1. Các bài đọc
Bài đọc I: Kn 12, 13. 16-19
Trích sách Khôn ngoan: Thiên Chúa mặc khải chính mình là Đấng công bình và nhân hậu.
Ðáp Ca: Tv 85, 5-6. 9-10. 15-16a
Thánh vịnh 85: Chúc tụng Chúa, Đấng nhân hậu.
Bài đọc II: Rm 8, 26-27
Thư thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma: Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta trước Thiên Chúa.
Tin Mừng: Mt 13, 24-30 {hoặc 24-43}
Tin Mừng theo thánh Matthêu: Chúa Giêsu kể các dụ ngôn về Nước Trời và giải thích chúng cho các môn đệ.
2. Chia sẻ
Hình ảnh ruộng lúa và cỏ lùng xem ra không mấy xa lạ với người dân Việt Nam. Như thế, điều này có thể giúp dễ dàng hiểu được bối cảnh của dụ ngôn mà Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ. Chủ đề của bài Tin Mừng cũng là chủ đề của các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Đó là Thiên Chúa không phải là tác giả của sự dữ và ngài kiên nhẫn chờ người tội lỗi hối cải.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, Thánh Gioan Kim Khẩu chỉ ra cho chúng ta ba điểm cần lưu tâm:
Giáo hội của Chúa trên mặt đất này bao gồm người tốt và kẻ xấu (trong ruộng có cả lúa và cỏ lùng mọc chung xen lẫn).
Bắt đầu dụ ngôn Chúa Giêsu đã phác họa hình ảnh của người chủ ruộng là : “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình” (Mt 13, 24). Ông chủ gieo giống tốt, tức là ông đã có sự chọn lựa hạt giống cẩn thận và thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, để nó có thể cho kết quả tốt nhất. Hình ảnh này chính là hình ảnh của Giáo hội thánh thiện mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập. Thế nhưng, kẻ giữ đã làm cho trên mảnh đất ấy xuất hiện cỏ lùng tức là sự dữ. Cho nên, Giáo hội đã cưu mang nơi mình cả người lành và kẻ dữ, như lúa với cỏ lùng. Cả hai cùng tồn tại và lớn lên. Tuy nhiên đây là điều mà không bất cứ người chủ ruộng nào muốn cả. Điều này dẫn chúng ta bước qua ý kế tiếp.
Thiên Chúa không phải là tác giả của cái ác (Ngài không gieo cỏ lùng vào ruộng của mình nhưng là ma quỷ đã thừa cơ làm nảy sinh ra chúng).
Chúa chính là người gieo giống, người chủ ruộng. Thế nhưng, kẻ thù đã lợi dụng lúc ông ngủ mà làm điều tai hại, tức là gieo cỏ lùng “khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất” (Mt 13,25). Từ “mọi người” ở đây, đó là ông chủ và những thuộc hạ tốt lành của ông. Hay nói khác đi là những người cùng ý hướng tốt lành như ông đang ngủ, thì bị kẻ gian lẩn vào ruộng và làm điều xấu.
Hình ảnh này cho thấy hình ảnh các vị chủ chăn trong Giáo hội. Đôi khi, vì lý do này, lý do khác mà họ quyền thi hành sứ vụ của mình, hay bị các thế lực khác như tiền bạc, danh vọng, đam mê này nọ ru ngủ hoặc sơ xuất, nên đã để cho ma quỷ thừa cơ hội gieo rắc tội lỗi và sự xấu xa vào lòng một số lượng lớn các Kitô hữu. Từ đó làm cho các Kitô hữu trở thành như cỏ lùng với đủ mọi loại tính hư tật xấu và vẫn sống chung với các Kitô hữu tốt lành khác.
Như vậy, những Kitô hữu bị gieo vào lòng những sự xấu xa, trở thành cỏ lùng giữa ruộng lúa, cạnh tranh chất dinh dưỡng với ruộng lúa và làm cho người Kitô hữu chân chính khác đánh mất ân sủng của mình và sinh ra những cây lúa không năng suất.
Vì thế, các chủ chăn trong Giáo hội cần phải tỉnh táo trước mọi cám dỗ và quyến rũ của thế gian, để chính bản thân mình khỏi bị ngủ quên và để chỗ sơ hở cho kẻ thù tấn công ruộng lúa thiêng liêng, là cộng đoàn Kitô hữu mà mình đang chăm sóc.
Thiên Chúa không phải lúc nào cũng trừng phạt kẻ ác ngay ở đời này, nhưng Ngài kiên nhẫn chịu đựng họ.
Thế nhưng, ông chủ ruộng lại là người rất kiên nhẫn để xử lý tốt cái đám cỏ lùng vô dụng. Ông đủ khôn ngoan để phân định đâu là thời điểm cần hành động để không vì đám cỏ lùng hay vội vã mà làm hỏng đám ruộng mà ông đã ân cần chăm sóc. Khi đầy tớ xin được nhổ cỏ lùng thì ông đã đáp: “đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa (Mt 13, 29).
“Đừng, sợ rằng” là một thái độ cẩn trọng của chủ ruộng trước kỹ năng của người làm công của mình. Ông sợ họ không đủ kiên nhẫn và sáng suốt để chỉ diệt cỏ, khi mà mọi sự còn chưa rõ ràng.
Những lời cầu nguyện của những tội nhân biết hối cải không bao giờ bị Chúa coi thường. Qua chi tiết này, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, không được cắt đứt quan hệ một cách quá vội vàng đối với một người anh em sa ngã. Vì bất cứ điều gì xấu anh ta làm ngày hôm nay thì ngày mai, có thể anh ta sẽ nhận ra tội lỗi của mình và ăn năn hối cải. Có lẽ Bài đọc một đã nói lên toàn bộ tâm tình này của ông chủ hay nói đúng hơn là của Thiên Chúa trước tội nhân “vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung” (Kn 12,18).
Và Thiên Chúa khoan dung tới nỗi, chính Chúa Thánh Thần còn là người chuyển cầu cho chúng ta khi chúng ta, tội nhân kêu cầu lên cùng Chúa như Bài đọc hai đã mô tả “nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả” (Rm 8,26). Qua đây ta thấy lòng nhân hậu và khoan dung vô bờ bến của Thiên Chúa đối với chúng ta là dường nào.
Dụ ngôn cỏ lùng là một dụ ngôn rất hay khi nói về hình ảnh Nước Trời, hình ảnh Hội thánh trong cuộc sống trần gian này. Thiên Chúa là thánh thiện và Ngài muốn kẻ thuộc về Ngài cũng sống trong sự thánh thiện. Thế nhưng, sự dữ đã lan tràn và ảnh hưởng xấu đến người tốt.
Tuy thế, Thiên Chúa thì luôn kiên nhẫn khoan dung và giàu lòng thương xót đối với các tội nhân. Chúa cho tội nhân thời gian để hoán cải và biến đổi cuộc đời đối với tội lỗi. Chúa nhân từ vô bờ bến và chúng ta được thừa hưởng điều này. Nhưng Ngài vẫn công bằng và trừ khử sự dữ khi vào thời sau hết, thời mà “người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy” (Mt 13,40).
Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, CM