Joe Fitzgerald, CM
Có một tập tục truyền thống của người thổ dân Ngäbe ở miền tây Panama là chôn dây rốn của một đứa trẻ sơ sinh cùng với hạt của một cây thân gỗ, như cây xoài chẳng hạn. Khi đứa trẻ lớn lên, cái cây cũng thế, cả hai gắn liền và kết nối với nhau mang tính biểu tượng cho số phận của con người này. Trong suốt cuộc đời của người này, sự kết hợp này nói lên sự hài hòa với tất cả công trình sáng tạo – điều đã định rõ kinh nghiệm của con người.
Năm năm trước đây, Giáo hội và thế giới đã nhận được từ Đức giáo hoàng Phanxicô Thông điệp Laudato Sí: Chăm sóc cho Ngôi Nhà Chung của chúng ta. Chúng ta đánh dấu dịp kỷ niệm này và bắt đầu một năm dành riêng cho Thông điệp này trong bối cảnh có chút ít khác thường, với nhiều quốc gia đang trong tình trạng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Thay vì có các hoạt động sinh thái và các cử hành phụng vụ lớn tập trung vào việc chăm sóc cho công trình tạo dựng đã được lên kế hoạch cho thời điểm này, thì chúng ta thấy chính bản thân mình có thời gian để suy gẫm về tài liệu quan trọng này và ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống và sứ vụ của chúng ta. Chính cuộc khủng hoảng hiện nay kêu gọi sự chú ý của chúng ta đến mối quan hệ rạn nứt đang diễn ra giữa loài người và phần còn lại của công trình sáng tạo của Thiên Chúa và nhu cầu cấp thiết để suy tư cách nghiêm túc về lời mời gọi của Đức giáo hoàng Phanxicô để sống một hệ sinh thái toàn diện.
Đâu là điều quan trọng của hệ sinh thái toàn diện đối với Tu Hội Truyền Giáo, và những gì đoàn sủng và truyền thống của chúng ta cống hiến cho cuộc đối thoại hiện tại về một thế giới hài hòa hơn với kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa?
Ở đây tôi đưa ra một vài suy nghĩ để thêm vào cuộc đối thoại đang diễn ra này.[i]
Tiếng khóc của trái đất, tiếng khóc của người nghèo
Sinh thái toàn diện là một khái niệm trọng tâm trong Laudato Sí và tôi tin rằng đó là điều cần thiết cho sứ vụ Vinh Sơn ngày nay. Khác biệt với cách tiếp cận sinh thái xem con người ở bên ngoài thiên nhiên, một hệ sinh thái toàn diện đặt chúng ta vào trong những vị trí nhất định trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa như một phần không thể thiếu. Thông điệp khẳng định rằng: “Thiên nhiên không thể bị coi là một điều gì đó tách ra khỏi bản thân chúng ta hoặc như là một bối cảnh thuần tuý mà chúng ta sống trong đó. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, được bao gồm trong đó và do đó ở một phần của thiên nhiên, được bao gồm trong đó và do đó ở trong một mối tương tác liên lỉ với môi trường” (Laudato Sí, số 139). Sai lầm mang tính lịch sử khi xem phần còn lại của công trình sáng tạo chỉ phục vụ cho lợi ích của con người phải được thay thế bằng sự hiểu biết chính đáng hơn, về vị trí của chúng ta trong phép mầu phức tạp của cuộc sống mà Đấng Tạo Hóa đã xếp đặt, cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc thăng tiến cuộc sống trong tất cả những biểu hiện của chính nó.
Kết quả của việc hiểu rằng chúng ta là một phần của một cuộc sống đan kết với nhau, rằng mọi thứ đều được kết nối với nhau, đó là nhận thức rằng “chúng ta đang phải đối diện không phải với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một cuộc khủng hoảng môi trường và cuộc khủng hoảng xã hội, mà hơn thế là với một cuộc khủng hoảng phức tạp cả về môi trường lẫn xã hội” (Laudato Sí, số 139). Câu hỏi sinh thái không chỉ đơn thuần là một câu hỏi thêm vào trong danh sách các khía cạnh của kinh nghiệm con người như kinh tế, nhà ở, giáo dục, văn hóa hay y tế, mà hơn thế, nó là một thực tại có liên quan đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống đương đại; nó ảnh hưởng đến cuộc sống ấy và bị ảnh hưởng bởi cuộc sống ấy. Do đó, các vấn đề sinh thái không thể bị phân mảnh, đặc biệt là liên quan đến sự thịnh vượng của những cộng đồng nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất, và phải thừa nhận một điều rằng, “sự suy thoái của môi trường và xã hội đều tác động đến những người dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh” (Laudato Sí, số 48). Sự suy thoái công trình sáng tạo của Thiên Chúa gắn liền với thực tế của việc ngăn cản người nghèo và người bị sống bên lề ra khỏi sống cuộc sống sung túc mà Chúa muốn cho tất cả con cái của Ngài.
Tính chất liên kết này khẳng định rằng những gì xảy ra với các dòng sông, sa mạc, cánh rừng và cảnh quan đô thị đều ảnh hưởng đến cuộc sống và phúc lợi của dân chúng, những người liên kết mật thiết với những nơi đó. Trên phạm vi toàn cầu, các thực tại như biến đổi khí hậu và sự gia tăng thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng nhất đến người nghèo vì mất nhà cửa, cuộc sống và kế sinh nhai. Ngày nay, người nghèo phải gánh chịu hậu quả chính trị và kinh tế do suy thoái sinh thái, ô nhiễm và lây bệnh, thường trùng với các khu vực địa lý có dân số nghèo nhất và người thiểu số sinh sống.
Ngoài ra, suy thoái và ô nhiễm môi trường diễn ra trong cuộc sống của người nghèo buộc họ phải di cư đến các khu ổ chuột ở thành phố và sống trong điều kiện không giống con người, tước đoạt của họ mối quan hệ lành mạnh và thân mật với công trình sáng tạo. Họ xa cách với mầu nhiệm của sự sáng tạo xét như một nơi linh thiêng để gặp gỡ với Thiên Chúa.
Liên quan đến tình huống hiện tại, trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên Science Discovery, John Vidal lập luận rằng, sự gia tăng các đại dịch như COVID-19 không chỉ ra cho chúng ta thấy rằng động vật và thiên nhiên là một mối đe dọa đối với sự tồn tại của con người, nhưng nó khẳng định rằng sự can thiệp của con người vào một phạm vi lớn sẽ phá hủy toàn bộ hệ sinh thái. Điều này làm xáo trộn sự cân bằng tự nhiên, là nguyên nhân gây ra các tình huống như lây truyền virus từ động vật sang người. Tiếp cận thực tế này từ góc độ rộng lớn hơn, “sức khỏe hành tinh” là một lĩnh vực nghiên cứu mới liên quan đến tầm quan trọng của sức khỏe và tính toàn vẹn của hệ sinh thái đối với sức khỏe và phúc lợi của nhân loại. Mặc dù chúng ta nghe những bình luận từ các chính trị gia và giới truyền thông, rằng một loại virus như COVID-19 không phân biệt chủng tộc, sắc tộc hay tầng lớp xã hội, chúng ta biết rõ rằng, chúng ta mới là những kẻ gây ra sự phân biệt đối xử và cộng đồng bên lề – những người mà từ lâu đã bị bỏ rơi trong các dịch vụ y tế, họ đang phải chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong ánh sáng của tất cả những điều này, khi chúng ta, với tư cách là các thành viên Vinh Sơn đọc thấy mô tả của Đức giáo hoàng trong Laudato Sí về một hành tinh mỏng manh bị tàn phá bởi những hành động bừa bãi của con người. Nhân loại đau khổ không phải là một khái niệm trừu tượng. Chúng ta thấy rõ khuôn mặt của những con người mà chúng ta chia sẻ cuộc sống của họ; người dân nông thôn và người bản địa đấu tranh để bảo vệ vùng đất của họ khỏi các dự án khai thác lớn, người dân bị di dời do thiên tai thường do con người tạo ra, người nghèo ở các thị trấn tồi tàn, thành thị không thể thiết lập các yếu tố cơ bản nhất cho một cuộc sống nhân phẩm, và hiện tại, phần đông những người bị nhiễm viruscorona là những người bên lề, chiến đấu cho cuộc sống của họ. Tiếng khóc của Trái đất và tiếng khóc của người nghèo là một (Laudato Sí 49).
