Quy Luật: Lắng Nghe Lời Chúa

0
2841

Robert P. Maloney, CM

“Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50, 4-5).

Mỗi người chúng ta hãy chấp nhận chân lý của lời tuyên bố sau đây, và làm cho nó trở thành nguyên tắc căn bản nhất của chúng ta: giáo huấn của Đức Giêsu Kitô không bao giờ làm cho chúng ta phải thất vọng, trong khi sự khôn ngoan của thế gian luôn luôn làm chúng ta thất vọng. Chính Đức Giêsu Kitô đã quả quyết với chúng ta rằng sự khôn ngoan của thế gian giống như một ngôi nhà được xây trên cát, trong khi giáo huấn Người giống như một ngôi nhà được xây trên nền đá vững chắc (Luật chung chương II, 1).

Là một người môn đệ, việc phục vụ đầu tiên mà bạn sở hữu Thiên Chúa là lắng nghe lời Người. Vào thời Chúa Giêsu, tất cả những người Do-thái trung thành đều ghi nhớ những lời gây xúc động trong sách Đệ nhị luật (6,4-7) “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy.”

Tình yêu Thiên Chúa bắt đầu bằng việc lắng nghe lời Thiên Chúa và tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). Vì vậy, tình yêu của bạn dành cho người lân cận cũng sẽ bắt đầu từ việc lắng nghe.

Học hỏi để trở thành một người biết lắng nghe. Cho phép bản thân bạn được những người khác truyền đạt, dạy dỗ và thay đổi khi họ “rao giảng Tin Mừng” qua những gì họ làm và nói – bởi các thành viên trong gia đình bạn, bởi những người bạn làm việc cùng và đặc biệt là bởi những người nghèo. Tiên vàn, bạn phải nghe Tin Mừng trước khi bạn có thể đáp trả và sống với Tin Mừng ấy.

Khi bạn lắng nghe, lời của Chúa sẽ đi vào cuộc sống của bạn theo những cách rất phong phú. Lời ấy sẽ thay đổi bạn. Đôi khi Lời ấy sẽ đến như thức ăn “ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất (Tv 19,11) để củng cố bạn và xây dựng bạn. Đôi khi lời ấy sẽ là dòng nước mát sảng khoái (Is 55,10) để làm dịu cơn khát của bạn trên hành trình. Vào những lúc khác, lời của Thiên Chúa “chẳng giống như búa đập tan tảng đá sao?” (Gr 23,29). Lời ấy đột nhập vào lối sống quá ổn định của bạn hoặc trái tim cứng rắn của bạn. Lời ấy cũng có thể tấn công bạn như một con dao hai lưỡi (Dt 4,12) để đâm thủng sự kháng cự của bạn.

Đọc một phần Kinh Thánh mỗi ngày một cách chiên niệm. Thánh Vinh Sơn nói với chúng ta rằng Lời Chúa không bao giờ thất bại. Nó mang tính cá nhân sâu xa. Nó không chỉ được gửi đến toàn thể cộng đoàn các tín hữu, nhưng với cá nhân bạn. Lắng nghe lời, suy niệm lời, tiêu hóa lời và hành động trên Lời Chúa. Sau đó, bạn sẽ giống như “một ngôi nhà xây trên đá” trong thực tế. Như một phương tiện để suy ngẫm về Kinh Thánh hàng ngày, một số thì suy gẫm về các bài đọc mà Giáo hội chọn cho thánh lễ ngày hôm đó. Những người khác áp dụng cách đọc toàn bộ Kinh Thánh một cách có hệ thống mỗi năm.

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa thường phàn nàn rằng dù Người nói, nhưng dân Người “chẳng lắng nghe”. Các ngôn sứ chân chính là những người biết lắng nghe trước; họ nghe những gì Chúa nói và sau đó nhân danh Chúa mà nói. Cậu bé Sa-mu-ên (1 Sm 3,10) nói: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”, khi ông bắt đầu sự nghiệp ngôn sứ của mình. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là sự ứng nghiệm của Kinh Thánh. Trong Người, giao ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và dân Người đã được thử luyện dứt khoát. Bản thân Chúa Giêsu và những lời của Người mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta.

Mẹ Maria là một người môn đệ ưu việt. Mẹ lắng nghe Lời Chúa và áp dụng nó vào thực tế. Khi sứ thần Gáp-ri-en nói với Mẹ, Mẹ đã hết lòng đáp lại: “Xin cứ theo như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Thánh Giuse phản ứng theo cách tương tự khi các sứ giả thiên thần nói chuyện với ngài. Vừa nghe các thiên thần yêu cầu, ông đứng dậy ngay lập tức và thực hiện mệnh lệnh của Chúa (Mt 2,14, 21).

Những người thực thi điều ấy sẽ hạnh phúc. Phúc Âm đảm bảo với chúng ta rằng, hạnh phúc thực sự không nằm ở việc được gần gũi với Chúa Giêsu về mặt thể lý, cũng không nằm trong mối quan hệ huyết thống với Người, nhưng ở việc lắng nghe Lời Chúa và hành động theo Lời Chúa. “Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! Nhưng Người đáp lại: Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28).

Lắng nghe và khiêm tốn là đồng minh chặt chẽ. Những ai khiêm tốn nhìn nhận rằng sự sống, sự thật, sự khôn ngoan và tình yêu thương là những món quà của Thiên Chúa thì họ đã có thái độ lắng nghe căn bản.

Thánh Vinh Sơn gọi sự khiêm nhường là nền tảng của sự hoàn thiện Phúc âm và là cốt lõi của đời sống thiêng liêng. Người khiêm tốn coi mọi thứ như một món quà. Họ tin rằng Chúa luôn tìm cách bước vào cuộc đời họ để nói chuyện với họ. Vì vậy, họ cảnh giác, chú ý và mong muốn nghe Lời Chúa. Người khiêm tốn biết rằng chân lý giải thoát họ không đến từ đâu cả nhưng: qua Kinh Thánh, qua Giáo hội, qua các thành viên trong gia đình họ, qua những tiếng khóc của người nghèo.

Vì thế, hãy lắng nghe nơi gia đình của bạn. Lắng nghe những đồng nghiệp ở nơi làm việc. Hãy lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày, chọn một phần nhỏ của Kinh Thánh làm lương thực để nuôi dưỡng lời cầu nguyện của bạn.

Lắng nghe đặc biệt quan trọng khi bạn thực thi quyền hạn, như đóng vai trò của bậc cha mẹ, giáo viên, bác sĩ, y tá hoặc những vị sếp. Khi bạn nắm giữ quyền hành, hãy nhớ thường xuyên tìm kiếm lời khuyên khôn ngoan. Hãy tư vấn. Không có chỗ cho sự kiêu ngạo trong việc bước theo Đức Kitô.

Những lời mở đầu trong tu luật của thánh Biển Đức là điều cơ bản cho tất cả những ai muốn học hỏi từ Chúa: “hãy lắng nghe cẩn thận những chỉ dẫn của chủ và lắng nghe chúng bằng đôi tai của trái tim mình.”Như một sự trợ giúp trong việc lắng nghe:

    • Khi bạn cầu nguyện, hãy thư giãn và hít thở sâu. Bắt đầu đơn giản và yên bình. Hãy để âm thanh, suy nghĩ và lo âu lắng xuống. Hãy yên lặng. Tìm kiếm để nghe Lời Chúa.
    • Dành vài phút mỗi ngày để ngồi và lắng nghe vợ/chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp hoặc một người nghèo của bạn. Hãy chú ý khi họ kể lại một sự kiện trong ngày, một vấn đề, một mối quan tâm hoặc một niềm vui. Lắng nghe mà không xen vào các bình luận, lời khuyên hoặc phán xét. Tập trung hoàn toàn vào người kia.

Phạm Minh Triều, CM chuyển ngữ