Những cám dỗ trong đời: Lời Chúa – Chúa Nhật thứ I Mùa Chay năm A

0
2535

(Bài Ðọc I: St 2, 7-9; 3, 1-7; Bài Ðọc II: Rm 5, 12-19; Phúc âm: Mt 4, 1-11)

Mùa Chay thánh đã bắt đầu. Đây là mùa của cầu nguyện, chay tịnh, sám hối và làm việc bác ái.

Bài đọc I sách Sáng Thế, trong Chúa Nhật hôm nay nhắc nhớ người Kitô hữu về nguồn gốc tội lỗi của con người. Tội đã phát sinh bởi sự không vâng phục của nguyên tổ và án phạt là sự chết mà họ phải chịu.

Bài đọc II trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã nhắc nhớ cộng đoàn này về tội nguyên tổ ban đầu ấy, cũng như tình trạng án phạt của Adam. Nhưng đồng thời thánh Phaolô đã nói với họ về Adam mới, tức là Đức Giêsu, Đấng có quyền năng diệt trừ tội lỗi và sự chết và mang lại cho con người sự sống đời đời: vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế (Rm 5, 19).

Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu, đó là câu chuyện về việc Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ trong sa mạc 40 đêm ngày, trước khi khởi đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng.

Cuộc thử thách này của Chúa Giêsu quả là một cơn thử thách nặng nề, một mất, một còn. Ma quỷ đã dùng chiêu trò quỷ kiệt của nó để làm cho Chúa Giêsu sa ngã, với những lời cám dỗ đẹp đẽ hấp dẫn mà nó đã bày ra. Đó là cơn cám dỗ mang tính thể lý, với việc hóa đá thành bánh ăn, một cám dỗ điều thuộc về bản năng. Cám dỗ thứ hai là ma quỷ nói Ngài gieo mình xuống khỏi đền thờ, ma quỷ cám dỗ Chúa dùng quyền năng của Thiên Chúa để phục vụ cho chính mình. Cám dỗ thứ ba là khi nó kêu Ngài hãy thờ lạy nó, với cám dỗ này, ma quỷ muốn đặt Đức Giêsu về phía đối nghịch với Thiên Chúa.

Nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng trong các cơn cám dỗ này. Trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng đã luôn có những cám dỗ. Nó có thể nhẹ nhàng với những thói quen hằng ngày, nhưng đôi lúc cũng táo bạo, khốc liệt khi đòi hỏi phải chiến đấu để gìn giữ đức tin và phạm tội chống lại Thiên Chúa. Qua cuộc cám dỗ của Chúa Giêsu, tôi nhận thấy mình cần phải sống ba điều, để chống lại các cơn cám dỗ trong cuộc sống.

Thứ nhất là lấy Lời Chúa làm vũ khí tự vệ: chính Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng đã dùng Lời Chúa để chống trả với các cơn cám dỗ: “có lời chép rằng….” đó chính là Lời Chúa. Ngài đã không tranh cãi hay lý luận dài dòng với tên cám dỗ, nhưng Ngài chỉ cho nó thấy, Lời Chúa đã dạy như thế nào về điều ấy và Ngài đã chiến thắng.

Như thế, trong cuộc sống, Lời Chúa hay Kinh Thánh sẽ là những chỉ dẫn hữu hiệu nhất cho tôi khi phải đối đầu với những cám dỗ, những thử thách của đức tin và luân lý. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói: “chỉ cần lướt mắt đến cuốn Thánh Kinh, đã đủ cho tôi, để ngay lúc đó, tôi hít lấy hương thơm cuộc đời Chúa Giêsu và tôi biết mình phải chạy về đâu.” Lời Chúa sẽ soi sáng cho tôi, để chỉ cho tôi phải hành động như thế nào trước các cơn cám dỗ và tránh những lỗi phạm đến tình thương của Ngài. Vì thế, việc chăm chú lắng nghe các giáo huấn của Tin Mừng sẽ giúp tôi tránh được việc lắng nghe các lời dụ dỗ của ma quỷ để phạm tội, chống lại Chúa.

Thứ hai là làm chủ các ước muốn dẫn đến tội: ma quỷ trong bài Tin Mừng hôm nay rất ranh ma. Chúng đánh vào điểm yếu nhất của một con người, tức là liên quan đến sự sống còn của một người, cũng như những ước muốn thường tình nhất, là giàu có vinh hoa và quyền lực. Nếu không có bánh ăn sẽ chết về mặt thể lý. Có vinh hoa quý quý, có quyền lực là đem lại hạnh phúc cho con người. Nếu nghe theo những dụ dỗ này, Chúa Giêsu sẽ rơi vào cạm bẫy của ma quỷ và sa ngã.

Những tội lỗi thường ngày thường đến từ trong những ước muốn, đam mê của con người. Thánh Giacôbê đã cảnh báo rằng: “bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc (Gc 4, 1-3). Đấy là những tội lỗi do chính trong lòng người xuất phát ra qua những ước muốn bất chính như về dục tính, về tiền của, về sự mua sắm, về tình cảm, về sự chiếm hữu của mình. Các dục vọng này nó xuất phát từ con mắt, con tim và tâm trí. Vì vậy, tôi cần tỉnh thức với các dục vọng ấy và làm chủ nó.

Ở bài đọc I, Adam và Eva đã mơ tưởng về một viễn cảnh hạnh phúc và thần thánh như ma quỷ vẽ ra và cả hai ông bà đã sa ngã phạm tội. Vì vậy, làm chủ các ước muốn và đam mê để tránh tội lỗi là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người Kitô hữu. Những cơn cám dỗ này là thật sự và ma quỷ luôn luôn mời gọi với những điều xem ra rất hấp dẫn, như trong thư thánh Phêrô đã nhắc nhớ: “anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).

Thứ ba là nhìn nhận mình yếu đuối để biết cậy dựa vào Chúa: dù biết rằng tội lỗi là chống lại Thiên Chúa làm tổn thương đến tình thương của Ngài, nhưng đừng thất vọng, nản lòng vì điều ấy. Chúa Giêsu, Adam mới đã hồi phục lại phẩm giá cho con người và cứu con người khỏi án tử đời đời. Cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài đã mang lại ánh sáng và niềm hy vọng giữa tăm tối mịt mù của tội lỗi: “thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5, 15).

 Ơn cứu độ của Thiên Chúa thì lớn lao gấp vạn lần tội lỗi của con người, ân sủng cứu độ của Ngài đủ để thanh tẩy những tội lỗi đó và làm cho con người trở nên thụ tạo mới. Do đó, điều quan trọng là biết hoán cải để trở về với Chúa, cho dù tội lỗi có như thế nào: “không thử thách nào đã xảy đến cho anh em mà lại không phải là của người phàm. Thiên Chúa trung tín! Ðấng sẽ không để anh em bị thử thách quá sức anh em. Trái lại, cùng với thử thách, Người cũng sẽ chừa cho lối thoát, để có thể chịu đựng nổi” (1 Cr 10,13). Vì thế, hãy biết nhìn nhận sự yếu đuối của mình, để luôn trong cậy vào Thiên Chúa và biết đứng lên mỗi khi sa ngã phạm tội để trở lại với Ngài.

Lời Chúa của Chúa Nhật thứ nhất mùa chay hôm nay nhắc nhớ cho tôi về cuộc chiến thiêng liêng trong cuộc sống hằng ngày. Những cơn cám dỗ, những chống trả và cả những thất bại. Các cơn cám dỗ ấy đôi khi rất hấp dẫn và khó nhận biết. vì thế, tôi xin Chúa ban cho tôi sức mạnh thiêng liêng qua Lời Chúa và Thánh Thể để tôi chống trả lại với mọi cơn cám dỗ trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong Mùa Chay này.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM