I. Các bài đọc
Bài đọc 1: 2 V 4,42-44
Bài trích sách các Vua quyển thứ 2: ngôn sứ Eliha nuôi 100 người với 20 ổ bánh mạch nha.
Đáp ca: Tv 145,10-11,15-16,17-18
Thánh vịnh 145: Thiên Chúa nuôi dân Người và lắng nghe tiếng họ kêu xin.
Bài đọc 2: Ep 4,1-6
Trích thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Ephêxô: người Ephêxô được khuyến khích sống sự hiệp nhất trong ơn gọi của họ.
Tin Mừng: Ga 6:1-15
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, để nuôi năm ngàn người ăn, với năm chiếc bánh và hai con cá.
II. Chia sẻ
Gần đây tôi có kinh nghiệm về phép lạ hóa bánh ra nhiều trong đời thường. Đó là, như tôi được biết đến về chương trình mục vụ Vincent helps, do tỉnh dòng Phi Luật Tân phát động, nhằm để cung cấp thực phẩm cho người nghèo trong mùa đại dịch Covid. Kể từ khi đại dịch nổ ra, thì chương trình này cũng ra đời gần như cùng thời. Đến nay đã hơn một năm, thế nhưng hằng ngày vẫn có hàng tấn gạo và đồ ăn, thức uống được phân phát cho người nghèo mỗi ngày tại Manila.
Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu về kinh tế và việc làm, thì việc kiếm được các mạnh thường quân giúp đỡ, để duy trì phong trào xem như là một điều không tưởng. Nhưng trên thực tế, chương trình đã duy trì ngoài sức tưởng tượng của người khác.
Hay gần đây nhất mà chúng ta thấy, là các chuyến xe chở lương thực và rau xanh từ khắp nơi về “Sài Gòn thương lắm”, để trợ giúp người dân trong những ngày cách ly xã hội này. Vì đâu? Có lẽ vì tình thương yêu và niềm hy vọng của mọi người dành người nghèo, cho đồng bào của mình, mà nhờ đó, những chương trình này đã tồn tại.
Với tôi, đây là một kinh nghiệm “hóa bánh” trong đời thường để nuôi dân chúng. Vì xem ra, những gì chúng ta có, chẳng đáng gì so với con số những người cần. Thế nhưng, Chúa đã làm từ cái thiếu thốn, thành một sự dư thừa ngoài sức tưởng tượng.
Câu chuyện hình bóng về phép lạ hóa bánh ra nhiều, chính là câu chuyện của ngôn sứ Elisa, đã dùng 20 chiếc bánh yến mạch, mà cho một trăm người ăn no nê. Người của Chúa đã làm điều mà người tiểu đồng nghĩ rằng nó là vô lý “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?” (2 V 4,42). Thế nhưng, khi anh ta làm theo lời Elisha nói, thì phép lạ đã diễn ra.
Cũng như thế, trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đã mời gọi các môn đệ hãy cho dân chúng ăn, trong khi dân chúng thì cả ngàn người, còn các môn đệ tìm mãi, cũng chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá.
Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ và dân chúng kinh ngạc, vì Ngài đã làm điều mà họ chưa thấy bao giờ. Đoạn Tin Mừng này là một sự nối kết của đoạn Tin Mừng trước đó, nói về việc Chúa Giêsu “chạnh lòng thương dân chúng, vì chúng bơ vơ như đàn chiên không có người chăm sóc”. Và xuất phát từ tình thương ấy, mà Chúa Giêsu đã hành động làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng.
Đó chính là hình ảnh báo trước về Thánh Thể. Thánh Vinh Sơn đã từng nói “tình yêu sáng tạo đến vô tận.” Xuất phát từ tình yêu, mà Chúa Giêsu đã làm điều, mà nghĩ rằng không thể làm được. Tình yêu luôn có sáng kiến để yêu thương và để phục vụ. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu truyền lại, chính là sáng kiến của tình yêu. Ngài yêu thương và Ngài trao ban chính mình cho nhân loại, để làm lương thực nuôi sống đoàn chiên.
Từ tình yêu, sẽ đi đến hành động như Chúa Giêsu đã làm. Ngài không chỉ “chạnh lòng”, nhưng Ngài còn “hóa bánh ra nhiều”. Từ tình yêu cảm tính, Chúa Giêsu đã đi đến một tình yêu thiết thực, là làm cho bánh hóa ra nhiều, để nuôi dân chúng trong hoang mạc. Nếu chỉ ngồi say sưa với những hình ảnh bóng bẩy của tình yêu thì dễ, nhưng để làm cho tình yêu trở nên thực tiễn, thì đòi hỏi người ấy phải cố gắng rất nhiều. Chính các môn đệ đã được Chúa Giêsu mời gọi và thách đố các ông như thế.
Lời mời gọi và thách đố ấy của Chúa Giêsu, cũng chính là lời mời gọi mà thánh Phaolô nói với giáo đoàn Ephêxô về ơn gọi của họ “tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.” (Ep 4,1). Đó là ơn gọi “để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.” (Ep 4,4).
Thánh Phaolô giải thích rằng, hy vọng đó đến qua Chúa Giêsu và kết hợp với nhau như một thân thể trong Thánh Thần, trong sự hợp nhất với Chúa Cha, để Thiên Chúa cự ngụ trong và qua mọi người. Ơn gọi của chúng ta, là trở thành con người xác thực của chúng ta, là biết cho đi những món quà của riêng chúng ta, cho một “thân thể” mà chúng ta đang trở thành: “Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,6).
Điều này chính là lý thuyết về hy vọng, hiệp nhất và ơn gọi. Các bài đọc của chúng ta từ sách các Vua và Tin Mừng Gioan đã cho một số điều cụ thể hơn. Khi với 20 chiếc bánh nhỏ, Eliha đã là được điều lớn lao. Với năm chiếc bánh và hai con cá, Đức Giêsu đã làm những điều lớn lao.
Từ những điều nhỏ bé, những hy vọng mong manh, chúng ta có thể làm được những điều vĩ đại từ con tim quảng đại của mình. Đó là niềm hy vọng chúng ta có trong lúc này, khi Chúa mời gọi chúng ta sống điều ấy cho những anh em mình.
Vậy trong cuộc sống đã bao nhiêu lần tôi hành động thiết thực cho tình yêu cho những người xung quanh tôi? Tôi có dám can đảm để cho tình yêu của mình với tha nhân bị thách đố trong sự tin tưởng vào Chúa?
Nếu chúng ta dám hành động vì tình yêu chắc hẳn trên thế giới sẽ bớt đi nhiều đau khổ và nhiều người sẽ tìm lại niềm vui của mình. Đó chính là chúng ta đang sống trong cùng một mối tương quan. Vì khi chúng ta biết nghĩ đến người khác và hành động vì họ. Đó là cách biểu lộ tình thương thiết thực của chúng ta dành cho họ và là niềm hy vọng mà chúng ta vươn tới.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM