Những lập luận tồi trong việc thay đổi Giáo hội

0
753

Jeffrey A. Mirus

Như tất cả chúng ta đều biết, sự thay đổi về văn hóa ảnh hưởng sâu sắc đến những xác tín của chúng ta. Rất nhiều người vui vẻ hình thành các giá trị của họ theo những tín hiệu được tiếp nhận từ nền văn hóa chủ đạo mà họ sống trong đó. Vì nền văn hóa nhân loại trải qua sự thay đổi liên tục nên các giá trị con người cũng thay đổi theo. Dường như không có vấn đề đối với đại đa số nhiều người khi lúc này họ xem là điều tốt những gì trước đây họ phản đối như là điều xấu – hoặc ngược lại.

Thế nhưng, sự giả định dễ dãi cho rằng những giá trị chủ đạo của nền văn hóa chúng ta luôn đúng, cho dù chúng thường thay đổi đi chăng nữa, có khuynh hướng gây rắc rối cho người Công giáo. Mặc dù đã nỗ lực hết sức, nhưng người Công giáo phóng khoáng khó tránh khỏi những lời nhắc nhở rằng Giáo hội đang lạc hậu so với thời đại, khi coi nhiều thứ là xấu trong khi nền văn hóa xung quanh ca tụng là tốt. Thật đáng quan ngại khi người Công giáo như vậy chỉ  quan tâm vừa đủ để cố gắng biện minh cho việc họ bác bỏ những gì Giáo hội dạy.

Tuần trước, tôi được nhắc nhở về nỗ lực này ở phần biện hộ khi tôi viết về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ. Đáp lại, những người nghĩ Giáo hội sai trái trong việc loại trừ nữ giới khỏi chức linh mục đã đưa ra 4 luận chứng khác nhau trong những lá thư điện tử giận dữ của họ. Điều đáng chú ý là 4 kiểu lập luận tương tự cũng được triển khai, bằng cách này hay cách khác, mỗi khi giáo huấn luân lý của Giáo hội xung đột với những phán đoán của nền văn hóa thế tục rộng lớn hơn. Tôi hi vọng sẽ hữu ích khi xem lại những lập luận  này.

1. Đức Kitô bị văn hóa ràng buộc và Giáo hội cũng vậy

Trong rất nhiều năm, những người ủng hộ truyền chức linh mục cho phụ nữ đã lập luận rằng lí do duy nhất mà Chúa chúng ta không đón nhận phụ nữ vào số tông đồ chính là Người đã làm theo tập tục thông thường của văn hóa Do thái vào thời đó. Câu trả lời hiển nhiên cho điều này đó là Chúa chúng ta thường xuyên dạy và hành động trái ngược với các tục lệ Do thái, chẳng hạn như trong việc tuân giữ ngày Sabbath, các luật lệ vốn được người Pharisêu tuân giữ, ý nghĩa của “ô uế”, những kỳ vọng về mặt văn hóa liên quan đến Đấng Messiah, và nhiều vấn đề khác nữa.

Khi kết hợp với tư tưởng Tây phương về “sự tiến bộ”, quan niệm cho rằng Giáo hội cũng bị ràng buộc bởi văn hoá ảnh hưởng đến tất cả những lập luận như vậy, điều này làm nên một thành kiến áp đảo nhằm ủng hộ cho những điều mới mẻ. Bất cứ khi nào sự phát triển văn hóa mới nhất mâu thuẫn với những quan niệm cũ hơn, người ta sẽ dễ dàng cho rằng những quan niệm mới hơn sẽ luôn đúng. Đánh giá này được củng cố bởi một sự mù quáng khủng khiếp làm khổ những người có đời sống thiêng liêng không sâu. Họ cho rằng trong quá khứ con người luôn bị văn hóa ràng buộc, trong khi mỗi người chúng ta sống trong một thế giới hiện đại thì không bao giờ bị như thế. Trong thực tế, tất cả chúng ta đều thấy rằng thật khó để suy tư một cách có phê bình về bất cứ điều gì mà chúng ta coi là hiển nhiên.

Thỉnh thoảng, lập luận này có thể phản tác dụng. Một số người có khuynh hướng cho rằng cách thức Giáo hội đã làm trong quá khứ là không thể khác được, và không có cách nào khác nếu không từ bỏ tinh thần của thời đại. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có xu hướng thiên kiến về mặt niên đại rõ rệt trong việc ủng hộ hiện tại (hay thậm chí là tương lai). Họ lảng tránh nói những điều như là: “Thôi nào, năm 2017 rồi”. Tuy nhiên, tất cả những “lập luận theo kiểu thời gian” như vậy đều vô lý như nhau.

2. Chữ viết thì giết chết còn tinh thần mới đem lại sự sống

Lập luận “chữ viết và tinh thần” trong thứ thứ 2 của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (3,6) được sử dụng một cách chung chung nhằm nhấn mạnh đến việc ưu tiên đức ái so với các luật lệ đơn thuần. Nếu áp dụng một cách đúng đắn thì nó thực sự khá chính xác. Vì vậy, đức ái đôi khi có thể và cần phải được ưu tiên hơn so với những đòi hỏi thông thường của Bộ giáo luật. Lấy một ví dụ rõ ràng: thật là sai lầm khi khăng khăng cho rằng một người đau ốm vẫn phải tuân thủ luật ăn chay và kiêng thịt vì đó là luật của Giáo hội.

Nhưng tính hữu hiệu của lập luận này phụ thuộc vào khả năng chúng  ta phân biệt những gì người Công giáo coi là kỉ luật và giáo thuyết. Giáo hội sử dụng nhiều luật lệ nhằm nuôi dưỡng trật tự và sự lành mạnh thiêng liêng, luật lệ có thể thay đổi theo thời gian, nơi chốn và hoàn cảnh, theo những gì các Đức Giáo hoàng và Giám mục tin sẽ có lợi nhất cho sự tăng trưởng thiêng liêng trong những tình huống và những hoàn cảnh khác nhau. Những điều này cấu thành nên “kỉ luật”. Trái lại, chân lý chính là đối tượng của “giáo thuyết”. Nếu đúng là Đức Kitô hiện diện thật sự (theo bản thể) trong bí tích Thánh Thể (thân xác, máu, linh hồn và thần tính), thì không có đức ái nào có thể bãi bỏ được thực tại đó với những ai coi  đây là một điều khó nghe.

Điều này cũng đúng đối với luật luân lý. Không thể trì hoãn hay loại bỏ “đức ái” đối với một tội nhân. Thứ nhất, nó nằm trong quy tắc phạm một tội trọng  –  tội chống lại chính Thiên Chúa –  chối bỏ chân lý (sự tương hợp của tâm trí với thực tại); thứ hai, việc từ chối giúp người khác nhận biết và tuân giữ luật luân lý có vẻ “tốt” ở chỗ nó tránh đưa ra những đòi hỏi đối với người coi những đòi hỏi đó là khó chịu. Thế nhưng việc chối bỏ đó không bao giờ là bác ái vì nó không có lợi cho sự lành mạnh của con người. Tương tự như vậy, nếu Giáo hội không được Chúa Giêsu Kitô ban quyền bính truyền chức linh mục cho phụ nữ, thì đó là một sự xúc phạm phụ nữ và mọi tín hữu cũng như Chúa chúng ta nếu cứ đấu tranh đòi truyền chức cho phụ nữ.

3. Giáo huấn Giáo hội có thể thay đổi

Thật khá  phổ biến đối với những người từ chối chấp nhận một số thực hành của Công giáo với lập luận rằng những gì họ phản đối chỉ là vấn đề kỉ luật, và đó là chủ đề cần thay đổi. Ví dụ, luật độc thân giáo sỹ vốn là một vấn đề kỉ luật, và vì thế, vấn đề độc thân phải được giải quyết theo những gì mà Giáo hội coi là có lợi nhất cho thừa tác vụ linh mục và chăm sóc các linh hồn. (Những người quan tâm vấn đề này có thể đọc Thông điệp mang tính bước ngoặt của Đức Phaolô VI bàn về chủ đề đó, Thông điệp Sacerdotalis Caelibatus.)

Vì vậy, vấn đề nảy sinh: làm thế nào chúng ta biết được đâu là một giáo thuyết không thể thay đổi, đâu là một kỉ luật có thể thay đổi. Thông thường, điều này có thể được phân định để biết đó là tuyên bố mô tả một thực tại hay phân loại một thực hành. Thế nhưng, sự phân biệt không phải lúc nào cũng rõ ràng và, trong một vài trường hợp, một số thực hành không bắt nguồn từ sự khôn ngoan thận trọng, nhưng là do Thiên Chúa ủy thác. Do đó, để xác định sự bó buộc của việc “Không thể truyền chức linh mục cho phụ nữ”, chúng ta cần biết liệu nó có nghĩa là một điều gì đó giống như “hiện tại, Giáo hội không cho phép truyền chức cho phụ nữ” hay “Giáo hội không có khả năng truyền chức linh mục cho phụ nữ”.

Đôi khi, đây là một vấn đề chỉ có Huấn quyền Giáo hội mới có thể trả lời. Và đó là những gì Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày trong Ordinatio Sacerdotalis năm 1994. Ngài đặc biệt bác bỏ khẳng định “phán quyết của Giáo hội  cho rằng phụ nữ không được đón nhận để thụ phong  được coi là sự bắt buộc thuộc về kỷ luật đơn thuần (#4). Để tìm hiểu một vài lí do cho phần kết luận này, chúng ta cũng có thể nghiên cứu Tuyên ngôn Inter Insigniores do bộ Giáo lý Đức tin ban hành vào năm 1976 dưới thời Đức Phaolô VI.

4. Giáo huấn Giáo hội bị nghi vấn thiếu hiệu lực do khiếm khuyết về mặt hình thức

Cuối cùng, những người không chấp nhận các quyết định của Giáo hội trong những vấn đề cụ thể sẽ rất thường xuyên lập luận rằng, do một số khiếm khuyết ở hình thức tuyên bố, mà tuyên bố đó mất đi tính hiệu lực. Có lẽ ví dụ được biết đến nhiều nhất chính là lập luận của những người bác bỏ một số Giáo huấn của Công đồng Vaticano II. Bởi vì mục đích chung của Công đồng là mục vụ, họ khẳng định rằng Công đồng đã không có ý định chính thức dạy bất cứ điều gì. Thế nhưng chính Công đồng đã tuyên bố rằng ý hướng của Huấn quyền trong bất cứ giáo huấn nào được xác định bởi cách thức đoạn văn đề cập được trình bày. Do vậy, khi Công đồng có ý định vượt ra ngoài các cuộc thảo luận và khuyến nghị mang tính chất mục vụ để dạy một chân lý cụ thể, thì ý định này được xác định bởi những từ ngữ được sử dụng để trình bày chân lý ấy.

Nhiều lập luận không liên quan tương tự cũng được thực hiện bởi những kẻ ngoan cố trong nỗ lực hạ thấp những giáo huấn hiển nhiên của Huấn quyền. Thật thú vị, có hai lập luận cụ thể đã được đưa ra nhằm chống lại giáo huấn của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Ordinatio Sacerdotalis.

Đầu tiên là tuyên bố rằng khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: phán quyết này  phải được tất cả mọi tín hữu của Giáo hội tuân giữ một cách dứt khoát”, thì ngài đã không thiết lập vấn đề, bởi vì đáng ra Giáo hoàng phải nói là “Phán quyết dứt khoát này phải được tất cả mọi tín hữu của Giáo hội tuân giữ”.

Tâm trí ngần ngại, nhưng tôi có thể đi đến một ví dụ tốt hơn, từ email mà tôi nhận được nhằm phản hồi bài báo của tôi về việc mở lại vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ. Người viết thư cho tôi tuyên bố rằng giáo huấn của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Ordinatio Sacerdotalis là vô giá trị vì Đức Giáo hoàng đã không sử dụng từ ngữ dành cho Hoàng gia và Giáo hoàng là “chúng tôi”, nhưng thay vào đó, đã tự gọi mình là  “tôi”.

Thật đúng lúc để kết thúc danh mục những lời bào chữa thường gặp cho thấy đỉnh điểm của sự phi lý hiển nhiên. Không cần kết luận thêm. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II hiểu rằng truyền thống các vị vua, hoàng hậu và giáo hoàng tự gọi mình bằng ngôi thứ nhất số nhiều (“the royal we”) khiến mọi người giận dữ và khó chịu vào cuối thế kỷ XX. Do đó, ngài đã bỏ thông lệ này để chuyển sang ngôi thứ nhất số ít. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô là một người rất nhiệt thành và nhạy cảm. Tất cả các Giáo hoàng sau đó cũng đã làm như vậy.

Cuối cùng, để bác bỏ lập luận lố bịch này, tôi không thể làm gì hơn là nhắc lại cách thánh Phêrô kết thúc thư thứ nhất của mình, và không ngần ngại nói bằng chính giọng điệu của ngài: “Tôi đã viết ngắn gọn cho anh em, khuyên nhủ và tuyên bố rằng đây là ân sủng đích thực của Thiên Chúa; anh em hãy đứng vững trong ân sủng đó.”

(Trích Mệnh lệnh canh tân, các bài viết về việc canh tân Giáo hội

Nhóm dịch thuật Durando chuyển ngữ)