Hoán cải sinh thái Vinh Sơn
Để đáp trả với thực tế này trong ánh sáng của ơn gọi chúng ta là đi theo Chúa Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, điều chắc chắn là một hệ sinh thái toàn diện Vinh Sơn không thể được giảm trừ thành các hoạt động hoặc sáng kiến thân thiện với môi trường. Sinh thái toàn diện, như nó được triển khai trong Laudato Sí, cần phải có tính toàn diện, một cái gì đó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống và hiện hữu của chúng ta. Theo nghĩa này, hệ sinh thái toàn diện không phải là thứ gì đó mà chúng ta “làm”, mà là điều chúng ta “sống” trong cuộc sống hàng ngày.
Đối với Giáo hội, hay đối với cộng đồng toàn cầu nói chung, câu hỏi sinh thái là tương đối mới. Những gì mà cộng đồng toàn cầu đã lờ đi chỉ vài thập kỷ trước đây liên quan đến những tác động tàn phá của các hành động của chúng ta trên hành tinh, và sự gia tăng số người nghèo, giờ đây đã trở nên rõ ràng; cách sống của chúng ta là trong một điều thiết yếu chống lại chính cuộc sống. Đức giáo hoàng Phanxicô, xác định con đường đến một hệ sinh thái toàn diện sống động, nói về sự hoán cải sinh thái cần thiết, điều cho phép chúng ta loại bỏ những kẻ mù lòa và xem thấy những gì luôn ở trước chúng ta.
Hoán cải là một phần thiết yếu trong đời sống Kitô hữu của chúng ta và là một khía cạnh nền tảng của đoàn sủng Vinh Sơn của chúng ta. Là thành viên Vinh Sơn, sự thức tỉnh về hoán cải sinh thái bị ràng buộc với những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự ngược đãi của chúng ta về công trình sáng tạo; bây giờ chúng trả phải trả giá cho sự hiểu biết này. Sự thừa nhận tội lỗi sinh thái xã hội của chúng ta, dù là cố ý hay thiếu sót, mở ra cơ hội mới, những cách thức mới liên quan đến sáng tạo, đối với anh chị em của chúng ta và đối với Đấng Tạo Hóa của chúng ta.
Mọi thứ đều được kết nối với nhau
Sự hoán cải của thánh Vinh Sơn Phaolô với con tim của Chúa Kitô trong bản thân người nghèo rõ ràng không còn ở trong địa hạt của tình cảm hay suy nghĩ; nó đã khai sinh một đoàn sủng và hành động thiết thực dành cho những người đau khổ. Tương tự như thế, Đức giáo hoàng Phanxicô nói về sự hoán cải sinh thái thực sự như một thứ luôn luôn hướng ra ngoài, nói rằng “một cảm thức về sự hiệp thông sâu xa với toàn thể thiên nhiên không thể là thực nếu tâm hồn chúng ta thiếu sự dịu dàng, lòng thương cảm và sự bận tâm dành cho những anh em đồng loại của chúng ta” (Laudato Sí, số 91). Mối quan tâm của chúng ta đối với người nghèo và những nỗ lực thúc đẩy sự thịnh vượng của họ sau đó dẫn đến các dự án và phương pháp mục vụ xem xét toàn bộ sự phức tạp của môi trường của họ và tất cả các yếu tố đóng góp hoặc làm mất đi sự hưng thịnh của họ với tư cách là những người con cái Chúa. Mô hình thay đổi hệ thống, trong đó Tu hội đã tham gia cùng với Gia đình Vinh Sơn quốc tế, là một ví dụ đặt nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái toàn diện. Các quy trình như vậy khẳng định rằng “các chiến lược cho một giải pháp đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện để chống lại cái nghèo, khôi phục phẩm giá cho người bị loại trừ, và đồng thời bảo vệ thiên nhiên” (Laudato Sí, số 139).
Thích nghi một cách tiếp cận toàn diện: là thành viên Vinh Sơn, chúng ta nên thận trọng không chỉ tập trung hoàn toàn vào các chỉ số như việc làm, thu nhập hoặc trình độ học vấn, mà tách biệt với các khái niệm rộng hơn về chất lượng cuộc sống và tầm quan trọng của tính toàn diện sinh thái. Các chỉ số thường quy về nghèo đói, giáo dục và y tế thường được sử dụng, mặc dù đôi khi các chỉ số cơ bản hữu ích, không vẽ nên một bức tranh đầy đủ về sự hưng thịnh của con người như người dân địa phương sẽ quan niệm nó. Có một câu chuyện lặp đi lặp lại trên khắp thế giới về dân số thoát khỏi nghèo đói, theo nghĩa thống kê, nhưng kinh nghiệm về sự giảm chất lượng cuộc sống và phẩm giá con người, và điều này thường gắn liền với suy thoái sinh thái. “Nhiều hình thức tập trung của việc khai thác và làm suy thoái môi trường không chỉ làm cạn kiệt các nguồn lực vốn mang lại cho các cộng đồng địa phương kế sinh nhai, nhưng còn xoá bỏ những cấu trúc xã hội là những điều, trong một thời gian dài, đã hình thành nên căn tính văn hoá và cảm thức của họ về ý nghĩa cuộc sống và cộng đồng” (Laudato Sí, số 145).
Loại trừ một hệ thống tiêu thụ
Trong Evangelii Gaudium, Đức Giáo hoàng Phanxicô phê phán hệ thống kinh tế toàn cầu thịnh hành, không những không phục vụ cho phẩm giá con người và lợi ích chung, mà trái lại nó còn đề cao hình ảnh người tiêu dùng cho mục đích nhân sinh. Trong Laudato Sí, Giáo hoàng xác định rõ ràng hệ thống khai thác, sản xuất, tiêu thụ và vứt bỏ là một thứ hủy diệt trái đất cũng như con người. Mô hình tư bản muộn hiện tại hay mô hình tân tự do đã giảm trừ thiên nhiên thành hàng hóa thị trường và một số người ở trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để tích lũy những hàng hóa đó. Hệ sinh thái toàn diện Vinh Sơn, theo quan điểm của tôi, đòi hỏi phải có lập trường chống lại hệ thống kinh tế chính trị hiện tại khi chúng ta được kêu gọi sự trung thực cần thiết để “đặt vấn đề về những mô thức phát triển, sản xuất và tiêu thụ nhất định” (Laudato Sí, số 138). Một hệ sinh thái toàn diện Vinh Sơn thực sự không thể bị ép buộc vào mô hình kinh tế xã hội vô tâm hiện tại, mà thay vào đó, là đứng bên ngoài nó với tính ngôn sứ, bên cạnh những người đang đau khổ và chết vì chính những “thiệt hại ngoài dự kiến.”
Liệu những “bình thường mới” trong thời hậu COVID-19, như được mô tả, có chuyển sang việc thiết lập lại các mối quan hệ hài hòa với sự sáng tạo và tình liên đới giữa gia đình nhân loại hay không? Liệu nó có phủ nhận sự cạnh tranh như là mục tiêu của sự tồn tại của con người, với “bản chất” của hàng hóa thị trường đang diễn ra? Mặc dù chúng ta muốn hy vọng về vấn đề này, nhưng lịch sử gần đây chỉ cho thấy rằng, những người có quyền lực chính trị và kinh tế gặp khó khăn khi nghĩ đến bất kỳ sự thay thế nào cho mô hình hiện tại, vốn phục vụ tốt nhất cho chương trình nghị sự của họ. Đức giáo hoàng đề cập trong Evangelii Gaudium rằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là cơ hội để suy nghĩ lại về hệ thống kinh tế đặt người nghèo vào tình huống bấp bênh liên tục. Tuy nhiên, tâm lý cho rằng, không có sự thay thế nào chi phối các quyết định chính trị và kinh tế chỉ tìm cách duy trì mô hình cạnh tranh khốc liệt tiếp tục thúc đẩy sự bất bình đẳng ngày càng tăng trên toàn thế giới và gây ra sự tàn phá chưa từng thấy của tự nhiên.
Hy vọng từ bên lề
Một khía cạnh quan trọng trong việc hiểu cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay là chúng ta sống trong một thế giới hữu hạn. Thật không thực tế khi hình dung toàn bộ dân số thế giới sống theo lối sống trung lưu của các nước phát triển cao, vì người ta ước tính rằng chúng ta sẽ cần năm Trái đất để cung cấp cho một thực tế như vậy, và chúng ta biết chúng ta chỉ có một mà thôi. Tình hình hiện tại kêu gọi chúng ta suy nghĩ lại về nhiều khía cạnh của xã hội và mô hình cuộc sống mà chúng ta đang thăng tiến giữa những người chúng ta phục vụ.
Về phần mình, những người sống bên lề xã hội, thường kêu gọi chúng ta đến một tầm nhìn khác về một cuộc sống phẩm chất qua các cách tiếp cận sáng tạo và toàn diện hơn. Chẳng hạn, người bản địa (thổ dân) trên khắp vùng châu Mỹ Latinh, nói về một viễn cảnh của “Buen Vivir”, hay cuộc sống “hài hòa.” Từ chối sự tập trung vào sự tích lũy hàng hóa và sự khách quan hóa tự nhiên, từ “Buen Vivir” tuôn chảy ra từ một thế giới quan đặt chúng ta như một người tham gia toàn diện vào một mạng lưới cuộc sống và thực hiện các cơ cấu đối ứng và liên kết để duy trì sự cân bằng xã hội và sinh thái. Nó được mô tả không phải là sự phát triển mang tính cách chọn lựa, mà là một sự “chọn lựa cho sự phát triển.”
Từ điều này, chúng ta có thể hiểu được sự phản đối của người dân bản địa chống lại các dự án khai thác lớn hoặc sự phản kháng của cộng đồng đô thị đối với các nhà máy gây ô nhiễm, mặc dù các dự án đó thường hứa hẹn việc làm, cơ sở hạ tầng và các lợi ích có được khác đối với sự phát triển. Các cộng đồng của sự đối kháng nói đến một viễn cảnh về phúc lợi thực chất gắn liền với đất đai và hệ sinh thái địa phương. Tính nghèo nàn của sự suy thoái sinh thái, mất đất sử dụng cho nông nghiệp và xóa sổ các loại cây dược liệu trong rừng, không thể được giảm trừ bằng mô hình phát triển thành công được hứa hẹn bởi các chính phủ và các nhà đầu tư. Theo nghĩa này, “hệ sinh thái toàn diện kêu gọi chúng ta xem xét nhiều khía cạnh đóng góp cho chất lượng cuộc sống từ ngay chính trong nền văn hóa của họ và tránh mọi xu hướng áp đặt các mô hình từ bên ngoài” (Laudato Sí, số 144).
Đa dạng và đối thoại
Điều này khiến chúng ta chú ý đến hai khía cạnh thiết yếu và liên kết của hệ sinh thái toàn diện như được mô tả bởi Đức giáo hoàng Phanxicô: tôn trọng sự đa dạng và đối thoại với người dân bản địa. Tôn trọng tính đa dạng trong sự sáng tạo của Thiên Chúa kêu gọi sự hiểu biết chính liên kết của nó, mỗi thực thể giữ giá trị nội tại bên cạnh bất kỳ ích lợi được công nhận nào. Sự đa dạng về văn hóa được trích dẫn ở Laudato Sí là có nhiều giá trị, chẳng hạn như “vì sự biến mất của nền văn hoá có thể chỉ nghiêm trọng bằng, hay thậm chí nghiêm trọng hơn sự biến mất của một số loại thực vật hay động vật” (Laudato Sí, số 145). Trong sự đa dạng của các nền văn hóa, chúng ta có thể bắt gặp những kiến thức, thực tiễn và phương thức sống cần thiết để thoát khỏi cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu này. Vì lý do này, sống ơn gọi và sứ vụ của chúng ta từ thực tế và thế giới quan của người dân bản địa là điều cần thiết trong việc xây dựng thực sự, với họ, một cuộc sống chất lượng. Bắt đầu từ văn hóa địa phương và đối thoại liên tục với những người sống bên lề, cho phép chúng ta đối mặt với khủng hoảng sinh thái một cách hợp tác, không phải bằng các giải pháp kỹ thuật từ bên ngoài, mà bằng kiến thức xác thực từ bên trong.
Một cái nhìn trung thực hướng nội
Đối với những nỗ lực của chúng ta trong việc thúc đẩy phẩm giá của người nghèo và mối quan hệ có trách nhiệm ngày càng hơn với công trình sáng tạo của Chúa là xác thực và toàn diện cách thực sự, tôi tin rằng chúng ta cũng phải có cái nhìn hướng nội vào chính cuộc sống và những thực hành của chúng ta với tư cách là một Tu hội.Thật chẳng hay ho chút nào để kêu gọi công bình sinh thái bên cạnh những người nghèo khổ, nếu việc hoán cải sinh thái của chúng ta không có nguồn gốc sâu xa và thể hiện điều ấy theo những cách cụ thể.
Đoàn sủng và truyền thống của chúng ta cho chúng ta bước đi cách tốt đẹp để hành trình hướng tới một hệ sinh thái toàn diện. Những nhân đức nền tảng mà chúng ta có là rất cần thiết trong việc cho phép chúng ta thực sự đến gần với người nghèo và người bị thiệt thòi, cũng như dễ dàng thúc đẩy sinh thái toàn diện. Đơn sơ, khiêm nhường, hãm mình và nhiệt thành, hiền lành, tất cả theo cách riêng của chúng, kêu gọi chúng ta nhận ra rằng thói quen tiêu dùng và ích kỷ của chính chúng ta có ảnh hưởng trực tiếp và liên đới đến hành tinh và những người chịu sự lạm dụng nhất. Thực phẩm chúng ta ăn, phương tiện giao thông chúng ta sử dụng, thiết kế các tòa nhà của chúng ta và rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta phản ánh (hoặc không) một cam kết và tình liên đới sâu sắc với trái đất và người nghèo.
Chúng ta biết cuộc khủng hoảng sinh thái không thể đặt chính hy vọng cuối cùng vào các hành động góp nhặt các cá nhân; chúng ta tìm thấy sức mạnh trong cộng đoàn. “Các vấn đề xã hội phải được nói đến bởi các mạng lưới cộng đồng chứ không chỉ bởi một tổng thể các cá nhân có hành vi tốt” (Laudato Sí, số 219). “Mạng lưới cộng đoàn” đầu tiên của chúng ta, đó là chính Tu hội. Từ đó, một mô hình sống có trách nhiệm có thể tràn ra các công việc của chúng ta. Lòng nhiệt thành truyền giáo của chúng ta thúc đẩy chúng ta hành động, để tạo ra những thay đổi thực sự phù hợp với sứ vụ của việc rao giảng Tin Mừng không thể tách rời của chúng ta đối với người sống bên lề xã hội. Chúng ta có thể tự hỏi những bước cụ thể nào có thể được thực hiện bởi các tỉnh dòng, giáo xứ, trường học và dự án của chúng ta để có thể hòa hợp tốt hơn với kế hoạch của Thiên Chúa, giúp giảm tác động sinh thái tiêu cực và các mô hình thúc đẩy thực sự phát triển của cuộc sống. Các ví dụ dọc theo những khung ý tưởng này có thể được tìm thấy trong Tu hội của chúng ta và rộng ra hơn là Gia đình Vinh Sơn.
Thế giới khác có thể
Những nỗ lực của chúng ta với tư cách một Tu hội, để hỗ trợ dân chúng mà chúng ta phục vụ trong việc phục hồi sau sự tàn phá của COVID-19, trình bày những thách thức lớn. Điều chắc chắn là không có giải pháp dễ dàng hoặc công thức rõ ràng nào trong việc tìm kiếm các mô hình kinh tế xã hội nâng cao phẩm giá của toàn bộ con người, bao gồm các yếu tố sinh thái. Tuy nhiên, chúng ta tìm thấy sức mạnh trong niềm tin rằng, Thiên Chúa “không bỏ mặc chúng ta, Ngài không bỏ chúng ta một mình, vì Ngài đã hiệp nhất chính Ngài cách cụ thể với trái đất của chúng ta, và tình yêu của Ngài luôn thúc bách chúng ta biết tìm kiếm những cách thế mới để tiến bước!” (Laudato Sí, số 245).
Cuối cùng, tính đáng tin của chúng ta được tìm thấy khi sống mối quan hệ của chúng ta với Chúa Kitô qua mỗi và mọi mối quan hệ khác trong cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu một năm suy ngẫm về Laudato Si giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta hãy tái cam kết chính bản thân là Tu Hội Truyền Giáo, nhằm tiếp tục hành trình dài của sự hoán cải đến trái tim của Chúa Kitô, trong tình liên đới sâu sắc với người nghèo, và hãy để thời điểm cụ thể này hướng dẫn chúng ta đến một sự hoán cải sinh thái sâu sắc hơn bao giờ hết, điều mà trở thành biểu hiện trong cách sống mới, hành động và phục vụ hài hòa với tất cả công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Xin chúc tụng Ngài!
[i] Tác giả Joe Fitzgerald CM là một linh mục Vinh Sơn gốc từ Philadelphia (Hoa Kỳ), người đã sống với thổ dân Ngäbe ở Panama từ năm 2005. Cha đã lấy tiến sĩ thần học từ Đại học giáo hoàng Bolivarian, Colombia và là tác giả của Danzar en la casa de Ngöbö: Resiliencia de la Vida Plena Ngäbe frente al neoliberalismo (Editorial Abya Yala, 2019).