Những trở ngại cho việc canh tân Giáo Hội

0
625

Jeffrey A. Mirus

“Đường lối của Giáo hội trong thời đại của chúng ta không thể cứ tiếp tục từ chối sự đòi hỏi một lòng khát khao được biến đổi trong Chúa Kitô. Các thành viên của Giáo hội phải học lại cách loại trừ những kẻ từ chối đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa, kẻo họ làm vấy bẩn Tin Mừng và làm hư hỏng công trình của Thiên Chúa ở chính nguồn mạch của nó.”

Đây là cách tôi đã kết thúc bài viết Đòi hỏi đầu tiên của việc canh tân Giáo Hội trong thời đại chúng ta. Nhưng Giáo hội gặp phải hai ngăn trở lớn cho sự biến đổi thiết yếu này. Thứ nhất là sự nguy hiểm của việc quá khắt khe – nghĩa là loại trừ những người bất toàn, những người không trực tiếp chống lại Thiên Chúa và Giáo hội nhưng có thể họ yếu đuối, bất cẩn hoặc chưa nhận thức rõ sự cần thiết của sự trưởng thành thiêng liêng. Thật may mắn, tôi đã đề cập vấn đề này về việc sử dụng biện pháp loại trừ một cách thích hợp. Xin xem loạt bài viết sáu phần của vào năm 2014 của tôi: Giáo hội càng nhỏ, Đức tin càng lớn?

Nhân tiện, tôi muốn đề cập tới việc khước từ hiệp thông đối với những người chống đối rõ ràng đã luôn cung cấp cho Giáo hội một nền tảng trung gian giữa việc thu nhận hoàn toàn và loại trừ hoàn toàn. Thật điên rồ khi hầu hết đã từ bỏ lựa chọn này trong thực tế; và giờ đây thật đáng buồn biết bao khi chứng kiến ​​ngay cả nỗ lực của tông toà từ bỏ việc thương xót loại trừ này, vốn được xem như để thức tỉnh tội nhân và cảnh báo các tín hữu!

Chúng ta phải nhìn nhận rằng thật đúng đắn khi việc thu nhận không giới hạn những người nổi loạn chống lại quyền bính thiêng liêng của Giáo hội gây ra tai hại không thể khắc phục được. Bằng chứng của sự nổi loạn đó là việc cố gắng chống lại Huấn quyền và quyền bính kỷ luật của Giáo hội. Chính vì không cân nhắc cách cẩn thận của Giáo hội đương thời khi thu nhận những người về cơ bản từ chối Giáo hội khiến cho các linh mục và giám mục hiếm khi nhấn mạnh đến tính tội lỗi của những hành vi được khuyến khích trong văn hoá thế tục của chúng ta. Chính sự thu nhận không cân nhắc này của Giáo Hội làm suy giảm sự tín nhiệm của những người đã nhấn mạnh rằng người Công giáo phải tin tưởng vào một số điều và cam kết với một quy tắc đạo đức nhất định. Và chính sự nhầm lẫn về các điều kiện cho tư cách thành viên và sự hiệp thông trong Giáo hội đã làm suy yếu cách nghiêm trọng mệnh lệnh sau cùng của Chúa chúng ta đã trao cho các môn đệ:

Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,18-20)

Vấn đề các nhà cải cách giáo dân phải đối mặt

Trong thời đại của chúng ta, trở ngại thứ hai đối với sự loại trừ cần thiết để canh tân Giáo hội là những người tiên phong trong việc canh tân thực sự là giáo dân. Do sự thế tục hoá lan rộng nơi các giám mục, linh mục và tu sĩ trong suốt cuộc cách mạng tình dục ở phương tây những năm 1960, rất nhiều giáo dân đã phải tích cực trau dồi đức tin, chống lại những sai lầm của thời đại, giải thích và bảo vệ giáo huấn của Giáo hội, và nuôi dưỡng sự canh tân nội tâm của các tín hữu. Trên thực tế, về cơ bản, giáo dân đã lên nắm quyền lãnh đạo cuộc cải cách công giáo thực sự bởi vì giới lãnh đạo giáo sĩ và tu sĩ tiêu biểu của Giáo hội bị coi là khá ấu trĩ và tồi tệ.

Đáng tiếc thay – đây lại là một trở ngại – điều đó có nghĩa là đại đa số những nhà lãnh đạo việc canh tân thực sự trong Giáo hội hoàn toàn không có thẩm quyền trong Giáo hội. Do đó, một lượng lớn các tín hữu Công giáo ở mọi cấp độ đều cảm thấy hoàn toàn tự do gạt bỏ họ như những người không liên quan.

Tôi không muốn bị hiểu lầm. Suốt triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, làn sóng “các linh mục JP2” đã nâng cao đáng kể cấp bậc đời sống linh mục ở phương Tây, cũng như nhu cầu chấp nhận sự phục vụ của các linh mục đến từ những nơi mà đức tin vẫn còn mạnh mẽ, như ở Châu Phi. Có rất nhiều linh mục tốt, họ là những nhân tố thực sự trong việc canh tân. Nhưng những gì họ có thể làm thường bị hạn chế bởi nhiều giám mục phương tây vốn dĩ vẫn tiếp tục không sẵn lòng nhiệt thành cho việc canh tân thực sự của chính họ.

Dù sao, hiệu quả của cuộc canh tân dưới sự lãnh đạo của giáo dân là có thật. Nếu bạn nghĩ tôi cường điệu, thì hãy xem cách thức mà giáo dân nuôi dưỡng động cơ chính của cuộc canh tân hợp pháp trong Giáo hội vẫn còn cho đến ngày nay. Sau năm mươi năm cố gắng tích cực nhất để thực hiện một cuộc canh tân rộng khắp. Chúng ta có nhiều mẫu gương, nhưng tôi sẽ chỉ giới hạn lại ở trong phạm vi nước Mỹ vì đó là những gì tôi biết rõ nhất.

Truyền thông đại chúng: Tạp chí, báo chí, sóng radio, truyền hình, website, blogs và mạng xã hội, là những phương tiện nhấn mạnh tới việc đổi mới tâm hồn con người trong sự trung thành với Giáo hội, đa số được thành lập và quản lý bởi giáo dân. Mặc dù được quản lý bởi giáo dân, một ngoại lệ đáng chú ý nhất là công trình đồ sộ của EWTN, được thành lập bởi một nữ tu, có mối quan hệ chặt chẽ với hàng phẩm trật Hoa Kỳ.

Xuất bản sách: Những nhà xuất bản sách Công giáo đương đại từ chối xuất bản những cuốn sách bất đồng chính kiến (ly khai, lạc đạo) được giáo dân kiểm soát và quản lý. Những nhà xuất bản này sẽ chỉ xuất bản (phát hành) tài liệu thúc đẩy sự canh tân đích thực bằng cách luôn tìm cách diễn đạt những gì chúng ta gọi là “tâm thức của Giáo hội”. Các nhà xuất bản hầu hết đều do giáo dân thành lập hoặc chuyển đổi trong sự đáp lại sự sụp đổ của nhà xuất bản Công giáo vào những năm 1960. Sophia Institute Press là một ví dụ hoàn hảo. Hay ngay cả Ignatius Press, luôn được điều hành bởi các giáo dân và có một đội ngũ tác giả là các giáo dân xuất sắc hiện nay, mặc dù được thành lập bởi cha Joseph Fessio, SJ (giờ đã ngoài 70 tuổi).

Giáo dục trẻ em: Các trường học giáo xứ và giáo phận đã sa vào bất đồng chính kiến, chủ nghĩa thế tục và đạo đức thảm hại của nền văn hóa chủ đạo của chúng ta. Chúng vẫn còn vững vàng hoặc chỉ được phục hồi hoàn toàn ở một vài trong số những giáo phận tốt nhất. Nhưng một số lượng lớn các trường Công giáo độc lập đã được thành lập bởi giáo dân. Thường thì hầu hết các cha mẹ Công giáo gửi các con của họ đến các ngôi trường này nếu họ không dạy chúng ở nhà được.

Giáo dục Cao đẳng: Các trường cao đẳng và đại học do các dòng tu thành lập và/ hoặc điều hành hầu như đã bị thế tục hóa một cách phổ biến vào nửa sau của thế kỷ XX. Một số ít đã được cải cách. Trong khi đó, các trường cao đẳng Công giáo trung thành mới được thành lập từ giữa những năm 1960, được thành lập bởi giáo dân – hầu hết trên mô hình được thiết lập vào những năm 1970 bởi các trường học vẫn còn phát triển như trường Cao đẳng Thomas Aquinas và Cao đẳng Christendom (hiện cũng đang đào tạo cao học.) Một số cơ sở hiện tại đã được đổi mới thông qua hoạt động của các linh mục mẫu mực, đáng chú ý nhất là Đại học Phanxicô Steubenville dưới sự điều hành trước đây của cha cố Michael Scanlan, mặc dù các giảng viên hàng đầu là giáo dân. Ngay cả Đại học Dallas rất trung thành, được thành lập dưới sự bảo trợ của Giáo phận Dallas vào những năm 1950, ngay trước khi giáo dục đại học Công giáo sụp đổ, đã được điều hành và lãnh đạo ngay từ đầu bởi những người giáo dân.

Các trường đặc biệt: Khi được thành lập dưới thời Giám mục Thomas Welsh của Arlington, Đại học Từ xa Công giáo chính thống luôn luôn được điều hành bởi giáo dân. Cũng tại Arlington, Viện Khoa học Tâm lý, một trường cao học về tâm lý dựa trên sự hiểu biết Công Giáo về con người, hôn nhân, và gia đình, đã được thành lập bởi giáo dân vào năm 1999 và phát triển vào năm 2015 thành Đại học Divine Mercy.

Các Hiệp Hội Nghề Nghiệp: Các hiệp hội nghề nghiệp Công giáo cũ dành cho các bác sĩ, luật sư, nhà thần học, luật sư giáo luật và các ngành học thuật khác, tất cả đều rơi vào bất đồng và chủ nghĩa thế tục bắt đầu từ những năm 1960. Nhiều hiệp hội vẫn có ảnh hưởng lớn trong các lãnh vực của họ, nhưng tất cả những hiệp hội mới trung thành với Huấn quyền đều do giáo dân lập, hoặc bởi những nhóm với giáo dân chiếm đa số, bao gồm Hiệp hội Y tế Công giáo, Tổ Chức Các Học Giả Công giáo, và Hiệp hội Khoa Học Xã Hội Công giáo.

Các tổ chức mới: Gần như mọi tổ chức mới đã xuất hiện trong bối cảnh Hoa Kỳ kể từ giữa những năm 1960 để thúc đẩy sự đổi mới hầu trung thành với Huấn quyền Giáo hội, đã được thành lập bởi giáo dân. Đây là một số trong những cái tên đã trở nên quen thuộc với những tín hữu nghiêm túc tại Hoa Kỳ: Những Người Công Giáo Hiệp Nhất Niềm Tin, Tổ chức Liên đới Gia đình, Các Câu Trả Lời Công giáo, Quỹ Thánh Giuse, Adoremus, Tổ chức Sinh viên Đại học Công giáo, Học viện Augustinô, và Hiệp Hội Hồng y Newman. Còn có nhiều hơn nữa; Trinity Communications của chúng ta là một trong số này.

Tổ chức huynh đệ: Danh sách có thể kéo dài, nhưng tôi sẽ khép lại ở điều này: Tổ chức Công giáo lớn nhất vẫn giữ cam kết của mình đối với tinh thần của Giáo Hội trong thời đại của chúng ta là các Hiệp sĩ Columbus. Mặc dù nó được truyền cảm hứng từ năm 1882 bởi cha Michael McGivney, đó là một hiệp hội vì lợi ích huynh đệ, do các giáo dân Công giáo điều hành, dành cho giáo dân và gia đình của họ.

Trong khi Hoa Kỳ dẫn đầu ở các lãnh vực của các tổ chức Công giáo trung thành như vậy, đã có những phát triển tương tự ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Anh, Úc, Pháp và Đức. Ngoài ra, một số phong trào quốc tế đang phát triển được thiết kế để thúc đẩy sự canh tân theo nhiều cách thức khác nhau trong suốt thế kỷ XX, cũng được thành lập bởi những người giáo dân, bao gồm Focolare (1943), L’Arche (1964), và Neocatechumenal Way (1964). Cuối cùng, Opus Dei được thành lập bởi một linh mục và có Hiệp hội Linh mục Thánh Giá để hướng dẫn nó, nhưng dù sao nó cũng được tổ chức dành cho giáo dân và được đại diện chủ yếu bởi những giáo dân cam kết sâu sắc trong mọi ngành nghề. Tuy nhiên, bên ngoài Hoa Kỳ, hiểu biết trực tiếp của tôi lại rất hạn chế.

Kết luận

Mặt khác, trong tất cả các lĩnh vực tôi đã đề cập ở trên, bạn sẽ thấy rằng ưu thế đối của các hiệp hội và tổ chức tuyên bố một hình thức đổi mới sai lầm, cuối cùng bắt nguồn từ những định kiến thế tục của nền văn hóa Tây phương có ảnh hưởng lớn của chúng ta, và cam kết chống lại Huấn quyền của Giáo hội, vẫn được điều hành bởi các giáo sĩ Công giáo và các dòng tu. Có quá nhiều ví dụ để có thể đề cập hết. Chúng tôi nghe thấy những vụ bê bối của họ từng ngày. Một thực tế tàn khốc là, trên khắp phương Tây, nếu không có sự canh tân Công Giáo nào được dẫn đầu bởi giáo dân, thì việc đổi mới có hiệu quả rất thấp nếu như đã trình bày, ngoại trừ một số rất ít giáo phận gương mẫu. Ngay cả các dự án canh tân được bảo trợ bởi hai Đức giáo hoàng, chẳng hạn như Giáo hoàng Học viện Gioan Phaolô II về Hôn nhân và Gia đình, đang gặp khó khăn dưới triều đại hiện nay.

Nói cách khác, hầu hết những nỗ lực canh tân Công giáo đích thực (nghĩa là sự đổi mới thực sự trung thành với các giáo lý của Giáo hội Công giáo) đến từ giáo dân. Tôi thấy cần nói thêm ngay rằng đây không phải là những nỗ lực gây tổn hại hoặc chống giáo sĩ. Hầu hết các tổ chức này đã có thể có tìm được sự hướng dẫn thiêng liêng từ các linh mục cách tốt đẹp. Một số khác đã nhận được sự tán thành trực tiếp từ các giám mục. Thậm chí còn khả quan nhiều hơn nữa, một số nỗ lực này đang được sử dụng một cách hiệu quả trong việc phục vụ các giáo phận và giáo xứ (người nghĩ ra các chương trình được phát triển một cách riêng biệt bởi nhà xuất bản học viện Augustine và Nhà xuất bản học viện Sophia).

Tất cả đều ổn. Nhưng bây giờ tôi chắc chắn bạn có thể thấy vấn đề. Các tổ chức này không có thẩm quyền Giáo Hội để đòi hỏi những người khác trong Giáo hội phải dừng lại và suy ngẫm về “những gì Giáo hội đang dạy chúng ta, những gì Giáo hội yêu cầu chúng ta tin, Giáo Hội đang yêu cầu chúng ta cầu nguyện như thế nào, hoặc điều gì có thể xảy ra với tư cách của chúng ta là người Công giáo nếu chúng ta từ chối những đòi hỏi của Giáo hội về sự cam kết giáo lý và sự phát triển thiêng liêng.” Giáo dân, như chúng ta biết, không có quyền kiểm soát thông điệp từ bục giảng, hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt thiêng liêng, hoặc để lựa chọn các linh mục và giám mục, hoặc để ra vạ tuyệt thông. Nói một cách ngắn gọn, giáo dân không thể trực tiếp tạo ra một Giáo hội nhỏ hơn nhưng hiệu quả hơn.

Việc canh tân Giáo hội ngay từ nền tảng luôn luôn là một điều khó khăn lạ thường. Đây là vấn đề lớn nhất mà sự đổi mới đích thực của Công giáo ngày nay phải đối mặt, vốn đang dần được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI đưa vào trào lưu chính, nhưng Đức giáo hoàng hiện tại ít khuyến khích và làm nản lòng nhiều người. Câu hỏi hợp lý tiếp theo chỉ đơn giản là: Chúng ta mong đợi như thế nào từ nhóm không ngừng phát triển này gồm các nhà lãnh đạo giáo dân cam kết sâu sắc trong Giáo hội Công giáo, và các tổ chức nổi bật mà họ đã phát triển, cuối cùng nắm lấy cơ hội để tạo ra một sự thay đổi lớn lao trong một Giáo hội quá mức trì trệ?

(Trích Mệnh lệnh canh tân, các bài viết về việc canh tân Giáo hội

Nhóm dịch thuật Durando chuyển ngữ)