Cao Viết Tuấn, CM
Đây quả là một vấn đề khó, làm sao để diễn tả một thực tại sống động, phong phú và đa dạng của một lối sống. Dù sao, chúng ta cũng cố gắng phác hoạ đôi nét chính yếu về người tôn giáo và người tin. Những phác hoạ này mang tính tương đối, vì trong thực tế, chúng không có ranh giới rõ ràng và có thể hoà quyện vào nhau.
NGƯỜI TÔN GIÁO
1. Người theo tôn giáo theo thói quen
Được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống tôn giáo, những người ấy tham gia các hoạt động tôn giáo một cách tự nhiên: đọc kinh, đi học giáo lý, tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, lãnh nhận các bí tích… và cứ thế đời sống đạo cứ trôi đi một cách tự nhiên êm ả. Đời sống của họ hoà quyện với đời sống tôn giáo. Hoặc cũng có trường hợp họ gia nhập tôn giáo do tình thế bắt buộc, ví dụ để lập gia đình với người có tôn giáo. Họ tham gia hoạt động tôn giáo như một hoạt động xã hội: ai làm sao tôi làm vậy. Nếu cuộc sống bình thường lặng lẽ trôi đi, như tại các miền quê hay trong các xứ đạo toàn tòng, họ không phải đối mặt với các thách đố. Tuy nhiên, khi gặp gian nan thử thách, hay bị tra vấn bởi người vô thần, đức tin của họ dễ bị lung lay.
2. Người theo tôn giáo do sợ hãi
Những người này mong muốn có được sự bảo đảm, ổn định và an toàn bằng một giáo hội cơ chế vững chắc với luật lệ, nghi lễ, trang phục, và những điều cấm kị. Họ sợ thay đổi và canh tân bởi vì họ sẽ mất đi những pháo đài, áo giáp bảo vệ họ. Họ phóng chiếu ra một vị Thiên Chúa khắt khe, nghiêm ngặt, không khoan nhượng về mỗi hành vi và thái độ của con người. Chính vì vậy, họ chuyên tâm thực thi mọi giới răn, lề luật để tránh các hình phạt của Thiên Chúa. Xét từ bên ngoài, họ là những người theo tôn giáo tuyệt vời, họ có lòng nhiệt thành quá mức đối với Thiên Chúa, nhưng thực ra họ hiểu sai Thiên Chúa. Thánh Phaolô trước khi trở lại là mẫu người tiêu biểu cho lối sống này (x. Rm 10,2).
3. Người theo tôn giáo vì lợi ích
Những người này cũng thực hành tôn giáo một cách nhiệt thành hết mức nhưng với mục đích nhận được những phúc lành từ Thiên Chúa: sức khoẻ, công việc, gia đình, sự an toàn, thịnh vượng… Họ tin rằng bao lâu họ còn trung thành với Thiên Chúa, bấy lâu họ được bảo đảm có được cuộc sống an khang. Những người theo tôn giáo này đi theo nguyên lý trao đổi qua lại. Do đó, những khi gặp nguy khốn, họ sẽ mau chóng chạy đến với Thiên Chúa để được hộ phù. Sự lợi ích ở đây không chỉ về mặt vật chất nhưng còn về mặt tâm lý và tinh thần. Nhiều người chạy đến với Thiên Chúa để có được sự bình an, thanh thản trong tâm hồn.
Trong thực tế, những lối sống tôn giáo trên hoàn toàn có thể hoà nhập vào nhau, ví dụ người sống đạo do thói quen có thể mang những nỗi sợ hãi và tìm kiếm những lợi ích trong hoạt động tôn giáo. Nói chung, những lối sống này là tình trạng bất ổn và tạm thời. Cần phải hoán cải và bước sang một đời sống mới trong đức tin chân thật.
NGƯỜI TIN
Người tin có mối tương quan cá nhân mật thiết với Thiên Chúa, do đó, người tin luôn sống trong sự hoán cải liên tục giống như tiến bước trên một hành trình khám phá. Đức tin tự nó không phải là một tình trạng cố định và chai cứng. Nó là một sự luân chuyển, vận động không ngừng để đem lại sức sống tươi mới như mạch nước tuôn trào. Đức tin là kinh nghiệm sống của một sự gặp gỡ, như Giakêu từ cây sung tụt xuống đất và tiếp đón Chúa Giêsu trong nhà của mình. Một cách cụ thể, người tin là người sống đời sống tôn giáo một cách mãnh liệt và tròn đầy bằng sự xác tín thẳm sâu, bằng sự sống thần linh nhận được từ Thiên Chúa.