Những cơn khát: Lời Chúa – Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A

0
933

(Bài Ðọc I: Xh 17, 3-7; Bài Ðọc II: Rm 5, 1-2. 5-8; Phúc âm: Ga 4,5-42)

Cách đây vài ngày, khi chính phủ Ý ra lệnh phong tỏa toàn bộ miền bắc nước này, thì đã xả ra nhiều cuộc nổi loạn trong dân chúng và ngay cả các nhà tù. Đây là một tình huống mà chính quyền nước này, cũng như các nước khác đang phải làm, để tránh sự lan rộng hơn của dịch virus Covid19. Điều này chẳng ai mong muốn, nhưng trong hoàn cảnh này thì phải làm thế. Chính dân được bảo vệ, nhưng cũng chính người dân lại lo ó, nổi loạn hay than van, phản kháng.

Bối cảnh thực tế này sẽ dẫn người đọc vào câu chuyện tương tự ở bài đọc Cựu Ước, sách Xuất Hành khi nói về cuộc nổi loạn của dân Do Thái kêu trách Môsê để đòi có nước uống, khi đang ở giữa sa mạc nóng cháy.

Việc xin nước uống cũng được nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay theo thánh Gioan. Thế nhưng, bầu không khí ở bài Tin Mừng thì khác hơn Bài đọc I rất nhiều. Vì bối cảnh của câu chuyện diễn ra rất chân tình giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp. Đó là một cuộc trò chuyện cá nhân chân thành, chứ không phải trong bầu khí la ó, trách mắc, gào khóc như dân Do thái với Môsê.

Từ các bài đọc hôm nay đã cho tôi nhận ra đôi ba điểm chính yếu trong Mùa Chay này và trong bối cảnh hiện tại mà tôi đang sống.

Thứ nhất, đó là nỗi khổ của người lãnh đạo. Người lãnh đạo của dân Do Thái khi đi trong sa mạc chính là Môsê. Ông đã vâng lời Chúa, để đưa dân ra khỏi Ai Cập, trốn chạy khỏi nô lệ Vua Pharaoh để vào miền Đất Hứa. Nhưng giờ đây, trong sa mạc, dân lại quay ra kêu trách ông, vì họ không có nước uống, họ sẽ phải chết khát. Vì là người lãnh đạo dân, nên Môsê phải chịu tất cả sự tức giận của dân chúng, đến nỗi ông đã thưa với Chúa: “con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi” (Xh 17, 4).

Thật tội nghiệp cho Môsê, ông biết ông là ai, ông biết khả năng của mình, nên ngay từ đầu, ông đã từ chối làm người lãnh đạo dân: “con là ai mà dám đến với Pharaoh và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai cập?” (Xh 3,11). Ông nhận ra thế giá thấp hèn của mình. Thế nhưng, vì vâng lời Thiên Chúa nên ông lãnh đạo dân để ra khỏi Ai cập.

Thương thay cho ông trong hoàn cảnh này. Làm sao để vừa trung thành với Ý Chúa, lại vừa liên đới với dân. Môsê ở vai trò trung gian, nên ông chấp nhận đau khổ. ông yêu Chúa và ông cũng thương dân. Quả thật, Môsê là một khuôn mẫu tuyệt vời cho những ai trong vai trò lãnh đạo, cả trong đạo lẫn ngoài đời. Ông là người lãnh đạo khôn ngoan, vì ông không dựa vào quyền lực của mình để đàn áp, để trù dập những đòi hỏi chính đáng của dân, nhưng ông biết dựa vào quyền năng của Chúa để đáp ứng những đòi hỏi của dân chúng.

Vì thế, trong hoàn cảnh hiện tại việc làm theo những chỉ dẫn của những người lãnh đạo để phòng tránh virus là một hình thức chia sẻ trách nhiệm. Làm dân thì không chỉ càm ràm, la ó, chửi bới, nhưng cần thông cảm và lắng nghe những người có trách nhiệm. Điều này thánh Phaolô đã dạy rằng: “mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt” (Rm 13, 1-2).

Điều này cũng không ngoại lệ cho cho các cộng đoàn giáo xứ, dòng tu hay các hội tông đồ khác. Mỗi thành viên của cộng đoàn cũng cần lắng nghe và chia sẻ với những vị bề trên hay trưởng cộng đoàn trong vai trò lãnh đạo. Họ cũng có nỗi khổ riêng, khi phải quyết định điều gì cho các thành viên, mà nhất là khi điều đó chạm đến quyền lợi hay vị trí của thành viên.

Hãy nhìn vào Môsê để thấy, ông cũng đã phải khổ như thế nào. Nhưng ông đón nhận tất cả, vì không muốn làm mất lòng Chúa, và cũng không muốn làm tổn thương dân, chính vì thế Chúa đã nói “ông Môsê là người hiền lành nhất đời” (Ds 12, 3). Ước gì những ai trong vai trò lãnh đạo, cũng học được điều này nơi Môsê.

Thứ hai, đó là có những “cơn khát” thiêng liêng trên cả bình diện cá nhân lẫn cộng đoàn: Bài đọc I như một minh họa cho cơn khát của cộng đoàn, của một tập thể: “xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống.” Còn trong bài Tin Mừng, người phụ nữ Samari là một minh họa của cơn khát mang tính cá nhân: “thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa” (Ga 4, 15).

Trong Mùa Chay thánh này, các bài đọc của Chúa Nhật hôm nay mời gọi tôi, cũng như mọi người Kitô hữu cần khám phá ra và cần biết những “cơn khát” thiêng liêng của mình là gì. Nó có thể là một ước muốn đi xưng tội sau một thời gian dài khô khan, nguội lạnh. Đó có thể là một khát mong, để làm hòa lại với ai đó trong gai đình, trong cộng đoàn hay với hàng xóm, bạn bè. Đó có thể là một ước muốn dấn thân hơn để làm việc bác ái. Đó có thể là một cố gắng để từ bỏ những thói quyen hay những đam mê xấu. Hoặc gia đình hay cộng đoàn cần có những buổi chia sẻ hay nói chuyện giữa các thành viên với nhau, để hiểu nhau hơn…hoặc ngay hiện tại, đó là “cơn khát’ để được chữa lành và giải thoát khỏi nạn dịch virus.

Nhưng những “cơn khát’ này thường nằm sâu trong tim mỗi người, mỗi cộng đoàn. Nó cần được phát hiện sớm, để xin Chúa ban cho “nước uống” để khỏi những cơn khát thiêng liêng này.

Thứ ba, đó là chỉ có Chúa mới có thể “giải khát” tận đáy sâu ở trong tâm hồn mỗi người.  Người đàn bà bên bờ giếng Giacóp muốn xin Chúa nước trường sinh, để khỏi đến đây lấy nước. Sự thực, là vì bà nhận ra người đang nói chuyện với bà, tức là Đức Giêsu, có khả năng đó, nên bà tin và bà xin.

Có điều gì trong tâm hồn tôi mà Chúa không biết, có nỗi khắc khoải nào trong dạ tôi mà Chúa lại không tường. Người đàn bà có kể với Chúa về quá khứ đâu, thế mà Chúa biết hết về quá khứ của bà. Thật tuyệt vời!

Điều này cho tôi thêm vững tin vào Chúa và hỏi xin Ngài “giải khát” những vướng bận trong tâm hồn tôi. Tôi cảm thấy không ngại ngùng để đến với Ngài, nhất là trong Mùa Chay này, để xin Ngài điều ấy, vì “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta” (Rm 5, 7) như bài đọc II thánh Phaolô đã khẳng định điều ấy.

Vậy Chúa “giải khát” chúng ta bằng cách nào? Thưa, đó chính là qua các Bí Tích. Do đó, khi đến với Chúa qua các Bí Tích, chính Chúa Kitô sẽ khỏa lấp tâm hồn mỗi người và những “cơn khát” của cá nhân hay của cộng đoàn sẽ được viên mãn. Các Bí Tích là nguồn ân sủng thiêng liêng mà Chúa ban cho dân, qua Giáo Hội. Đó là nguồn mạch của ơn chữa lành, là dược phẩm, là nguồn nước “trường sinh” cho tâm hồn chúng ta.

Cuối câu chuyện của bài Tin Mừng lại một lần nữa, mở ra cho tôi niềm hy vọng về việc Chúa sẽ “giải khát” tâm hồn tôi. Cả đám đông sau khi gặp Chúa đã nói: “giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế” (Ga 4, 42). Thực sự, đám đông những con người này đã được“đã khát”, vì tự chính họ khám phá ra một điều gì đó sâu thẳm nơi Đức Giêsu, họ nhận ra Ngài là Đấng Mêssia, họ cảm thấy sung sướng hạnh phúc vì điều đó, điều mà họ đã kiếm tìm từ lâu.

Họ có được điều này, là vì họ có một kinh nghiệm riêng tư trong cuộc gặp gỡ, trò chuyện, với chính Đức Giêsu, chứ không phải bởi “mồm” của người đàn bà kia thuật lại. Đây là điều khích lệ, để tôi đến với Chúa nơi các Bí Tích, để có sự gặp gỡ riêng tư với Chúa và xin ngài “giải khát” tâm hồn tôi.  

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM