(Bài Ðọc I: Hc 15,16-21; Bài Ðọc II: 1Cor 2,6-10; Phúc âm: Mt 5, 17-37)
Tuần vừa qua cả thế giới chưa hết hoảng loạn vì dịch cúm Corona, thì ở Thái Lan lại xảy ra vụ thảm sát khốc liệt, làm chết 27 người dân vô tội. Chính quyền Thái Lan cuối cùng đành phải hạ lệnh tiêu diệt tên sát nhân này, vì hắn cố tình chống cự. Nhìn vào vụ án này, mọi người không khỏi ngao ngán và hỏi rằng, nếu không có luật pháp, chắc là chuyện tương tự như vậy sẽ không hiếm nơi nhiều quốc gia.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở người Kitô hữu về Lề Luật và các Giới Răn. Chắc hẳn, luật của Thiên Chúa sẽ khác với luật của con người, vì lề luật của Thiên Chúa không chỉ nhắm đến trật tự xã hội hay luân lý không mà thôi, nhưng còn hướng về mục đích tối hậu của con người. Khi suy gẫm về điều này, tôi nhận ra rằng:
Lề luật của Thiên Chúa mang đến sự tự do đích thực: thường trong xã hội, người ta thường rất hay phàn nàn về luật này, luật kia, vì có những luật lệ làm cho cuộc sống khó khăn hay phức tạp thêm và người dân cảm thấy bức bối khi phải thực hiện những luật như thế. Hay nói khác đi, những luật ấy đã không đi vào lòng người, vì nó đã không mang đến thiện ích chung cho tập thể hay cá nhân.
Nhưng với lề luật của Thiên Chúa, Ngài mời gọi họ thực hiện trong sự tự do hoàn toàn. Bài đọc I, sách Huấn Ca cho thấy: “Việc trung thành giữ các giới răn là tùy ở ngươi.” Hay “trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào, thì được thứ ấy.” Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người trong việc giữ luật. Ngài không dùng hình phạt để thúc ép họ phải giữ luật. Nhưng Ngài muốn những giới răn của Ngài phải được thực thi trong tình yêu, chứ không phải sợ hãi. Vì những luật mà Ngài vạch ra, nó đến từ tình yêu, sự tốt lành và sự thánh thiện của Ngài và những lề luật ấy thì chân thật và công chính.
Nên khi con người, qua sự tự do để sống các giới răn ấy trong tình yêu, họ sẽ nhận được phần thưởng mà đến nỗi: “Sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người,” như Bài đọc II, thư của thánh Phaolô đã nói với giáo đoàn Côrintô.
Lề luật của Thiên Chúa không làm cho người ta nên thánh nửa vời: lề luật của Thiên Chúa là con đường nên hoàn thiện cho mỗi cá nhân. Con đường ấy dẫn đến sự thật và chân lý, và cuối cùng, làm cho con người đạt đến hạnh phúc đích thực. Chúa Giêsu đã khẳng định điều này thật rõ ràng trong bài Tin Mừng hôm nay: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn.” Khi Đức Giêsu kiện toàn lề luật, thì chính lề luật ấy sẽ giúp con người kiện toàn cuộc sống của mình, tức là đạt tới sự toàn hảo.
Không khó để có thể thấy điều đó khi mà trong Giáo Hội đã luôn có những con người thánh thiện được tôn vinh hiển thánh hay chân phước. Những vị này là những con người tiêu biểu cho việc sống theo lề luật và Tin Mừng của Chúa. Họ đã đáp trả lời mời gọi nên hoàn thiện:
“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).
Lề luật của Thiên Chúa sẽ biến đổi con tim và tâm trí của con người: lề luật Thiên Chúa không chỉ là không làm điều này, hay không làm điều kia. Hành động không phải là một yếu tố duy nhất để đánh giá một người có thi hành luật Chúa hay không. Nhưng cả trước khi hành động, thì lề luật, đã đòi hỏi một sự biến đổi từ trong con tim và tâm trí của con người.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chỉ ra cho các môn đệ những ví dụ cụ thể, khi người so sánh với những gì Luật cũ đã dạy và những gì các môn đệ cần phải kiện toàn. Chẳng hạn như phạm tội ngoại tình, không chỉ xét trên hành vi, mà ngay từ ước muốn: “Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi” hay luật đòi hỏi “phải giao hòa với anh em trước khi dâng lễ vật”; hay đừng thề thốt vv… tất cả những gì Chúa Giêsu dạy về điều này, đòi hỏi một sự công chính và chân thật từ trong con tim và tâm trí, chứ không phải chỉ là xét trên hành vi bên ngoài. Chính điều này cho thấy, việc giữ tinh thần của luật mới là giá trị và chính yếu.
Nên khi sống theo lề luật của Thiên Chúa, người Kitô sẽ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để thanh tẩy tâm trí và con tim, hầu luôn sống thánh thiện trước nhan Thiên Chúa: “Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật” (Ga 16,13). Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho người Kitô hữu chân lý của Thiên Chúa và ban cho con người sự khôn ngoan và sự hiểu biết về các đường lối của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ trợ giúp con người trong những yếu đuối, tăng sức mạnh trước các cơn cám dỗ và biến đổi tâm trí và con tim mỗi ngày, chính từ trong những ước muốn và đam mê, để con người luôn theo đúng đường lối của Thiên Chúa, con đường của sự thật và chân lý. Và khi con người cứ trung thành sống trong lề luật, thì những lề luật này sẽ biến đổi tâm hồn nơi bản thân người ấy, và ngày càng làm cho họ sống các giới răn Chúa cách sâu xa và trọn vẹn hơn.
Người tội phạm trong câu chuyện ở trên, trước khi ra tay hạ sát nhiều người, thì chắc hẳn, anh ta đã phải suy nghĩ nên hành động như thế nào! tẩu thoát như thế nào! và cuối cùng những suy nghĩ tội lỗi ấy đã biến thành hành động và giết chết ngay cả chính bản thân anh ta và cho những người vô tội khác. Nếu giả như một người Kitô hữu đã có những ý định ấy, nhưng rồi anh ta thấy rằng làm như thế là sai với những gì Chúa dạy, chắc hẳn anh sẽ hoán cải và hủy bỏ suy nghĩ điên rồ ấy đi ngay. Như vậy, con tim và tâm trí anh đã được biến đổi khi muốn sống theo những lề luật mà Chúa đã dạy anh ta.
Lề luật của Thiên Chúa đòi hỏi tôi phải thực thi với tình yêu. Chỉ khi thực thi với tình yêu và đức ái thì tôi mới cảm nhận được lề luật mang đến một sự tự do đích thực và làm cho tôi nên hoàn thiện cách trọn vẹn. Vì thế, “hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện biết noi theo luật pháp Chúa Trời” (Tv 119,1).
Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, C.M