1. Các bài đọc
Bài đọc I: 1 V 3, 5. 7-12
Sách các vua quyển thứ nhất: Sôlômôn làm hài lòng Chúa khi ông hỏi xin có một tâm hồn khôn ngoan và hiểu biết để lãnh đạo dân Chúa tốt hơn.
Ðáp Ca: Tv 118, 57 và 72. 76-77. 127-128. 129-130
Thánh vịnh 118: luật pháp Chúa thì quý báu hơn cả vàng và bạc.
Bài đọc II: Rm 8, 28-30
Thư thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma: Thiên Chúa chọn chúng ta để được nên giống hình ảnh Con Người.
Tin Mừng: Mt 13, 44-46 {hoặc 44-52}
Tin Mừng Đức Giêsu theo thánh Matthêu: Đức Giêsu dạy về nước Thiên Chúa.
2. Chia sẻ
Ngày nay nơi các thành phố lớn, thị trường đất đai, nhà cửa, luôn luôn là một ngành hoạt động náo nhiệt. Người ở quê đất rộng mênh mông, nhưng nhiều khi cũng bán đi, để lên thành phố cố mua cho được một miếng đất nhỏ xíu mấy chục mét vuông hoặc căn chung cư nhỏ bé.
Tại sao vậy? Vì ở môi trường thành phố, bất động sản nó có thể sinh ra lợi nhuận nhiều gấp nhiều lần đất nông nghiệp. Chỗ đất mặt tiền, đất ở khu vực trung tâm hay khu đất vàng, thì lại càng hấp dẫn hơn các nhà đầu tư đến mức nào.
Câu chuyện trên có thể dễ dàng giúp chúng ta hiểu nội dung các bài đọc Lời Chúa hôm nay hơn. Cả ba bài đọc đều cho thấy một giá trị vĩnh cửu của những thực tại thiêng liêng so với những thực tại vật chất hay mang tính trần thế.
Đầu tiên đó là câu chuyện vua Sôlômôn xin Chúa ban cho ông sự khôn ngoan và hiểu biết nơi tâm hồn, hầu có đủ sự phân định cần thiết để lãnh đạo dân Chúa. Ông hoàn toàn nhận ra sự bất lực của mình trước một trách nhiệm to lớn. Do đó, ông xin sự khôn ngoan từ Chúa như là một sự hỗ trợ cho sứ vụ lãnh đạo của ông đối với dân.
Trong câu chuyện này, như Chúa đã trả lời ông “Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi” (1 V 3,12).
Hình ảnh khôn ngoan hay sự hiểu biết là những “gia sản” quan trọng đối với Sôlômôn. Vì thế ông chỉ muốn xin được điều ấy cho mình hơn bất cứ điều gì khác. Chính sự khôn ngoan hay hiểu biết mà Sôlômôn mong muốn có được, nói đến sự quý báu của một người hiền triết. Muốn được điều ấy người ta phải học hỏi, rèn luyện thử thách để có được.
Tương tự như thế, khi bài Tin Mừng nói với chúng ta về dụ ngôn kho báu bị chôn vùi dưới ruộng. Người đi tìm kho báu hôm nay đã tìm được một “bất động sản” có giá trị, vì ông biết nó có một kho báu được chôn vùi nơi ấy. Và ông quyết tâm mua cho bằng được “khu đất vàng” này.
Theo tính toán thì nó phải có lợi gấp nhiều lần tài sản cũ của ông thì ông mới dám đánh đổi như thế. Thế nhưng, vì đây là dụ ngôn về Nước Trời chứ không phải thị trường nhà đất nên kho báu ở đây không mang giá trị vật chất, mà mang một ý nghĩa thiêng liêng cao quý.
Kho báu ở đây được hiểu là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, cánh cửa đưa chúng ta lên Thiên Đàng. Khi một người tìm thấy chân lý trong Tin Mừng, anh ta hay chị ta tìm thấy Nước Trời và sẽ sẵn sàng bán mọi thứ gần gũi, thân thuộc và quý giá đời này mà mua cho được kho báu ấy. Đối với anh ta hay chị ta thì đó không hề là một cái giá đắt.
Sở hữu được Nước Trời hoặc những gì thuộc về Nước Trời mới là điều cần thiết mà chúng ta cần kiếm tìm trong cuộc đời trần thế này. Chúng ta là những Kitô hữu đã được rửa tội thì như thế chúng ta đã trở nên công dân của Nước Trời. Chúng ta được trao cho kho báu đó là Tin Mừng của Đức Giêsu. Vì thế, việc theo đuổi để sống theo các giá trị thiêng liêng cao cả của Tin Mừng chính là cách chúng ta đang đi tìm và cố chiếm cho được kho báu cho chính mình.
Để tìm được kho báu này đòi hỏi chúng ta phải bán, phải cho đi, phải đánh đổi những tài sản vật kém giá trị khác thuộc về đời sống vật chất, để được sở hữu giá trị nước trời.
Trong Bài đọc hai thánh Phaolô trong thư Rôma đã chỉ cho chúng ta thấy nấc thang của những giá trị. Đó là nấc thang để đạt đến sự hoàn thiện hay nói khác đi là để đạt được Nước Trời. Và trong hành trình những nấc thang giá trị ấy, Thiên Chúa luôn đồng hành để giúp chúng ta đạt được từng nấc giá trị “những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính? thì Người cũng cho họ được vinh quang” (Rm 8,30).
Trong đời sống thường ngày, đôi lúc chính người Kitô hữu lại là người từ chối đón nhận gia sản Nước Trời. Chẳng hạn, có nhiều người đã than phiền rằng vì chẳng có thể dự lễ hằng ngày được, hoặc dự lễ Chúa nhật chẳng được trọn vẹn vì họ luôn bận rộn vì công ăn việc làm. Thế nhưng, thử nhìn lại xem, có phải vì nhà thờ ở quá xa, hay giờ lễ không thuận tiện mà họ lại không có thể tham dự thánh lễ được cho trọn vẹn hay cách thường xuyên. Nhiều khi đó chỉ là lý do ngụy biện, vì thực sự là ai yêu mến thánh lễ, yêu mến Lời Chúa, khao khát lãnh nhận các bí tích thì họ vẫn có thể làm được điều mong muốn.
Để có được một thời khóa biểu cho đời sống thiêng liêng, để được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể họ cũng cần phải hy sinh, phải đánh đổi về thời gian, về giá trị kinh tế, để có thể có được điều thiêng liêng, giống như người đi tìm kho báu trong bài Tin Mừng hôm nay. Anh ta cũng đã phải bán gia tài cũ của mình để mua miếng ruộng mới, thì anh mới có được kho tàng chôn vùi dưới đất.
Để có thể dự lễ hay các sinh hoạt bác ái tông đồ, mỗi người cần hy sinh thời giờ của mình như hy sinh dậy sớm hơn, hy sinh giờ xem tivi giải trí, hy sinh những buổi “bà tám” những chuyện lặt vặt để có giờ đến nhà thờ, để có giờ đi làm việc tông đồ bác ái hay thậm chí hy sinh một buổi chợ, một buổi làm để có giờ tìm kiếm những điều thiêng liêng cao quý hơn.
Qua các bài đọc, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết rằng, chúng ta cần phải làm gì để đạt được Nước Trời, đạt được kho báu thiêng liêng. Nó đòi hỏi một sự “nhanh tay, lẹ mắt” để có thể sở hữu “bất động sản” mà mình muốn và để có “lãi to”.
Câu chuyện vua Sôlômôn trong Bài đọc một cũng chính là mẫu gương của sự chọn lựa. Ông biết ông cần phải chọn lựa điều gì cho mình khi mà Thiên Chúa hứa ban cho điều ông xin. Ông đã không xin của cải vật chất, bò bê súc vật hàng đàn, nhưng đã xin sự khôn ngoan. Ông đã xin điều đẹp lòng Chúa.
Cuộc sống thiêng liêng của chúng ta cũng như thế, nó đòi hỏi sự nhanh tay lẹ mắt và để sở hữu Nước Trời qua việc chọn lựa. Chúng ta cũng cần phải biết chọn lựa điều gì thật sự cần thiết cho mình trong đời sống thiêng liêng.
Và Nước Trời là điều mới mẻ, như thế, như các nhà thông luật trong bài Tin Mừng cần phải có cái nhìn mới hơn về truyền thống, tức phải biết điều gì tốt hay xấu mà áp dụng, để đừng bị loại ra khỏi Nước Trời trong ngày sau hết như cá tốt và cá xấu. Điều mà trong đoạn cuối của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã muốn nhắc nhở những kẻ đang nghe Ngài.
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM