Sự sống – sự chết: Lời Chúa – Chúa Nhật V Mùa Chay

0
3438

(Bài Ðọc I: Ed 37,12-14; Bài Ðọc II: Rm 8,8-11; Phúc âm: Ga 11,1-45)

Trong những ngày này, cả thế giới phải chứng kiến cái ranh giới mỏng manh giữa sự sống và sự chết. Khi đứng trước cái chết, ai cũng sợ hãi trốn chạy. Và hơn lúc nào hết, nhiều người bây giờ mới nhận ra rằng, sự sống thật quý trọng.

Nhân loại như đang đi trong một đường hầm tăm tối và giờ đây, chỉ mong le lói mọt chút ánh sáng hy vọng nào đó, để có thể thoát khỏi đại dịch khủng khiếp này. Mọi người đều mong mỏi sẽ có một phép mầu nào đó xảy ra để chấm dứt việc chết chóc tang thương này.

Cuộc hành trình thiêng liêng của Mùa Chay cũng đang dần tới đích điểm, và tâm hồn người Kitô hữu cũng mong mỏi thấy được niềm hy vọng nào đó cho hành trình thiêng liêng này. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho mọi người thấy một niềm hy vọng lớn lao, đó là niềm hy vọng về sự sống lại.

Bài đọc I: trích sách ngôn sứ Êdêkiel, nói về hình ảnh Thiên Chúa sẽ mở nấm mồ của sự chết, rồi Thiên Chúa sẽ ban cho những kẻ chết thần trí của Người và khi đó họ sẽ được sống.

Bài đọc II: thánh Phaolô nói cho giáo đoàn Rôma về niềm hy vọng sống lại, và chính Thần Khí đã làm cho Đức Kitô sống lại, cũng sẽ làm cho thân xác người ta được sống trong cùng một Thần Khí ấy.

Bài Tin Mừng: là trình thuật về câu chuyện Chúa Giêsu làm cho anh Lazarô chết 4 ngày trong mồ được sống lại.

Như vậy cả ba bài đọc hôm nay chỉ xoáy quanh một chủ đề chính yếu đó là niềm hy vọng về sự sống lại hay phục sinh. Điều này dẫn người Kitô hữu đến niềm hy vọng sắp đến, đó là Đức Giêsu sẽ bước vào con đường khổ nạn, chết trên thập giá và Ngài sẽ phục sinh. Vậy điều này gợi lên cho tôi điều gì? Thưa, Lời Chúa hôm nay gợi lên cho tôi ba điều:

Đầu tiên hết, nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Giêsu nơi tâm hồn: điều này đến từ hình ảnh của cô Martha khi cô thưa với Chúa Giêsu: “thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết” (Ga 11, 21). Đây là câu nói rất thành tâm và đầy xác tín của cô Martha. Vì cô Martha tin rằng Đức Giêsu có quyền năng để làm cho anh Lazarô khỏi chết. Tuy nhiên, cô không nghĩ rằng Đức Giêsu không những có quyền năng làm cho người ta khỏi chết, mà dù có chết rồi, thì Ngài vẫn làm cho họ sống lại được, và bằng chứng, trường hợp Lazarô trong bài Tin Mừng hôm nay thể hiện rõ quyền năng của Chúa về điều ấy.

Thế nhưng, chuyện Đức Giêsu có ở đây hay không có ở đây, thì không quan trọng cho bằng việc là có nhận ra Đức Giêsu ở trong tâm hồn mình hay không. Cho dù Ngài có đấy, nhưng tôi không nhận ra Ngài là Chúa, là Đấng có quyền năng làm cho kẻ chết sống lại, thì việc Chúa hiện diện hay không xem ra chẳng có tác động nào nơi tâm hồn của tôi. Cho nên, điều này mời gọi tôi cần nhận ra Đức Kitô sống động ở nơi tâm hồn tôi. Ngài ở đó và làm cho tâm hồn tôi được phục sinh khỏi tội lỗi; được phục sinh khỏi những đam mê xấu xa; được phục sinh khỏi một nỗi thù hằn hay ghen ghét nào đó; hay khi đau khổ tuyệt vọng về một điều gì ấy, thì được phục sinh về niềm hy vọng…

 Nói về sự hiện diện sống động của Đức Giêsu trong tâm hồn, trong Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống, gởi cho các người trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói như sau: “dù các con đi lạc xa đến đâu, Người là Đấng Phục Sinh vẫn luôn ở đó. Người kêu gọi các con, Người chờ mong các con trở về với Người và bắt đầu lại mọi sự. Khi các con cảm thấy mình đang già đi vì ưu phiền, vì phẫn uất hay sợ hãi, vì nghi ngờ hay thất bại, Người sẽ vẫn luôn ở đó để phục hồi nghị lực và hy vọng của các con” (Christus vivit, số 2). Hy vọng tất cả anh chị em Kitô hữu luôn nhận ra sự hiện diện sống động này của Đức Giêsu nơi tâm hồn mình, nhất là trong hoàn cảnh thử thách hiện nay.

Thứ hai, niềm hy vọng về sự phục sinh thân xác: đây là điều mà người Kitô hữu vẫn thường hay đọc trong Kinh Tin Kính: tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Cả ba bài đọc Lời Chúa hôm nay đều quả quyết về điều này. Điều này mở ra cho người Kitô hữu về niềm tin sống lại vào ngày sau hết. Niềm hy vọng này để nhắc nhở tôi và mọi người rằng, tôi phải sống làm sao, để rồi sau này chính thân xác này sẽ trỗi dậy và hưởng niềm vui hoan lạc trên thiên đàng với Chúa.

Câu chuyện ông Gióp trong Kinh Thánh, khi ông đang phải đối diện với cảnh khốn cùng giữa sự chết và sự sống, thì ông đã thốt lên niềm tin của ông: “vì tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, da sẽ bọc lại thân tôi, và trong xác thịt, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tôi. Chính tôi sẽ nhìn thấy Người và mắt tôi sẽ trông thấy, chớ không phải ai khác: niềm hy vọng ấy đã chất chứa trong lòng tôi”( G 19, 25-27).  Mong ước rằng đây cũng niềm hy vọng chất chứa trong lòng tôi, cũng như nơi tất cả anh chị em Kitô hữu, để dù đối diện với cái chết đang diễn ra trên thế giới, chúng ta không bị đánh mất niềm hy vọng vào Thiên Chúa.

Cuối cùng, đó là cả sự sống – sự chết của chúng ta đều thuộc về Đức Kitô: điều này có thể thấy trong câu trả lời của Đức Giêsu với cô Martha: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” (Ga 11, 25-26). Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Ngài cho con người được thông phần vào sự sống ấy như thánh Phaolô nói trong Bài đọc II: “Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính.” Cho nên, thật hạnh phúc khi mọi người đều được kêu gọi để chia sẻ sự sống ấy, nơi Đức Kitô.

Điều này mở ra một niềm hy vọng tràn trề, là dù tôi sống hay chết, mà tôi tin vào Thiên Chúa, tin vào Ngài “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6), thì như thế, là tôi đã sống trong sự sống viên mãn với Ngài, và niềm hy vọng này chẳng thể nào bị giết chết bởi bất cứ điều gì dù sợ hãi, bệnh tật hay ngay cả sự chết.

Lạy Chúa, chúng con đang phải đối diện với những cái chết của những người anh chị em của chúng con vì con virus quái ác. Giờ này, chúng con cũng muốn thưa với Chúa, như cô Martha đã thưa với Chúa: nếu Thầy ở đây thì những người anh em của chúng con đã không chết. Và ngay cả cô Maria cũng thưa cùng một câu này với Chúa. Chúng con xin Chúa củng cố đức tin cho chúng con trong lúc này, để dù đối diện với cái chết thì chúng con không mất niềm hy vọng vào Chúa.  Như Chúa đã động lòng thương anh Lazarô đã chết trong mồ, thì xin Chúa cũng hay động lòng thương trước cái chết mà những người anh chị em chúng con đang phải gánh chịu. Và xin hãy ban cho chúng con được sống.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM