Ơn gọi ngôn sứ – Lời Chúa Chúa Nhật XIV TN B

Đăng ngày: 03/07/2021

I. Các bài đọc

Bài đọc 1: Ezekiel 2,2-5

Bài trích sách ngôn sứ Ezekiel: Thiên Chúa sai ngôn sứ Ezekiel đến với dân Israel.

Đáp ca: Tv 123,1-2,3-4

Thánh vịnh 123: cầu xin lòng thương xót của Chúa.

Bài đọc 2: 2 Cr 12,7-10

Trích thư thứ 2 của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô: thánh Phaolô mang lấy những sỉ nhục và yếu đuối vì danh Đức Kitô.

Tin Mừng: Mc 6,1-6

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: Đức Giêsu bị khước từ bởi quê hương mình.

II. Chia sẻ

Trong các buổi cử hành phụng vụ phép rửa, vị chủ sự sẽ hỏi các bậc cha mẹ về trách nhiệm với đứa con mà họ đang muốn cho lãnh nhận phép rửa Chủ tế: Khi xin phép Rửa Tội cho con cái, ông bà (anh chị) lãnh nhận trách nhiệm giáo dục (các) em trong Ðức Tin, để (các) em tuân giữ các giới răn Chúa là mến Chúa yêu người như Chúa Kitô đã dậy chúng ta. Ông bà có ý thức điều đó không? Và họ trả lời “thưa có”. Điều này nhắc nhớ chúng ta về sứ vụ mà mỗi người lãnh nhận khi chịu phép rửa để trở nên ngôn sứ, tư tế và vương đế và sống ơn gọi ấy. Vậy ơn gọi ngôn sứ như thế nào?

Nhận biết Thiên Chúa

Cả ba bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy rất rõ về việc nhận biết Thiên Chúa trong đời sống thường ngày.

Nơi bài đọc I, ngôn sứ Ezekiel đã được sai đến với dân chúng, nhưng dường như người ta không để tâm gì đến vị ngôn sứ này. Dân Israel được ví như “những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá” (Ez 2,4). Có thể sứ vụ của vị ngôn sứ này, sẽ chẳng bao giờ thay đổi được lối sống và tâm hồn của dân chúng, nhưng điều quan trọng là sự thành công của ngài sẽ làm cho họ nhận biết về vị ngôn sứ, người đang nói Lời Chúa cho họ. Vì thường các ngôn sứ thì không phải chỉ nói những điều dân chúng muốn nghe, nhưng nói cả những điều họ không muốn nghe, để chấn chỉnh tâm hồn họ.

Đây cũng chính là chìa khóa để ta hiểu sứ vụ của Đức Giêsu trong bài đọc Tin Mừng. Dân chúng thành Nazareth có vẻ ngạc nhiên về thân thế và sự nghiệp của Đức Giêsu. Đấng Cứu Thế trong thân phận của một phàm nhân? Họ tra vấn về thẩm quyền của Ngài. Nào ai có thể hiểu thấu về mầu nhiệm cao cả này. Việc dân chúng không đích thực nhận ra Đức Giêsu, có lẽ cũng xuất phát từ sự mặc định này trong tâm hồn họ. Chúa Giêsu chính là vị ngôn sứ mới của Thiên Chúa, đã đến để rao giảng Tin Mừng cho họ. Nhưng họ đã không nhận ra Ngài, chỉ vì họ đã để cho những yếu tố đời thường phủ lấp con mắt đức tin của họ: “Người lấy làm lạ vì họ không tin”(Mc 6,6).

Lời giảng dạy của Chúa Giêsu trong hội đường Nazareth mang cả hành động và lời nói để diễn tả về thực tại của Thiên Chúa giữa họ. Nhưng dân chúng vẫn cứng lòng, chẳng muốn nhận ra Ngài là ngôn sứ mới của Chúa. Đấng đang hiện diện và đang ở giữa họ.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhận ra Đức Kitô qua sự yếu đuối của mình: “thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12,9).

Phaolô nhận ra sự hiện diện của Chúa ngay trong cuộc sống hằng ngày, qua những thất bại và đau khổ của cuộc sống, nhất là qua sứ vụ mà ông đang thi hành nhân danh Tin Mừng. Xem ra, đây là sự đối lập với dân chúng cả trong bài đọc I và trong bài Tin Mừng.

Nhận biết mình

Qua hình ảnh của Phaolô, chúng ta thấy ông đã nhìn vào Đức Kitô như là một phóng chiếu, để soi rọi chính mình. Để rồi từ đó, ông nhận ra ý Chúa muốn gì nơi ông. Ý Chúa chính là món quà cho đời sống thiêng liêng, mà Phaolô đã nhận ra trong cuộc đời mình. Đó cũng chính là một cách Thiên Chúa mặc khải chính mình cho ông. Và nhờ đức tin, ông mau mắn nhận ra sự mặc khải đó của Thiên Chúa.

Các điều Phaolô nhận được là một đời sống cầu nguyện liên lỉ: “đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này” (2 Cr 12,8). Chính qua đời sống cầu nguyện, mà ông nhận ra ý Chúa. Cầu nguyện chính là sự gặp gỡ với Đấng toàn năng. Qua gặp gỡ này, dần dần người ta sẽ khám phá ra Ngài và khám ra những gì mà Ngài muốn họ sống. Phaolô nhận ra sự yếu đuối của mình để có thể nhận ra sự cần đến ơn sủng của Chúa để sống trọn vẹn cuộc đời ơn gọi ngôn sứ, ơn gọi Kitô hữu của mình.

Đức Giêsu cũng mặc khải chính mình, qua việc giảng dạy Tin Mừng và các phép lạ. Thế nhưng, dân chúng làng Nazareth đã không nhận ra Chúa. Đó là điều đáng tiếc, mà vì thế họ cũng không nhận ra Ngài là vị ngôn sứ vĩ đại. Vì nếu khi họ nhận ra vị ngôn sứ mới, Đấng cứu độ, thì hy vọng rằng họ sẽ thay đổi lòng tin và họ sẽ thay đổi lối sống của mình.

Cả ba nhân vật mang hình ảnh ngôn sứ là Ezekiel, Phaolô và Đức Giêsu trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay đã kêu gọi dân chúng quay trở về với Đức tin: tin ở Thiên Chúa, tin nơi bản thân để được hoán cải và đón nhận ơn cứu độ qua lời mời gọi có tính ngôn sứ.

Chúng ta nhận ra Chúa và nhận ra mình như thế nào, qua gặp gỡ với Chúa trong đời sống cầu nguyện? Chúng ta có mở rộng tâm hồn mình ra để cho Chúa mặc khải chính mình cho ta và để qua đó ta nhận ra ý Chúa trong cuộc đời mình? Xin cho chúng ta nhận ra Chúa, để chúng ta thay đổi đời sống và nhận ra Đấng cứu chuộc trong cuộc sống hằng ngày.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM