I. Các bài đọc
Bài đọc 1: Kn 7,7-11
Bài trích sách Khôn Ngoan: Đức khôn ngoan quý hơn vàng và bạc.
Đáp ca: Tv 90,12-13,14-15,16-17
Thánh vịnh 90: Thiên Chúa làm đầy chúng ta với tình yêu và niềm vui.
Bài đọc 2: Hr 4,12-13
Trích thư gởi tín hữu Hipri: Lời Chúa bộc lộ trong tâm hồn.
Tin Mừng: Mc 10,17-30
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: một người thanh niên giàu có hỏi Đức Giêsu, anh phải làm gì để đạt được sự sống đời đời.
II. Chia sẻ
Có một câu chuyện kể rằng “Một ông cụ nói với con trai của ông rằng: Con hãy nắm chặt tay lại và nói cho cha biết cảm giác của con là gì? Người con nắm chặt tay rồi nói: Con cảm thấy hơi mệt ạ! Ông cụ tiếp tục: Con hãy thử nắm mạnh hơn nữa! Người con trả lời: Con thấy mệt hơn ạ! Có hơi tức thở ạ!
Ông cụ lại nói: Vậy con hãy buông ra đi! Người con thở dài một hơi: Con thấy thoải mái hơn nhiều rồi ạ! Ông cụ: Khi con cảm thấy mệt mỏi, con càng nắm chặt thì sẽ càng mệt, thả lỏng nó ra thì sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều!
Câu chuyện của người con trai trong câu chuyện dẫn chúng ta vào câu chuyện của người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay. Anh là một người có thể nói là “có ý hướng ngay lành” khi tìm đến Chúa Giêsu để hỏi Ngài: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17). Điều này cho chúng ta thấy được, điều gì thì cần thiết để trở thành người môn đệ? hay điều gì cần để có thể sở hữu được Nước Trời.
Chúa là gia nghiệp
Trước câu hỏi của người thanh niên, Đức Giêsu đã đề nghị anh ta hai điều rất rõ ràng. Đó là: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời” (Mc 10,21). Và điều thứ hai là: “rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21). Nghĩa là “bán tài sản” đi và theo Chúa. Hai hành động của một điều thống nhất là điều kiện của người bước theo Chúa Giêsu.
Nhưng thật là một điều đáng tiếc, là anh ta đã không “vui”, khi nghe như thế: “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10,22). Như vậy, ngay lập tức anh đã đưa lên “bàn cân” để thấy sự nặng nhẹ của những tài sản của mình. Anh đã không vượt qua được ước muốn tốt lành của mình, bằng một hành vi từ bỏ. Giờ đây khát vọng “sự sống đời đời”, xem ra là điều không còn cần thiết đối với cuộc đời của anh.
Từ hình ảnh của anh thanh niên này, hãy nhìn vào gương của vua Solomon trong bài đọc I. Vua Solomon giàu có và điều ông tìm kiếm không phải của cải, nhưng là sự khôn ngoan, khi Chúa cho ông điều chọn lựa. Khôn ngoan tức là ân sủng do Chúa ban cách đặc biệt. Đó mới là điều quan trọng, chứ không phải tài sản vinh hoa phú quý của ông. Một điều xem ra đối nghịch với sự tìm kiếm của người thanh niên.
Chúa mới chính là sản nghiệp mà các môn đệ cần kiếm tìm và sở hữu. Như trong bài đọc sách Khôn ngoan, tác giả đã biết mình cần tìm kiếm điều gì: “Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan” (Kn 7,8). Giá trị vật chất không thể so sánh với giá trị tinh thần và nó không thể có cùng giá trị trên cùng một bàn cân.
Như vậy, tìm kiếm sự khôn ngoan cũng là một sự tìm kiếm Thiên Chúa và chọn Ngài làm gia nghiệp. Sự chọn lựa này đòi hỏi phải có một con tim khát khao Thiên Chúa cách đích thực. Chúa chính là gia nghiệp của người môn đệ, chứ không phải bất cứ điều gì khác. Vậy chúng ta có dám chọn Ngài làm gia nghiệp? Theo Chúa tức là để luôn gần Chúa, luôn giữ mối tương quan gần gũi với Ngài mỗi ngày. Đó chính là hành trình của người Kitô hữu, người môn đệ của Đức Giêsu.
Lời của sự phân định
Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã trở thành “người đồng hành thiêng liêng” đối với anh thanh niên và cũng là cho các môn đệ, qua sự đại diện của Phêrô. Khi anh thanh niên nghe những lời của Đức Giêsu thì “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” (Mc 10,22).
Những lời của Chúa Giêsu đã chạm đến nội tâm của người thanh niên và làm cho anh ta phải có sự cân nhắc thực sự về mục đích của đời mình. Sức mạnh của Lời như trong bài đọc II, thư Do Thái cho chúng ta thấy: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12 ).
Một sự phân định rõ ràng dành cho anh chàng thanh niên, khi anh muốn bước theo Chúa Giêsu. Những lời mời gọi của Chúa Giêsu làm cho một người phải phân định và làm quyết định. Không thể có một sự theo Chúa cách “nửa vời”. Đó phải là sự chọn lựa dứt khoát và thậm chí nó có thể làm cho người ta đau đớn. Sự đau đớn này diễn tả một sự từ bỏ dứt khoát và giúp người ta sống rõ ràng với quyết định về đời sống của mình.
Sống với Lời Chúa, siêng năng đọc Lời Chúa sẽ dễ dàng giúp ta tìm kiếm thánh Ý Chúa giữa cuộc sống bận rộn hằng ngày. Lời Chúa sẽ giúp ta nhận định và xem xét xem điều gì là cần thiết cho cuộc sống của mình.
Không có điều gì đủ cho ta ngoài việc chiếm được Nước Trời
Hình ảnh của người thanh niên cho thấy một sự khát khao thẳm sâu trong tim của mỗi người Kitô hữu. Anh có nhiều của cải và sống tốt lành mọi điều: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10,20). Thế nhưng, tự nội tâm anh vẫn thấy mình còn thiếu một điều gì đấy và anh muốn tìm câu trả lời từ Chúa Giêsu. Bất kỳ ai cũng có một nỗi khát khao thiêng liêng sâu thẳm. Tất cả những gì chúng ta đang có, không thể khỏa lấp nỗi khát khao tận chính trong tâm hồn mình. Như vậy, sự khát khao sự sống đời đời, mới chính là nỗi khát khao lớn nhất trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta biết sống cho nỗi khát khao này, chúng ta sẽ biết điều gì là đủ là đúng cho cuộc đời này.
Anh thanh niên đã khơi lên cho chúng ta khát vọng để luôn luôn hỏi Chúa: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17). Khát khao của tôi tìm kiếm có phải là danh vọng và vinh hoa thế gian hay điều gì khác? Vua Salomon và hình ảnh người thanh niên làm cho chúng ta thức tỉnh. Biết điều gì cần nắm giữ, biết điều gì cần buông bỏ trong cuộc sống, như những nhân vật trong câu chuyện hôm nay cũng là một sự Khôn ngoan vậy!
Lạy Chúa, chúng con là những người Kitô hữu, chúng con khát vọng theo Chúa và chúng con mong ước đạt được sự sống đời đời. Thế nhưng, đôi khi những giá trị đời này làm cho chúng con lơ là với mục đích cuối cùng của cuộc đời chúng con. Xin cho Lời Chúa làm cho chúng con được Khôn ngoan và sáng suốt, để chọn lựa những điều gì là cần thiết cho chúng con.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM