Sự Cộng Tác Của Thánh Louise De Marillac Và Thánh Vinh Sơn Phaolô

0
1308

Hai tính cách khác biệt đã được kết hợp cùng nhau theo kế hoạch của Thiên Chúa

Thánh Louise de Marillac: nhà lãnh đạo Vinh Sơn đầu tiên được đào tạo theo cách của Thánh Vinh Sơn Phaolô

Vào ngày 6 tháng 5 năm 1629, Vinh Sơn đã gửi Louise de Marillac đi thực hiện một nhiệm vụ. Thánh nhân gửi Louise đến Montmirail để thăm một trong những Hội Bác Ái đầu tiên. Kể từ khi thành lập vào năm 1617, những thành viên của hội đã phát triển và mở rộng, nhưng cũng gặp khó khăn trong nhiều lĩnh vực. Tinh thần nguyên thuỷ của họ bị đe dọa. Cần một ai đó đến thăm họ, nghiên cứu các hoạt động của họ và làm hồi sinh sự nhiệt thành đặc trưng của các thành viên như lúc khởi đầu. Trong cái nhìn của thánh Vinh Sơn, dường như không ai phù hợp hơn để thực hiện nhiệm vụ tế nhị và đòi hỏi khắt khe này cho bằng Louise de Marillac.

Này Cô! Hãy đi, nhân danh Chúa chúng ta

Vì vậy, với niềm vui trong tâm hồn và giai điệu trữ tình trên môi, Vinh Sơn đã mượn lời cầu nguyện của các tu sĩ lưu động, Lời Kinh Lên Đường, để viết cho Louise, “Vì vậy, này Cô, hãy đi, hãy nhân danh Chúa chúng ta. Tôi cầu xin Chúa Lòng Lành đồng hành với cô, trở thành niềm an ủi trên hành trình của cô, là bóng mát cho cô chống đỡ sức nóng của mặt trời, là nơi trú ẩn cho cô trong mưa sa gió lạnh, là giường ấm nệm êm cho cô trong lúc mệt mỏi, là sức mạnh của cô trong những công việc vất vả, và sau cùng, xin Người đưa trở về bình an và thu lượm được những hoa trái tốt lành.”

Vinh Sơn trao cho Louise một số lời khuyên

Trong khi báo trước cho Louise rằng vai trò lãnh đạo phục vụ mà cô đang đảm nhận sẽ mang theo niềm vui và đau khổ, thành công và thất bại, cũng giống như trong cuộc đời của Chúa Kitô, hình mẫu của họ, Vinh Sơn tiếp tục: “Hãy rước lễ vào ngày khởi hành của cô để tôn vinh Tình yêu của Chúa chúng ta, cũng như tôn vinh các công trình mà Ngài đã thực hiện trong và nhờ Tình yêu nàynhững khó khăn, xung đột, mệt mỏi và công việc mà Ngài đã chịu đựng. Xin Chúa ban phúc lành cho cuộc hành trình của cô, ban cho cô tinh thần của Ngài và ân sủng để hành động trong cùng tinh thần này, và chịu đựng những rắc rối của cô theo cách mà Ngài đã chịu đựng ngày xưa. “

Hành trình lãnh đạo phục vụ của thánh Louise

Vào ngày 6 tháng 5 năm 1629 đó, cả Vinh Sơn và Louise đều không biết hành trình tổ chức phục vụ sẽ đưa cô đi bao xa, cũng như sự mở rộng của nó đối với Giáo hội và đối với việc phục vụ những người cần đến nó. Tuy nhiên, điều họ chắc chắn nhận ra là Louise de Marillac đã đạt được một bước ngoặt trong cuộc đời cô và trái tim cô giờ đã sẵn sàng để bắt đầu công việc mà Chúa gọi cô và Ngài đã nhào nặn nên cô qua sự bi thảm của các biến cố trong cuộc đời cô – những biến cố thường để lại đau thương. Lúc này, cô đã ba mươi tám tuổi.

Một tình bạn bất đắc dĩ lúc đầu

Khi họ gặp nhau lần đầu, thánh Vinh Sơn hẳn đã suy nghĩ, vì ngài thường làm như vậy liên quan đến những thành công của đời mình, “Tôi chưa bao giờ nghĩ về nó … (nhưng) đó là Chúa.” Thật vậy, ai có thể tin rằng người phụ nữ yếu đuối, khó tính mà thánh nhân gặp lần đầu tiên đã được sắp đặt trở thành bạn của ngài và là người cộng tác thân thiết nhất và làm việc với ngài trong ba mươi sáu năm, như người viết tiểu sử của Louise, Jean Calvet nói, “trở nên những gì họ là bởi vì Louise de Marillac đã đụng chạm đến chúng”? Tương quan ban đầu của họ khá khó khăn. Dường như đã có sự miễn cưỡng từ cả hai phía để hướng đến một tình bạn tâm linh.

Sự miễn cưỡng ban đầu của thánh Vinh Sơn

Việc ứng phó với tính bối rối của Louise đã khiến Vinh Sơn mất nhiều thời gian và sức lực mà đáng lý được dùng cho việc truyền giáo và phục vụ người nghèo. Người ta có thể cho rằng Vinh Sơn đã không hứng thú với việc làm linh hướng cho một người phụ nữ khác có tính cách tương tự như Madame de Gondi, người đã đặt ra những đòi hỏi nặng nề cho thánh nhân trong vai trò là cha linh hướng của bà.

Sự miễn cưỡng của Louise

Vào tháng 6 năm 1623, Louise đã nói với chúng ta về mối ác cảm của cô trong việc thay đổi cha linh hướng. Phải thừa nhận rằng, đối với người phụ nữ quý tộc và trí thức này, việc thay đổi vị linh hướng từ Michel de Marillac, Jean Pierre Le Camus, và có thể cả Francis de Sales nữa, sang Vinh Sơn de Paul, một linh mục có nguồn gốc nông dân miền Gascony, thực sự là một thay đổi lớn. Hơn nữa, vào thời điểm đó, cô đang phải đối phó với căn bệnh nan y của chồng và gánh nặng làm mẹ cho một đứa trẻ cá biệt. May mắn thay, họ đã quyết định thử nghiệm. Chúng ta không chắc chắn chính xác lý do của quyết định này, nhưng được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, họ sẽ gạt bỏ những mong muốn và do dự riêng để tham gia trọn vẹn vào kế hoạch của Thiên Chúa.

Trong bốn năm tiếp theo, Vinh Sơn và Louise thường xuyên liên lạc qua thư từ cũng như các cuộc gặp gỡ riêng tư. Dưới sự hướng dẫn của Vinh Sơn, Louise đã có được sự cân bằng, bình an và thanh thản trong cuộc sống. Vào năm 1629, Vinh Sơn đã mời Louise tham gia vào công việc của mình với Hội Bác Ái. Cô đã tìm thấy thành công lớn trong những nỗ lực này.

Kết hợp với nhau nhờ Thiên Chúa

Tình bạn giữa hai cá tính rất khác biệt nhau này, mà được bắt đầu rất khó hiểu, là một bằng chứng có ý nghĩa lớn lao đối với Giáo hội và cho người nghèo. Đã có rất nhiều khó khăn phải vượt qua nhưng cả Vinh Sơn và Louise đều sớm nhận ra sự cần thiết của sự kết hợp những ơn ban và tài năng của họ cho một công việc chưa được ai xác định rõ ngoại trừ một mình Thiên Chúa

Là một cộng tác viên chứ không phải là bản sao

Louise de Marillac luôn đặt những lời khuyên và sự ủng hộ của Vinh Sơn ở một giá trị cao. Họ là những người bạn và cộng tác viên thật sự cho những công việc đó. Tuy nhiên, cả về đời sống thiêng liêng lẫn phong cách lãnh đạo của Louise đều không giống với Vinh Sơn.

Một số điều chúng ta biết về thánh Louise

  • Louise đã trải qua nhiều nỗi đau trong đời, những điều đó dạy cô phải kết hiệp với Chúa Kitô bị đóng đinh.
  • Louise nhấn mạnh đến sự cần thiết và cao quý của lòng trắc ẩn, bất kể tình huống có thể xảy ra như thế nào.
  • Bằng cách chịu đựng cũng như phục vụ những người hoạn nạn, cô kết hiệp với Chúa Kitô trên Thập giá.
  • Sự tận tâm và khích lệ người bệnh bắt nguồn từ trong cuộc chiến đấu với bệnh tật của chính mình.
  • Hoàn cảnh gia đình và kinh nghiệm sống của Louise hoàn toàn trái ngược với Vinh Sơn; cách lãnh đạo của Louise sẽ phát triển khác với Vinh Sơn.

Được thúc đẩy bởi Đức Ái của Chúa Kitô chịu đau khổ

Như vậy, một cuộc sống mà nỗi đau không bao giờ hoàn toàn vắng bóng và được duy trì bởi sự kết hợp với Đấng Cứu Chuộc đau khổ, đã trở thành động lực vô cùng lớn trong việc phục vụ cho những người đau khổ. Đồng hành với hành trình tâm linh và hoạt động tông đồ của Vinh Sơn, Louise de Marillac đã làm biến đổi một linh đạo về “cái Tôi”, về mối liên hệ riêng tư thẳm sâu với Thiên Chúa, thành một linh đạo về “cái chúng ta” hay như Calvet sẽ gọi nó là “chủ nghĩa thần bí về nhóm.” Cô đã trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần  khi lập nên và điều hành các tổ chức mà sau này Đức Hồng Y Bernadin ở Chicago sẽ gọi là “những gia đình đức tin.”

Di sản của thánh Vinh Sơn

Thánh Vinh Sơn thành lập Hội Bác Ái từ một nhóm phụ nữ trong giáo xứ của mình. Thánh nhân đã quy tụ những người này từ những phụ nữ giàu có ở Paris để quyên góp cho các dự án truyền giáo, xây dựng các bệnh viện và gây quỹ cứu trợ cho các nạn nhân chiến tranh và dùng tiền này để chuộc 1.200 nô lệ từ Bắc Phi. Từ những quý bà này, với sự giúp đỡ của thánh Louise, thánh Vinh Sơn đã thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Vinh Sơn cũng thành lập Tu Hội Truyền Giáo, hay “Vincentian”. Vinh Sơn rất nhiệt tình trong việc tĩnh tâm cho các giáo sĩ, mà trong số họ vào thời điểm đó có sự lỏng lẻo, lạm dụng và thiếu hiểu biết. Thánh nhân là người tiên phong trong việc đào tạo hàng giáo sĩ và là một tác nhân trong việc thành lập các chủng viện.

Di sản của thánh Louise

Louise, người đồng sáng lập và dẫn dắt Tu Hội Nữ Tử Bác Ái của thánh Vinh Sơn, đã hướng dẫn họ đến một cuộc sống phục vụ người nghèo được hợp nhất trong nguyện gẫm và hành động. Các Nữ Tử Bác Ái không giống với phần còn lại là các cộng đoàn tu sĩ được thành lập vào thời điểm đó. Cho đến thời điểm này, tất cả các nữ tu đều ở trong những bức tường kín của tu viện và thực hiện nhiệm vụ cầu nguyện. Louise đã tổ chức và quản lý một loạt các công việc về y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội mà chúng ta vẫn đang tiếp tục trên năm châu lục cho đến ngày hôm nay.

Louise Sullivan, NTBA

Vincent Trần chuyển ngữ