, …rồi Vinh Sơn nói:  vâng Lạy Chúa, xin hãy đến giúp con … Giêsu… là lời cuối cùng thốt ra từ đôi môi yếu ớt của ngài. Cha Vinh Sơn ra đi vĩnh viễn vào lúc 4:45 phút sáng sớm ngày 27 tháng 9 năm 1660, với tu phục, ngồi trên chiếc ghế cạnh lò sưởi để sẵn sàng gặp Thiên Chúa của người nghèo, Đấng mà ngài đã suốt đời yêu mến và phục vụ cách chân thành.

Thật thú vị và xúc động để nhìn lại vài bức họa về cuộc đời của thánh Vinh Sơn trong dịp mừng lễ ngài năm nay. Xin thánh Tổ Phụ cầu cho chúng con tất cả những anh chị em Vinh Sơn thuộc tỉnh dòng Việt Nam trong cả hai Tu hội và các hiệp hội trong gia đình Vinh Sơn, mỗi người với các cách khác nhau luôn theo sát bước chân của ngài để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo trên quê hương chúng con.

!VIVA SAN VICENTE DE PAUL!

(bài viết có trích dẫn một phần trong tập sách: Reflections: last ten years in the life of St Vincent de Paul của cha Serafin Peralta, C.M)

Manila, September 2019
Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, CM