Sự năng động của đức tin – Chia Sẻ Lời Chúa- Chúa Nhật XXXI TN- Năm C

0
1043

(Bài Ðọc I: Kn 11, 23 – 12, 2; Bài Ðọc II: 2 Tx 1, 11 – 2, 2; Phúc Âm: Lc 19, 1-10)

Bài đọc I: có thể nói đây là một bài ca về lòng thương xót Chúa dành cho mọi loài mọi vật trong đó có con người. Tất cả đều được Chúa thương yêu và được mời gọi để chia sẻ vinh quang và sự tuyệt hảo của Người. Dù là hạt cát bé bỏng hay tội nhân khốn khổ, Chúa đều thương yêu và Chúa muốn tất cả bước theo con đường ngay thẳng mà tin theo Chúa.

Bài đọc II: thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Thêxalônica “xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người”. Những việc làm bởi đức tin sẽ được Thiên Chúa kiện toàn và làm cho nên hoàn hảo hầu làm vinh danh Chúa.

Câu chuyện của ông Giakêu trong bài Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện hay về cảm thức đức tin của Giakêu. Nếu chỉ đọc thoáng qua người ta thường dễ hiểu lầm đây là câu chuyện Kinh Thánh thích hợp với nhiếu nhi hơn. Tuy nhiên, câu chuyện này hàm chứa cả một câu hỏi to lớn: điều gì đã làm cho Giakêu thay đổi cuộc đời? Câu chuyện này đã gợi lên cho tôi thấy cả một tiến trình năng động của đức tin nơi bản thân Giakêu. Sự năng động này được thể hiện qua một chuỗi các cụm  động từ miêu tả sự biến chuyển nơi bản thân ông: tìm cách – nhìn xem – chạy lên trước – trèo lên cây – vội vàng tụt xuống – vui vẻ đón tiếp – đứng lên – bố thí – đền bù. Chỉ là một sự tò mò ban đầu để rồi sau khi gặp gỡ Chúa ông đã thực sự được biến đổi. Điều này cho thấy:

Đức tin là một sự truy vấn để tìm kiếm sự thật: Có hai đặc tính của đức tin là tính chủ thể và khách thể (fides qua creditur và fides quae creditur). Điều này bao gồm việc chấp nhận các đạo lý của đức tin của một người nhưng cũng bao gồm cảm thức đức tin nơi người đón nhận đức tin. Giakêu đã được thôi thúc để tìm hiểu về ông Giêsu thành Nagiaret. Có lẽ ông đã cảm nhận một điều gì đó đặc biệt để rồi quyết tâm vượt qua mặc cảm bản thân để đi tìm sự thật đó. Trong Học thuyết về nhân vị (personalisme) thì mạc khải và đức tin được nhìn trong bối cảnh của cuộc đối thoại liên bản vị. Thiên Chúa nói với con người qua mạc khải, và con người đáp lại với Chúa bằng đức tin. Trước hết, tin phải là “tin ai”, rồi mới “tin cái gì” (điều mà người ấy nói). Tin là một cuộc gặp gỡ. Giakêu đã được gặp gỡ Chúa Giêsu hôm nay và ông đã được biến đổi cuộc sống.

Đức tin đòi hỏi hành động. Thánh Giacôbê nói “đức tin không có việc làm là đức tin chết” ( Gc 2: 17). Khi có đức tin rồi thì đòi hỏi phải có một lối sống thích hợp với đức tin ấy, khi đó đức tin đó mới sinh hoa trái. Nếu Giakêu chỉ dừng lại ở chuyện tò mò muốn biết Chúa Giêsu, rồi ông bỏ đi hay từ chối đón tiếp Chúa thì chẳng có ích chi cả. Nhưng ở đây ông phải cảm nhận một điều gì đó đặc biệt trong tâm hồn, để rồi thôi thúc ông đến sự hành động là bố thí cho người nghèo và đền bù cho người ông đã mắc nợ. Chính đức tin là làm cho ông hoán cải và ông đã đạt được phần thưởng thiêng liêng của đức tin.

Đức tin cần được khám phá trong tương quan cá vị. Nếu một người theo đạo, nhưng chưa bao giờ họ cảm nhận hay khám phá một điều gì đó trong tương quan cá vị với Thiên Chúa thì có nguy cơ chối bỏ đức tin. Thế nhưng một khi họ đã có tương quan cá vị trong đức tin thì đức tin ấy sẽ mang đến cho họ sức mạnh và sự can đảm để sống đức tin ấy dù cuộc đời có như thế nào như Gia kêu đã gặp Chúa, đón rước Người trong niềm vui.

Tất cả những điều này thôi thúc tôi phải không ngừng lên đường để tìm kiếm đức tin của mình mỗi ngày. Có thể nó được hiện thân qua những điều rất bình thường của cuộc sống. Sự tìm kiếm này luôn năng động và hiện sinh. Điều này đòi hỏi luôn luôn khám phá đức tin của mình qua các biến cố cuộc đời. Nơi đức Giêsu có một điều gì đó mà tôi phải luôn muốn biết về Người. Đồng thời điều này cũng mời gọi tôi phải sống cuộc sống Kitô hữu sao cho trở thành con người gây cảm thức đức tin cho những anh chị em chưa biết Chúa. Một tiến trình năng động hai chiều kích cho cuộc sống đức tin của tôi hôm nay.

Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, C.M