Niềm vui của Tin Mừng – Lời Chúa – Chúa Nhật V TN – Năm B

0
769
  1. Các bài đọc

Bài đọc I: G 7, 1-4. 6-7

Trích sách Gióp: Ông gióp than vãn về những đau khổ và về đời sống của ông.

Ðáp ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Thánh vịnh 146: ca tụng sự nhân lành của Chúa dành cho kẻ thấp hèn.

Bài đọc II: 1 Cr 9, 16-19. 22-23

Trích thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô: thánh Phaolô giải thích những hoàn cảnh khi ngài rao giảng Tin Mừng và lý do ngài không đón nhận sự giúp đỡ của người dân Côrintô.

Tin Mừng: Mc 1, 29-39

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô: Chúa Giêsu chữa lành bà nhạc gia của Phêrô và nhiều người khác.

  1. Chia sẻ

Đã hơn một năm kể từ khi dịch covid 19 bùng phát. Dịch bệnh cứ tái đi tái lại, hết khu vực này đến khu vực khác và xem ra sẽ còn kéo dài. Nhiều nhà chuyên môn cũng như dân chúng đang dần tỏ ra mất kiên nhẫn và thất vọng. Con người cảm thấy có điều gì đó bất công mà họ đang phải chịu.

Từ bối cảnh hiện tại để nhìn vào hoàn cảnh của ông Gióp, của Phaolô và các môn đệ trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay, khi họ phải đón nhận mọi hoàn cảnh sống vì Tin Mừng. Họ đón nhận với niềm hy vọng vào tình thương của Thiên Chúa.

Lấy giá trị Tin Mừng làm nền tảng cho cuộc sống

Trong Bài đọc hai, thánh Phaolô đã giải thích lý do tại sao ngài lại chịu vất vả vì công cuộc rao giảng Tin Mừng. Đó là vì ngài đã lãnh nhận Tin Mừng cách không công, thì ngài cũng phải chia sẻ Tin Mừng ấy cho người khác cách không công. Và một lý do khác là để thanh minh cho ngài, vì nhiều người nghĩ ngài chỉ chú tâm rao giảng cho dân ngoại và bỏ quyên người Do thái. Nhưng thực sự thì khác “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1 Cr 9, 22).

Và vì thế, thánh Phaolô đã chấp nhận mọi hoàn cảnh của cuộc sống, miễn sao Tin Mừng được rao giảng và cuối cùng là để được thông chía phần phúc của Tin Mừng “tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng” (1 Cr 9,23). Như vậy Tin Mừng chính là nền tảng sống của cuộc đời Phaolô và ngài rao giảng cho tất cả, chứ không dành riêng cho một nhóm hay một thành phần nào.

Nhìn vào bài Tin Mừng, chúng ta cũng nhận thấy sự nhiệt thành của Chúa Giêsu cho sứ điệp Tin Mừng “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”(Mc 1, 38). Tin Mừng không phải là một đặc ân dành riêng, nhưng là của tất cả mọi người và ai cũng cần được nghe Tin Mừng ấy. Vậy tôi đã sống giá trị nền tảng của Tin Mừng trong cuộc sống như thế nào? Hay chỉ trong khu vực một nhóm “toàn tòng” của tôi thôi.

Đem Nước Trời đến với những ai đang đau khổ

Trong Bài đọc một, chúng ta thấy sự đau khổ tột cùng của Gióp. Ông cảm thấy nản lòng và thất vọng vì căn bệnh của mình. Ông muốn chữa lành và tìm sự an ủi. Nhưng dường như ông bị bỏ rơi trong sự cô đơn và tủi lạnh của mọi người.

Trong bài Tin Mừng chúng ta cũng thấy bà nhạc mẫu ông Phêrô bị bệnh, và nhiều người khác bị bệnh đến cùng Chúa Giêsu và được Người chữa lành. Những người này xem ra may mắn và hạnh phúc hơn Gióp, vì họ gặp được Chúa Giêsu và được Người chữa lành.

Lòng thương xót và việc chữa lành của Chúa Giêsu chính là những dấu chỉ của Nước Trời. Sứ vụ của Chúa Giêsu là rao giảng, chữa lành người bệnh và trừ quỷ…. Tất cả những điều này Giáo hội ngày nay vẫn đang tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu khi cử hành bí tích Xức dầu để nâng đỡ người bệnh và mang đến cho họ niềm hy vọng. Sự chữa lành chính là hình ảnh của sự hiện diện của Nước trời trong đời sống.

Giáo hội sẽ thi hành những gì Chúa Giêsu đã làm để rao giảng về Nước Thiên Chúa qua những tác vụ chữa lành và an ủi con người trong những hoàn cảnh bệnh tật và đau khổ. Chính Chúa là chỗ dựa vững chắc cho bệnh nhân vào lúc đau khổ nhất, vì Chúa là niềm hy vọng của họ.

Trong hoàn cảnh hiện tại, cả thế giới đang trong cơn bệnh và cần sự an ủi và chữa lành từ chính Giáo hội. Những người con cái của Giáo hội đang âm thầm phục vụ để giúp đỡ anh chị em mình vượt qua khủng hoảng. “Chúng ta đã bắt đầu nhận biết đời sống của mình được đan xen và duy trì nhờ những con người bình thường, nhưng dám can đảm tạo ra các biến cố mang tính quyết định trong lịch sử chung của chúng ta: các bác sĩ, y tá, dược sĩ, thủ kho và nhân viên siêu thị, công nhân giặt ủi, điều dưỡng viên, công nhân vận chuyển, nam giới cũng như nữ giới lao động nhằm cung cấp các dịch vụ thiết yếu và an toàn công cộng, các tình nguyện viên, linh mục và tu sĩ…Họ hiểu rằng không ai được cứu vớt một mình cả” (Fratelli Tutti, 54).

Tìm kiếm hướng dẫn từ Chúa cho các công việc

Trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đã thức dậy từ sáng sớm và cầu nguyện với Chúa Cha. “sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó” (Mc 1, 35). Chúa Giêsu đã đi tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa Cha khi khởi đầu ngày mới. Ngài xin Chúa Cha hướng dẫn cho các công việc của Ngài trong ngày. Tôi có bao giờ tìm kiếm ý Chúa như thế không khi bắt đầu các công việc trong ngày?

Đức Giêsu đã loan báo về Nước Thiên Chúa và làm cho nước ấy trở nên gần gũi với dân chúng qua các tác vụ chữa lành và tha tội. Tôi cũng được mời gọi thi hành tác vụ ấy trong cuộc sống hằng ngày để tha thứ và chữa lành những mảnh đời bất hạnh, những tâm hồn đau khổ nơi các anh chị em của tôi. Đó chính là những niềm vui của Tin Mừng.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM