Sống đời thực tại với con mắt hướng nhìn trời cao – Lời Chúa Lễ Chúa Giêsu Lên Trời

0
1822

(Bài Ðọc I: Cv 1,1-11; Bài Ðọc II: Ep 1,17-23; Phúc âm: Mt 28,16-20)

Hành trình 40 ngày trong mùa Phục Sinh năm nay có một chút gì đấy hơi đặc biệt đối với phần lớn người Kitô hữu. Đó là hành trình 40 ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử khi phải sống giữa quãng thời gian của đại dịch virus Covid-19. Với Đức Giêsu, đó là hành trình 40 ngày Chúa ở lại với các Tông đồ sau khi Ngài từ cõi chết sống lại để an ủi, dạy dỗ, cũng như củng cố đức tin cho các ông khi họ đang phải đối đầu với sợ hãi và cô đơn.

Con số 40 trong Kinh Thánh là một con số đặc biệt. Chúng ta có thể liệt kê vài sự kiện chính: ông Môsê lên núi Sinai 40 đêm ngày đàm đạo với Thiên Chúa trong ăn chay và cầu nguyện; Dân Do-thái đi trong sa mạc 40 năm trước khi vào miền đất hứa; Tiên tri Êlia đã chay tịnh 40 đêm ngày khi đi đến núi Horeb của Thiên Chúa trong hoang mạc…

Bốn mươi ngày sau khi Chúa phục sinh là quãng thời gian để Chúa củng cố các Tông đồ về đức tin, bằng cách nhiều lần hiện ra với các ông và để chuẩn bị cho các ông đón nhận sứ mạng và công việc mà Ngài sẽ trao phó cho các ông, sau khi Ngài về trời với Chúa Cha.

Chúa lên trời, còn chúng ta vẫn đang sống đời thực tại. Vậy làm sao để chúng ta sống đời sống thực tại này với con mắt luôn hướng về trời với những điều thiêng liêng. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta những niềm hy vọng.

Chúa Phục Sinh luôn ở cùng chúng ta cho đến tận cùng thời gian.

Chúa Giêsu lên trời vừa là điểm kết thúc cuộc hành trình của Ngài nơi dương thế, vừa là điểm khởi đầu sứ vụ cho các môn đệ. Chúa về trời đó là sự kết thúc sự hiện diện thể lý của Chúa nơi trần gian và Ngài bắt đầu một cách thức hiện diện mới với các môn đệ yêu dấu “và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Bây giờ Chúa Giêsu lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Ngài không bỏ rơi các môn đệ, nhưng Ngài hứa sẽ ban Thánh Thần xuống trên các ông “như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1,5). Chúa Thánh Thần sẽ xức dầu cho họ với quyền năng từ trời cao trong ngày lễ Ngũ Tuần, như Đức Giêsu cũng đã được xức dầu để khởi đầu sứ vụ rao giảng tại sông Giođan (Luke 3,21-22, 4,1-18). Khi Đức Giêsu về cùng Chúa Cha, Ngài không để lại đau khổ và sự thất vọng cho các môn đệ, nhưng Ngài hứa họ sẽ nhận được đầy tràn niềm vui và sự mong đợi ngày hiện xuống của Chúa Thánh Thần.

Lời hứa này vẫn tồn tại và hôm nay Chúa đang hiện diện với con người trong các cách thức mới mẻ nơi các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, qua các trang sách Kinh Thánh, v.v… Ngài luôn ở cùng và đồng hành với con người trên con đường tiến về quê trời. Vì thế, dẫu cuộc sống có đầy lắng lo, sợ hãi buồn phiền hay thất vọng, thì xin hãy nhớ rằng, Chúa đang ở cùng chúng ta. Ngài vẫn ban tặng cho chúng ta nhiều niềm vui và hồng ân mỗi ngày qua ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu tăng cường sức mạnh cho chúng ta để chúng ta tiếp tục sứ mệnh của Ngài.

Chúa Cha cất lên trời thân xác vinh quang của Chúa Con và tôn vinh Ngài bên hữu ngai vĩnh cửu. Đức Giêsu trong thân xác phục sinh của Ngài bây giờ ngự trị trong vinh quang để làm chủ trên trời dưới đất – muôn tạo vật mà Ngài đã tạo thành. Ngài khẩn cầu Chúa Cha cho chúng ta và Ngài tăng cường sức mạnh cho chúng ta qua Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu ban lại cho chúng ta đời sống mới và củng cố chúng ta trong đức tin, đức cậy và đức mến để chúng ta có thể phục vụ và mang lấy công trình của Ngài trên trái đất, với tư cách là công dân Nước Trời “nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con” (Cv 1,8).

Công trình của Chúa là một công trình vĩ đại, làm sao sức lực hay sự khôn ngoan của con người có thể đảm nhận nổi. Bởi đó, tất cả những gì chúng ta làm sẽ được Chúa ban ơn sức mạnh hầu có thể hoàn thành sứ mạng ấy. Điều này nơi bài đọc II thánh Phaolô đã nhắc nhớ cộng đoàn mình vì điều ấy “xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người…” (Ep 1,17). Vì vậy, chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng này mà Chúa đã hứa ban và cố gắng chu toàn bổn phận người Kitô hữu không phải chỉ bằng sức riêng, nhưng cũng bởi sức mạnh và quyền năng của Chúa ban cho.

Chúng ta sẽ làm chứng nhân cho Chúa đến tận cùng trái đất.

Những lời cuối cùng của Đức Giêsu trước khi về trời khai mở một sứ vụ và một trách nhiệm mà Ngài sẽ tín thác cho tất cả đi theo Ngài đó là làm chứng nhân và đại sứ của Ngài cho đến tận cùng trái đất “và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Mọi nước, mọi dân ở trên khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ được nghe rao giảng Tin Mừng. Đó là Tin Mừng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Ngài đã giải thoái con người khỏi mọi tội lỗi và sự chết và Ngài thiết lập cho họ “một vương quốc vĩnh cửu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý, và bình an” (Kinh Tiền tụng lễ Kitô Vua).

Vì thế, đây là lời mọi gọi mọi người đã lãnh nhận phép rửa trở thành những nhà truyền giáo để đem Tin Mừng ấy đến với muôn dân (Ad Gentes). Vì Tin Mừng ấy mang sức mạnh của sự cứu rỗi và mọi người cần được nghe Tin Mừng ấy, như thánh Phaolô đã nói “quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (Rm 1,16). Và thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị khẳng định rằng: “truyền giáo là một vấn đề của đức tin, một chứng tỏ xác thực cho thấy niềm tin của chúng ta nơi Chúa Kitô và nơi tình Người yêu thương chúng ta” (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 11).

Mỗi người Kitô hữu khi tham gia rao giảng Tin Mừng là để minh chứng niềm tin và tình yêu ấy mà họ đã lãnh nhận nơi Chúa và họ có sứ vụ đem niềm tin và tình yêu ấy cho những ai chưa nhận biết Chúa, để họ cũng tin và nhận biết tình yêu của Chúa.

Nhưng làm sao để trở nên chứng nhân như thế?  Đó là chúng ta sẽ được đón nhận ơn Thánh Thần và rồi nhờ sức mạnh của Thánh Thần chúng ta trở nên chứng nhân của Chúa: “nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).  

Tin Mừng là quyền năng của Thiên Chúa và Tin Mừng sẽ giải thoát con người khỏi tội lỗi, áp bức, sự chết và Tin Mừng cũng là quyền năng chữa lành “là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người” (Ep 1,23). Điều quan trọng là chúng ta phải tin rằng Tin Mừng ấy có quyền năng thay đổi và biến đổi đời sống con người.

Chúa về trời để khai mào một sứ vụ mới cho mọi người Kitô hữu. Sứ vụ mới đó không phải là một cuộc hành trình phiêu lưu với những sự cao siêu trên trời, nhưng đó là một thực tại đức tin cần phải sống và thực thi. Ước gì mọi người biết trở lại cuộc sống đời thường của mình trong sức mạnh của Thánh Thần để làm cho Tin Mừng của Chúa được mọi dân, mọi chốn nhận biết và đón nhận ơn cứu độ.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM