Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Mathia Tông Đồ

0
1344

(Cv 1,15-17.20-26; Ga 15,9-17)

Lời Chúa ngày hôm nay nói với chúng ta về việc hãy ở lại trong tình yêu của Đức Ki-tô.

Quả vậy, bài đọc I nói về tông đồ Mathia được chọn thế chỗ cho một người tông đồ trước đây tên Giu-đa. Mathia tông đồ được Thiên Chúa yêu thương một cách đặc biệt. Chính điều này cho thấy tương quan giữa tông đồ Mathia với Thiên Chúa là tương quan cá vị. Qua đó, với bài Tin Mừng, thánh sử Gioan nói về giá trị của tình yêu và phương cách được ở trong tình yêu của Đức Ki-tô, vì chính Đức Ki-tô ở trong Thiên Chúa. Vậy, làm sao để biết ta có đang ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa? Dựa vào các bài đọc Thánh Kinh, con xin chia sẻ một vài gợi ý như sau.

Điểm thứ nhất: “Ở”

Khi nói đến “ở” chúng ta thường hay nghĩ tới một vị trí địa lý. Nhưng ngày hôm nay Đức Ki-tô mời gọi ta không ở trong một giới hạn vị trí địa lý nào mà ở một vị trí thuộc phạm trù là “trái tim.” Trái tim chỉ yêu khi và chỉ khi hai trái tim rung động cùng một nhịp. Tình yêu của Thiên Chúa sẽ bao trùm lấy tình yêu của chúng ta. Chính khi tình yêu của ta được hòa lẫn vào trong tình yêu của Ngài, chúng ta sẽ cảm thấy Thiên Chúa luôn ở trong vũ trụ. Ngài bao trùm mọi thụ tạo. Mỗi thụ tạo là nơi biểu lộ quyền năng vinh quang của Thiên Chúa. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã phải ca ngợi công trình kỳ diệu của Thiên Chúa khi thấy một bông hoa đang phô diễn vẻ đẹp của mình. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta sẽ cùng rung lên những cung bậc của trái tim mà đôi khi còn có sự chen lấn của lý trí. Hai trái tim nối kết với nhau mới có thể cảm thông và thấu hiểu. Đó là sự ở trong tình yêu một cách chân thành, vì con tim có lý lẽ riêng của nó.

Điểm thứ hai: “Biết”

Người ở trong tình yêu là người biết mình yêu quý những gì. Tôi tìm kiếm gì trong tình yêu: danh vọng, tiền tài, vật chất… đó chỉ là những quyến luyến của trần gian. Khi biết mình được yêu là chính lúc ta biết bản thân đang yêu những gì. Tình yêu bên ngoài trái tim là những quyến luyến nhất thời, quyến luyến làm ta mất tự do trở nên nô lệ cho chính cái “tôi”. Trong khi đó, chính Thiên Chúa là đối tượng ta bước đi trong Ngài. Trong Ngài ta được tự do, ta biết mình được yêu và biết mình yêu những gì. “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Người.” Điều răn Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta chẳng phải là việc yêu mến Thiên Chúa qua việc yêu người? Thánh Vinh Sơn đã từng nói: “Chúng ta phải chuyển tình yêu cảm mến sang tình yêu thiết thực. Và đó là một tình yêu được cụ thể hóa trong các việc làm bác ái, phục vụ người nghèo được tiến hành với niềm vui, sự kiên trì và tình yêu dịu hiền” (SV XI, 593)

Điểm thứ ba: “Nên một”

“Để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.” Trọn vẹn trong niềm vui của Đức Ki-tô cũng được đồng hóa trong niềm vui của Thiên Chúa. Thánh Tôma đã phân tích mẫu gương tuyệt vời nhất về niềm vui khi bàn đến Đức Giêsu lúc còn tại thế. Bất chấp bao nhiêu cay đắng khổ cực, Đức Giêsu không bao giờ mất niềm vui, bởi vì Ngài luôn luôn kết hiệp với Chúa Cha: Ngài với Cha là một (Ga 10,30). Ngài sống cho Cha, lấy ý Cha làm lương thực (Ga 6,58) (III,q.15,6). Đức Ki-tô đã nói lên niềm vui của mình hòa lẫn trong niềm vui của Thiên Chúa là khi anh em yêu thương nhau. Niềm vui của Đức Ki-tô không phải là sự che giấu mà là một sự biểu lộ ra bên ngoài một cách cụ thể. Ngài đòi buộc chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương người anh em của mình, còn không chúng ta chỉ là kẻ nói dối. Thánh Vinh Sơn đã khẳng định rằng: “Yêu mến Thiên Chúa thôi thì chưa đủ, tình yêu này phải được kết hợp với tình yêu tha nhân” (SV II, 261), và ngài cũng nói thêm rằng: “Tất cả hạnh phúc của chúng ta cốt ở việc hoàn thành thánh ý Thiên Chúa và sự khôn ngoan đích thật hệ tại ở việc không mơ ước gì ngoài việc đó” (SV IV,289). Việc thực hành giới răn yêu thương là sự hạnh phúc trọn vẹn nên một trong Thiên Chúa.

Tóm lại, các bài đọc Kinh Thánh ngày hôm nay nói với mỗi người chúng ta về việc ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa. Để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn, nên một với Ngài, chúng ta cần xác định lại bản thân đang ở đâu trong tình yêu. Với những câu hỏi tự đặt ra hãy trả lời với chính Chúa : Trước tiên, con đang ở đâu trong Ngài? Kế đến, con đang tìm kiếm hay yêu mến thứ gì? Cuối cùng, niềm vui của con có phải là niềm vui của Chúa không hay chỉ là niềm vui của chính con?

Giuse Nguyễn Ngọc Vũ