1. Các bài đọc (phần riêng lễ các thánh)
Bài đọc I: Kh 7,2-4, 9-14
Trích sách Khải Huyền của thánh Gioan: Gioan mô tả về thị kiến: tất cả những ai đã từng chịu những đau khổ lớn lao đến thờ lạy Con Chiên.
Ðáp Ca: Tv 23,1-2. 3-4ab. 5-6
Thánh vịnh 23: Tất cả những ai tìm kiếm Nhan Thánh Chúa sẽ được toại nguyện.
Bài đọc II: 1 Ga 3,1-3
Trích thư thứ nhất của thánh Gioan Tông đồ: bây giờ chúng ta là những người con cái của Chúa.
Tin Mừng: Mt 5,1-12a
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu: Đức Giêsu dạy về những gì mang lại hạnh phúc (Tám Mối Phúc thật).
2. Chia sẻ
Ngày lễ các thánh nam nữ là một ngày lễ mừng trọng thể trong Giáo hội. Giáo hội cử hành lễ này để tôn vinh tất cả những người con cái thánh thiện của mình đã sống theo chân lý Tin Mừng và đã dành được phần thưởng Nước Trời.
Trong số này, có những vị đã được Giáo hội tuyên hiển thánh cách minh nhiên. Tuy nhiên trong số những người “có phúc có phần ấy,” thì cũng có những vị không hoặc chưa được tuyên phong cách công khai trong toàn thể Giáo hội. Nhưng tất cả trong số họ đều có điểm chung là đạt được phần thưởng vinh quang trong Nước Trời.
Mỗi khi cử hành lễ các thánh nam nữ, người Kitô hữu thường có hai ý hướng chính. Ý hướng thứ nhất là để tôn vinh các vị thánh, kể lại những nhân đức anh hùng của các ngài trong đời sống đức tin mà khi còn sống, các ngài đã hết lòng chu toàn với lòng mến Chúa và rồi để noi gương bắt chước các ngài. Và ý hướng thứ hai đó là cầu xin các thánh nam nữ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, về những ơn lành hồn xác mà chúng ta đang mong muốn cầu xin Chúa. Với sự cầu bầu của các thánh, chúng ta, những người còn đang trong cuộc sống dương thế này, hy vọng sẽ được các ngài cầu bầu trước tòa Chúa để sống cho đẹp lòng Người.
Trong tâm tình ấy, chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về những người anh chị em thánh thiện của chúng ta dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, để xem cuộc đời của một vị thánh là như thế nào.
Họ từ những đau khổ lớn lao mà đến
Nơi Bài đọc 1 sách Khải Huyền, chúng ta thấy thánh Gioan mô tả thị kiến về ngày sau hết. Ngày mà Thiên Chúa phân chia kẻ lành, người dữ và ban thưởng tùy theo những gì họ đã làm khi còn sống “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên” (Kh 7,14).
Vậy họ là ai? Đó có thể là những người anh chị em nghèo khổ của chúng ta. Họ có thể là những người đang sống ngoài đường phố, sống bên lề xã hội, bị mọi người khinh bỉ. Họ có thể là những hoàn cảnh khốn cùng cả đời vì tàn tật, ốm đau, thiệt thòi, bị áp bức. Họ có thể là những người đã cố gắng sống công chính, chiến đấu mạnh mẽ với tội lỗi và chấp nhận những thiệt thòi vì Chúa và phục vụ tha nhân… Và họ cũng có thể là chính mỗi người chúng ta.
Một hình ảnh khác nói về họ trong các bài đọc, đó là Mối Phúc thứ tám trong bài Tin Mừng: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,10-11).
Mở rộng ra thêm một tý nữa, chúng ta sẽ thấy có sự liên hệ giữa bài Đọc 1 và bài Tin Mừng rất rõ ràng khi nói về những người từ những đau khổ lớn lao mà đến. Hay nói cách cụ thể hơn, họ từ những người đã sống Tám Mối Phúc thật mà đến.
Tức là những người này đã cùng tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô – Con Chiên tinh tuyền suốt cả cuộc đời trên dương thế rồi. Và theo như sách Khải Huyền, thì có một con số nhất định. Tuy đó không phải là con số nói về mặt chính xác, nhưng cho thấy rằng, không phải là tất cả mọi người đều được diễm phúc dự lễ cưới Con Chiên, mà chỉ một số thôi. Và đấy là những người đã đến từ những hoàn cảnh khác nhau như sách Khải huyền và Tám Mối Phúc đã nói. Họ đã họa lại cuộc đời của Đức Kitô trên dương thế và trung thành với Người cho đến chết.
Điều này cho thấy có những con người ưu tuyển về đời sống đạo mới xứng đáng lãnh nhận phần thưởng Nước Trời. Tuy nhiên không phải sinh ra, lớn lên, rồi chết đi là được lãnh phần thưởng đâu. Mà những con người này, những người mà chúng ta gọi là thánh, họ đã phải sống một cuộc sống giống như đời sống của Chúa Kitô. Họ luôn lấy Đức Kitô là khuôn mẫu và sống trọn đời theo mẫu gương đó.
Con đường để nên thánh
Điều này sách Tin Mừng gợi lên cho chúng ta con đường để sống điều đó, chính là Tám Mối Phúc thật hay còn gọi Hiến chương Nước Trời. Tám Mối Phúc chính là những nấc thang để chúng ta đạt đến sự hoàn thiện. Chính Đức Giêsu đã chỉ ra con đường ấy để cho người ta đạt được hạnh phúc “Phúc cho”.
Nhưng xem ra những mối phúc này lại là những nghịch lý trong đời thường, nghèo khó, khóc lóc, đói khát v.v… Đây là những duyên cớ để cho người ta dành được hạnh phúc, nếu họ biết bước đi trong ánh sáng của Tin Mừng. Điều mà như Bài đọc 1 đã nói, những con người thánh thiện đã đến từ những đau khổ lớn lao.
Như vậy, hạnh phúc không phải chỉ là những gì sẽ đến sau khi người ta phải làm một điều gì đó giống như chơi trò chơi thử thách. Nhưng niềm hạnh phúc mà Đức Giêsu chỉ ra hôm nay làm cho người ta hạnh phúc, dù họ đang ở trong chính những điều xem ra bất lợi hay thử thách.
Chẳng sai khi người ta nói rằng bậc thang lên trời bắt đầu với những bậc thang ở dưới đất. Hãy sống đời sống thánh thiện qua những cử chỉ hành vi, lời nói trong cuộc sống hằng ngày. Nên thánh đòi hỏi phải chết đi cho tội và vác thập giá của Chúa Kitô. Mỗi ngày hãy cố tận dụng mọi thời cơ để làm cho mình nên thánh. Cuộc đời nên thánh đòi hỏi một sự đánh đổi, có thể phải sống nghèo khó, có thể phải bị sỉ nhục, hay đau khổ, nhưng con đường nên thánh được lát bằng những viên đá ấy.
Luôn khát khao hướng đến sự thánh thiện
Ở nơi Bài đọc 2 thư thánh Gioan cho chúng ta thấy rõ tâm tình ấy. Tâm tình mà thánh Gioan đã nhắc nhở, đó là “Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh” (1 Ga 3,2). Thực tại thiêng liêng luôn luôn là niềm hy vọng của chúng ta. Và Đức Kitô chính là cùng đích mà chúng ta nhắm tới. Cùng đích này là cùng đích vĩnh cửu và không có điều gì có thể so sánh được hay thay thế được.
Vì vậy, trong cuộc sống, xin đừng quên rằng chúng ta vẫn còn đang trên đường đi đến đích điểm vĩnh cửu là Đức Kitô. Để đi đến đích điểm ấy, chúng ta cũng phải luôn tự thánh hóa bản thân để nên thánh thiện giống Chúa.
Ngày lễ các thánh, cùng với ngày lễ các đẳng linh hồn, nhắc nhớ mỗi người về thực tại thiêng liêng trên trời. Đó chính là cùng đích của đời người. Và ai cũng mong ước đạt được điều ấy. Thế nhưng nó phải được chiếm đoạt bằng chính cả một đời sống thánh thiện và thiện toàn như Chúa. Thật phúc cho chúng ta vì chính Chúa đã chỉ ra cho con đường của các mối phúc, con đường của Tin Mừng để chúng ta hầu đạt được điều ấy dễ dàng hơn.
Lễ các thánh là để chúng ta nhắc nhở nhau rằng, “ông nọ bà kia làm thánh, tại sao tôi không thể làm thánh”. Đây là thao thức của thánh Augustinô và ngài đã quyết tâm làm thánh thật, vị thánh tiến sĩ lừng danh của Giáo hội. Đó cũng phải là thao thức của mỗi người chúng ta. Mọi người và từng người phải nên thánh và là thánh. Chúng ta cũng hãy hỏi mình và thôi thúc chính mình như thánh Augustino để làm cho danh sách các thánh trong Giáo hội ngày càng dài thêm, ít ra chúng ta cũng có tên dù là cuối cùng.
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM