I. Các bài đọc
Bài đọc 1: Gs 24,1-2a,15-17,18b
Bài trích sách Giôsuê: Giôsuê và dân chúng tuyên bố rằng họ sẽ phục vụ Thiên Chúa.
Đáp ca: Tv 34,2-3,16-17,18-19,20-21
Thánh vịnh 34: Thiên Chúa lắng nghe tiếng khóc của người công chính.
Bài đọc 2: Ep 5,21-32
Trích thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Êphêsô: vợ chồng hãy yêu thương nhau như Đức Kitô yêu thương Hội thánh.
Tin Mừng: Ga 6,60-69
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: Phêrô tuyên xưng đức tin rằng, chỉ có Đức Kitô mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
II. Chia sẻ
Đoạn Tin Mừng hôm nay là đoạn kết về diễn từ “bánh hằng sống” trong Tin Mừng Gioan và lời tuyên tín của tông đồ Phêrô. Với những lời xì xầm về những lời Chúa Giêsu đã nói, khi khẳng định mình là bánh hằng sống, đám đông dường như cảm thấy không được thuyết phục. Họ không thể chấp nhận như thế. Dù họ đã được Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và cho ăn no nê.
Vậy điều đám đông, cũng như phần lớn các môn đệ đang tìm kiếm là gì? Phải chăng đó là sự hài lòng mang tính cá nhân hay một quyền lợi nào đó? Phải chăng là những “tầm thường” mà họ đang muốn theo đuổi? Hôm nay các bài đọc Lời Chúa sẽ mở ra một con đường khác cho các môn đệ và cũng là cho mỗi người chúng ta. Sự sống đời này hay sự sống đời sau là cùng đích của đời sống chúng ta?
Cam kết theo Chúa
Ông Giôsuê trong bài đọc I hôm nay, đã phải đứng ra làm trọng tài cho dân chúng, để xem họ chọn ai để thờ phượng: Thiên Chúa hay thần nào khác. Giôsuê đã nhìn thấy một thực tế của dân, khi hằng ngày họ phải đụng chạm với các thần của dân ngoại sống chung quanh dân Israel. Ông e ngại rằng, theo thời gian, dân chúng sẽ dần dần rời bỏ lòng tin của tổ tiên, mà đi theo thần của dân ngoại. Nên ông quyết định tập hợp dân chúng, để cho họ nói lên chọn lựa và phán quyết của mình trong đời sống đức tin. Cuối cùng chính họ đã kết luận “không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại” (Gs 24,16). Họ đã mạnh dạn nói lên lòng trung thành với Chúa, khi cùng đồng thanh nhắc lại biết bao nhiêu kỳ công Chúa đã làm cho cha ông họ.
Hình ảnh chọn Chúa này càng xúc động hơn, khi chúng ta thấy hình ảnh Phêrô tuyên xưng đức tin: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68). Sau khi cho dân chúng nghe và đã thấy những gì Ngài làm, thì Chúa đã muốn thử nghiệm lại đức tin và lòng trung thành của họ với Ngài như thế nào. Khi Chúa mặc khải về bánh sự sống, dường như phần đông các môn đệ đó đã rời bỏ Ngài mà ra đi, vì “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” (Ga 6,60). Chỉ vỏn vẹn lại nhóm 12, mà Phêrô là người đại diện đã nói lên lòng trung thành.
Đã có những nhóm truyền giáo rất thành công về số lượng, khi mở mang công cuộc rao giảng Tin Mừng. Thế nhưng, cũng có rất nhiều đã thất bại ngay sau đó. Có thể vì khi truyền giáo, các người tin theo Chúa được cho nhiều quà, tiền, nhà, v.v… cái này cái khác, rồi khi họ không còn được hưởng những điều đó nữa, thì dần dần họ cũng bỏ đạo và chẳng còn theo ai cả. Đó là một thực tế dễ gặp trong đời sống đức tin, nếu người ta tin theo Chúa chỉ vì theo đuổi một điều gì đó vật chất và tạm bợ. Họ sẽ không có động lực để theo Chúa, vì họ đã đặt sai mục đích của cuộc đời. Và vì mục tiêu của họ là tìm kiếm những gì là thế tục, là vật chất chứ không phải là để tìm kiếm những điều thiêng liêng.
Theo Chúa, điều cốt lõi cuối cùng như Chúa Giêsu đã nói rằng, chính Ngài là bánh hằng sống do Chúa Cha ban cho nhân loại. Điều này là để cho con người đạt được sự sống đời đời. Đây mới là điều mà chúng ta cần theo đuổi và Phêrô đã nhận ra điều ấy. Ông đã tuyên xưng và tiếp tục bước theo Chúa. Còn chúng ta thì sao? Khi phải đối mặt với những nghịch cảnh, chúng ta có theo Chúa không? Chính niềm tin vào Đức Giêsu sẽ dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.
Chung thủy trong hôn nhân là hình ảnh chung thủy của Đức Giêsu với Hội thánh Người
Hình ảnh chung thủy trong hôn nhân cũng được thánh Phaolô diễn tả, về mối tương quan của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài hay nói khác đi là với Giáo hội. Đó là một tình yêu được trao ban cho Giáo hội một cách nhưng không, vì “chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người” (Ep 5,23) và “vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người” (Ep 5,30).
Như vậy, chính chúng ta được thuộc về Thiên Chúa và Ngài là đầu, còn chúng ta là thân thể. Điều này diễn tả một sự gắn kết không thể tách rời, như đầu với thân thể, để làm cho một sự sống được hiện diện. Đó là tương quan giữa Chúa Kitô là đầu và Giáo hội là chi thể, mà chúng ta được sống. Chính tình yêu trao ban cách nhưng không của Chúa dành cho chúng ta, là để chúng ta trở nên thánh thiện hơn. Như vậy, tin và theo Chúa cũng như giữ cam kết trung thành với Ngài, là cách lối để chúng ta được sống động và cuối cùng là đạt được hạnh phúc đời đời. Đó cũng chính là điều cốt tủy của Bí tích Thánh Thể, bí tích của tình yêu, mỗi khi chúng ta lãnh nhận là để ta được sự sống đời đời: “Ai không ăn thịt và uống máu ta, thì sẽ không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53).
Thiên Chúa mà dân chúng trong bài đọc I kiếm tìm không phải là những thần của ngoại bang. Họ không tìm kiếm những vị thần mang lại giá trị vật chất, những vị thần của quyền lực… mà là tôn thờ một Thiên Chúa chân thật duy nhất, là Chúa của Israel. Cũng như Phêrô đã tìm kiếm và bước theo “Đấng mang lại sự sống đời đời.”
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ về lời mời gọi tin theo Chúa, qua diễn từ bánh hằng sống. Sự chọn lựa này là do Chúa Cha ban tặng: “Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho” (Ga 6,65). Vì thế, mỗi người Kitô hữu cần biết quý trọng ơn gọi tin theo Chúa. Cam kết trung thành theo Chúa, để trở nên thánh thiện và đạt hạnh phúc đời đời là cùng đích của đời sống chúng ta.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM