Nếu chúng ta chỉ nói rằng mình đang phải sống trong những thời điểm khó khăn thôi thì không đủ. Thời đại này cũng như thời đại khác. Chẳng hạn ở Châu Âu, tại Pháp, chúng ta đang trải qua giai đoạn suy thoái của các dòng tu và sự chống lại nền tảng giáo hội vốn đã bị vụn vỡ và gãy đổ. Thậm chí chúng ta còn nhắc đến một “xã hội lỏng lẻo”, bởi sự vững bền của nó có vẻ như mỏng mong và không ổn định.
Đây là thời đại của Sự quan phòng. Chúng ta được mời gọi vượt qua những gì bên ngoài để đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa, Đấng lèo lái cuộc đời chúng ta và kêu gọi chúng ta tin tưởng. Giờ đây, việc khởi đi từ một cơ cấu mạnh mẽ và đáng tự hào sang tính mỏng manh dễ vỡ của Phúc âm đang được xem như là đường lối của Thiên Chúa. Cuộc vượt qua này cho phép chúng ta đặt mọi hy vọng nơi Người chứ không phải nơi các hoạt động thuần tuý nhân loại. Và Thiên Chúa yêu mến thái độ phụ thuộc đó. Khi chúng ta chiếm hữu mọi thứ, chẳng hạn tài sản, tuổi trẻ, sức khoẻ, như thể chúng đến từ chúng ta thì chúng ta đã không đặt hy vọng gì nơi Người. Khi chúng ta ở trong sự khó nghèo và từ bỏ mọi so đo, tính toán là lúc chúng ta biết rằng Người đến trợ giúp và đồng hành với chúng ta trong mọi đau khổ.
Hãy suy niệm về chương nói về sự phó thác trong đời sống cá nhân và giáo hội ở Mt 6,25-33: “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?… Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”
Chúng ta được mời gọi gạt bỏ những lo âu, phiền muộn, sợ hãi và nhát đảm của mình. Chúng ta có thể đau khổ và đặt ra những chất vấn chính đáng về điều đó nhưng vẫn bám chặt vào Thiên Chúa. Hãy tránh day đi day lại quá khứ, thương tiếc củ hành củ tỏi bên Ai Cập, than khóc như khi lưu đày Babilon. Hãy nhìn vào vẻ đẹp của hiện tại: sự quốc tế hoá nơi các dòng tu của chúng ta, tính sáng tạo nơi các cộng đoàn nhỏ, thái độ quan tâm đến người nghèo, đặc tính ngôn sứ nơi những người ấy; hãy xem xét các dấu chỉ thời đại đang nở rộ trong Giáo Hội: các Công nghị giáo phận, các Hội đồng, vai trò ngày một tăng của người giáo dân, những người trưởng thành được rửa tội… Chúng ta có lý do để vui mừng và tin tưởng. Chúng ta có thể suy ngẫm những câu nói khôn ngoan bình dân như: “Fluctuat nec mergitur” – “Lênh đênh trên sóng, không bao giờ chìm” (Khẩu hiệu của thành phố Paris); “Tôi bị đè bẹp nhưng không ngã quỵ”, và luôn luôn là “Thần Khí muốn thổi đâu thì thổi”…
Thánh Vinh Sơn cũng kêu mời chúng ta xem biến cố như là mạc khải của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta. Thêm vào đó, điều này còn mời gọi chúng ta có thái độ tích cực và xem xét bằng đôi mắt kính phục những gì kết dệt nên khung ngày sống của chúng ta: kinh nghiệm đã sống, các cuộc gặp gỡ, sinh nhật, ốm đau và cái chết; thêm những điều nhỏ hơn như những nụ cười, mẩu đối thoại, niềm vui, những bữa tiệc… Bất cứ biến cố nào cũng đều là sứ giả của Thiên Chúa và bày tỏ ý muốn của Người. Bí quyết của các vị thánh, các nhà truyền giáo, các nữ tử phục vụ người nghèo và mọi thành viên Vinh Sơn, nam cũng như nữ, là hành xử theo kế hoạch của Thiên Chúa, là khám phá ra Đấng Quan Phòng trong đời sống của họ. Đó là một nghệ thuật sống đích thật.
Có một sự khôn ngoan nào đó thuộc gia sản Vinh Sơn, được xác minh nhờ việc quan sát và qua dòng thời gian. Thánh Vinh Sơn đã lưu ý: “Thời gian thay đổi mọi sự” (III, 390). Chúng ta phải đi qua đời mình bằng nhịp điệu của cuộc sống hàng ngày, giờ nọ nối tiếp giờ kia, ngày này sang ngày khác, nhờ việc đắm mình trong kinh nguyện (nhất là nguyện ngẫm) cho phép chúng ta hiểu được ngày mai trong Chúa. Hãy chắc chắn rằng: Phải luôn luôn khởi đi bằng việc trung thành với hiện tại. Đó là khởi điểm được sinh động hoá bởi Chúa Quan Phòng.
Jean-Pierre Renouard, CM
Fx. Đức chuyển ngữ